Văn học là trong những loại hình nghệ thuật có từ rất sớm, gắn bó thiết thân với đời sống tinh thần của con người ngay từ thuở xa xưa. Dù dưới hình thức nào thì nó vẫn là sự phản ánh thế giới khách quan qua thế giới chủ quan của nghệ sĩ. Tác phẩm nghệ thuật chân chính là sự giãi bày những tình cảm, những khát vọng sâu xa của nhà văn trước cuộc đời, trước những vấn đề có ý ngĩa thân thiết đối với con người. Dù văn học viết về những sự cố lớn lao, bào táp cách mạng, chiến tranh, hay chỉ diễn tả một tiếng chuông chùa, một bờ tre, ruộng lúa., bao giờ ta cũng tìm thấy hình bóng, tâm sự của con người gửi gắm ở bên trong. Con người với tất cả niềm vui, nỗi buồn, tâm tư khát vọng, thành đạt hay khổ đau luôn luôn là đối tượng trung tâm của văn học, là mối quan tâm hàng đầu của nghệ sĩ chân chính. Tình yêu thương đối với con người là nguồn động lực căn bản nhất thúc đẩy ngòi bút của mọi nhà văn chân chính.
Nhà văn Nga Tolstoi đả từng viết: “Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu” Còn Goethe thì nói: “Những điều đầu tiên mà thiên nhiên cần là tình yêu nồng nàn đối với cuộc sống”. Nữ văn sĩ Pháp Elsa Trisolet thì diễn tả tình yêu ấy bàng hình ảnh thật cụ thể: “Nhà văn là người cho máu”. Đó là một tình yêu bao gồm cả sự hi sinh to lớn. Tác phẩm chân chính đúng là sản phẩm của trí tuệ, trái tim, mồ hôi và cả nước mắt nữa của người nghệ sĩ, là kết quả của quá trình nếm trải, nung nấu, cảm xúc dào dạt – cái mà người ta gọi là cảm hứng trong sáng tạo nghệ thuật. Không ai làm thơ làm văn trong trạng thái khô cằn, chai sạn xúc cảm. Cảm hứng ấy có thể bắt đầu từ niềm vui sướng, tự hào hay tin tưởng, phấn khởi, nhưng với nghệ sĩ chân chính thì chẳng bao giờ có niềm vui hời hợt, giản đơn. Bởi vì cuộc sống con người, trong tính hiện thực của nó, niềm vui luôn luôn đi đối với nỗi buồn, ánh sáng luôn tồn tại bên cạnh bóng tôi, cái xấu luôn luôn xen lẫn bên cạnh cái tốt, hạnh phúc thường đi liền với khổ đau, bất hạnh…Và những khổ đau của con người xưa nay vốn là nỗi nhức nhối, bức xúc nhất thôi thúc người nghệ sĩ cầm bút.
Chính nhà văn Xô viết V. Raxpuchin đã diễn đạt tình cảm ấy một cách giản dị chân thành: “Nếu tôi viết, ấy là vì tôi cảm thấy đau ở đâu đấy trong người”. Với Hugo thì bể khổ của nhân loại là hầm mỏ khai thác không vơi cạn của đời ông. Truyện Kiều là tiếng khóc đứt ruột; Chí Phèo là tiếng thét phần uất đòi quyền làm người… Những tác phẩm chân chính, bất tử với thời gian thường là những tác phẩm diễn tả những xung đột có khi đầy bi kịch giữa cái thật và cái giả, giữa cái thiện và cái ác, giữa bóng tối và ánh sáng, giữa cái cao thượng và cái thấp hèn, đáng ghê tởm … Tuy nhiên “thanh nam châm thu hút mọi thế hệ vẫn là cái cao thượng, cái tốt đẹp, cái thủy chung”. Đó chính là khả năng nhân đạo mà văn học chân chính có thể mang lại cho con người.
Sở dĩ nói văn học chân chính chứ không phải văn học nói chung vì trong sự tồn tại của văn học nhân loại quả là có những tác phẩm vì con người, nâng cao phẩm giá con người nhưng cũng có thứ văn chương làm hạ thấp phẩm giá con người. Có những tác phẩm là kết quả của thao thức khổ đau, hi sinh, trăn trở, nhưng cũng không thiếu thứ văn chương làm thuê, làm công cụ, bồi bút tô son trát phấn cho giai cấp thống trị trong những xã hội đã suy tàn, mục ruỗng… Có thứ văn chương bất tử, sống mãi với muôn đời, có thứ văn chương rẻ tiền sẽ bị quên lãng với thời gian. Chủ nghĩa nhân đạo, lòng yêu thương tôn trọng con người là thước đo căn bản nhất để đánh giá mọi giá trị văn học chân chính. Những người khốn khổ của Hugo, Sống lại của L. Tolstoi, Truyện Kiều của Nguyễn Du… là những tác phẩm trong đó tác giả còn bộc lộ nhiều quan điểm sai lầm về tư tưởng và những giải pháp cải tạo xã hội, nhiều nhân vật cũng đã trải qua bao nhiêu vấp ngã, giằng, xé, lầm lẫn… nhưng đó lại là những tác phẩm nghệ thuật chân chính sẽ sống mãi với thời gian; bởi sức mạnh cảm hóa sâu xa, bởi lòng yêu thương con người mênh mông, sâu thăm; bởi thái độ căm ghét, phẫn uất trước nhửng thế lực xâu xa, tàn ác đã giày xéo, chà đạp lên con người.
