Tích lũy tư bản là gì?

Tích lũy tư bản là gì? Những nhân tố nào ảnh hưởng đến quy mô tích lũy tư bản? Thế nào là tích tụ, tập trung và cấu tạo hữu cơ của tư bản?

1. Tích lũy tư bản và nhân tố ảnh hưởng đến quy mô của tích lũy.

– Tích lũy tư bản là biến một phần giá trị thặng dư thành tư bản để mở rộng sản xuất, tăng thêm quy mô bóc lột.

Tích lũy tư bản là tất yếu khách quan do quy luật kinh tế cơ bản, quy luật giá trị và cạnh tranh… của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa quy định. Nguồn gốc duy nhất của tư bản tích lũy là giá trị thặng dư; thực chất của tích lũy tư bản là biến một phần giá trị thặng dư thành tư bản phụ thêm để mở rộng sản xuất.

– Quy mô tích lũy phụ thuộc vào khối lượng giá trị thặng dư và tỷ lệ phân chia giá trị thặng dư thành tư bản phụ thêm và thu nhập (bộ phận giá trị thặng dư nhà tư bản tiêu dùng cho cá nhân). Nếu tỷ lệ phân chia không thay đổi, thì quy mô tích lũy phụ thuộc vào các nhân tố làm tăng khối lượng giá trị thặng dư như:

+ Tăng cường bóc lột sức lao động. Nhân tố này biểu hiện ở chỗ cắt xén tiền công, tăng cường độ lao động đối với công nhân làm thuê.

+ Tăng năng suất lao động xã hội. Đây là đòn bẩy kinh tế mạnh
mẽ và có tác dụng thiết thực đối với tích lũy.

+ Sự chênh lệch ngày càng lớn giữa tư bản sử dụng (tức giá trị máy móc, thiết bị được sử dụng) và tư bản tiêu dùng (tức giá trị tiêu hao của máy móc, thiết bị đó qua mỗi chu kỳ sản xuất).

+ Quy mô tư bản ứng trước. Quy mô tư bản ứng trước càng lớn, càng có điều kiện phát triển nhanh, do đó tích lũy ngày càng nhiều.

2. Tích tụ tư bản.

Tích tụ tư bản là sự tăng thêm quy mô tư bản cá biệt bằng cách tư bản hóa một phần giá trị thặng dư. Tích tụ tư bản là kết quả trực tiếp của tích lũy tư bản. Chẳng hạn, một tư bản 1.000 đôla cộng thêm 100 đôla giá trị thặng dư tư bản hóa thành một tư bản lớn hơn là 1.100 đôla.

READ:  Phân tích mối quan hệ giữa hai thuộc tính của hàng hoá với tính hai mặt của lao động sản xuất hàng hoá?

Tích tụ tư bản là một tất yếu. Trước hết đó là do yêu cầu của quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa tư bản, của cạnh tranh và của tiến bộ kỹ thuật. Đồng thời trình độ bóc lột và khối lượng giá trị thặng dư bóc lột được ngày càng tăng trong quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản là điều kiện vật chất làm cho khả năng tư bản hóa giá trị thặng dư biến thành hiện thực tích tụ tư bản.

3. Tập trung tư bản.

Tập trung tư bản là sự tăng thêm quy mô tư bản bằng cách kết hợp nhiều tư bản nhỏ thành một tư bản lớn hơn. Thí dụ: một tư bản 3.000 đôla hợp lại với một tư bản 2.000 đôla thành một tư bản lớn hơn là 5.000 đôla.

Tập trung tư bản thường diễn ra bằng hai phương pháp. Phương pháp cưỡng bức và phương pháp tự nguyện. Phương pháp cưỡng bức thể hiện ở chỗ: trong quá trình cạnh tranh, các nhà tư bản lớn thôn tính các nhà tư bản nhỏ phá sản. Ở phương pháp tự nguyện trong quá trình cạnh tranh, các nhà tư bản không phân thắng bại, họ liên hiệp lại và tổ chức các công ty cổ phần để tránh khỏi sự phá sản và có đủ sức mạnh cần thiết cho cạnh tranh trên phạm vi mới.

Nếu tích tụ tư bản làm tăng quy mô tư bản xã hội và phản ánh mối quan hệ trực tiếp giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản thì tập trung tư bản không làm tăng quy mô tư bản xã hội mà chỉ phân phối lại và tổ chức lại tư bản xã hội; nó phản ánh quan hệ trực tiếp giữa các nhà tư bản.

Tích tụ và tập trung tư bản có quan hệ với nhau và tác động thúc đẩy nhau. Tích tụ tư bản làm tăng quy mô tư bản cá biệt khiến cho cạnh tranh gay gắt hơn, dẫn đến sự tập trung tư bản. Tập trung tư bản tạo ra điều kiện để tăng cường bóc lột giá trì thặng dư và đẩy mạnh tích tụ tư bản.

4. Cấu tạo hữu cơ của tư bản.

– Trong quá trình tích lũy tư bản, cơ cấu tư bản dần dần thay đổi. Các bộ phận của tư bản có sự thay đổi không giống nhau. Cấu tạo của tư bản gồm có hai mặt: mặt vật chất và mặt giá trị.

READ:  Khái lược về vai trò chức năng thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng?

+ Cấu tạo của tư bản về mặt vật chất gồm có tư liệu sản xuất và sức lao động. Tỷ lệ giữa số lượng tư liệu sản xuất và số lượng sức lao động sử dụng tư liệu sản xuất đó gọi là cấu tạo kỹ thuật của tư bản.

+ Cấu tạo của tư bản về mặt giá trị gồm có tư bản bất biến và tư bản khả biến. Tỷ lệ giữa tư bản bất biến và tư bản khả biến gọi là cấu tạo giá trị của tư bản.

+ Cấu tạo kỹ thuật và cấu tạo giá trị có quan hệ chặt chẽ với nhau. Để chỉ mối quan hệ chặt chẽ đó, C.Mác dùng khái niệm cấu tạo hữu cơ của tư bản. Vậy cấu tạo hữu cơ của tư bản là cấu tạo giá trị của tư bản do cấu tạo kỹ thuật quy định và phản ánh những thay đổi của cấu tạo kỹ thuật.

Cấu tạo hữu cơ của tư bản thay đổi tùy theo mức độ phát triển của lực lượng sản xuất.

Ở giai đoạn công nghiệp hóa tư bản chủ nghĩa, phát triển công nghiệp cơ khí, cấu tạo hữu cơ của tư bản tăng lên rất nhanh.

Nhưng hiện nay có nhiều ngành công nghiệp sản xuất ra các máy móc, thiết bị kỹ thuật mới rẻ hơn so với các máy móc, thiết bị kỹ thuật cũ mà chính nó thay thế, hoặc đang phát triển ngành có cấu tạo hữu cơ thấp như lĩnh vực dịch vụ. Vì vậy, hiện nay xu hướng tăng lên của cấu tạo hữu cơ của tư bản không rõ rệt ở một số ngành. Vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ hơn.