Vấn đề con người trong chủ nghĩa Mác-Lênin?

1) Trong chủ nghĩa Mác-Lênin, con người luôn là nội dung cơ bản.

Tìm bản chất con người để giải phóng con người khỏi xã hội tư bản cũ với những giai cấp và những sự đối kháng giai cấp của nó; xây dựng một liên hợp, trong đó, sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện phát triển tự do của tất cả mọi người là mục đích cuối cùng của chủ nghĩa Mác-Lênin về con người.

2) Bản chất con người

a) Con người là thực thể thống nhất giữa mặt sinh vật với mặt xã hội.

+) Là sản phẩm của quá trình phát triển lâu dài của giới tự nhiên; con người có nhu cầu tự nhiên nên phải tuân theo sự chi phối của các quy luật tự nhiên. Là một thực thể tự nhiên-sinh vật, con người cũng tồn tại với những bản năng và nhu cầu tự nhiên như ăn, uống, sinh con v.v và chịu sự chi phối của quy luật tự nhiên như quy luật sinh học (trao đổi chất, di truyền, biến dị, thích nghi môi trường sống v.v).

+) Cái khác biệt giữa con người với con vật là bản năng của con người đã được ý thức; quy luật tâm lý, ý thức của con người được hình thành từ nền tảng sinh học như tình cảm, khát vọng, niềm tin, ý chí v.v giúp con người khai thác, cải tạo tự nhiên và sáng tạo thêm những gì mà tự nhiên không có để thoả mãn nhu cầu sinh tồn và phát triển của mình.

Bản năng của con vật là bản năng sinh tồn thuần tuý, cuộc sống của nó hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên. yếu tố tự nhiên-sinh vật ở con người là tiền đề, là điều kiện cần thiết cho sự hình thành và hoạt động của con người. Yếu tố đó tồn tại vĩnh viễn bởi nó là cái sinh vật, cái vật chất sinh lý của con người. Xã hội càng văn minh, con người càng phát triển thì bản năng động vật của nó càng thu hẹp lại, nhường chỗ cho những hành vi tự giác.

READ:  Phân tích nội dung quy luật chuyển hóa từ những thay đổi về lượng dẫn đến những thay đổi về chất và ngược lại

Con người là một thực thể xã hội hoạt động có ý thức và sáng tạo. Là sản phẩm của quá trình xã hội hóa; có nhu cầu xã hội nên phải tuân theo các chuẩn mực xã hội; con người có bản tính xã hội. Bản chất xã hội của con người được thể hiện trong các hoạt động xã hội mà trước hết là trong sản xuất vật chất để duy trì đời sống của mình. Lao động là hành vi lịch sử đầu tiên, là hoạt động bản chất của con người mà nhờ đó con người tách ra khỏi động vật.

Con người chỉ tồn tại với tư cách là con người trong quan hệ với con người, với thế giới xung quanh. Hệ thống các quan hệ xã hội của con người được hình thành trong quá trình hoạt động thực tiễn và tham gia vào đời sống xã hội và đến lượt mình, chúng quy định đời sống xã hội, quy định bản chất xã hội của con người. Như vậy, quan hệ xã hội là yếu tố cấu thành, là đặc trưng bản chất của con người. Bản chất xã hội đó được xây dựng từ cơ sở thực thể tự nhiên-sinh vật của con người.

b) Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hoà những quan hệ xã hội.

Về bản chất, con người khác với con vật ở cả ba mặt, trong quan hệ giữa con người với giới tự nhiên, quan hệ giữa con người với xã hội và quan hệ giữa con người với chính bản thân mình. Trong đó quan hệ giữa con người với xã hội là quan hệ bản chất nhất. Không có con người trừu tượng sống ngoài điều kiện, hoàn cảnh lịch sử xã hội, mà ngược lại trong điều kiện, hoàn cảnh và bằng hoạt động thực tiễn của mình, con người tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần để tồn tại và phát triển về thể lực, trí lực và chỉ trong các mối quan hệ xã hội trên và các quan hệ khác như giai cấp, dân tộc, thời đại, chính trị, kinh tế, cá nhân, gia đình, xã hội v.v, con người mới thể hiện bản chất của mình. Nhấn mạnh mặt xã hội là coi bản chất xã hội của con người là yếu tố cơ bản nhất để phân biệt con người với động vật và cũng để khắc phục thiếu sót của các nhà triết học không thấy được bản chất xã hội của con người. Hơn nữa, bản chất trên mang tính phổ biến nhưng không phải là cái duy nhất; do vậy, cũng phải thấy cái riêng biệt, phong phú và đa dạng của mỗi cá nhân về phong cách, nhu cầu, lợi ích v.v trong cộng đồng xã hội.

READ:  Tập hợp câu hỏi triết ngắn thuộc môn Những nguyên lý cơ bản

c) Con người vừa là chủ thể vừa là sản phẩm của lịch sử.

Con người tác động, cải biến tự nhiên bằng hoạt động thực tiễn của mình, thúc đẩy sự vận động và phát triển của xã hội. Lao động vừa là điều kiện cho sự tồn tại, phát triển của con người, vừa là phương thức làm biến đổi đời sống xã hội. Không có con người thì cũng không tồn tại các quy luật xã hội, không có sự tồn tại của toàn bộ lịch sử xã hội.

Bản chất con người luôn vận động, thay đổi cùng với sự thay đổi của điều kiện lịch sử; bản chất đó là hệ thống mở, tương ứng với điều kiện tồn tại của con người. “Con người tạo ra hoàn cảnh đến mức nào thì hoàn cảnh cũng tạo ra con người đến mức ấy”. Mỗi sự vận động và phát triển của lịch sử quy định sự biến đổi bản chất con người.