Tự Lực Văn Đoàn là gì?

Chúng tôi nhắc đến Tự Lực văn đoàn hôm nay chỉ là nhắc đến một hiện tượng văn học sử, đã lùi vào quá khứ.

Tự Lực văn đoàn là một nhóm nhà văn được thành lập năm 1933 ở Hà Nội. Nhóm gồm 7 thành viên chính thức:

1- Nhất Linh (sinh 1905, mất 1963)
2- Khái Hưng (sinh 1896, mất 1947)
3- Hoàng Đạo (sinh 1906, mất 1948)
4- Thạch Lam (sinh 1910, mất 1942)
5- Tú Mỡ (sinh 1900, mất 1976)
6- Thế Lữ (sinh 1907, mất 1989)
7- Xuân Diệu (sinh 1917, mất 1985)

Cơ sở cho hoạt động của nhóm là các tờ tuần báo: Phong hóa (từ 1932-1936), Ngày nay (1936-1946); và nhà xuất bản Đời nay (1933-1945).

Trong Tự Lực văn đoàn, có đến 3 thành viên chính thức của nhóm là anh em ruột. Đó là Nhất Linh (bút danh của Nguyễn Tường Tam); Hoàng Đạo (bút danh của Nguyễn Tường Long) và Thạch Lam (bút danh của Nguyễn Tường Lân).

Dòng họ Nguyễn Tường vốn quê ở Cẩm Phô, Hội An, Quảng Nam, nhưng từ vài đời trước gia đình này đã ra Bắc, ở Hà Nội và Hải Dương. Khoảng đầu những năm 1920, các anh em nhà Nguyễn Tường được mẹ đưa về quê ngoại ở phố huyện Cẩm Giàng, ban đầu ở nhà bà ngoại. Sau đó, theo hồi ức của bà Nguyễn Thị Thế (em gái của Nhất Linh, Hoàng Đạo, chị của Thạch Lam): “Mẹ tôi xin được một khoảnh đất ngay giữa phố Huyện, bên kia là mấy hiệu Khách lớn. Đằng sau nhà là đường xe hỏa. Mẹ tôi dựng một căn nhà tre, năm gian lợp lá gồi, hai gian mở cửa ra phố để bán các thứ lặt vặt và thuốc lào”… “Đến vụ gặt tháng 10 thì mẹ tôi đi cân gạo…”

Có lẽ, khi lập ra cái căn hộ sẽ được gọi là “trại Cẩm Giàng” của gia đình, người mẹ ấy không ngờ rằng bà đã cho các con mình được sống trên một trong những mạch đất có truyền thống lâu đời về văn xuôi của xứ Bắc. Đất Hải Dương là quê của Nguyễn Dữ, người viết Truyền kỳ mạn lục, là quê của Phạm Đình Hổ, tác giả Vũ Trung tuỳ bút và Tang thương ngẫu lục, là quê của Phạm Quý Thích, tác giả Tân truyền kỳ lục, là quê của Phạm Đình Dục, tác giả Vân nang tiểu sử, là quê Vũ Phương Đề, tác giả Công dư tiệp ký v.v… và v.v….

Chúng tôi đã tìm về phố huyện Cẩm Giàng mà theo chúng tôi, có thể xem là một trong những mảnh đất phát tích của nền tiểu thuyết, nền văn xuôi mới của tiếng Việt, vào những năm 1920-30 của thế kỷ này. Qua hai cuộc chiến tranh, cảnh cũ đã mất hết. Chúng tôi được gặp cụ Nguyễn Đình Thục (sinh 1908, nguyên chủ tịch đầu tiên của huyện Cẩm Giàng sau tháng 8/1945) là bạn học với Thạch Lam thời tiểu học. Cụ và ông Hồng, con trai cụ, đã chỉ cho chúng tôi các mảnh đất cũ: trại Cẩm Giàng của nhà Nguyễn Tường ở ngay cạnh ga xe lửa, gần đó là trường huyện Cẩm Giàng cũ, nay là một lò gạch, cảnh hoang phế hậu chiến như vẫn còn hiển hiện nơi những bụi dứa dại um tùm đương trổ hoa… Dọc theo đường xe lửa trong đám cây hàng rào đã hóa nên cây hoang dại vẫn còn thấy vài khóm trúc vàng, có lẽ là sót lại từ hàng rào “trại Cẩm Giàng” xưa kia…

Thạch Lam sống thời niên thiếu ở vùng này nhiều hơn các anh, cảnh sống một phố huyện, một ga xép, một con sông Sen và vùng bên kia sông… thấm đậm trong nhiều truyện ngắn Thạch Lam…

***

Trụ sở chính của Tự Lực văn đoàn đặt ở nhà số 80 phố Quán Thánh Hà Nội. Đây vừa là tòa soạn tờ báo Phong hóa, Ngày nay, vừa là trụ sở nhà xuất bản Đời nay, cũng là nơi đặt nhà in.

