Ôn tập các văn bản nhật dụng lớp 9

I. PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

1. Những điều cần lưu ý về tác giả và tác phẩm

1.1. Tác giả: Lê Anh Trà

1.2. Tác phẩm

a. Xuất xứ

Phong cách Hồ Chí Minh là một phần bài viết “Phong cách Hồ Chí Minh cái vĩ đại gắn với cái giản dị” của tác giả Lê Anh Trà, trích trong cuốn Hồ Chí Minh và văn hóa Việt Nam (Viện Văn hóa xuất bản, Hà Nội 1990).

b. Nội dung

– Bài “Phong cách Hồ Chí Minh” chủ yếu nói về phong cách làm việc, phong cách sống của Người. Cốt lõi của phong cách Hồ Chí Minh là vẻ đẹp văn hóa với sự kết hợp hài hòa giữa tinh hoa văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại.

– Bài thuộc chủ đề về sự hội nhập với thế giới và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên nó không chỉ mang ý nghĩa cập nhật mà còn có ý nghĩa lâu dài. Bởi lẽ học tập, rèn luyện theo phong cách Hồ Chí Minh là việc làm thiết thực, thường xuyên của các thế hệ người Việt Nam, nhất là lớp trẻ.

– Văn bản nói về hai nét nổi bật trong phong cách Hồ Chí Minh: Kết hợp giữa bản sắc văn hóa dân tộc bền vững với hiểu biết sâu rộng tinh hoa văn hóa thế giới:

+ Hồ Chí Minh đã tiếp xúc với văn hóa thế giới bằng nhiều con đường (đi nhiều nơi, làm nhiều nghề, học hỏi nhiều thứ tiếng…)

+ Người tiếp thu một cách có chọn lọc tinh hoa văn hóa nước ngoài (không chịu ảnh hưởng một cách thụ động, tiếp thu mọi cái hay cái đẹp, phê phán những hạn chế tiêu cực, trên nền tảng văn hóa dân tộc mà tiếp thu ảnh hưởng quốc tế).

+ Lối sống hết sức giản dị, thanh đạm nhưng cũng rất thanh cao. Đó là “Một lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất phương Đông, nhưng cũng đồng thời rất mới, rất hiện đại”:

[ Ở cương vị lãnh đạo cao nhất Hồ Chí Minh có lối sống vô cùng giản dị (nơi ở, nơi làm việc đơn sơ, trang phục hết sức giản dị, ăn uống đạm bạc)

[ Cách sống giản dị, đạm bạc của Hồ Chí Minh lại vô cùng thanh cao, sang trọng (không phải là lối sống khắc khổ của những con người tự vui trong nghèo khó, không phải là tự thần thánh hóa cho khác đời, hơn đời, mà là cách sống có văn hóa với quan niệm: cái đẹp là sự giản dị tự nhiên).

[ Nét đẹp trong lối sống dân tộc của Hồ Chí Minh gợi nhớ tới cách sống của các vị hiền triết (Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trãi).

c. Nghệ thuật

– Kết hợp giữa kể và bình luận. Đan xen giữa lời kể là lời bình luận một cách tự nhiên (có thể nói ít có vị lãnh tụ nào … cổ tích).

– Chọn lọc những chi tiết tiêu biểu (dẫn chứng trong văn bản)

– Đan xen thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, dùng từ Hán Việt gợi cho người đọc sự gần gũi giữa Bác với các bậc hiền triết dân tộc.

– Sử dụng nghệ thuật đối lập: vĩ nhân mà hết sức giản dị, gần gũi, am hiểu mọi nền văn hóa nhân loại mà hết sức Việt Nam.

2. Bài luyện tập

2.1. Bài tập 1

Văn bản có tựa đề “Phong cách Hồ Chí Minh”. Tác giả không giải thích “phong cách” là gì nhưng qua nội dung văn bản, em hiểu từ “phong cách” trong trường hợp này có ý nghĩa như thế nào? Nét nổi bật trong phong cách Hồ Chí Minh được Lê Anh Trà nêu trong bài viết là gì ?

Gợi ý

– Từ “phong cách” có nhiều nghĩa. Ở văn bản này “phong cách” được hiểu là đặc điểm có tính ổn định trong lối sống, sinh hoạt, làm việc của một người tạo nên nét riêng của người đó.

– Nét nổi bật trong phong cách Hồ Chí Minh

+ Kết hợp giữa bản sắc văn hóa dân tộc bền vững với hiểu biết sâu rộng tinh hoa văn hóa thế giới.

+ Lối sống hết sức giản dị, thanh đạm nhưng cũng rất thanh cao. Đó là “Một lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất phương Đông, nhưng cũng đồng thời rất mới, rất hiện đại”.

2.2. Bài tập 2

Nêu và phân tích những biện pháp nghệ thuật làm nổi bật vẻ đẹp trong phong cách Hồ Chí Minh qua văn bản “Phong cách Hồ Chí Minh” của Lê Anh Trà.

Gợi ý

Yêu cầu viết thành đoạn văn, đảm bảo các ý chính sau :

– Kết hợp giữa kể và bình luận. Đan xen giữa lời kể là lời bình luận một cách tự nhiên (dẫn chứng)

– Chọn lọc những chi tiết tiêu biểu (dẫn chứng)

– Đan xen thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, dùng từ Hán Việt gợi cho người đọc sự gần gũi giữa Bác với các bậc hiền triết dân tộc (dẫn chứng).

