Bản chất của lợi nhuận thương nghiệp và lợi tức là gì?

Tư bản thương nghiệp và tư bản cho vay được hình thành như thế nào? Bản chất của lợi nhuận thương nghiệp và lợi tức là gì?

– Tư bản thương nghiệp là một bộ phận tư bản được tách ra khỏi tư bản công nghiệp, hoạt động trong lĩnh vực lưu thông hàng hóa. Nó là cầu nối liền sản xuất và tiêu dùng, phục vụ cho quá trình thực hiện hàng hóa của tư bản công nghiệp và có vai trò quan trọng trong tái sản xuất tư bản xã hội nói chung và tư bản công nghiệp nói riêng. Tư bản thương nghiệp ứng thêm tư bản giúp nhà tư bản công nghiệp hoạt động trong khâu thực hiện giá trị thặng dư, do đó, tư bản công nghiệp không phải đầu tư bổ sung tư bản, hoặc giảm quy mô sản xuất để hoạt động lưu thông mà có điều kiện tập trung tư bản, chuyên môn hóa, mở rộng sản xuất. Đó là nguyên nhân khiến tư bản công nghiệp phải “nhường” một bộ phận giá trị thặng dư cho tư bản thương nghiệp. Tư bản thương nghiệp không tạo ra giá trị và giá trị thặng dư, nhưng vẫn thu được giá trị thặng dư dưới hình thức lợi nhuận thương nghiệp.

Tư bản công nghiệp “nhường” một phần giá trị thặng dư cho tư bản thương nghiệp theo tỷ suất lợi nhuận bình quân (p) và được thực hiện bằng thu chênh lệch giữa giá mua và giá bán. Vậy bản chất lợi nhuận thương nghiệp là một phần giá trị thặng dư do công nhân tạo ra trong quá trình sản xuất.

READ:  Giai cấp và đấu tranh giai cấp là gì?

Nhưng hình thức lợi nhuận thương nghiệp làm cho người ta dễ tin tưởng lưu thông sinh ra lợi nhuận và nguồn gốc giá trị thặng dư càng bị che dấu. Ngoài một phần giá trị thặng dư do nhà tư bản công nghiệp nhường cho, tư bản thương nghiệp còn thu được một phần thu nhập của người tiêu dùng bằng cách mua rẻ bán đắt và bóc lột lao động thặng dư của nhân viên thương nghiệp.

– Tư bản cho vay là một bộ phận của tư bản công nghiệp tách ra hoạt động trong lĩnh vực lưu thông tiền tệ. Sự hình thành tư bản cho vay là kết quả của sự phát triển quan hệ hàng hóa – tiền tệ đạt đến trình độ xuất hiện tư bản tiền tệ tạm thời nhàn rỗi (các loại quỹ khấu hao, quỹ mua nguyên vật liệu chưa dùng đến, quỹ lương chưa đến kỳ trả, tiết kiệm…) trong khi lại có những người cần tư bản để mở rộng sản xuất hoặc thiếu tư bản lưu động… Tư bản cho vay thực hiện vai trò môi giới giữa người cho vay và người đi vay, là nơi tập trung, điều hòa, sử dụng hợp lý, có kết quả các nguồn vốn tiền tệ của xã hội, thúc đẩy quá trình tái sản xuất và quá trình xã hội hóa.

Phải chú ý những đặc điểm đặc biệt của tư bản cho vay: – quyền sở hữu tách rời quyền sử dụng; người bán không mất quyền sở hữu; giá cả do giá trị sử dụng quyết định; quan hệ bóc lột tư bản chủ nghĩa bị che dấu.

READ:  Thực tiễn và vai trò của thực tiễn đối với nhận thức?

Nếu không phải đi vay, tư bản công nghiệp độc chiếm giá trị thặng dư; nhưng do vay vốn nên nó phải nhường một phần giá trị thặng dư cho nhà tư bản cho vay vì đã sử dụng tư bản của họ. Như vậy, hoạt động trong lĩnh vực lưu thông tiền tệ, tư bản cho vay không tạo ra giá trị và giá trị thặng dư, nhưng nó được phân phối giá trị thặng dư dưới hình thức lợi tức cho vay (Z). Vậy lợi tức chính là hình thức biến tướng của giá trị thặng dư, nguồn gốc của nó là giá trị thặng dư do lao động làm thuê tạo ra trong quá trình sản xuất. Thực chất lợi tức cho vay biểu hiện quan hệ bóc lột tư bản chủ nghĩa mở rộng ra trong lĩnh vực phân phối.

Xét về mặt lượng, lợi tức nói chung phải nhỏ hơn lợi nhuận bình quân (P) và lớn hơn 0: 0 < Z <P; và phụ thuộc vào quan hệ cung cầu trong lĩnh vực này ở từng thời kỳ.