Xung quanh Tự Lực văn đoàn dần dần tập hợp lại một loạt văn nghệ sĩ, nhà hoạt động văn hóa. Đó là các nhà văn nhà thơ Trọng Lang, Đoàn Phú Tứ, Trần Tiêu, Thanh Tịnh, Huy Cận…; là các hoạ sĩ: Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân…, các kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp…
Và mặc dầu đương thời không ít báo chí, mặc dầu văn giới đương thời có nhiều nhóm phái, người ta vẫn phải nhận rằng Tự Lực văn đoàn có một uy tín nổi bật, rằng hầu như ít có nhà văn nào đương thời lại không một lần đưa đăng tác phẩm mình trên các ấn phẩm của Tự Lực văn đoàn. (Vũ Trọng Phụng chẳng hạn, từng in cuốn Cạm bẫy người ở nhà xuất bản Đời Nay (1933); về sau ông và Tự Lực văn đoàn trở nên đối địch, vì những quan niệm xã hội và văn chương khác nhau, lại làm việc trong những tờ báo cạnh tranh với nhau).

Hoạt động chủ yếu của Tự Lực văn đoàn là viết văn, làm báo, in sách. Nhóm còn mở rộng ra một số hoạt động xã hội như cứu tế, phát chẩn trong nạn lụt ở Lang Tài (Bắc Ninh), tổ chức chợ phiên Ánh Sáng, Dancing… ở đô thị. Nhóm đứng ra lập hội Ánh Sáng, sáng tác kiểu nhà Ánh Sáng cho nông thôn. Sau này, trong một bài hồi ký, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đánh giá rất cao kiểu nhà Ánh Sáng của nhóm Luyện – Tiếp – Đức thời ấy.

Như giới nghiên cứu sau này đã nhận xét, các hoạt động văn hóa và xã hội, báo chí và xuất bản của Tự Lực văn đoàn được những người chủ trì của nhóm hướng theo chủ trương cải cách xã hội, vận động hiện đại hóa đời sống xứ sở, tuyên truyền cho văn minh, cho đô thị hóa, Âu hóa. Nói cách khác, họ đấu tranh cho tiến bộ xã hội trong khuôn khổ các hoạt động hợp pháp dưới chế độ thực dân.

Tự Lực văn đoàn xuất hiện vào lúc mà văn học Việt Nam vừa trải qua 30 năm đầu thế kỷ XX, − 30 năm văn học mang tính chất giao thời, trong đó nền văn học dân tộc chuyển dần từ mô hình văn học Đông Á trung đại truyền thống sang mô hình văn học hiện đại, gần gũi với dạng thức của các nền văn học trong thế giới hiện đại. Hệ thống thể loại của mô hình văn học cũ lấy văn – thơ – phú – lục làm cơ sở. Hệ thống thể loại của mô hình văn học mới sẽ dựa trên các thể: thơ, kịch nói, văn xuôi tiểu thuyết, tiểu luận phê bình. Chính hoạt động văn học của Tự Lực văn đoàn sẽ góp phần đẩy tới sự toàn thắng của mô hình văn học mới.

READ:  Tả tấm bản đồ Việt Nam

***

“Tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn” là tên gọi mà nay đã trở nên thông dụng. đó là sự xác định về một thiên tiểu thuyết có luận đề, tức là một câu chuyện hư cấu với những nhân vật và cốt truyện hư cấu, nhằm thể hiện một hoặc một vài tư tưởng xã hội, nhân sinh của tác giả. So với truyện truyền kỳ, truyện Nôm, truyện chương hồi, thì đây là một cơ cấu nghệ thuật khác, được tạo dựng theo mô hình tiểu thuyết châu Âu. Các tiểu thuyết gia Tự Lực văn đoàn đã đem chất liệu đời sống Việt Nam, ngôn từ Việt Nam đan dệt theo cái mô hình dù sao cũng còn xa lạ ấy, dân tộc hóa nó đi để nó có thể được tiếp nhận bởi công chúng Việt Nam. Và họ đã thành công trên hướng này.