Đó chính là lí tưởng thẩm mỹ của nhà văn có khả năng nhân đạo hóa con người, làm cho con người tin hơn ở những điều thiện, ở khả năng vươn tới cái cao cả, cao thượng, kế cả những con người đã trải qua và chịu đựng những điều ác khủng khiếp do xã hội và có khi do chính mình gây ra.
Mặt khác, nói tới quá trình nhân đạo hóa của văn học không phải chỉ là khả năng gợi lòng trắc ẩn, động tâm, thương cảm đổì với những cảnh ngộ bất hạnh đói nghèo diễn ra trong xã hội, dù điều đó cũng là một phương tiện đáng quí. Khả năng nhân đạo hóa còn bộc lộ ở sự tự ý thức về bản thân, tự nhận diện bản thân trước những điều xấu, tốt, thiện, ác… mà tác phẩm gợi lên. Người ta đã nói đến sự thanh lọc tâm hồn của văn học, hay hình thức sám hối của bản thân trước lương tâm của quá trình tiếp nhận tác phẩm là như thế. Văn học chân chính có khả năng nhân đạo hóa con người, Văn học chân chính có khả năng nhân đạo hóa con người
Đọc Nam Cao không phải chỉ là để cảm thông với Điền, với Thứ, với Hộ… với một cuộc sống bị cơm áo ghì sát đất, nó đang có nguy cơ giết chết những ước mơ và những tình cảm nhân ái, cao thượng. Những tác phẩm của Nam Cao còn như một tấm gương soi để độc giả hôm nay tự nhận diện chính mình, không ngừng vượt lên hoàn cảnh bản thân để sống một cách xứng đáng hơn, tốt đẹp hơn. Nếu trong tác phẩm Đời thừa, nhân vật Hộ là một trí thức hoàn toàn tốt thì tác phẩm có thể không làm ta xúc động đến thế. Sự giằng xé giữa nhân cách cao thượng, hành vi đẹp đẽ, hoài bão to lớn, tấm lòng vị tha của một chàng trai trẻ vốn say mê lí tưởng với những bận rộn tẹp nhẹp vô nghĩa lí, với sự câu thúc của đời sống tầm thường hàng ngày, cả những cẩu thả, bất lương trong nghề cầm bút và những hành vi khốn nạn, tàn nhẫn của hắn đối với Từ – người vợ rất đỗi đáng thương của y và những giằng xé nội tâm không nguôi trong lòng Hộ, lại làm người đọc xót xa thương cảm đến tận đáy lòng. Chính điều đó đã làm nên giá trị nhân văn rất lớn của tác phẩm. Chính bản thân tác phẩm Đời thừa đã tạo được giá trị đích thực mà tác giả của nó hàng mong mỏi. Nó chứa đựnh được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình… Nó làm cho con người gần người hơn. Những giá trị nhân văn to lớn như thế lại được hình thành từ những mẩu chuyện nhỏ nhặt, vặt vãnh nhưng đã được viết bằng một ngòi bút chân thực, tài hoa và nhất là bằng một cuộc sống cũng đầy mâu thuẫn, đau xót, trăn trở của chính nhà văn Nam Cao. Ở đây có vấn đề viết cái gì và viết như thế nào. Không nên đồng nhất nội dung phản ánh và sự phản ánh. Nói cho rõ hơn, ở đây tình cảm, lương tri, thái độ trân trọng đối với giá trị tinh thần của con người đã rọi sáng vào từng cảnh ngộ trong câu văn, làm dấy lên ở người đọc một mối liên tưởng đồng cảm, đau xót. Đó mới là những yếu tố tạo nên sức thuyết phục sâu xa đối với người đọc.
