Cuộc đời và sự nghiệp nhà thơ Hàn Mặc Tử

Hàn Mặc Tử

Tiểu sử

Hàn Mặc Tử tên thật Nguyễn Trọng Trí, là con ông Nguyễn Văn Toản và bà Nguyễn Thị Duy, sinh ngày 22/9/1912 tại Lệ Mỹ, Đồng Hới, trong một gia đình công giáo lâu đời, có 6 người con, bốn trai, hai gái (Nhân, Lễ, Nghiã, Trí, Tín và Hiếu). Cha làm thông phán phải thuyên chuyển dọc theo bờ biển Trung Việt từ Đồng Hới tới Quy Nhơn, khi ông đổi đến Sa Kỳ (1920), Trí và Tín (Nguyễn Bá Tín) mới vào trường tiểu học Quảng Ngãi.

Tháng 6/1926, sau khi cha mất, gia đình về Quy Nhơn sống với người anh cả, Trí và Tín vào trung học ở Quy Nhơn. Sau đó Trí ra Huế học trường Pellerin (1928-1930). Một lần bơi xa ngoài biển suýt chết đuối, từ đó Trí thay đổi hẳn tâm tính, trầm lặng hơn, có vẻ đau yếu, gia đình nghi Trí mắc bệnh tâm thần, ít ăn, lười tắm gội thay quần áo.

Hàn Mặc Tử bắt đầu nổi tiếng năm 1931 với bút hiệu P.T (Phong Trần). Năm 1932, làm việc ở sở đạc điền Quy Nhơn, quen với Quách Tấn. 1935 vào Sài Gòn làm báo. Tháng 5/1936 người anh cả Nguyễn Bá Nhân, cột trụ của gia đình mất. Hàn rời Sài Gòn về Quy Nhơn. Cuối năm 1936, gia đình bỏ tiền cho Hàn in Gái quê.

Ngay từ đầu năm 1935, trong nhà đã thấy xuất hiện triệu chứng bệnh phong. Năm 1936, bệnh phát rõ hơn. Nhà giấu, chữa chạy riêng, tìm đến các thày thuốc bắc. Đến giữa năm 1939, thuốc bắc vô hiệu, bệnh trở nên trầm trọng. Giữa năm 1940, phải đưa vào bệnh viện phong Tuy Hoà. Quá trễ. Thuốc của một vài ông lang băm đã huỷ hoại cơ thể. Hàn Mặc Tử mất tại trại cùi ngày 11/ 11/ 1940, 28 tuổi.

Làm thơ từ 16 tuổi (1928), bút hiệu Minh Duệ Thị. Khoảng 1930-31, đổi là Phong Trần. Từ 1935, đổi ra Lệ Thanh, sau thành Hàn Mạc Tử (Hàn Mạc là bức rèm lạnh), và sau cùng là Hàn Mặc Tử (Hàn Mặc Tử là chàng bút mực), đó là theo sự giải thích của Quách Tấn. Nguyễn Bá Tín cũng cho rằng bút hiệu của anh ông là Hàn Mặc Tử, nhưng Hàn là nghèo chứ không phải lạnh. Chế Lan Viên chọn tên Hàn Mặc Tử, vì ông bảo rằng trong lúc nói chuyện, chúng tôi gọi nhau như thế. Nhưng có những nguồn khác, như Võ Long Tê và Phạm Đán Bình, tìm lại báo cũ, thấy hai bút hiệu Hàn Mạc Tử và Hàn Mặc Tử được dùng song song trên mặt báo.

(Tiểu sử này phần lớn dựa theo thông tin của Nguyễn Bá Tín).

