Khảo dị Sự tích công chúa Liễu Hạnh

1. Trong phần kho tàng truyện cổ tích trình bày sau đây, chúng tôi đã gắng chọn lọc lấy những truyện tiêu biểu, sắp xếp theo thột hệ thống nhất định, bỏ bớt đi một số những truyện hoặc không phải là truyện cổ tích Việt-nam, hoặc không có giá trị tiêu biểu cho truyện cổ tích Việt-nam. Nói chọn lọc không phải những truyện được đem vào đây là hoàn toàn có tư tưởng tiến bộ. Chúng tôi cũng đem vào một số truyện lạc hậu về phương diện này hay phương diện khác: để bạn đọc thấy được toàn diện truyện cổ tích nước nhà.

2. Phương pháp kể chuyện của chúng tôi là không đơn giản hóa, cũng không tiểu thuyết hóa. Chúng tôi cố gắng kể theo thột hình thức riêng, để vẫn giữ được ít nhiều phong vị và không khí cổ của câu chuyện; tất nhiên sẽ vẫn dùng một số từ ngữ quen dùng trước đây. Trừ những truyện cần kể một cách vắn tắt trong mục KHẢO DỊ chúng tôi sẽ chú ý không thêm hoặc bớt những tình tiết quan trọng trong khi xây dựng từng truyện một.

3. Những tài liệu mà chúng tôi sử dụng có hai phần:

– Tài liệu trong các báo chí sách vở (một số lớn là do nhớ lại hoặc do ghi được từ trước, chứ không có trong tay khi viết bộ sách này, cho nên hầu hết các đơn vị không ghi chú được đầy đủ các chi tiết, ví dụ số bài, số trang…). Xem Thư mục tham khảo ở cuối tập V.

– Tài liệu do các người thân và quen biết kể lại (trong đó có một số do phụ thân của chúng tôi lưu lại).

Những tài liệu trên có truyện kể rất vắn tắt, có truyện kể hơi khác nhau về chi tiết. Trong khi xây dựng lại từng truyện, chúng tôi sẽ căn cứ ở tài liệu nào đầy đủ hơn và được nhân dân truyền tụng nhiều hơn, nhưng vẫn không quên tóm tắt dị bản ở các KHẢO DỊ.

4. Chúng tôi có ý tập hợp những truyện giống nhau về một mặt nào đấy vào từng mục riêng như. Nguồn gốc sự vật; Sự tích các câu ví; Thông minh tài trí và sức khỏe, v.v… để tiện cho việc sắp xếp bộ sách, chứ không phải phân loại truyện cổ tích.

KHẢO DỊ

Truyện Liễu Hạnh từ lâu đã được nho sĩ cải biến thành một truyện đượm màu sắc tôn giáo và nho hóa khác với truyện dân gian, mặc dầu cho đến nay, truyện kể trong dân gian cũng đã ít nhiều biến đổi về chủ đề: các hình tượng và tình tiết đã được cắt xén, sàng lọc.

Theo Thính văn dị lục và một số thần tích thì Liễu Hạnh là con gái Ngọc Hoàng, vì đánh vỡ chén ngọc bị giáng xuống trần đầu thai ở nhà Lê Thái Công, xã Vân-cát (Nam-định) mang tên là Giáng Tiên. Lớn lên làm con nuôi một viên quan hưu họ Trần, được học hành nên có tài văn chương, giỏi đàn sáo. Năm mười tám tuổi lấy chồng là Đào lang, con một viên quan ở làng. Được ba năm hết hạn đày không bệnh mà chết, để lại cho chồng một trai, một gái. Nhưng vì “trần duyên chưa dứt”, Ngọc Hoàng lại cho xuống trần, lần này với phép biến hóa huyền diệu. Nàng gặp lại bố mẹ và chồng con, nhưng sau đó lại bỏ đi, tính tình phóng túng, tung tích vô định: khi làm cô gái thổi sáo, khi hóa bà già chống gậy, ẩn hiện bất thường. Ở Lạng-sơn, nàng làm thơ ghẹo nho sĩ, ở hồ Tây làm cô hàng rượu ngâm vịnh và dự tiệc với các ông Phùng Khắc Khoan, họ Ngô, họ Lý, v.v… Lại vào Nghệ-an kết duyên với người học trò, thường ngày thơ ca xướng họa với chồng, sau sinh được một trai, rồi lại trở về trời.