Đọc Đời thừa ta có cảm giác như nhà văn đã rọi vào chồ sâu kín nhất của tâm tư. Quá trình nhân đạo hóa sẽ hình thành từ sự đồng cảm ấy. Ở Lão Hạc cũng vậy. Tác phẩm gợi lên lòng thương cảm nơi người đọc từ cái chết thê thảm của lão vì lòng thương con và vì tình trạng khốn quẫn của lão. Nhưng giá trị nhân đạo của tác phẩm chủ yếu lại không chỉ nằm ở đấy. Tác phẩm gợi lên những tình cảm vị tha, cao thượng đầy tự trọng cùa một lão già nông dân chất phác, hiền lành: biết đâu lão tự tử còn vì lòng tự trọng bị tổn thương, bị lương tâm cắn rứt vì nỡ lừa dối một con chó! (trong khi còn biết bao con người mang mặt người nhưng lòng lang dạ thú – người với người là chó sói). Phát hiện ở chỗ sâu xa nhất những nét đẹp lương tri con người, tác phẩm đóng vai trò tích cực trong việc làm cho con người trở nên tốt đẹp, nhân ái hơn. Đó là chưa kể đến những câu văn chan chứa một lòng vị tha độ lượng, một thái độ làm hòa với người khác và với chính mình, những tình cảm nhân văn, nhân đạo là bài học về cách sống, cách xử thế, cách nhìn nhận và đánh giá con người làm cho lòng ta trở nên thanh thản hơn, cao thượng hơn. “Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cô tâm mà hiểu họ thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xâu xa, bỉ ổi… toàn là những cớ để cho ta tàn nhẫn, không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương, không bao giờ ta thương… Vợ tôi không ác, nhưng thị khổ quá rồi. Một người đau chân, có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác hơn. Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị nỗi lo lắng buồn đau ích kỉ che lấp mất. Tôi biết vậy nên tôi chỉ buồn chứ không nỡ giận”.
Chao ôi, nếu ai cũng nghĩ được như thế thì quan hệ giữa con người với con người sẽ tốt đẹp biết bao nhiêu! Những câu văn xót xa mà đẹp đẽ như thế đã vượt ra khỏi khuôn khổ của tác phẩm, nó nói về cái tình người muôn thuở cần có, nó có khả năng nhân đạo hóa con người, làm cho con người trở nên cao thượng và nhân ái hơn.
Ở đây nói nhân đạo hóa để nhấn mạnh sức cảm hóa mạnh mè của nghệ thuật. Con người là sản phẩm của tạo hóa, nó vốn đẹp đẽ nhân chi sơ, tính bản thiện. Nhưng xã hội có thể làm,tha hóa con người thì văn chương chân chính lại có khả năng tác động ngược lại. Tình thương, lòng nhân đạo sẽ cảm hóa, thức tỉnh lương tri vốn luôn ấn chứa trong chiều sâu nội tâm con người, có khả năng nhân đạo hóa con người. Nói khả năng vì không nhất thiết bao giờ cũng có thể đạt được như vậy. Nó còn tuỳ thuộc vào sự tiếp nhận riêng biệt của chủ thế cảm thụ. Nhưng một nhà văn chân chính bao giờ cũng nung nấu, khát vọng tác phẩm của mình sẽ đem lại một giá trị tinh thần nào đấy, nhằm cứu vãn con người. Ngay cả Truyện Kiều, dù Nguyễn Du có viết:
Lời quê chắp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh.
thì ta cũng hiểu đó chỉ là một cách nói khiêm nhường. Khi trút lên ngòi bút bao nỗi đớn đau về cuộc đời, đương nhiên nhà văn khao khát những tấm lòng tri âm, những giọt nước mắt đồng cảm:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
Mấy thế kỉ trôi qua, Truyện Kiều và những tác phẩm đầy nhân đạo của Nguyễn Du mãi mãi là người bạn tâm tình, là nguồn sức mạnh của biết bao thế hệ độc giả, kể cá những độc giả trẻ tuổi hiện nay:
Dẫu súng đạn nặng lòng ra hỏa tuyến
Đi đường dài, em giữ Truyện Kiều theo.
(Chế Lan Viên – Gửi Kiều cho em Năm đi đánh Mỹ)
Không thế nào có thể nói hết khả năng nhân đạo hóa của văn học đốí với con người. Nhưng quả thật, đọc một tác phẩm văn học chân chính, ta có cảm giác thật hạnh phúc và sung sướng như đang được đối diện, tâm tình trò truyện với một người bạn thông minh, nhân ái, từng trải, như đang được chia sẻ nỗi buồn, niềm vui, tâm tư, ước vọng; như đang được đón nhận ý chí, niềm tin, nghị lực trong cuộc hành trình đầy thử thách của cuộc sống.
Biết bao nhiêu tác phẩm văn chương đã trở thành cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ. Nói như Gorki: “Sách vở đã chỉ cho tôi chỗ đứng của mình trong đời sông, nói cho tôi biết rằng con người thật là vĩ đại và đẹp đẽ, rằng con người luôn luôn hưởng về cái tốt đẹp hơn, rằng con người đă làm nên nhiều thứ trên trái đất và vì thế mà họ đã chịu biết bao đau khổ”. Và cũng chính Gorki đã tuyên ngôn: “Con người – cái tên mới đẹp làm sao, mới vinh quang làm sao! Con người phải tôn trọng con người”.
Hiểu biết con người, hiểu chính mình, cảm thông chia sẻ với nỗi khổ đau của nhau trong đời sống, đón nhận ý chí, niềm tin, nghị lực trong cuộc hành trình gian nan, biết căm ghét cái giả dối, ti tiện, tàn ác, biết huớng tới cái chân, thiện, mỹ; biết sống một cách chân thật, nhân ái, cao thượng, đó là những dấu hiệu của quá trình nhân đạo hóa mà văn học chân chính đã và mãi mãi sẽ đem lại cho con người, vì hạnh phúc của con người.