Hoàn cảnh lịch sử, nội dung và ý nghĩa lịch sử của chủ trương điều chỉnh chiến lược cách mạng của Đảng trong thời kỳ 1939 – 1945?

1. Hoàn cảnh lịch sử

Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Chính phủ Pháp đã tham chiến. Ở Đông Dương, thực dân Pháp đã thi hành chính sách thống trị thời chiến.
Trước sự biến động lớn đó, Đảng đã kịp thời điều chỉnh chiến lược, định ra chủ trương, chính sách mới cho phù hợp với tình hình mới.
Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 (11-1939), đặc biệt là Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (5 – 1941), do Nguyễn Ai Quốc chủ trì, đã khẳng định nội dung, tư tưởng điều chỉnh chiến lược trong thời kỳ mới. Đường lối của Đảng về cách mạng giải phóng dân tộc đã được bổ sung, phát triển và hoàn chỉnh.

2. Nội dung chủ yếu của chủ trương điều chỉnh chiến lược cách mạng

Thứ nhất, Đảng đã kịp thời điều chỉnh chiến lược, nhằm tập trung giải quyết nhiệm vụ hàng đầu là đánh đổ đế quốc và tay sai, giành độc lập dân tộc.

Trong “Thông cáo cho các đồng chí ở các cấp” ngày 29-9-1939, Trung ương Đảng vạch rõ: “Hoàn cảnh Đông Dương sẽ tiến bước đến vấn đề dân tộc giải phóng… Tất cả các đồng chí phải thấu hiểu vấn đề dân tộc giải phóng…, gây cho tất cả các tầng lớp dân chúng hiểu biết tinh thần dân tộc giải phóng”. Trung ương Đảng xác định kẻ thù cụ thể, nguy hiểm nhất của cách mạng Đông Dương không phải là đế quốc và giai cấp địa chủ phong kiến nói chung, mà là chủ nghĩa đế quốc và bọn tay sai phản bội dân tộc. “Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không còn có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng, để tranh lấy giải phóng dân tộc”. “Nhiệm vụ giải phóng dân tộc, độc lập cho đất nước là một nhiệm vụ trước tiên của Đảng ta”; “trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc còn phải chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”; “trong giai đoạn hiện tại… nếu không đánh đuổi được Pháp – Nhật thì vận mạng của dân tộc phải chịu kiếp ngựa trâu muôn đời, mà vấn đề ruộng
đất cũng không làm sao giải quyết được”. “Cuộc cách mạng ở Đông Dương là một cuộc cách mạng dân tộc giải phóng”.

READ:  Phân tích nội dung, vị trí và mối quan hệ giữa hai chiến lược cách mạng do Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra?

Thứ hai, sau khi giành độc lập, các dân tộc sống trên bán đảo Đông Dương muốn lập ra một chính phủ liên bang hay đứng riêng thành một quốc gia độc lập tuỳ ý. Đối với nước ta, sau khi đánh đuổi Pháp – Nhật sẽ thành lập một chính phủ nhân dân, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà, lấy cờ đỏ sao vàng năm cánh làm cờ của toàn quốc, Chính phủ do Quốc hội bầu ra.

Thứ ba, liên hiệp tất cả các giai cấp và tầng lớp nhân dân không phân biệt tôn giáo, xu hướng chính trị, đảng phái vào một mặt trận dân tộc thống nhất chống đế quốc thật rộng rãi, lấy liên minh công nông làm cơ sở. Muốn vậy cần phải vận dụng một phương pháp hiệu triệu hết sức thống thiết, làm sao đánh thức được tinh thần dân tộc xưa nay trong nhân dân. Trung ương quyết định thành lập “Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh”, gọi tắt là Việt Minh. Đối với các dân tộc Campuchia và Lào, Đảng chủ trương lập “Mặt trận Ai Lao độc lập đồng minh”, và “Cao Miên độc lập đồng minh”, để sau đó lập ra Đông Dương độc lập đồng minh.
Còn các tổ chức quần chúng thì lập thành các hội cứu quốc như: công nhân cứu quốc, nông dân cứu quốc, thanh niên cứu quốc, phụ nữ cứu quốc, v.v..
Thứ tư, chuyển hướng hình thức đấu tranh, từ đấu tranh công khai, hợp pháp và nửa hợp pháp đòi quyền lợi dân chủ, dân sinh, sang đấu tranh chính trị bí mật, bất hợp pháp, chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang là trung tâm của Đảng và nhân dân ta, phải ra sức chuẩn bị lực lượng trong toàn quốc và nhằm đúng vào những điều kiện chủ quan và khách quan thuận lợi, đi từ khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền ở địa phương, tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước…

READ:  Trình bày đặc điểm cơ chế quản lý kinh tế thời kỳ trước đổi mới ở nước ta?

3. Ý nghĩa của sự điều chỉnh chiến lược

– Từ Hội nghị lần thứ 6 đến Hội nghị lần thứ 8 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, sự điều chỉnh chiến lược của Đảng trong thời kỳ mới đã hoàn chỉnh.
– Trong hoàn cảnh dân tộc ta một cổ đôi tròng mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội ta đã phát triển đến độ gay gắt nhất, vấn đề sống còn của các dân tộc Đông Dương đặt ra một cách trực tiếp, quyền lợi dân tộc giải phóng đặt lên cao hơn hết. Đảng đã có chủ trương thực hiện cho được mục tiêu chủ yếu là độc lập dân tộc, đề ra hàng loạt chủ trương và biện pháp cách mạng đúng đắn, tích cực mở rộng khối đoàn kết dân tộc, tích cực chuẩn bị và tiến lên khởi nghĩa vũ trang, giành chính quyền. Đường lối đó hợp với nguyện vọng của toàn thể nhân dân, của các dân tộc ở Đông Dương, có khả năng động viên cả dân tộc đoàn kết đứng lên đánh Pháp đuổi Nhật.

– Sự điều chỉnh chiến lược đúng đắn đó đánh dấu một bước trưởng thành mới của Đảng ta, có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.