Trình bày diễn biến chính và ý nghĩa của cuộc cách mạng 1905 – 1907 ở Nga

Nguyên nhân bùng nổ cách mạng:

– Đầu thế kỉ XX, nước Nga lâm vào tình trạng khủng hoảng, đời sống nhân dân nói chung, nhất là công nhân rất cực khổ, họ phải lao động từ 12 đến 14 giờ/ ngày nhưng tiền lương không đủ sống.

– Từ năm 1905 đến năm 1907, Nga hoàng đẩy nhân dân Nga vào cuộc chiến tranh với Nhật Bản để tranh giành thuộc địa, bị thất bại nặng nề, càng làm cho nhân dân chán ghét chế độ. Nhiều cuộc bãi công nổ ra với những khẩu hiệu “Đả đảo chế độ chuyên chế”, “Đả đảo chiến tranh”, “Ngày làm 8 giờ”,…

Diễn biến:

– Trong các phong trào chống Nga hoàng, lớn nhất là cuộc Cách mạng 1905 – 1907 với sự tham gia của đông đảo công nhân, nông dân và binh lính.

– Mở đầu là ngày 9 – 1 – 1905, 14 vạn công nhân Pê-téc-bua và gia đình tay không vũ khí kéo đến trước Cung điện Mùa Đông đưa bản yêu sách đến Nga hoàng. Nga hoàng ra lệnh cho quân đội nổ súng vào đoàn người làm hơn 1000 người chết và bị thương, trở thành “Ngày Chủ nhật đẫm máu”. Lập tức, công nhân nổi dậy cầm vũ khí khởi nghĩa.

READ:  Trình bày những chuyển biến lớn về kinh tế, chính trị, xã hội ở Tây Âu trong các thế kỉ XV - XVII?

– Tiếp đó, tháng 5 – 1905, nông dân nhiều vùng nổi dậy phá dinh cơ của địa chủ phong kiến, lấy của người giàu chia cho người nghèo.

– Tháng 6 – 1905, binh lính trên chiến hạm Pô-tem-kin cũng khởi nghĩa.

– Đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Mát-xcơ-va (12 – 1905) của các chiến sĩ cách mạng kéo dài gần hai tuần lễ, khiến chính phủ Nga hoàng lo sợ.

– Sau cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Mát-xcơ-va, phong trào cách mạng vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi, đến năm 1907 mới tạm dừng.

Kết quả, ý nghĩa:

– Cách mạng 1905 – 1907 tuy thất bại nhưng nó đã góp phần làm lung lay đến tận gốc rễ chính phủ Nga hoàng và bọn tư sản.

– Là bước chuẩn bị cần thiết cho cuộc cách mạng XHCN sẽ diễn ra 10 năm sau đó. Đồng thời, Cách mạng Nga 1905 – 1907 đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc trên thế giới.