Cần bao nhiêu dẫn chứng khi làm bài văn nghị luận xã hội

Để trả lời câu hỏi: Bài văn nghị luận xã hội hay cần bao nhiêu dẫn chứng? các bạn, xin đọc kỹ bài viết dưới đây.

Theo thầy Đặng Ngọc Khương, nếu không có dẫn chứng, bài nghị luận xã hội gần như diễn thuyết. Lấy quá ít dẫn chứng, bài văn thiếu “chất sống”, còn nhiều quá khiến bài viết bị loãng.

Vậy nên lấy bao nhiêu dẫn chứng để bài văn có tính thuyết phục nhất?

Thầy Đặng Ngọc Khương, giáo viên Ngữ văn, trường THPT chuyên Ngoại ngữ, tư vấn:

Việc lấy dẫn chứng đối với một bài văn nghị luận xã hội (dù là nghị luận về một tư tưởng, đạo lý hay một hiện tượng đời sống) đều có vai trò đặc biệt quan trọng. Không có dẫn chứng bài văn sẽ thiếu “chất sống”, thiếu sự sinh động, hấp dẫn.

Quan trọng hơn, nếu thiếu dẫn chứng, những lý lẽ đưa ra sẽ không còn sức thuyết phục. Lúc đó bài văn chỉ còn là những lời bàn luận chung chung, thiếu cơ sở, thiếu căn cứ và hoàn toàn mang tính lý thuyết suông.

Không có yêu cầu cụ thể một bài nghị luận xã hội cần bao nhiêu dẫn chứng. Số dẫn chứng phải căn cứ đòi hỏi trực tiếp của đề, dung lượng bài viết như thế nào.

Bài văn nghị luận không thể chỉ có một dẫn chứng mà cũng không nên đưa tràn lan các dẫn chứng. Việc đưa ra dẫn chứng bao nhiêu tùy thuộc chúng ta xem xét vấn đề dưới những phương diện, khía cạnh nào, càng nhiều phương diện tất yếu sẽ cần càng nhiều dẫn chứng. Thông thường cứ đưa ra một lý lẽ, luận điểm cần phải có ít nhất một dẫn chứng để làm sáng tỏ lý lẽ đó.

Trong cấu trúc bài văn nghị luận xã hội không phải phần nào cũng cần dẫn chứng. Đối với bài nghị luận về một hiện tượng đời sống, phần cần nhiều dẫn chứng nhất chính là nêu thực trạng. Còn đối với dạng bài nghị luận về một tư tưởng, đạo lý, phần phân tích, chứng minh phải có dẫn chứng đi kèm.

READ:  Viết bài nghị luận xã hội về câu nói: Hiền tài là nguyên khí quốc gia

Chúng ta đưa ra ví dụ về đề bài yêu cầu trình bày suy nghĩ về câu nói của Bác trong khoảng 600 từ: “Người nấu bếp, người quét rác cũng như thầy giáo, kỹ sư, nếu làm tròn trách nhiệm thì đều vẻ vang như nhau”.

Trong phần phân tích, chứng mình ở thân bài chúng ta ít nhất phải nêu ra hai khía cạnh tương đương hai luận điểm và đưa ra dẫn chứng để làm rõ hai luận điểm đó.

Luận điểm thứ nhất: Nghề nào cũng cao quý, mỗi nghề nghiệp đều nảy sinh từ nhu cầu xã hội nên có đặc điểm, vị trí riêng, không thể thay thế trong đời sống xã hội.

Chứng minh cho luận điểm này cần đưa ra dẫn chứng bằng cách thử đặt giả thiết nếu bây giờ không có những người lao công quét rác, không có những người lái xe, không có những người thợ thủ công…, xã hội sẽ thiếu hụt điều gì?

Luận điểm thứ hai: Con người làm vẻ vang nghề nghiệp, làm nghề gì, người lao động cũng cần nhiều thời gian và công sức, có thể là lao động cơ bắp, cũng có thể là lao động trí óc. Nhưng dù là công việc gì, họ cũng đã đóng góp sức lao động chân chính của mình để xây dựng xã hội. Do vậy, họ đáng được tôn vinh.

Để làm rõ cho khía cạnh này, học sinh có thể đưa ra dẫn chứng về những cuộc thi “Vua đầu bếp” để tôn vinh những người đầu bếp nấu ăn ngon hay những cuộc thi “Khéo tay hay làm” để tôn vinh những người thợ giỏi. Điều đó chứng tỏ những công việc tưởng chừng như bình thường vẫn được tôn vinh nếu người làm việc cố gắng hết sức…

READ:  Bài văn Tả con hươu cao cổ

Các em nên lấy dẫn chứng liên quan trực tiếp vấn đề nghị luận và là dẫn chứng ngoài đời sống chứ không phải trong các tác phẩm văn chương, lấy dẫn chứng trong nước trước rồi mới nói đến nước ngoài. Khi lấy dẫn chứng ngoài đời sống lại phải ưu tiên dẫn chứng nóng hổi, có tính thời sự, tiêu biểu.

Thực tế, học sinh khi lấy dẫn chứng cho bài văn nghị luận xã hội thường mắc một số lỗi cơ bản sau:

  • Các em lấy quá ít hoặc quá nhiều dẫn chứng dẫn đến tình trạng không đủ dẫn chứng để làm sáng rõ vấn đề hoặc quá nhiều dẫn đến “loãng” vấn đề. Ví dụ như đề bài yêu cầu nghị luận về một câu hát trong bài hát của cố nhạc sỹ Trần Lập nhưng đọc bài chỉ thấy nhạc sỹ Trần Lập.
  • Lấy dẫn chứng không có phân tích đánh giá dẫn chứng, việc này chẳng khác gì “đem con bỏ chợ” khiến cho dẫn chứng không phát huy hết hiệu quả.
  • Lấy dẫn chứng không cân đối. Có luận điểm thì hai, ba dẫn chứng, có luận điểm chẳng có dẫn chứng nào khiến cho bài văn “méo mó” mất cân đối.

Lấy dẫn chứng chung chung, không tiêu biểu, sáo rỗng hoặc không liên quan gì đến vấn đề…

Các bạn có thể tham khảo thêm các bài văn nghị luận xã hội dưới dạng bài viết hoàn chỉnh tại đây