READ:  Khảo dị truyện sự tích Cô gái lấy chồng hoàng tử

Sau ba năm nhớ cõi trần, Liễu Hạnh lại xin vua cha cho xuống trần một lần nữa. Lần này có đem theo hai người thị nữ. Họ trú ngụ ở phố Cát (Thanh-hóa) về sau được dân địa phương ở đây lập đền thờ. Triều đình sau một thời kỳ sai thuật sĩ tiễu trừ mà không xong, đành thừa nhận và sắc phong là Mã hoàng công chúa.

Sách vở của phái Nội đạo tràng miêu tả cuộc chiến tranh giữa Tiền quan với Liễu Hạnh như sau:

Khi đày Liễu Hạnh xuống trần, Ngọc Hoàng thấy chân bên tả của con đi dón gót, biết là xuống dưới ấy sẽ thành yêu, liền sai Tiền quan giáng sinh luôn để kịp thời ngăn chặn.

Có thói tàn nhẫn, Liễu Hạnh đi đến đâu gặp điều không vừa ý thì ra tay sát hại. Cho nên ở đâu nàng cũng làm cho người và vật tử thương. Thành hoàng phải “xuất ngoại”. Người ta sợ nàng đến nỗi bỏ công ăn việc làm, ban ngày đóng cổng không dám lên tiếng hoặc phải bày đàn ở ven đường cúng lễ.

Về sau đến Sùng-sơn (Thanh-hóa) thấy cảnh đẹp, Liễu Hạnh báo mộng cho hào trưởng vùng ấy phải lập cung miếu. Thấy họ còn dùng dằng, nàng làm cho trong năm ngày chết hơn một nửa dân. Khi cung miếu dựng xong, nàng thường hoá thành gái đẹp bán hàng, hễ bọn trai trẻ và nho sĩ trêu ghẹo thì tâu về triều. Vua sai các vị pháp sư nổi tiếng đến trị, nhưng họ không trở về được. Có lần chúa Trịnh vào Lam-sơn. Liễu Hạnh cùng bộ hạ đón đường quấy phá. Chúa trở về giận lắm, sai người mời tất cả pháp sư phù thủy và hội tất cả thành hoàng vào đánh nhưng họ chỉ chuốc lấy thất bại.

Lại nói chuyện vị Tiền quan được giáng sinh làm con trai thứ ba một vị Thượng sư – là tổ sư phái Nội đạo tràng – cả ba anh em đều được Phật tổ truyền cho phép thuật, hai anh là Tả quan và Hữu quan tu tại Côn-sơn, còn Tiền quan thì ở ngay lại làng quê, tức là làng Từ-minh (Thanh-hóa) luyện đạo và truyền đạo cho học trò. Sau lần thất bại của các pháp sư phù thủy, nhà vua sai sứ đi triệu Tiền quan về kinh phong làm Thượng tướng cầm ba vạn quân đi đánh Liễu Hạnh.

