Trên vách đá động Nhị Thanh tại làng Vĩnh Trại, huyện Thoát Lãng thuộc tỉnh lỵ Lạng Sơn (cũ), hiện còn bức phù điêu khắc đá, tạc hình một ông già ngôi, bên dưới khắc bài văn “tự tán”:
“Người là ai? khăn áo đạo sĩ, nét mặt nhà nho,
Thân cao bốn thước, lưng nhỏ ba chét tay,
Râu thưa, tóc mai trĩu, má hóp, lưỡng quyền gầy.
Há không chốn tiêu dao mà làm tổ trong hang này?
Văn dốt vũ dát, chính sự độn, việc “hành chỉ” tuềnh toàng, không một nét đáng ghi lại.
Duy tính ưa suối đá, mà chí khí ở nơi hồ biển,
Được hang động này thật thích hợp, để gìn giữ cái tuổi già lều lảo của ta…”
Đó là chân dung thực của Ngô Thì Sĩ và cũng là những lời ông bộc bạch về con người mình – chỗ hay cũng như chỗ dở. Ông sinh ngày 15-10-1726, có hiệu là Ngọ Phong, quê làng Tả Thanh Oai, trấn Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Hà Tây). Gia đình Ngô Thì Sĩ nổi tiếng thi thư. Ông nội là Ngô Trân, cha là Ngô Thì ức, em là Ngô Thì Đạo đều có tài văn học.
Thuở nhỏ, vì cha mất sớm, Ngô Thì Sĩ được ông nội chăm sóc dạy dỗ. Ông học giỏi, nhưng thi cử lận đận, vì những ý tứ mới lạ và văn chương phóng khoáng của ông không hợp với các quan trường. Tiếng tăm ông lừng lẫy càng làm cho người ta thành kiến. ở các kỳ thi Hội, người chấm cứ tìm các bài văn đoán là văn Ngô Thì Sĩ để đáng hỏng. Chúa Trịnh biết việc này, đã cách chức một khảo quan là Trần Tổ (1752), nhưng thành kiến của quan trường vẫn không thay đổi. Đến năm 1766, Ngô Thì Sĩ mới đỗ được Hoàng Giáp. Ông liên tiếp làm quan ở nhiều nơi: Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, rồi cuối cùng là Đốc trấn ở Lạng Sơn, mất tại nhiệm sở ngày 22-10-1780.
Ngô Thì Sĩ xuất thân từ một gia đình quan chức nhỏ, cái nghèo đeo đuổi ông từ thuở học trò cho đến khi đã thành một viên chức trong phủ chúa và cả khi đã thành một triều quan. ông đã từng có những giai đoạn mỗi tháng có đến mười lăm ngày bị “gạo củi bức bách…, túi rỗng, bếp lạnh” (Trách ma nghèo). Cũng đã từng phải đi vay để đáp ứng nạn gạo châu củi quế, “nhưng dần dần người ta chán vì thất tín nên một tiền cũng kiên quyết chối từ” (Nông đáp). Tình cảnh Ngô Thì Sĩ cũng là hiện tượng khá phổ biến của tầng lớp nho sĩ trí thức đương thời. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ vẫn rất tha thiết với đất nước, vẫn mang hoài bão “tri quân trạch dân” và họ trăn trở rất nhiều trước thời cuộc, Ngô Thì Sĩ cũng vậy. Hơn ba mươi năm làm quan, ông đã đề xuất nhiều vấn đề và trực tiếp đối thoại với phủ chúa. Đó là các đề nghị chấn chỉnh thi cử, sửa đổi chính sách thuế khóa, chiêu tập nông dân phiêu bạt về khai hoang, hạn chế việc nhà giàu chiếm đoạt ruộng đất, nghiêm trị bọn quan lại hà hiếp dân, phòng thủ biên giới… Ông đặc biệt thông cảm và dành nhiều ưu ái cho tầng lớp học trò và nông dân. Vào thời điểm bấy giờ, khi bộ máy quan liệu đã hết sức sa sút, một người có nhân cách cao đẹp như ông thật hiếm có.
Ngô Thì Sĩ là một trí thức có nhiều hoài bão. Suốt đời, ông theo đuổi lý tưởng làm một người có ích cho dân cho nước. Trong chính trị, có thể ông không thành công, nhưng trong sử học, văn học, ông có rất nhiều đóng góp. Ông thực sự có vai trò người sáng lập Ngô gia văn phái. Ông là một nhà sử học lớn với các tác phẩm Việt sử tiêu án, Đại Việt sử ký tiền biên, một phần Đại Việt sử ký tục biên. Lối chép sử của ông có tinh thần dân tộc, có nhiều phát hiện, và có phong cách khoa học. Ngô Thì Sĩ cũng là một nhà văn đa dạng về bút pháp và có một khối lượng tác phẩm khá lớn. Bảo chướng hoằng mộ cho ta thấy sự sắc sảo, giàu tinh thần phê phán của ngòi bút nghị luận, Ngọ phong văn tập thể hiện chất hiện thực, phong phú của ngòi bút ký sự. Anh ngôn thi tập thể hiện chất hào hoa đằm thắm của một tâm hồn thi sĩ giàu nhân ái, trung hậu… Song có lẽ nổi bật nhất ở Ngô Thì Sĩ là chất cận đại trong thi pháp của ông. Đó là chất văn xuôi, chất đời sống thường xuất hiện đậm nét ở mọi thể loại. Có thể gặp trong tác phẩm của ông những con số thống kê có thực, những cảnh thực, người và chuyện thực. Điều này là mới mẻ so với bút pháp ước lệ, khoa trương, tượng trưng của văn học thời Trung đại, Ngô Thì Sĩ cũng có thể xem là nhà thơ tình sớm nhất trong văn học Việt Nam. Có lẽ trước ông, không tìm thấy trong văn học nước ta nhà văn nào có cả một tập như tập Khuê ai lục nói về người vợ, người tình một cách thâm trầm da diết như vậy. Ngoài ra, thơ đề vịnh của Ngô Thì Sĩ cũng bộc lộ được tính cách hào hoa, tâm hồn phong phú và nhạy cảm của ông trước cảnh đẹp của quê hương đất nước.