Nghị luận về câu nói: Ma tuý – chủ nhân của những con rối

Đề bài: Ma tuý – chủ nhân của những con rối.

Ma tuý là một chất gây nghiện và gây kích thích mạnh đối với hệ thần kinh. Khi sử dụng ma tuý, con người sẽ cảm thấy hưng phấn, rơi vào trạng thái đê mê thậm chí là ảo giác, và nguy hiểm hơn là sẽ bị nghiện, để rồi sau đó gắn chặt lấy nó và phục tùng nó như những con rối.

Tác hại về mặt sinh học của ma tuý là ở chỗ đó nhưng tác hại về mặt đời sống, xã hội của ma tuý thì có lẽ còn khủng khiếp hơn nhiều. Nó như một ông chủ toàn năng đối với những con rối của mình, những kẻ dính vào ma tuý. Và những con rối ấy sẽ là những hiểm họa đối với một xã hội tiến bộ.

1. Con rối thứ nhất: Con nghiện

Hiện nay số người nghiệm ma tuý là không thể kể hết, và ở mọi tầng lớp. Nhưng điều đáng lo nhất, phần lớn những con nghiện ở độ tuổi thanh niên. Họ là những chủ nhân tương lai của xã hội, sẽ tiếp bước những người đi trước để xây dựng đất nước ngày một giàu mạnh. Thế nhưng một bộ phận không ít trong số họ, đã không đủ bản lĩnh để vượt qua sự cám dỗ của nàng tiên nâu, đã rơi vào con đường nghiện ngập cùng một cuộc sống vô nghĩa lí. Tác hại của ma tuý đối với những con nghiện gần như là toàn diện, cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần.

a. Đời sống vật chất

Ma tuý là kẻ phá hoại kinh tế gia đình con nghiện một cách nhanh chóng nhất. Để thoả mãn cơn nghiện, con nghiện sẵn sàng lấy trộm tiền trong nhà, hay thậm chí là đi trộm cắp, gây tội lỗi. Hiện nay, ma tuý đã len lỏi vào cả chốn học đường, nơi đào tạo những chủ nhân tương lai cho xã hội, để phá hoại những gì tốt đẹp nhất của người học sinh, lôi kéo họ vào con đường tăm tối của khói thuốc phiện. Và nhất là những người có điều kiện kinh tế gia đình thuận lợi, thì ma tuý luôn là nỗi đe dọa thường trực, bởi vì những kẻ buôn ma tuý luôn chú ý tới điều này. Vì vậy khi u mê chạy theo ma tuý, đời sống vật chất của con nghiện sẽ ngày càng cạn kiệt, thậm chí là trắng tay nếu không kịp thời ngăn chặn. Con nghiện vì vậy sẽ là những con rối trong tay ma tuý, những kẻ buôn ma tuý, làm theo mọi điều kiện của chúng để thỏa mãn cơn nghiện.

b. Đời sống tinh thần

Tác hại của ma tuý về mặt này lại càng nguy hiểm.

Ma tuý sẽ khiến con nghiện trở nên ngày càng tha hóa về đạo đức, làm băng hoại giá trị tinh thần tốt đẹp. Rơi vào bàn tay của thuốc phiện, cần sa, con nghiện sẽ bị lạc vào một thế giới của ảo giác, sau đó là những cơn vật vã đau đớn về thể xác, sự mệt mỏi của trí lực, tinh thần, dần dà sẽ càng trở nên chai sạn tâm hồn, và thậm chí sẽ trở nên xấu xa, độc ác, chỉ để thỏa mãn cơn nghiện.

Nếu là một con người lành mạnh, chúng ta biết phụng sự những giá trị đạo đức, lí tưởng tốt đẹp. Nhưng nếu là một con nghiện, thì sẽ chỉ biết tuân theo một ông chủ duy nhất: ma tuý, và là một chủ nhân quỷ dữ, ma tuý sẽ gieo rắc vào tâm hồn con nghiện những mầm mống của tội ác. Đó chính là mầm mống, của tệ nạn xã hội như trộm cắp, đâm thuê chém mướn… gây ra sự rối loạn của xã hội.

