Kết hợp phát triển kinh tế – xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng – an ninh trong phát triển các vùng lãnh thổ là sự gắn kết chặt chẽ phát triển vùng kinh tế chiến lược với xây dựng vùng chiến lược quốc phòng, an ninh nhằm tạo ra thế bố trí chiến lược mới cả về kinh tế lẫn quốc phòng, an ninh trên từng vùng lãnh thổ, trên địa bàn tỉnh, thành phố, theo ý đồ phòng thủ chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam bền vững trên toàn cục và mạnh ở từng trọng điểm.
Hiện nay, nước ta đã phân chia thành các vùng kinh tế lớn và các vùng chiến lược, các quân khu. Mỗi vùng đều có vị trí chiến lược về phát triển kinh tế và chiến lược phòng thủ bảo vệ Tổ quốc. Các vùng chiến lược khác nhau có sự khác nhau về đặc điểm và yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế, quốc phòng, an ninh, nên nội dung kết hợp cụ thể trong mỗi vùng có thể có sự khác nhau. Song việc kết hợp đó phải được thể hiện những nội dung chủ yếu sau:
+ Một là, kết hợp trong xây dựng chiến lược, qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội với quốc phòng – an ninh của vùng, cũng như trên địa bàn từng tỉnh, thành phố.
+ Hai là, kết hợp trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, cơ cấu kinh tế địa phương với xây dựng các khu phòng thủ then chốt, các cụm chiến đấu liên hoàn, các xã (phường) chiến đấu trên địa bàn của các tỉnh (thành phố), quận (huyện)
+ Ba là, kết hợp trong quá trình phân công lạilao động của vùng, phân bố lại dân cư với tổ chức xây dựng và điều chỉnh, sắp xếp, bố trí lại lực lượng quốc phòng, an ninh trên từng địa bàn, lãnh thổ cho phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và kế hoạch phòng thủ bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm ở đâu có đất, có biển, đảo là ở đó có dân và có lực lượng quốc phòng, an ninh để bảo vệ cơ sở, bảo vệ Tổ quốc.
+ Bốn là, kết hợp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế với xây dựng các công trình quốc phòng, quân sự, phòng thủ dân sự, thiết bị chiến trường… Bảo đảm tính “lưỡng dụng” trong mỗi công trình được xây dựng.
+ Năm là, kết hợp xây dựng các cơ sở, kinh tế vững mạnh toàn diện, rộng khắp với xây dựng các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu cần, kĩ thuật và hậu phương vững chắc cho mỗi vùng và ở các địa phương để sẵn sang đối phó khi có chiến tranh xâm lược.
– Hiện nay Đảng ta xác định phải chú trọng nhiều hơn cho các vùng kinh tế trọng điểm, vùng biển đảo và vùng biên giới.
Đối với vùng kinh tế trong điểm:
– Một là, trong quy hoạch, kế hoạch xây dựng các thành phố, các khu công nghiệp cần lựa chọn qui mô trung bình, bố trí phân tán, trải đều trên diện rộng, không nên xây dựng tập trung thành những siêu đô thị lớn, để thuận lợi cho quản lí, giữ gìn an ninh chính trị trong thời bình và hạn chế hậu quả tiến công hoả lực của địch khi có chiến tranh.
– Hai là, phải kết hợp chặt chẽ trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế với kết cấu hạ tầng của nền quốc phòng toàn dân. Gắn xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế với các công trình phòng thủ, các thiết bị chiến trường, các công trình phòng thủ dân sự.
– Ba là, trong quá trình xây dựng các khu công nghiệp tập trung, đặc khu kinh tế phải có sự gắn kết với qui hoạch xây dựng lực lượng quốc phòng – an ninh, các tổ chức chính trị, đoàn thể ngay trong các tổ chức kinh tế đó. Lựa chọn đối tác đầu tư, bố trí xen kẽ, tạo thế đan cài lợi ích giữa các nhà đầu tư nước ngoài trong các khu công nghiệp, đặc khu kinh tế, khu chế xuất.
– Bốn là, việc xây dựng, phát triển kinh tế ở các vùng kinh tế trọng điểm phải nhằm đáp ứng phục vụ nhu cầu dân sinh thời bình và cả cho việc chuẩn bị đáp ứng nhu cầu chi viện cho các chiến trường khi chiến tranh xảy ra. Kết hợp phát triển kinh tế tại chỗ với xây dựng căn cứ hậu phương của từng vùng kinh tế trọng điểm để sẵn sàng chủ động di dời, sơ tán đến nơi an toàn khi có tình huống chiến tranh xâm lược.
Đối với vùng núi biên giới:
– Phải quan tâm đầu tư phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, an ninh ở các vùng cửa khẩu, các vùng giáp biên giới với các nước.
– Phải tổ chức tốt việc định canh, định cư tại chỗ và có chính sách phù hợp để động viên, điều chỉnh dân số từ các nơi khác đến vùng núi biên giới.
– Tập trung xây dựng các xã trọng điểm về kinh tế và quốc phòng, an ninh. Trước hết cần tập trung xây dựng phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở, mở mới và nâng cấp các tuyến đường dọc, ngang, các tuyến đường vành đai kinh tế.
– Thực hiện tốt chương trình xoá đói, giảm nghèo, chương trình 135 về phát triển kinh tế
– xã hội đối với các xã nghèo
– Đối với những nơi có địa thế quan trọng, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, cần kết hợp mọi nguồn lực, mọi lực lượng của cả Trung ương và địa phương để cùng giải quyết.
– Đặc biệt với các địa bàn chiến lược trọng yếu dọc sát biên giới, cần có chính sách động viên và sử dụng lực lượng vũ trang, lực lượng quân đội làm nòng cốt xây dựng các khu kinh tế quốc phòng hoặc các khu quốc phòng – kinh tế, nhằm tạo thế và lực mới cho phát triển kinh tế, xã hội và tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh.
Đối với vùng biển đảo:
– Tập trung trước hết vào xây dựng, hoàn thiện chiến lược phát triển kinh tế và xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh bảo về biển, đảo trong tình hình mới, làm cơ sở cho việc thực hiện kết hợp kinh tế, xã hội với quốc phòng, an ninh một cách cơ bản, toàn diện và lâu dài.
– Xây dựng qui hoạch, kế hoạch từng bước đưa dân ra vùng ven biển và các tuyến đảo gần trước để có lực lượng xây dựng căn cứ hậu phương, bám trụ phát triển kinh tế và bảo vệ biển, đảo một cách vững chắc, lâu dài.
– Nhà nước phải có cơ chế, chính sách thoả đáng động viên, khích lệ dân ra đảo bám trụ làm ăn lâu dài.
– Phát triển các loại hình dịch vụ trên biển, đảo, tạo điều kiện cho dân bám trụ, sinh sống và làm ăn
– Xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện mở rộng liên kết làm ăn kinh tế ở vùng biển, đảo thuộc chủ quyền nước ta với các nước phát triển
– Chú trọng đầu tư phát triển chương trình đánh bắt xa bờ, thông qua đó xây dựng lực lượng dân quân biển, các hải đoàn tự vệ của ngành Hàng hải, cảnh sát biển, kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn kịp thời những hoạt động vi phạm chủ quyền biển, đảo của nước ta.
– Xây dựng phương án đối phó với các tình huống có thể xảy ra ở vùng biển đảo nước ta. Đầu tư xây dựng lực lượng nòng cốt và thế trận phòng thủ trên biển đảo, trước hết là phát triển và hiện đại hoá lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam để đủ sức mạnh canh giữ, bảo vệ vùng biển đảo.