Con người là vốn quý nhất- nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng.

Nhận thức của Hồ Chí Minh về con người

Trong quan niệm của Hồ Chí Minh về con người phải hiểu rõ cả hai phương diện: Tính lịch sử – cụ thể và tính xã hội.

Hồ Chí Minh thường nói đến con người trong phạm vi dân tộc: con lạc, cháu hồng; con rồng, cháu tiên. Hai chữ đồng bào là khái niệm yêu thương con người, giống nòi.

Dưới ánh sáng của CNMLN và qua hoạt động thực tiễn, Hồ Chí Minh nhận thức về con người đã mở rộng “biên độ”. Con người mà Hồ Chí Minh nói là nhân dân lao động bị áp bức, bị bóc lột. Hồ Chí Minh sử dụng khái niệm “người bản xứ bị bóc lột”, “người mất nước”, “người da đen”, “người cùng khổ”, “người vô sản”…Trong quan hệ xã hội Bác chia làm hai giống người: những người làm điều thiện và những người làm điều ác. Đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân, khi về nước lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền cách mạng, Hồ Chí Minh lại dùng khái niệm “đồng bào”, “quốc dân”… Khi miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Người dùng thêm nhiều khái niệm như “công nhân”, “nông dân”, “lao động trí óc”, “người chủ xã hội”…

Hồ Chí Minh đề cập đến con người theo phạm vi và nhiều nghĩa rộng, hẹp khác nhau. Nghĩa hẹp, con người chỉ phạm vi gia đình, anh em, họ hàng, bạn bè. Nghĩa rộng, trong phạm vi quốc gia là đồng bào cả nước. Nghĩa rộng hơn, trong phạm vi quốc tế là nhân loại. Hồ Chí Minh đặt con người trong quan hệ gắn bó với khối thống nhất của cộng đồng dân tộc, nhưng không phải là một khối đồng nhất mà bao gồm nhiều dân tộc, nhiều giai cấp, nhiều tầng lớp, có lợi ích riêng và chung, có thái độ và vai trò khác nhau đối với sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh bàn đến “con người” theo nghĩa chung là “phẩm giá con người”, “giải phóng con người”. Nói đến con người, Hồ Chí Minh xem xét trong các mối quan hệ xã hội, quan hệ giai cấp; theo giới tính, lứa tuổi, nghề nghiệp; trong khối thống nhất của cộng đồng dân tộc và quan hệ quốc tế, quan điểm của Người thống nhất lập trường giai cấp, lập trường dân tộc. Hồ Chí Minh đề cập đến con người trước hết là nói đến dân, tuyệt đại đa số nhân dân bao gồm công nhân, nông dân, trí thức, vừa là lực lượng đông đảo trực tiếp tham gia lao động sản xuất, vừa là lực lượng có tinh thần, tiềm lực cách mạng to lớn nhất.

READ:  Quá trình hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh - TT HCM

Thương yêu, quý trọng con người.

Hồ Chí Minh có tình yêu thương vô hạn đối với con người. Thương nước, thương dân, thương nhân loại bị áp bức và Bác ham muốn tột bậc là “nước ta được độc lập, dân ta được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Tình thương yêu của Bác luôn đứng trên lập trường của giai cấp vô sản, nhận thức và hành động theo nguyên tắc của CNMLN, đồng cảm với các dân tộc bị áp bức. Hồ Chí Minh có khát vọng giải phóng không chỉ riêng cho dân tộc mình mà cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

Hồ Chí Minh yêu thương con người, quí trọng con người, kính trọng nhân dân, chăm lo cho dân. Con người là vốn quí nhất, quí trọng sinh mạng của dân, trong đấu tranh cố gắng ít hy sinh tính mạng. Quý dân, tiết kiệm sức dân, tôn trọng đức và tài của dân, lắng nghe ý kiến của dân. Chăm lo đời sống của dân: “việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm dù nhỏ mấy. Việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh.” Mọi chủ trương chính sách pháp luật phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của dân.

Tin vào sức mạnh, phẩm giá và tính sáng tạo của con người.

Hồ Chí Minh yêu dân còn thể hiện ở niềm tin vào dân “đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông dương dấu cái gì đang sục sôi, đang gào thét và sẽ bùng nổ khi thời cơ đến”. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, phải tin dân, dựa vào dân. Hồ Chí Minh có niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh và tính sáng tạo của quần chúng nhân dân. Đã là người cộng sản thì phải tin dân và niềm tin sẽ tạo nên sức mạnh cho người cộng sản. Tình yêu thương vĩ đại của Hồ Chí Minh còn thể hiện ở chỗ suốt đời đấu tranh cho tự do và hạnh phúc cho mọi người. Lo cho thiên hạ trước, lo cho mình sau. Theo Hồ Chí Minh, “trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Vì vậy, “việc dễ mấy không có nhân dân cũng chịu, việc khó mấy có dân liệu cũng xong”. Nhân dân là người sáng tạo ra mọi giá trị vật chất và tinh thần.

READ:  Phần 5 câu 201 – 250 câu hỏi trắc nghiệm tư tưởng Hồ Chí Minh có đáp án

Tin dân còn được nhận thức từ mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Chính phủ. Nếu không có dân thì Chính phủ không đủ lực lượng; nếu không có Chính phủ thì nhân dân không có ai dẫn đường.

Tin dân ở Hồ Chí Minh còn xuất phát từ niềm tin vào tình người. Con người phải vươn tới chân – thiện – mỹ, con người có tốt, có xấu nhưng dù tốt, xấu đều có tình. Giữ vững niềm tin vào dân thì phải chống các bệnh “xa nhân dân, khinh nhân dân, sợ nhân dân; không tin cậy nhân dân; không hiểu biết nhân dân; không yêu thương nhân dân”. Bệnh này sẽ dẫn đến “hỏng việc”.

Lòng khoan dung rộng lớn

Đoàn kết lâu dài và rộng rãi các lực lượng là thể hiện lòng nhân ái bao dung cao cả.

Vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, ứng xử có lý có tình với kiều dân nước ngoài, bảo vệ tính mạng và tài sản của họ.
Lòng nhân ái bao la còn thể hiện ở nguyên tắc đánh kẻ chạy đi, không đánh người quay lại. Hồ Chí Minh có chính sách khoan hồng đại lượng, đối xử nhân đạo với tù binh.

Cán bộ, đảng viên có lỗi, chú ý giáo dục nhiều hơn so với xử phạt. Trân trọng ý kiến khác nhau, kể cả ý kiến trái với mình.