READ:  Nghị luận về thói xấu của con người

Và nếu rơi vào bàn tay của ma tuý, tức là đã trở nên một kẻ có cuộc sống vô lý tưởng, vô nghĩa, nói cách khác là một kẻ thừa, hay thậm chí, là cặn bã của xã hội. Đó là tác hại về mặt tinh thần của ma tuý.
Chưa hết, có những vận động viên thể thao sử dụng ma tuý trong khi thi đấu, phá hoại tính nghiêm túc và công bằng của thể thao chân chính.

Tóm lại, tác hại về tinh thần của ma tuý đối với con người là đáng sợ nhất. Mầm móng của tệ nạn xã hội phần lớn do đó mà ra.

Nhưng một vấn đề nhức nhối đặt ra là, tại sao ngày nay nhiều người dù biết rõ về tác hại của ma tuý vẫn lao vào con đường nghiện ngập?

Thứ nhất, là do lối sống thiếu bản lĩnh. Nhiều người chỉ một thoáng bốc đồng mà hại cả đời mình, nghe theo lời bạn bè rủ rê thử cho biết “mùi đời”, rằng “nếu không thử thì không đáng mặt đàn ông” và nhiều lí do khác, mà do thiếu bản lĩnh nhiều người đã rơi vào sự cám dỗ của cần sa, thuốc phiện.

Thứ hai, là do lối sống vô lí tưởng, do quá chán chường trước một thất bại lớn, hoặc do cuộc sống vật chất quá đầy đủ, thừa thãi mà lao vào cuộc sống ăn chơi trác táng, và từ đó dẫn đến ma tuý không phải là khó hiểu. Họ đến những chốn quán bar, vũ trường… nơi tiêu thụ các loại ma tuý tổng hợp như: Hoàng hậu, hồng phiến, bạch phiến… khiến họ chìm đắm vào cuộc sống của sự cuồng loạn, ảo giác, vô nghĩa lí, làm hư hại cả một thế hệ của xã hội và còn rất nhiều lí do khác nữa.

Nguy hiểm hơn, tiêm chích ma tuý là một trong những con đường ngắn nhất dẫn đến HIV, AIDS, đại dịch thế kỉ, gieo rắc cái chết, nỗi kinh hoàng cho xã hội, nạn nhân chính là con nghiện và từ đó có thể lây bệnh cho rất nhiều người khác.

2. Con rối thứ hai: Những kẻ buôn ma tuý

Những kẻ theo tiếng lóng gọi là mafia đây là một con rối tay sai tích cực để ma tuý vươn bàn tay xương xẩu gớm ghiếc của mình len lỏi vào mọi hang cùng ngõ hẻm.

Vì sao ma tuý lại có một kẻ tay sai đắc lực như vậy?

Chính là vì ma tuý đem lại cho chúng cái ma lực lớn nhất: đồng tiền. Ma tuý là cái cần câu cơm, là cái máy in tiền cho chúng, và đổi lại chúng sẵn sàng làm bất cứ điều gì để lấy được cái ma lực ấy của ma tuý.

Bây giờ trong giới xã hội đen, ma tuý là món có ăn nhất. Do đặc điểm về mặt sinh học là gây nghiện của mình, thị trường tiêu thụ ma tuý rất lớn. Mà bọn chúng kẻ nào chẳng hám tiền? chạy theo ma tuý là chạy theo tiền. Chúng phục tùng ma tuý, chủ nhân đầy quyền lực của mình, để ma tuý có cơ hội vươn những xúc tu ra dài hơn, ngày càng quấn lấy nhiều con mồi, âm thầm tiêu diệt những hi vọng tương lai của xã hội.

