Khảo dị gốc tích ruộng thác đao

Về tình tiết truyện gốc tích ruộng thác đao đánh giúp cho làng Cổ-bi để giành địa giới, nhân dân ta còn có nhiều truyện giống với truyện trên. Ở đây chỉ kể hai truyện:

1. Truyện Ông tổ họ Hoàng giúp làng Thượng-nguyên:

Làng Tĩnh-thạch và làng Thượng-nguyên (đều thuộc Hà-tĩnh) cách nhau một con sông, hai bên tranh nhau một bãi bồi, kiện tụng đã lâu đời. Quan nào cũng không xử được vì mỗi lần xử, dân làng Tĩnh-thạch ỷ thế mạnh kéo nhau lên làm ầm ỹ cả công đường, một hai quyết liều mạng. Sau cùng quan phán: “Thôi bên nào mạnh thì cho bên đó được!” Dân làng Thượng-nguyên sức yếu phải nhờ đến ông tổ họ Hoàng, một người ở làng Phan-xá bên cạnh đến đây đi làm thuê. Ông này chỉ xin làng Thượng-nguyên cho một vài người đàn bà đi theo, mỗi người mang một ít tro để tung vào kẻ địch. Đến ngày hẹn chờ ngọn gió nồm thổi lên, ông tay không tiến ra bãi, nhổ hết cây tre này sang cây tre khác dùng làm gậy quật tới tấp vào đối phương đông như kiến, nhưng bị bụi tro làm cho mù mắt. Cuối cùng bên Tĩnh-thạch đành chịu nhường bãi cho làng Thượng-nguyên. Ngày nay cánh đồng ấy còn gọi là đồng Ông-vụ (vụ: tung ra, vãi ra, tiếng Nghệ – Tĩnh).

2. Truyện Đô Hùng đại tướng quân còn có nhiều tình tiết liên quan xa gần tới những truyện cổ tích khác, ngoài truyện Lê Phụng Hiểu:

Ở làng Thiên-mỗ (Hà-đông) có một nhân vật sức khỏe tuyệt trần, người ta gọi là ông Đô Hùng. Nhà nghèo đi làm thuê, mỗi lần đi cày một tay ông cắp trâu, một tay cắp cày bừa, bừa xong bồng trâu xuống sông Nhuệ khỏa chân (xem truyện Ông Ồ số 70, tập II) rồi lại cắp trâu và cày bừa về nhà.

READ:  Khảo dị truyện người dân nghèo và Ngọc hoàng

Làng có giếng khơi trên có vành đá làm bờ, phải mấy chục người khiêng mới nổi. Ông vác ra đặt cách đấy vài trượng để đùa chơi. Cả làng ra hè nhau khiêng về rất chật vật, sau phải nhờ ông vác hộ.

Làng Ỷ-la mở hội có giải vật, một gã lực sĩ giữ giải luôn mấy ngày. Ông tới, chỉ một keo bốc nổi gã ném ra ngoài vòng rồi cho gã giải vật để về nhà làm tiền thuốc.

Thi với Quản tượng dùng gậy bảy đánh vào một mô đất. Quản tượng chỉ đánh lở một ít. Ông đánh sạt dài vài trượng. Ngày nay mô đất vẫn còn gọi là Đống Mẻ.

Dân làng Phùng và làng Hiệp tranh nhau bãi bồi, kiện kéo đã lâu mà không phân thắng bại. Cuối cùng họ xin quan cho phép đánh nhau, ai thắng thì được. Dân làng Phùng biết thế yếu, vì vốn quen nghề nuôi tằm, bèn đến thuê Đô Hùng đánh giúp. Ông chỉ đòi công một gánh tơ nặng. Cũng như truyện Lê Phụng Hiểu, ông bảo dân làng sắp sẵn cho mình nhiều tre chắc, mỗi cây dài ước trượng, để thành từng đống ở bãi. Khi đánh, ông cầm tre vụt đối phương, gãy cây này lấy cây khác, cuối cùng giành phần thắng cho dân làng Phùng. Đến khi trả công, dân làng đưa ra một gánh tơ nặng, ông chỉ dùng một ngón tay nhấc lên như bỡn, rồi buộc dân làng phải đưa nhiều tơ nữa mới đủ sức gánh. Dân làng bóp bụng đem tơ ra mắc vào hai bên đòn tre trên vai Đô Hùng, nhưng mắc đến khi cả làng đã cạn tơ mà gánh vẫn chưa nặng. Sau cùng ông phải cho thôi, rồi gánh tơ về (xem KHẢO DỊ, truyện số 63 tập II).

READ:  Khảo dị Sự tích hồ Gươm

Tiếc của, dân làng kiện quan rằng ông lấy trộm tơ của họ. Quan sai lính về vây bọc, Đô Hùng sợ phép quan trốn vào bụi cây. Lính thọc giáo vào các bụi bờ, có mũi trúng phải Đô Hùng, Ông cắn răng chịu đau lấy áo lau mũi giáo trước khi bọn chúng rút giáo ra (xem truyện Lê Lợi số 99, tập III). Sau đó, căm giận dân làng Phùng ông chạy tới toan trị tội, nhưng máu ra nhiều quá nên đến thôn Trung-thắng thì té xỉu ở gò đất, gắng về tới làng thì chết. Dân làng lập đền thờ ở gò đất gọi là miếu Đức Ông.

Theo Tân đính hiệu bình Việt điện u linh tập và báo Tràng-an.

Theo lời kể của người Hà-tĩnh (trong Văn học dân gian sưu tầm ở xã Ích-hậu, chưa xuất bản).

Theo Công Nông Thương (1939)