Hồn bướm mơ tiên (1933), Nửa chừng xuân (1934), Tiêu Sơn tráng sĩ (1934), Gia đình (1936), Thoát ly (1937), Thừa tự (1938) của Khái Hưng; Đoạn tuyệt (1934), Lạnh lùng (1936), Đôi bạn (1937)… của Nhất Linh, Con đường sáng (1938) của Hoàng Đạo, v.v… đã gây được dư luận về các vấn đề xã hội và văn học.

Người ta thấy các câu chuyện trong tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn thường là những chuyện tình, xoay quanh tình yêu, hôn nhân. Nhưng các chuyện tình ở đây khác với chuyện tình trong truyện Nôm tài tử giai nhân ở mức độ chống lễ giáo phong kiến quyết liệt không khoan nhượng của nó. Đây là chuyện tình của những con người đô thị, của những “chàng” những “nàng” tân thời, học chữ Tây, sống ở đô thị, hấp thụ văn minh châu Âu. Tình yêu và hôn nhân là lĩnh vực mà họ dễ vấp phải những gò bó của lễ giáo cũ; họ phải vượt qua để tự khẳng định nhu cầu tự do của mình. Họ đòi tự do trong cuộc sống, trước hết là tự do yêu đương, tự do kết hôn. Họ tìm thấy cái đẹp, thấy giá trị trong cuộc sống Âu hóa: cá nhân, tự do, hạnh phúc. Họ phủ nhận con người chức năng trong luân thường đạo lý Nho giáo. (2)

Tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn tìm tòi và thể hiện những con người mới ấy, trong cuộc sống mới, đô thị hóa. Nó xây dựng một văn hóa nhân cách mới mà giá trị trung tâm là con người cá nhân tự do: không có những “con người mới” kiểu này thì trong cộng đồng xã hội người không thể có “dân chủ”, “dân quyền”.

Lúc đầu, tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn bị phản đối quyết liệt: cả ở nội dung đòi hỏi giải phóng con người cá nhân tự do, cả ở hình thức văn học ít nhiều xa lạ với truyền thống. Nhưng rồi, từng bước một, tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn chinh phục được công chúng, trở nên quen thuộc với họ, nhất là lớp công chúng thị dân, học sinh. Và khi các nhà tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn đã đi hết chặng đường sáng tạo của họ, thì “kiểu dáng” tiểu thuyết họ tạo dựng đã trở thành cái nền, thành điểm tựa để nhiều nhà văn thuộc các xu hướng khác tiếp nhận để đi tới những thành tựu cao hơn.

Ngày nay nhìn lại, chúng ta buộc phải nhận rằng: các tiểu thuyết gia Tự Lực như Khái Hưng, Nhất Linh đã không tạo ra được những tác phẩm kết tinh cỡ như một Số đỏ (của Vũ Trọng Phụng), một Chí Phèo (của Nam Cao), nhưng sẽ không công bằng nếu chúng ta không thấy rằng ngay ở những kiệt tác không phải của Tự Lực văn đoàn ấy vẫn có phần đóng góp của Tự Lực văn đoàn, bởi ảnh hưởng của lối viết tiểu thuyết kiểu mới do Tự Lực văn đoàn đề xuất có một ảnh hưởng rất đậm, rất mạnh, tác động đến hầu hết những người viết văn xuôi hư cấu đương thời.

***

Trước lúc Tự Lực văn đoàn xuất hiện khoảng một năm, phong trào thơ mới đã nổ ra từ báo chí trong Nam rồi nhanh chóng lan ra báo chí ngoài Bắc và trở nên rầm rộ trên báo chí cả nước. Và Tự Lực văn đoàn đã nhập cuộc. Tờ Phong hóa của nhóm đăng nhiều ý kiến bênh vực thơ mới, nhiều sáng tác thơ mới của Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Vũ Đình Liên, Đoàn Phú Tứ, Huy Thông…

Từ trong các thành viên Tự Lực văn đoàn xuất hiện những tác giả tiêu biểu của thơ mới, cũng đồng thời là những nhà thơ tiêu biểu của thơ Việt thế kỷ XX: Thế Lữ, Xuân Diệu, Tú Mỡ.

