Nhận thức là gì?

Hỏi đáp Marketing căn bản: Nhận thức là gì? Quá trình nhận thức của một cá nhân có những đặc điểm gì? Những đặc điểm đó có ý nghĩa gì đối với các chương trình truyền thông của doanh nghiệp?

Nhận thức của một cá nhân là việc tiếp nhận, tổ chức và xử lý những kích thích được gửi đến để tạo nên một thứ có ý nghĩa đối với người đó. Quá trình nhận thức của cá nhân có ba đặc điểm: sự chú ý có chọn lọc, sự xuyên tạc có chọn lọc và sự lưu giữ có chọn lọc. Sự chú ý có chọn lọc thể hiện việc cá nhân không chú ý tất cả những kích thích được gửi đến mà chỉ chú ý đến một số kích thích. Do đó, chương trình truyền thông marketing muốn thành công phải gây được sự chú ý. Để gây được sự chú ý, cần sử dụng những kích thích có biên độ lớn hoặc đưa ra những thông tin liên quan đến nhu cầu mua của khách hàng.

Sự xuyên tạc có chọn lọc thể hiện việc khách hàng thường xử lý thông tin theo những định kiến, mà điều này dẫn đến việc hiểu nội dung của thông điệp đôi khi không như người bán mong đợi. Do đó, những thông điệp truyền thông marketing phải được thiết kế hết sức cẩn thận và rõ ràng để người nhận không thể hiểu thông điệp theo những cách khác với mục đích của người bán.

Sự lưu giữ có chọn lọc thể hiện việc khách hàng không lưu giữ trong bộ nhớ của người đó tất cả những thông tin đã được tiếp nhận và xử lý, mà chỉ nhớ một số và quên đi số còn lại. Hàm ý marketing ở đây là nếu nhà marketing muốn khách hàng nhớ lâu những thông điệp của mình thì thông điệp phải được thiết kế ấn tượng, khác biệt và có tần suất phát lặp lại cao.

Trình độ nhận thức là gì?

Với quan điểm duy vật biện chứng, nhận thức nhất định phải là một quá trình, đó cũng là quá trình đi từ trình độ nhận thức kinh nghiệm đến trình độ nhận thức lý luận; từ trình độ nhận thức thông thường đến trình độ nhận thức khoa học…

Nhận thức kinh nghiệm là trình độ nhận thức hình thành từ sự quan sát trực tiếp các sự vật, hiện tượng trong giới tự nhiên, xã hội hay trong các thí nghiệm khoa học. Kết quả của nhận thức kinh nghiệm là những tri thức kinh nghiệm. Tri thức này có hai loại là loại tri thức kinh nghiệm thông thường và những tri thức kinh nghiệm khoa học. Hai loại tri thức này có thể bổ sung cho nhau, làm phong phú lẫn nhau.

READ:  Thực tiễn và vai trò của thực tiễn đối với nhận thức?

Nhận thức lý luận là trình độ nhận thức gián tiếp, trừu tượng, có tính hệ thống trong việc khái quát bản chất, qui luật của các sự vật, hiện tượng.

Nhận thức kinh nghiệmnhận thức lý luận là hai giai đoạn nhận thức khác nhau nhưng có mối quan hệ biện chứng lẫn nhau. Trong mối quan hệ đó nhận thức kinh nghiệm là cơ sở của nhận thức lý luận; nó cung cấp cho nhận thức lý luận những tư liệu phong phú, cụ thể; nó trực tiếp gắn chặt với hoạt động thực tiễn tạo thành cơ sở hiện thực để kiểm tra, sửa chữa, bổ sung cho lý luận đã có và tổng kết, khái quát thành lý luận mới. Tuy nhiên, nhận thức kinh nghiệm còn hạn chế ở chỗ nó chỉ dừng lại ở sự mô tả, phân loại các sự kiện, các dữ kiện thu được từ quan sát và thực nghiệm trực tiếp. Do đó nó chỉ đem lại những hiểu biết về các mặt riêng rẽ, bề ngoài rời rạc, chưa phản ánh được cái bản chất, những mối liên hệ mang tính qui luật của các sự vật, hiện tượng. Do đó, nhận thức kinh nghiệm tự nó không bao giờ có thể chứng minh được đầy đủ tính tất yếu. Ngược lại, mặc dù được hình thành từ sự tổng kết những kinh nghiệm, nhưng nhận thức lý luận không hình thành một cách tự phát, trực tiếp từ kinh nghiệm. Do tính độc lập tương đối của nó, lý luận có thể đi trước những dữ kiện kinh nghiệm, hướng dẫn sự hình thành những tri thức kinh nghiệm có giá trị, lựa chọn những kinh nghiệm hợp lý để phục vụ cho hoạt động thực tiễn, góp phần làm biến đổi đời sống con người thông qua đó mà nâng cao những tri thức kinh nghiệm từ chỗ là cái cụ thể, riêng lẻ, đơn nhất thành cái khái quát, có tính phổ biến

Nhận thức thông thường là loại nhận thức được hình thành một cách tự phát, trực tiếp từ trong hoạt động hàng ngày của con người. Nó phản ánh sự vật, hiện tượng xảy ra với tất cả những đặc điểm chi tiết, cụ thể và những sắc thái khác nhau của sự vật. Vì vậy, nhận thức thông thường mang tính phong phú, nhiều vẻ và gắn liền với những quan niệm sống thực tế hàng ngày. Vì thế, nó có vai trò thường xuyên và phổ biến chi phối hoạt động của con người trong xã hội.

READ:  Những thông tin marketing là gì? Nhà marketing quan tâm đến những loại thông tin nào?

Nhận thức khoa học là loại nhận thức được hình thành một cách tự giác và gián tiếp từ sự phản ánh đặc điểm bản chất, những quan hệ tất yếu của đối tượng nghiên cứu. Sự phản ánh này diễn ra dưới dạng trừu tượng logic. Đó là các khái niệm, phạm trù và các qui luật khoa học. nhận thức khoa học vừa có tính khách quan, trừu tượng, khái quát lại vừa có tính hệ thống, có căn cứ và có tính chân thực. Nó vận dụng một hệ thống các phương pháp nghiên cứu và sử dụng cả ngôn ngữ thông thường và thuật ngữ khoa học để diễn tả sâu sắc bản chất và qui luật của đối tượng trong nghiên cứu. Vì thế, nhận thức khoa học có vai trò ngày càng to lớn trong hoạt động thực tiễn, đặc biệt trong thời đại khoa học và công nghệ hiện đại.

Nhận thức thông thường và nhận thức khoa học là hai bậc thang khác nhau về chất của quá trình nhận thức nhằm đạt tới những tri thức chân thực. Giữa chúng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong mối quan hệ đó, nhận thức thông thường có trước nhận thức khoa học và là nguồn chất liệu để xây dựng nội dung của các khoa học. Mặc dù đã chứa đựng những mầm móng của những tri thức khoa học, song nhận thức thông thường chủ yếu vẫn chỉ dừng lại ở sự phản ánh cái bề ngoài, ngẫu nhiên, không bản chất của đối tượng và tự nó không thể chuyển thành nhận thức khoa học. Muốn phát triển thành nhận thức khoa học cần phải thông qua quá trình tổng kết, trừu tượng, khái quát đúng đắn của các nhà khoa học. Ngược lại, khi đạt tới trình độ nhận thức khoa học nó lại có tác động trở lại nhận thức thông thường, xâm nhập vào nhận thức thông thường và làm cho nhận thức thông thường phát triển, tăng cường nội dung khoa học cho quá trình con người nhận thức thế giới.