Từ đó chúng ngày càng trở nên mờ mắt vì đồng tiền, tâm hồn chai sạn đi, trở nên những kẻ máu lạnh, những tên tội phạm nguy hiểm, trực tiếp gieo rắc “cái chết trắng” cho mọi người.

READ:  [Dàn Ý] Phân tích bài thơ Nhàn để hiểu rõ con người Nguyễn Bỉnh Khiêm

Loại con rối thứ hai này là những tên đồ tể đắc lực trong cái mạch sống của ma tuý. Ma tuý sẽ không thể gây được tác hại cho đời sống con người nếu khôngcó những con rối này. Vì vậy chúng luôn là mục tiêu cần loại trừ của xã hội, của luật pháp. Một trong những tội ác lớn nhất là tàng trữ, vận chuyển và buôn bán trái phép chất ma tuý.

Thế nhưng trong thời buổi kinh tế thị trường đồng tiền có sức mạnh vạn năng, thì những thế lực tạo ra đồng tiền, dù là phi pháp, thì vẫn có rất nhiều kẻ sẵn sàng bán rẻ lương tâm để chạy theo mà trong những thế lực ấy, lớn nhất vẫn là ma tuý. Vì vậy ma tuý thực sự là chủ nhân của những con rối, những kẻ buôn ma tuý. Để diệt được hoàn toàn chủ nhân quỷ dữ ấy, có lẽ chúng ta phải chờ đến một sự thay đổi về căn bản của xã hội, của phương thức sản xuất mới và một nền kinh tế mới có thể thay thế được nền kinh tế thị trường (nền kinh tế mới ấy, tất nhiên phải tiên tiến hơn kinh tế thị trường mà cụ thể là kinh tế của xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa). Hiện nay chúng ta chỉ có thể hạn chế được phần nào tác hại của ma tuý chứ chưa thể tiêu diệt hoàn toàn.

Vì vậy thúc đẩy tiến bộ xã hội cũng là một bước không thể thiếu trong việc loại bỏ hoàn toàn tác hại của ma tuý.

3. Con rối thứ ba: Những kẻ bao che, dung túng cho hành động buôn bán trái phép chất ma tuý.

Trong số những kẻ ấy có cả những người cầm cân nảy mực trong pháp luật. Những kẻ ấy chịu ảnh hưởng gián tiếp của ma tuý, đồng tiền thông qua tác nhân trực tiếp là con rối thứ hai: những kẻ buôn ma tuý.

Loại rối thứ ba này nguy hiểm cho bộ máy cầm quyền của nhà nước, của xã hội, là nguồn gốc cho tệ tham nhũng, quan liêu… và dung túng để ma tuý dễ dàng hơn trong việc xâm nhập ngày một sâu hơn vào xã hội.

Tôi không muốn nói nhiều về loại rối thứ ba này, vì chưa có nhiều hiểu biết. Và tôi mong các nhà lãnh đạo ngày càng để tâm hơn đến những kẻ ấy, để làm cho bộ máy, tổ chức Đảng được trong sạch vững mạnh, trước mắt để hạn chế tác hại của ma tuý với con người và xã hội và về mặt lâu dài từng bước đưa xã hội phát triển đi lên, dẫn đến loại bỏ hoàn toàn tác hại của ma tuý.

Ma tuý như một cái khách sạn thu hút con người bởi cái vẻ ngoài hào nhoáng đầy ma lực của nó. Ta bước vào vì ngỡ đó là chốn thiên đường. Nhưng bước vào ta mới biết đó là địa ngục, là một nhà thương điên được ngụy trang. Nó thu hút, mời gọi ta bởi những tiếp viên niềm nở, nhưng vào trong là những sự vất vả, dữ dội, khủng khiếp. Và nguy hiểm hơn, ta có thể bước vào đó, nhưng cũng có thì không bao giờ bước ra được nữa.

PHAN LÊ HOÀNG LINH