Trong sự tác động của Tự Lực văn đoàn đến phong trào thơ mới, phải kể vai trò nổi bật của Thế Lữ. Dưới bút danh Lê Ta trên Phong hóa và Ngày nay, Thế Lữ thường xuyên điểm bình các sáng tác thơ đương thời, khuyến khích hoặc phê phán những tác giả, tác phẩm cụ thể. Chính Thế Lữ đã giới thiệu, khẳng định tài năng thơ của Xuân Diệu. Tiếp đó Xuân Diệu giới thiệu với làng thơ khuôn mặt sáng tạo của người bạn thơ thân thiết của ông là Huy Cận. Huy Cận lại gây ảnh hưởng đến một số bạn học ở Huế, trong số đó có Tế Hanh…

Trong vườn thơ mới vừa hình thành hồi ấy, Tự Lực văn đoàn cổ vũ không phải cho mọi tuyến mà chỉ một tuyến phát triển thơ ca, tạm gọi là tuyến “từ Thế Lữ đến Xuân Diệu, Huy Cận” và những tác giả gần với tuyến ấy. Tự Lực văn đoàn tỏ ra định kiến với những tài năng thơ của trường thơ Bình Định (Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Chế Lan Viên…). Quan điểm và cách định giá của Tự Lực văn đoàn về mùa đầu thơ mới 1932-1942 đã ảnh hưởng rất rõ đến Hoài Thanh-Hoài Chân khi hai ông này soạn cuốn Thi nhân Việt Nam 1932-1941, tổng kết phong trào cải cách thơ này.

Từ 1935 đến 1945, nhà xuất bản Đời Nay của Tự Lực văn đoàn đứng tên cho in 8 tập thơ: Giòng nước ngược (1943) của Tú Mỡ, Mấy vần thơ của Thế Lữ (1935), Thơ thơ (1938) của Xuân Diệu, Lửa thiêng (1940) của Huy Cận, Mấy vần thơ, tập mới (1941) của Thế Lữ, Bức tranh quê (1941) của Anh Thơ, Mây (1943) của Vũ Hoàng Chương, và Hoa niên (1945) của Tế Hanh. Danh mục này cho thấy sự tinh tường trong việc chọn in thơ của nhà Đời Nay, thường do Thế Lữ, Xuân Diệu, Thạch Lam đảm nhiệm.

READ:  Hãy kể về một lần em mắc lỗi

***

Một trong những phương thức tác động vào văn học đương thời là việc đặt ra và trao giải thưởng Tự Lực văn đoàn. Chúng ta biết rằng đây chỉ là một nhóm phái, tồn tại trong sự tranh đua của nhiều nhóm phái khác. Nhưng do uy tín của mình, giải thưởng Tự Lực văn đoàn có tiếng vang lớn.

Tự Lực văn đoàn chỉ trao giải 3 lần.

Lần 1: 1935, trao 4 giải khuyến khích cho 4 tác phẩm:
− Ba (của Đỗ Đức Thu)
− Diễm dương trang (của Phan Văn Dật)
− Bóng mây chiều (của Hàn Thế Du)

Lần 2: 1937, trao giải chính thức cho 2 tác phẩm:
− Kim tiền (của Vi Huyền Đắc)
− Bỉ vỏ (của Nguyên Hồng)
và giải khuyến khích cho 2 tác phẩm:
− Nỗi lòng (của Nguyễn Khắc Mẫn)
− Tâm hồn tôi (của Nguyễn Bính)

Lần 3: 1939, trao giải nhất cho 2 tác phẩm văn xuôi:
− Làm lẽ (của Mạnh Phú Tư)
− Cái nhà gạch (của Kim Hà)
và 2 giải khuyến khích cho 2 tập thơ:
− Bức tranh quê (của Anh Thơ)
− Nghẹn ngào (tức Hoa niên, của Tế Hanh)
Qua hồi ức của một số nhà văn từng đoạt giải thưởng Tự Lực văn đoàn, ta có thể thấy ảnh hưởng mạnh mẽ của sự biểu dương này đối với sự phát triển về sáng tác của từng tác giả.(3)

***

Tự Lực văn đoàn với tư cách một nhóm văn học chỉ tồn tại và hoạt động có hiệu quả trong vòng 10 năm. Ngay từ cuối những năm 1930 đầu những năm 1940, dấu ấn của Tự Lực văn đoàn trong đời sống văn học đã suy giảm. Các tác phẩm phóng sự và tiểu thuyết theo lối tả thực − mà tác giả thường là những cây bút cộng tác với nhà xuất bản Tân Dân − đã có tiếng vang hơn hẳn tiểu thuyết lãng mạn của Tự Lực văn đoàn. Theo một hồi ức của một tác giả nọ, chính Khái Hưng đã thấy “Những giá trị mà Tự Lực văn đoàn sáng tạo ra, xuyên qua thời gian, đã hóa ra lỗi thời”.

