Đề bài: Quan điểm “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm thể hiện trong bài “Nhàn” (Hoặc: Phân tích bài thơ Nhàn để hiểu rõ hơn con người Nguyễn Bỉnh Khiêm)
A. Mở bài:
– Nhàn là một chủ đề lớn trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, cả trong thơ chữ Hán và chữ Nôm: “rỗi nhàn”, “thân nhàn”, “phận nhàn”…Bài thơ Nhàn là bức chân dung Nguyễn Bỉnh Khiêm được chụp từ nhiều góc độ khác nhau: cuộc sống, tâm hồn và trí tuệ.
B. Thân bài:
a. Góc độ thứ nhất, Nhàn là bức chân dung cuộc sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm:
– Hai câu đầu thể hiện vẻ đẹp của ông trong cuộc sống thuần hậu:
Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
+ Cụ Trạng về sống giữa thôn quê như một “lão nông tri điền”, với những công cụ quen thuộc của nhà nông: “mai” để đào đất, “cuốc” để xới đất, “cần câu” để câu cá. Cách sử dụng số từ : “Một…, một…, một…” cho thấy tư thế hoàn toàn chủ động, chu đáo và sẵn sàng của ông, hòa vào cuộc sống mới – cuộc sống của những người nông dân lam lũ, vất vả. Thái độ của Cụ Trạng hoàn toàn vui vẻ, không chút buồn phiền: “Thơ thẩn dầu ai vui thú nào”
– Cuộc sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm còn mang đậm vẻ đạm bạc mà thanh cao:
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
+ Sự đạm bạc là ở những thức ăn quê mùa, dân dã: măng trúc, giá đỗ. Các món ăn đạm bạc, cây nhà lá vườn do chính bàn tay và sức lao động của Cụ Trạng làm ra. Không chỉ thế, ông sinh hoạt cũng như bao người dân quê khác: không cao sang, quyền quý, mà cũng tắm hồ, tắm ao…
+ Đạm bạc mà không ảm đạm. Đạm bạc mà thanh cao. Cuộc sống thanh cao trong sự trở về với thiên nhiên, mùa nào thức ấy.
Hai câu thơ là một bức tranh tứ bình về cảnh sinh hoạt với bốn mùa : xuân, hạ, thu, đông.
b. Góc độ thứ hai, Nhàn là bức chân dung tâm hồn của Nguyễn Bỉnh Khiêm
– Nguyễn Bỉnh Khiêm vốn là người thẳng thắn, trung nghĩa. Vì dâng sớ xin vua chém mười tám tên lộng thần không được, nên ông cáo quan về quê sống, chứ không phải ông trốn tránh cuộc đời như nhiều người nghĩ. Nhờ vậy, chúng ta mới có dịp tìm hiểu con người ông qua Nhàn – một bài thơ được sáng tác khi ông đã rời bỏ chốn quan trường.
– Yêu thiên nhiên nên ông trở về sống với thiên nhiên. Yêu đến độ giữa con người và thiên nhiên không còn khoảng cách. Bốn mùa, mùa nào cũng có những ưu đãi cuộc sống thanh tao của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Về với thiên nhiên, sống hòa hợp với tự nhiên là thoát ra ngoài vòng ganh đua của thói tục, không bị cuốn hút vào vòng xoáy danh lợi.
– Nhân cách của ông đối lập với danh lợi như nước với lửa:
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao.
+ “Nơi vắng vẻ” đối lập với “chốn lao xao”, “ta dại” đối lập với “người khôn”. Ta tìm nơi vắng vẻ là nơi không người cầu cạnh ta, ta cũng không cầu cạnh người, là nơi tĩnh tại của thiên nhiên, thảnh thơi của tâm hồn. Người đến chốn lao xao là đến chốn sang trọng, ngựa xe tấp nập, thủ đoạn, bon chen, mua danh bán tước…Thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm là sự phủ nhận danh lợi : “Để rẻ công danh đổi lấy nhàn” (thơ Nôm, bài 13).
c. Góc độ thứ 3, Nhàn là bức chân dung trí tuệ của Nguyễn Bỉnh Khiêm
– Cụ Trạng là người trí tuệ sáng suốt, tỉnh táo và uyên thâm. Ông tìm đến say để mà tỉnh:
Rượu đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.
Ông tỉnh táo chọn lựa cho mình một nơi thư thái của tâm hồn “nơi vắng vẻ”, mặc cho người đời đua nhau tìm “chốn lao xao”. Như vậy không có nghĩa là ông thích cuộc sống nhàn hạ, thích hưởng thụ, thích xa lánh xã hội và cuộc đời. Ông chỉ muốn bảo toàn nhân cách trong sạch của mình giữa cuộc sống phàm tục, muốn tìm về với thiên nhiên xa rời danh lợi. Bởi ông nhận ra công danh, phú quý chỉ là giấc chiêm bao.
C. Kết bài:
Bài thơ là bức chân dung tự họa của Nguyễn Bỉnh Khiêm về con người và nhân cách. Qua Nhàn, chúng ta càng hiểu sâu sắc hơn quan điểm của Bạch Vân cư sĩ về cuộc sống Nhàn. Nhàn ở đây là hòa mình vào thiên nhiên, phủ nhận danh lợi, giữ cốt cách thanh cao. Chúng ta hãy xác định cho mình một quan điểm sống phù hợp, đừng vì danh lợi và những thứ xa hoa phù phiếm mà đánh mất đi nhân cách của mình. Chúng ta hãy cống hiến hết mình cho dân, cho nước mà không chút vụ lợi vì bản thân.