Anh chị hãy nêu những điểm giống và khác nhau giữa nhà nước pháp quyền tư sản và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Anh chị hãy nêu những điểm giống và khác nhau giữa nhà nước pháp quyền tư sản và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đảng cộng sản Việt Nam đã đưa ra những định hướng nào để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

[toc]

1. Bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Trong khi lý luận về pháp quyền tư sản đã có một lịch sử mấy trăm năm từ thời cận đại Tây Âu và một bề dày kinh nghiệm thực tiễn tương ứng, thì ở các nước xã hội chủ nghĩa, lý luận về nhà nước pháp quyền xã hội nghĩa mới được đặt ra một cách cấp bách từ thời kỳ đổi mới, khi mà nền kinh tế đang chuyển dần sang mô hình tổ chức kinh tế thị trường . Đó là một đòi hỏi tất yếu của quá trình tăng cường vai trò nhà nước xã hội chủ nghĩa trong quản lý các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.

Trên cơ sở nghiên cứu các di sản kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin về

nhà nước, tổng kết kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh và kế thừa những giá trị phổ biến của các lý luận triết học pháp quyền trong lịch sử, có thể khái quát như sau:

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là nhà nước của dân, do dân và vì dân, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nạm; trên cơ sở liên minh vững chắc giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ tri thức; là công cụ quyền lực chủ yếu để nhân dân xây dựng một quốc gia dân tộc độc lập xã hội chủ nghĩa theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập, dân tộc dân chủ và tiến bộ trên thế giới.

Khái quát trên đây đã được xác định trong các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX và X của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nó đã nêu rõ điểm bản chất nhất của nhà nước pháp quyền là nhà nước mang bản chất “của dân, do dân và vì dân”.

Trong tổ chức và hoạt động của mình, quyền lực Nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc thống nhất, nhưng có sự phân công và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tổ chức hoạt động của Nhà nước thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, bảo đảm sự thống nhất tổ chức và hành động, phát huy đồng bộ và kết hợp chặt chẽ sức mạnh của cả cộng động và từng cá nhân, của cả nước và từng địa phương, của cả toàn bộ hệ thống bộ máy và từng yếu tố cấu thành nó. Tập trung dân chủ đòi hỏi phải chống lại tập trung quan liêu và phân tán, cục bộ.

2. Những điểm giống và khác nhau giữa nhà nước pháp quyền tư sản và nhà nước pháp quyền XHCN

Giống nhau:

READ:  Thị trường là gì? Vai trò của nó trong nền sản xuất hàng hóa

Pháp luật được đề cao và là công cụ chủ yếu để quản lý mọi hoạt động của xã hội và công dân. Ngay cả hoạt động của các cơ quan thuộc hệ thống tổ chức nhà nước cũng phải tuân theo pháp luật, mặc dù chính nó là những cơ quan công bố, ban hành, thực thi và kiểm tra việc thực hiện pháp luật.

Khác nhau:

– Điểm khác biệt căn bản giữa nhà nước pháp quyền XHCN mà chúng ta đang xây dựng với nhà nước pháp quyền tư sản ở chỗ, nếu như trong nhà nước pháp quyền tư sản quyền lực của nhà nước được phân cho ba cơ quan khác nhau hoàn toàn độc lập với nhau đảm nhiệm, thì một trong những nguyên tắc quan trọng của nhà nước pháp quyền XHCN là quyền lực nhà nước thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

– Nhà nước pháp quyền Việt Nam là nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân nên hệ thống pháp luật thể hiện tập trung ý chí, lợi ích và nguyện vọng của nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức. Trong khi nhà nước pháp quyền tư sản là của giai cấp tư sản nhằm thực hiện nền chuyên chính tư sản đối với giai cấp vô sản và nhân dân lao động.

– Nhà nước pháp quyền Việt Nam được đặt dưới sự lãnh đạo của ĐCS VN, thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật, theo pháp luật. Nhà nước pháp quyền tư sản được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng nhìn chung có 2 hình thức cơ bản là quân chủ lập hiến và các hình thức cộng hòa, chung quy lại đều là nền chuyên chính tư sản.

3. Đảng cộng sản Việt Nam đã đưa ra những định hướng để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn cách mạng hiện nay như sau:

Theo tinh thần và nội dung trong Văn kiện Đại hội IX và X của Đảng, việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, cần thiết phải thực hiện năm điểm cơ bản sau đây:

Một là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, với quan điểm Nhà nước ta là công cụ chủ yếu để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Mọi cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, mọi công dân có nghĩa vụ chấp hành Hiến pháp và pháp luật.

Để tăng cường vai trò của Nhà nước phải tiến hành cải cách tổ chức và hoạt động của Nhà nước gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn; nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức Đảng và đảng viên trong các cơ quan nhà nước.

READ:  Phân tích hai phương pháp sản xuất giá trị thặng dư và Ý nghĩa lý luận và thực tiễn?

Hai là, tiến hành cải cách thể chế và phương thức hoạt động của Nhà nước, theo hướng kiện toàn tổ chức, đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, trọng tâm là tăng cường công tác lập pháp, xây dựng chương trình dài hạn về lập pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đổi mới qui trình ban hành và hướng dẫn thi hành pháp luật. Xây dựng một nền hành chính nhà nước dân chủ, trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại hóa phân công, phân cấp, nâng cao tính chủ động của chính quyền địa phương. Cải cách tổ chức, nâng cao chất lượng và hoạt động của các cơ quan tư pháp. Thực hiện tinh giảm biên chế trong các cơ quan nhà nước.

Ba là, tiếp tục phát huy dân chủ, giữ vững kỉ luật, kỉ cương tăng cường pháp chế, theo hướng nâng cao chất lượng đại biểu quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân, hoàn thiện những qui định về bầu cử, ứng cử, về tiêu chuẩn và cơ cấu các đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân trên cơ sở thật sự phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tăng cường pháp chế, quản lý xã hội bằng pháp luật, tuyên truyền, giáo dục toàn dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

Bốn là, tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có năng lực, thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo quản lý. Sắp xếp lại đội ngũ cán bộ theo đúng chức danh tiêu chuẩn. Định kỳ kiểm tra, đánh giá chất lượng cán bộ, công chức để kịp thời thay thế cán bộ công chức yếu kém và thoái hóa. Có chính sách đãi ngộ, đào tạo đối với cán bộ cấp xã, phường, thị trấn.

Năm là, kiến quyết, tiếp tục đấu tranh chống tham nhũng trong bộ máy nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị ở mọi cấp, mọi ngành từ Trung ương đến cơ sở; cùng với việc chống tham nhũng, phái chống tham ô lãng phí, quan liêu, buôn lậu, đặc biệt là các hành vi lợi dụng chức quyền để làm giàu bất chính. Để làm tốt công tác chống tham nhũng hiện nay có nhiều biện pháp phải thực hiện như xóa bỏ thủ tục hành chính phiền hà, phát huy dân chủ cơ sở, giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ đảng viên, v.v… nhưng cần thiết phải xem xét trách nhiệm hình sự hoặc có hình thức kỷ luật thích đáng đối với những người đứng đầu cơ quan, đơn vị nơi xảy ra những vụ tham nhũng lớn, gây hậu quả nghiêm trọng.