Đến Tam-điệp. Tiền quan sai đóng quân lại, còn mình thì cải trang làm dân thường, cưỡi ngựa trắng tìm đến Sùng-sơn. Gặp Liễu Hạnh, Tiền quan làm bộ thân mật: – “Ta báo cho biết sắp sửa có nạn lớn vì nàng đã trêu chọc vua chúa. Họ sắp cử đến đây một pháp sư cao cường. E rằng nàng không địch nổi, nên ta đến xem nàng có phép gì, nêu thiếu ta sẽ dạy cho”. Liễu Hạnh không ngờ gì cả, giở tất cả ba ngàn phép cho khách xem. Tiền quan hết lời ca ngợi, nói: – “Như thế này thì không cần phải học gì nữa”. Khi Tiền quan về rồi, Liễu Hạnh mới biết là mình bị mắc mưu, nhưng đã muộn. Cuộc giao chiến bắt đầu. Bên Liễu Hạnh có các thần bộ hạ đến giúp. Bên phía Tiền quan có hai ông anh cùng với bát bộ Kim Cang làm tiên phong, hai bên tả hữu có hắc hổ, bạch xà, trung tâm có lục đinh lục giáp. Sau ba ngày ba đêm chiến đấu, trời nổi mưa to lớn, bụi cát mù mịt, sấm sét đùng đùng, cây cối nhà cửa tơi tả, người vật chết khắp nơi, nước sông đỏ như máu. Cuối cùng, quân của Liễu Hạnh thất bại. Quỳnh Hoa, Quế Hoa bỏ chạy. Tiền quan ngồi trên voi chín ngà giục thần tượng đem lưới sắt vây bọc. Liễu Hạnh hóa làm một đứa trẻ nhưng bị đuổi kíp quá, lại hóa thành con rồng trốn trong một cái giếng. Tiền quan bắt được trói bằng dây đồng giải về kinh đô. Vua chúa đang ngồi trong điện bỗng thấy một đám mây đen đầu rồng đuôi lân, rơi xuống văng lên ba lần ở sân điện, biết là Tiền quan đã thắng trận.

READ:  Khảo dị Sự tích cái chổi

Nhưng Phật tổ không muốn để con gái Ngọc Hoàng chịu sự trừng phạt của người trần, nên đã kịp thời xuống gặp ba anh em, bảo họ giao cho mình làm cho nàng cải tà quy chính.

Có người kể thêm đoạn kết như sau:

Khi Liễu Hạnh bị bắt thì Phật tổ hiện ra giải cứu. Ngọc sư (tức Tiền quan) vâng lời Phật tổ cho nàng một bộ áo cà sa, một cái mũ ni-cô để quy phật. Vì vậy, ngày nay ở nhiều chùa có dựng thêm điện ở phía sau để thờ Liễu Hạnh.

Ở vùng Hà-tĩnh, Quảng-bình trước đây, dân gian thường lưu truyền nhiều mẩu chuyện về một cô gái thỉnh thoảng hiện hình trêu ghẹo những khách bộ hành đàn ông, nhất là các thầy khóa, thầy cử đi lại trên đường quốc lộ. Ví dụ truyện Cô Doạt (Hà-tĩnh). Nàng Ha (Quảng-bình). Có người nói những mẩu chuyện ấy vốn xuất phát từ Sự tích công chúa Liễu Hạnh mà phát triển ra. Lưu Trọng Lư đã từng viết một truyện lãng mạn nhan đề là: Người nữ tỳ của bà chúa Liễu có lẽ cũng hư cấu từ những truyện loại ấy.

Ở vùng Hà-đông cũng có lưu truyền nhiều mẩu chuyện về Liễu Hạnh, ví dụ một mẩu chuyện sau đây:

Liễu Hạnh bị một pháp sư lừa bắt được bỏ vào một cái lọ nút kín, phía ngoài dán bùa rồi treo lên cây đa ở rừng vắng trên đường đi Vạn-phúc. Có hai vợ chồng đi bán dâu qua đó, nghe tiếng nói văng vẳng phát ra: – “Các con đến đây cứu mẹ, mẹ sẽ hậu tạ”. Hai vợ chồng trước sợ hãi, nhưng sau đánh bạo trèo lên cây, đưa lọ xuống. Khi đập vỡ lọ thì thấy có một con bướm trắng bay ra, tự xưng là Liễu Hạnh, rồi biến mất.

Ở nhà mình, pháp sư, do tín hiệu riêng, biết giờ chết đã đến vì Liễu Hạnh đã trốn thoát và sẽ báo thù. Bèn sai con đem tro sàng khắp nền nhà, đoạn tắm rửa sạch sẽ rồi lên giường nằm, đóng cửa lại, dặn vợ con đến giờ ngọ hãy mở ra. Khi vợ con mở cửa thì thấy pháp sư đã chết, trên nền nhà có dấu bàn chân đi lại chi chít, v.v….