Nguyên nhân của sự chuyển biến chủ nghĩa tư bản thành chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước?

Nguyên nhân của sự chuyển biến chủ nghĩa tư bản thành chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước? Đặc trưng, những hình thức biểu hiện và cơ chế điều tiết nền kinh tế của chủ nghĩa tư bản độc quyền

Chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước là hình thức phát triển cao của chủ nghĩa tư bản độc quyền. Nó là sự kết hợp sức mạnh của các tổ chức độc quyền với sức mạnh nhà nước thành một cơ chế thống nhất bảo vệ lợi ích của giai cấp tư bản độc quyền, duy trì và củng cố chế độ tư bản chủ nghĩa.

Tiền đề khách quan cho chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nư ớc ra đời là tích tụ tư bản và tập trung sản xuất trong điều kiện thống trị của các tổ chức độc quyền cùng với những nguyên nhân trực tiếp là hàng loạt mâu thuẫn bên trong và bên ngoài của chủ nghĩa đế quốc, đặc biệt là mâu thuẫn sâu sắc giữa tính chất xã hội hóa của sản xuất và sự chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất. Việc xã hội hóa cao của lực lượng sản xuất do quá trình tập trung, chuyên môn hóa, tổ hợp liên hợp hóa nền sản xuất xã hội cùng với những thành tựu mới của tiến bộ khoa học – kỹ thuật đã tạo nên một cơ cấu kinh tế đồ sộ; nó đòi hỏi có sự điều tiết xã hội đối với quá trình sản xuất.

Mặt khác, cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật đẩy nhanh quá trình xã hội hóa lực lượng sản xuất, biến đổi cơ cấu sản xuất. Điều đó đòi hỏi lượng tư bản lớn để cải tạo cơ cấu sản xuất, đổi mới tư bản cố định, nghiên cứu, thực nghiệm, ứng dụng thành tựu khoa học – kỹ thuật, nhưng các tổ chức độc quyền không tự giải quyết nổi, cần có sự tham gia của nhà nước.

READ:  Ý nghĩa của việc nghiên cứu địa tô đối với việc giải quyết các vấn đề ruộng đất?

– Sự thu hẹp hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc cùng với sự ra đời của hệ thống đối lập là các nước xã hội chủ nghĩa, buộc bọn tư bản độc quyền phải nắm lấy nhà nước, biến nhà nước thành công cụ bảo vệ, phục vụ lợi ích của chủ nghĩa tư bản độc quyền.

Với sự cải biến nào đó về hình thức quan hệ sản xuất, nhưng chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước vẫn mang những đặc trưng cơ bản của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa; nó chỉ là sự phát triển ở mức độ cao của chủ nghĩa tư bản độc quyền với những đặc trưng sau:

+ Nhà nước thực hiện chức năng điều tiết kinh tế vĩ mô, lãnh
đạo đời sống kinh tế từ một trung tâm.

+ Nhà nước phục vụ toàn diện nhu cầu của tư bản độc quyền; ngược lại, tư bản độc quyền nắm và sử dụng sức mạnh bộ máy nhà nước bằng một hệ thống tác động qua lại phức tạp giữa nhà nước và các tổ chức độc quyền.

+ Nhà nước tham gia có mức độ việc điều tiết, giới hạn sự tự do hoạt động của tư bản, gắng điều hòa mâu thuẫn và hậu quả tiêu cực do thống trị của độc quyền sinh ra.

Những hình thức biểu hiện của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước:

+ Nhà nước là chủ kinh doanh, tức là hình thành, phát triển sở hữu nhà nước: sở hữu của độc quyền nhà nước phục vụ lợi ích tư bản độc quyền. Sở hữu nhà nước hình thành bằng cách quốc hữu hóa tư bản chủ nghĩa, đầu tư xây dựng mới, góp cổ phần với tư bản tư nhân… Nhà nước quốc hữu hóa để cứu tư bản tư nhân khỏi phá sản; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ít lợi nhuận, vốn lớn; đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học – kỹ thuật…

READ:  Tích lũy tư bản là gì?

+ Nhà nước thực hiện chính sách thu nhập: phân phối lại thu nhập của các xí nghiệp nhà nước có lợi cho tư bản độc quyền. Với “hệ thống bảo hiểm xã hội” nhà nước điều tiết các quan hệ phân phối, làm lợi cho các tổ chức độc quyền.

+ Nhà nước điều tiết nền kinh tế bằng việc sử dụng các hệ thống tài chính, tín dụng, tạo thị trường, can thiệp vào quan hệ kinh tế quốc tế.

Với sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước, cơ chế điều tiết nền sản xuất xã hội có bước ngoặt lớn. Đó là sự kết hợp hữu cơ giữa sự điều tiết của quan hệ thị trường với sự điều tiết tập trung của nhà nước. Các tổ chức độc quyền điều tiết vi mô bằng các kế hoạch trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường. Nhà nước giữ vai trò điều tiết vĩ mô bằng việc dự báo, dự đoán và định hướng từng thời kỳ, với các công cụ chương trình hóa kinh tế chính sách cơ cấu và các hệ thống tài chính tín dụng, chính sách đầu tư…

Như vậy, cơ chế điều tiết nền kinh tế của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước tạo ra sự phối hợp điều tiết hợp lý hơn tính tự phát của cơ chế thị trường trong tự do cạnh tranh tư bản chủ nghĩa.