Rèn luyện kỹ năng làm văn lớp 10

MỘT SỐ LƯU Ý
KHI VIẾT BÀI VĂN NGHỊ LUẬN

1. Tìm hiểu đề

Làm bài văn nghị luận cần lưu ý:

– Xác định rõ đối tượng hay vấn đề đưa ra để nghị luận.
– Chọn phương thức thể hiện phù hợp: bình luận, giải thích hay chứng minh?
– Bài viết cần dùng lập luận diễn giải hay qui nạp?
– Xác định luận điểm, nêu luận cứ và luận chứng.

2. Lập dàn ý

a) Mở bài

– Nêu vấn đề cần nghị luận.

b) Thân bài

Triển khai vấn đề nghị luận:
– Luận điểm
– Luận cứ
– Luận chứng

c) Kết bài

Nêu ý nghĩa hoặc tầm quan trọng của vấn đề nghị luận.

3. Gợi ý thực hành

Đề 1. Vai trò của sách đối với đời sống nhân loại.

Gợi ý: Cần sử dụng các thao tác giải thích, phân tích, bình luận để triển khai các ý cơ bản sau:

– Sách là gì? Người ta dùng sách để làm gì?
– Không có sách, cuộc sống con người sẽ thế nào?
– Sách có vai trò như thế nào đối với đời sống xã hội?
– Cần làm gì trước tình trạng xem nhẹ vai trò của sách trong xã hội công nghiệp hiện đại, khi công nghệ thông tin, nghe nhìn phát triển ồ ạt?
Để có tư liệu cho việc tạo lập các ý theo định hướng trên, hãy đọc lại bài Bàn về đọc sách của Chu Quang Tiềm trong Ngữ văn 9, tập hai.

Đề 2. Anh (chị) hãy trình bày những suy nghĩ của mình về lòng dũng cảm.

Gợi ý: Vận dụng các thao tác giải thích, bình luận, chứng minh để thể hiện những suy nghĩ riêng của mình về lòng dũng cảm. Cần huy động những hiểu biết về lịch sử, văn học hoặc những chuyện có thật trong cuộc sống mà em đã được nghe, được chứng kiến làm dẫn chứng cho những bàn luận của mình.
– Người như thế nào là người dũng cảm?
– Lòng dũng cảm có những biểu hiện nào?
– Lòng dũng cảm có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong cuộc sống của mỗi người và của cộng đồng?

Đề 3. Quan niệm của anh (chị) về một bài thơ hay.

Gợi ý: Cần vận dụng các thao tác bình luận, phân tích, chứng minh để thể hiện suy nghĩ của mình về tiêu chuẩn để đánh giá một bài thơ hay. Cần kết hợp giữa việc trình bày lí thuyết với việc liên hệ, phân tích, nêu cảm nghĩ của mình đối với những ví dụ cụ thể, nhất là các bài thơ đã được đọc – hiểu trong chương trình Trung học cơ sở hoặc Trung học phổ thông.
– Thơ hay thì nội dung phải như thế nào? (Cảm xúc chân thực; Nội dung có sự thống nhất cao giữa cái riêng và cái chung, giữa cảm xúc của một người với cảm xúc của nhiều người,…)
– Thơ hay thì hình thức biểu đạt phải như thế nào? (kết cấu, nhạc tính, từ ngữ, hình ảnh, các biện pháp tu từ,…)
– Nội dung và hình thức của một bài thơ hay phải kết hợp với nhau ra sao?

READ:  Viết một truyện ngắn về số phận và nỗi niềm của một con gà chọi

Đề 4. Bi kịch của người phụ nữ trong xã hội cũ qua một số tác phẩm văn học trung đại đã học: Đọc “Tiểu Thanh kí” (Nguyễn Du), Chinh phụ ngâm (Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm), Cung oán ngâm (Nguyễn Gia Thiều).

Gợi ý: Đề bài đưa ra ba tác phẩm và một vấn đề có tính khái quát. Cần vận dụng thao tác phân tích, bình luận song cũng phải có kĩ năng tổng hợp khi thực hiện yêu cầu của đề này. Nội dung phản ánh và hình tượng trung tâm của ba tác phẩm là những luận cứ mà người viết cần phân tích để làm nổi rõ luận điểm về bi kịch của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Có thể tham khảo sự lập ý và cách triển khai ý dưới đây:
– Ba tác phẩm (Đọc “Tiểu Thanh kí” của Nguyễn Du, Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm và Cung oán ngâm của Nguyễn Gia Thiều) có điểm gì chung? (Đều phản ánh bi kịch của người phụ nữ trong xã hội cũ)
– Thân phận, tình cảnh, nỗi bất hạnh của ba người phụ nữ trong ba tác phẩm có gì khác nhau? (nàng Tiểu Thanh, người chinh phụ, người cung nữ)
– Mỗi nhân vật mang một nỗi khổ riêng, song những nỗi niềm riêng ấy cho ta thấy tấn bi kịch chung của người phụ nữ trong xã hội cũ như thế nào?
– Có thể liên hệ so sánh như thế nào với người phụ nữ hiện nay?
– Em có suy nghĩ gì về giá trị nhân đạo của các tác phẩm thể hiện bi kịch của người phụ nữ?