Người yêu: Cô Trà (Thu Yến), Mỹ Thiện, Hoàng Hoa (Cúc), Mộng Cầm (Nghệ, cháu Bích Khê), Mai Đình (Lê Thị Mai), Ngọc Sương (chị Bích Khê), Thương Thương (Trần Thanh Địch giới thiệu)…

Vấn đề văn bản Hàn Mạc Tử

Nhà phê bình văn học Trần Thanh Mại viết tác phẩm đầu tiên Hàn Mạc Tử (1912-1940), in 1942, hai năm sau khi thi sĩ qua đời. Ông tập hợp được nhiều văn bản qua tư liệu của em ông là Trần Thanh Địch và cháu ông là Trần Tái Phùng, cả hai đều là bạn thân của Hàn Mặc Tử. Nguyễn Bá Tín viết :”Tôi biết anh gửi cho Trần Thanh Địch và Trần Tái Phùng nhiều hơn hết, coi như gần đủ bộ thơ anh”[1]

READ:  Tìm hiểu Văn học lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930-1945

Khi sách của Trần Thanh Mại ra đời tháng 2/1942, Quách Tấn kiện vì sách đã trích dẫn khá nhiều thơ Hàn Mặc Tử chưa in, “có hại” cho việc xuất bản thơ Hàn Mặc Tử sau này. Vụ kiện xẩy ra ở Huế, do Nguyễn Tiến Lãng, lúc ấy là Thừa phủ Thừa Thiên, xử. Nhờ sự dàn xếp khéo léo của Nguyễn Tiến Lãng mà mọi việc được êm đẹp[2]. Quách Tấn là người đã giúp đỡ tiền bạc để Hàn Mặc Tử chữa bệnh. Sau khi Hàn mất, gia đình chính thức giao phó việc in thơ cho ông, Nguyễn Bá Tín viết: « Khi tôi ở Lào về thì chú Hiếu[3] đã chuyển giao bút tích văn thơ tất cả cho anh Tấn. Chú sợ bị lây nên không sao chép, không kiểm nhận»[4] Nhưng Quách Tấn không làm được việc ấy, và khi chiến tranh xẩy ra, ông đã đánh mất hết toàn bộ bút tích bản thảo của Hàn Mặc Tử. Nhờ tác phẩm của Trần Thanh Mại, mà những phần hay nhất trong thơ Hàn Mặc Tử được phổ biến từ 1942.

Ngoài tập Gái quê, do chính gia đình bỏ tiền ra in năm 1936, trong suốt những năm bệnh tật và nghèo khổ, Hàn còn phải lo tìm cách in thơ, nhưng những cố gắng của Hàn đều thất bại. Hoàng Diệp viết: “Suốt ba năm kế tiếp 1937, 1938 và 1939, ngoài sự sáng tác Hàn Mặc Tử phải mất nhiều thì giờ trong việc tìm kiếm lại tất cả những bài thơ chàng đã làm, để chuẩn bị cho việc ấn hành”[5]. Hai người bạn tâm giao là Quách Tấn và Trần Thanh Địch không có đủ tiền in. “Cuối cùng Thế Lữ xuất hiện và hứa giúp chàng hoàn thành việc ấy. Thế Lữ là một thi sĩ có danh vọng bậc nhất, thuộc nhóm Tự Lực Văn Đoàn ở Hà Nội”. Nhưng “Sau nhiều ngày theo dõi, thúc giục, Hàn Mặc Tử nhận được tin đầy tang tóc kết thúc công việc in thơ chàng. Thế Lữ vừa cho chàng biết rằng trên một chuyến tàu xuôi về Hải Phòng, tập thơ của chàng đã bị bỏ quên và không tìm lại được nữa”[6].

Các sự đánh mất thơ Hàn Mặc Tử, từ Thế Lữ đến Quách Tấn, là do định mệnh hay cái gì khác?

1942, tập Thơ Hàn Mạc Tử do Quách Tấn và Chế Lan Viên sưu tập được Đông Phương xuất bản tại Sài Gòn. 1959, Tân Việt tái bản, tập hợp thêm một số thơ khác, nhưng vẫn còn thiếu nhiều. 1944, Tập Chơi giữa mùa trăng, được Ngày Mới in ở Hà Nội[7]. Đó là tất cả những gì in trước 1945.

Ở Sài Gòn, Báo Văn làm hai số tưởng niệm Hàn Mặc Tử (1967 và 1971), Báo Văn Học, cũng có hai số đặc biệt năm 1974.