Tháng 6/1942, khi Thạch Lam chết vì bệnh lao thì căn nhà lá ven Hồ Tây của ông − nơi có lúc từng họp đủ mặt các thành viên văn đoàn Tự Lực, kể cả các cộng tác viên, − căn nhà ấy đã vắng vẻ lắm. Bởi trước đó 3 tháng, Nhất Linh đã trốn sang Tàu, Khái Hưng và Hoàng Đạo bị Pháp bắt đày lên Vụ Bản, Hòa Bình… Các thành viên chính thức dần dần xa rời nhóm. Thế Lữ thôi làm thơ làm báo để chuyên tâm với sân khấu kịch nói. Xuân Diệu và Mỹ Tho làm viên chức nhà Đoan…

Từ những năm 1940, anh em Nhất Linh, Hoàng Đạo bỏ văn chương đi làm chính trị. Nhưng con đường mà họ đi theo lại chỉ cho họ gặt hái những thất bại cay đắng, khác hẳn những thành công về văn hóa mà họ thu được trong 10 năm với Tự Lực văn đoàn.

Sau 1945, Xuân Diệu, Thế Lữ, Tú Mỡ − ba thành viên chính thức cũ của Tự Lực văn đoàn, cùng với một loạt tên tuổi cũ từng là cộng sự, là bạn văn của Tự Lực − lần lượt đứng về phía chính quyền mới và đi kháng chiến. Trong một định hướng tư tưởng mới, họ tiếp tục sáng tác và trở thành những tác giả có công sáng tác lập nền văn học mới dưới chế độ Dân chủ Cộng hòa.

***

Chúng tôi đang đi thăm lại phố huyện Cẩm Giàng. Chiều sắp xuống trên vùng quê yên tĩnh. Chúng tôi xuống thuyền đi một đoạn sông Sen, nhìn về khoảng xa bên kia sông, cái vùng bên kia sông mà Thạch Lam nhắc đến trong một truyện ngắn của ông. Trong óc tôi bỗng hiện ra một khung cảnh tưởng tượng: một ngày lành đặc biệt nào đó sẽ tụ hội về đây đủ những Mai và Lộc, Lan và Dũng, Nhung và Thân − những nhân vật hư cấu của tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn; cả những Mịch và Long, Nghị Hách và Hải Vân, Xuân Tóc Đỏ và Bà Phó Đoan, cả chị Dậu, anh Pha, cả Lão Hạc, Chí Phèo lẫn bá Kiến…, − những nhân vật trong tiểu thuyết của nhiều nhà văn cùng thời, những con người hư cấu nhưng lại được người đời nhắc đến nhiều hơn cả những con người có thực. Trong một không gian tưởng tượng, họ sẽ gặp những kẻ đến sau − vốn cũng là sản phẩm hư cấu như họ: vợ chồng A Phủ từ Tây Bắc xuống, chị Tư Hậu từ miền Nam ra, lão Tuy Kiền trên Vĩnh Yên về, lão Khúng từ chợ Giát ra, chạm trán lão Kiền và bốn thằng con bất trị, sống theo thứ luật “không có vua”, từ một cửa ô Hà Thành xuống đây, xuống phố huyện này. Và như thể tình cờ, anh chàng Giang Minh Sài bước một bước là tới đây lại gặp cô bé Hoài từng hai mươi chín năm đứng bên cửa sổ nhìn xuống đường quan sát và suy nghĩ; lại còn có cả anh lính cựu tên Kiên đi giữa phố xá như kẻ mộng du bởi trong đầu còn đầy ắp ký ức về nỗi buồn thời chinh chiến… Có lẽ, còn nhiều nữa, nhiều nữa… Tới đây, họ sẽ ngạc nhiên mà nhận ra rằng, mặc dù những người sáng tạo ra họ từng bút chiến chống đối nhau, từng không nhìn mặt nhau, nhưng chính họ − những sản phẩm hư cấu ấy − lại đều cùng thuộc một loại hình: đó là thể loại tiểu thuyết, thứ văn xuôi hư cấu mà thời điểm thành công, thời điểm khiến văn xuôi này trở thành phương án sáng tác khả thi cho nhiều cây bút tài năng − thời điểm ấy gắn với thời hoạt động của Tự Lực văn đoàn.

Kể từ đó đến nay, số tiểu thuyết tiếng Việt được viết ra, in ra, có lẽ đã có thể tính đếm bằng ba bốn chữ số. Câu chuyện tìm ra lựa ra những nhân vật tiểu thuyết nổi bật, những điển hình − là câu chuyện còn tốn giấy mực. Bạn đọc nào ghiền tiểu thuyết có thể thử tính, và luôn thể thử tìm cho họ một không gian gặp gỡ tưởng tượng tương tự. Riêng tôi, tôi cho là nếu chọn “trại Cẩm Giàng” thì cũng không đến nỗi quá vô lý.