Đề 5. Bài học về nhân cách mà anh (chị) rút ra từ các câu chuyện về Thái phó Tô Hiến ThànhThái sư Trần Thủ Độ.

Gợi ý: Đề bài yêu cầu từ những câu chuyện về các nhân vật lịch sử người viết tự nêu lên những suy nghĩ về bài học nhân cách. Để thực hiện tốt yêu cầu của đề bài này, cần tập trung vận dụng thao tác bình luận, giải thích. Có thể tham khảo sự lập ý và cách triển khai ý dưới đây:
– Thái phó Tô Hiến Thành và Thái sư Trần Thủ Độ được khắc họa nổi bật ở điểm nào trong các câu chuyện lịch sử? Tại sao có thể coi hai ông là tấm gương sáng về đức độ, nhân cách?
– Em rút ra bài học gì về nhân cách từ những câu chuyện về hai nhân vật lịch sử? ý nghĩa của bài học ấy là gì? (Bài học về đức tính chính trực, thẳng thắn, chí công vô tư, lòng quả cảm, trung thực, tinh thần yêu nước,…)
– Có thể liên hệ được không giữa những gì diễn ra trong câu chuyện lịch sử ngợi ca nhân cách của Tô Hiến Thành và Trần Thủ Độ với đời sống xã hội hiện nay?
– Em có thể áp dụng bài học ấy vào cuộc sống, công việc học tập,… của mình như thế nào?

READ:  Bài văn hay Thuyết minh về món ăn yêu thích

Đề 6. Ngạn ngữ Hi Lạp có câu: “Học vấn có chùm rễ đắng ngắt nhưng hoa quả lại rất ngọt ngào”.
Anh (chị) hiểu như thế nào về ý kiến trên?

Dàn ý:
I- Mở bài
– Nêu tầm quan trọng của học vấn đối với con người (lấy một số tấm gương học tập, rèn luyện của các nhà khoa học, nhà văn hoá, nhà văn nổi tiếng để làm lời vào bài cho sinh động)
– Nêu câu ngạn ngữ.
II. Thân bài
1. Giải thích ngắn gọn ý nghĩa câu ngạn ngữ.
Từ “chùm rễ đắng ngắt” đến “hoa quả ngọt ngào” là con đường gian nan. Học vấn có vai trò hết sức quan trọng đối với mỗi con người và xã hội.
2. Đánh giá vấn đề:
– Con đường học vấn rất khó khăn, nhiều chông gai, là “chùm rễ đắng ngắt”. Bởi:
+ Tri thức nhân loại thì rộng vô cùng, khả năng của con người thì có hạn, liệu con người có đủ kiên nhẫn để chiếm lĩnh nó?
+ Trên con đường học vấn có nhiều thử thách, con người có vượt qua trở ngại và vượt qua chính mình?
– Muốn có học vấn, con người không chỉ vượt qua khó khăn còn phải:
+ Cần cù, nhẫn nại,
+ Biết cách tích luỹ kiến thức.
+ Có thể phải học cả đời.
– Có học vấn – có cái gốc – tức là có thành quả – ‘hoa quả ngọt ngào”
+ Kiến thức ta thu được sau bao năm học tập, dù chỉ là hạt cát trong sa mạc, giọt nước giữa đại dương nhưng giúp ta đảm bảo cuộc sống của mình và góp phần xây dựng xã hội.
+ Vì thế con người phải ra sức học tập, tục ngữ Việt Nam có câu: “Không thầy đố mày làm nên”.
3. Mở rộng vấn đề:
– Hiểu sâu sắc vị đắng của “chùm rễ đắng ngắt” ấy để mỗi người cố gắng hơn và tự hào về học vấn của mình.
– Những nhà bác học lỗi lạc, những danh nhân nổi tiếng đều là những người giàu nghị lực vượt qua bao khó khăn, thiếu thốn để học tập và gặt hái vinh quang.
– Trong cuộc sống hiện đại, quan niệm về học vấn được mở rộng. Mỗi người phải luôn luôn tự học để làm giàu vốn hiểu biết của mình.
III. Kết bài
Khẳng định ý nghĩa vấn đề, rút ra bài học đối với bản thân:
– Xác định quan niệm học tập đúng đắn;
– Không ngừng bồi dưỡng nghị lực và rèn luyện quyết tâm đi tiếp con đường học vấn.