1987, Chế Lan Viên sưu tập và viết bài tựa cho Tuyển tập Hàn Mạc Tử, (nxb Văn học Hà Nội), đầy đủ hơn những tập thơ trước, gồm một số thơ Đường và thơ trích từ các tập Gái quê, Đau thương, Xuân như ý, Thượng thanh khí, Cẩm châu duyên, Chơi giữ mùa trăng.

READ:  Viết một bức thư gửi ông bà ở quê

1993, Phan Cự Đệ soạn “Hàn Mặc Tử tác phẩm phê bình và tưởng niệm” (nxb Giáo Dục) tập hợp các bài viết về Hàn Mặc Tử, và tìm thêm được một số thơ nữa đã in trên báo cũ.

1994, Lại Nguyên Ân soạn tập thơ Hàn Mặc Tử, (nxb Hội Nhà văn), gồm các tập Gái quê, Chơi giữa mùa trăng, Đau thương và Xuân như ý.

1996, Vương Trí Nhàn sưu tầm và biên soạn Hàn Mặc Tử hôm qua và hôm nay (nxb Hội nhà văn), tập hợp ba cuốn sách của Trần Thanh Mại, Quách Tấn và Nguyễn Bá Tín và một số bài viết khác.

Tóm lại, nhờ những tác phẩm của Trần Thanh Mại, Quách Tấn, Nguyễn Bá Tín, nhờ những bài viết của các bạn thân của Hàn như Chế Lan Viên, Hoàng Diệp, Trần Tái Phùng… hoặc của những nhà nghiên cứu như Võ Long Tê, Phạm Đán Bình, v.v… mà chúng ta biết thêm về tiểu sử và tác phẩm của Hàn Mặc Tử, biết về những mối tình, những người yêu, về bệnh tật, sự nghèo đói, và những ngày sau cùng của Hàn Mặc Tử. Nhưng viết về thơ Hàn Mặc Tử, có lẽ chỉ Trần Tái Phùng, Chế Lan Viên và Võ Long Tê là hiểu thơ Hàn hơn cả.

Bút danh Hàn MặcTử

Nguyễn Trọng Trí làm thơ từ năm mười sáu tuổi lấy hiệu là Phong Trần rồi Lệ Thanh. Đến năm 1936, khi chủ trương ra phụ trương báo Saigon mới đổi hiệu là Hàn Mạc Tử, sau ông lại đổi thành Hàn Mặc Tử. “Hàn Mạc Tử” nghĩa là chàng trai đứng sau bức rèm lạnh lẽo, trống trải. Sau đó bạn bè gợi ý ông nên vẽ thêm Mặt Trăng khuyết vào bức rèm lạnh lẽo để lột tả cái cô đơn của con người trước thiên nhiên, vạn vật. “Mặt Trăng khuyết” đã được “đặt vào” chữ “Mạc” thành ra chữ “Mặc”. Hàn Mặc Tử có nghĩa là “chàng trai bút nghiên”.

Tác phẩm

Các sáng tác của Hàn Mặc Tử, gồm có:

Lệ Thanh thi tập (gồm toàn bộ các bài thơ Đường luật)
Gái Quê (1936, tập thơ duy nhất được xuất bản lúc tác giả chưa qua đời)
Thơ Điên (hay Đau Thương, thơ gồm ba tập: 1. Hương thơm; 2. Mật đắng; 3. Máu cuồng và hồn điên_1938_chú thích SGK Ngữ Văn Nâng Cao lớp 11 tập 2)
Xuân như ý
Thượng Thanh Khí (thơ)
Cẩm Châu Duyên
Duyên kỳ ngộ (kịch thơ_1939_chú thích SGK Ngữ Văn Nâng Cao lớp 11 tập 2)
Quần tiên hội (kịch thơ, viết dở dang_1940_chú thích SGK Ngữ Văn Nâng Cao lớp 11 tập 2)
Chơi Giữa Mùa Trăng (tập thơ-văn xuôi)
Ngoài ra còn có một số bài phóng sự, tạp văn, văn tế… Xem thêm chi tiết ở bên dưới.