– Sử dụng nghệ thuật đối lập: vĩ nhân mà hết sức giản dị, gần gũi, am hiểu mọi nền văn hóa nhân loại mà hết sức Việt Nam (dẫn chứng).

2.3. Bài tập 3

Vì sao có thể nói lối sống giản dị của Bác Hồ là một “lối sống thanh cao” và “có khả năng đem lại hạnh phúc thanh cao cho tâm hồn và thể xác”?
Gợi ý

– Lối sống giản dị của Bác thể hiện một quan niệm sống đẹp, văn minh, một quan niệm thẩm mĩ sâu sắc. Đó là sự coi trọng các giá trị tinh thần, là cách sống không lệ thuộc vào điều kiện vật chất, không coi mục đích sống chỉ là hưởng thụ vật chất. Đó cũng là cách sống coi trọng và luôn tạo được sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên, đem lại niềm vui, sự khỏe khoắn và thanh cao cho tâm hồn thể xác. Chẳng hạn ngôi nhà sàn của Bác dù ở giữa chốn đô thị vẫn có sự hài hòa với thiên nhiên vườn cây, ao cá như những ngôi nhà sàn giản dị ở làng quê.

– Lối sống giản dị và thanh cao của Bác là sự kế tục truyền thống của các bậc hiền triết phương Đông. Cách sống ấy thể hiện quan niệm thẩm mĩ: cái đẹp là sự giản dị.

2.4. Bài tập 4

Trong tình hình đất nước ta đang mở cửa hội nhập với thế giới như hiện nay, việc học tập phong cách Hồ Chí Minh có ý nghĩa như thế nào? Từ ý nghĩa đó em cần học tập và rèn luyện như thế nào ?

Gợi ý

– Trong tình hình đất nước ta đang mở cửa hội nhập với thế giới, một vấn đề được đặt ra và cần giải quyết tốt đó là tiếp thu tinh hoa văn hóa, văn minh của nhân loại, của thế giới, đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là một nhiệm vụ to lớn và không dễ dàng. Phong cách Hồ Chí Minh là một tấm gương về phương diện này. Vì thế việc học tập phong cách Hồ Chí Minh sẽ giúp cho mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, có được một bài học sinh động về việc kết hợp tinh hoa văn hóa thế giới với bản sắc văn hóa dân tộc.

– Em nhận thức được thế nào là lối sống có văn hóa, thế nào là “mốt”, là hiện đại trong ăn mặc nói năng …

II. ĐẤU TRANH CHO MỘT THẾ GIỚI HÒA BÌNH

1. Những điều cần lưu ý về tác giả và tác phẩm

1.1. Tác giả

– Ga-bri-en Gác-xi-a Mác-két là nhà văn Cô-lôm-bi-a, sinh năm 1928.

– Ông là tác giả của nhiều tiểu thuyết và nhiều tập truyện ngắn theo khuynh hướng hiện thực huyền ảo.

– “Trăm năm cô đơn” (1967) là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng từng được giới phê bình văn học đánh giá là một trong những cuốn sách hay nhất thế giới trong những năm 60 của thế kỷ XX.

– Năm 1982, Mác-két được tặng giải thưởng Nô- ben về văn học.

1.2. Tác phẩm

1.2.1. Xuất xứ

Văn bản “Đấu tranh cho một thế giới hòa bình” trích từ bài tham luận nổi tiếng của G.Mác-két tại hội nghị của các nguyên thủ của các nước thuộc châu Á, Âu, Phi, Mĩ-La-tinh vào tháng 8 năm 1986, tại Mê-hi-cô.

1.2.2. Nội dung

– Văn bản chỉ rõ nguy cơ khủng khiếp của chiến tranh hạt nhân và cuộc chạy đua vũ trang đang đe dọa toàn thể loài người cũng như mọi sự sống trên trái đất. Vì thế nhiệm vụ của tất cả mọi người là ngăn chặn nguy cơ đó, đấu tranh cho một thế giới hòa bình.

– Nội dung của văn bản được triển khai bằng một hệ thống luận điểm, luận cứ chặt chẽ:

+ Kho vũ khí hạt nhân đang được tàng trữ, có khả năng hủy diệt cả trái đất và các hành tinh khác trong hệ mặt trời.

READ:  Soạn bài Luyện tập sử dụng yếu tố miêu tả trong văn bản thuyết minh

+ Cuộc chạy đua vũ trang làm mất đi khả năng cải thiện nhiều lĩnh vực: xã hội, y tế, tiếp tế thực phẩm, giáo dục… Những chi phí khổng lồ cho chạy đua vũ trang đã cho thấy tính chất phi lý của việc đó.

+ Chiến tranh hạt nhân không chỉ đi ngược lại lý trí của loài người mà còn ngược lại lý trí của tự nhiên, phản lại sự tiến hóa.

+ Vì vậy, tất cả chúng ta phải có nhiệm vụ ngăn chặn cuộc chiến tranh hạt nhân, đấu tranh cho một thế giới hòa bình.

1.2.3. Nghệ thuật

– Hệ thống luận điểm, luận cứ toàn diện chặt chẽ.

– Chứng cứ phong phú, cụ thể từ nhiều lĩnh vực tri thức khoa học và thực tiễn.

– Sử dụng phép so sánh thích hợp, có hiệu quả.

– Kết hợp lý lẽ sắc bén với tri thức phong phú và đặc biệt là lòng nhiệt tình mạnh mẽ của tác giả.

1.3. Chủ đề

Văn bản kêu gọi toàn nhân loại đoàn kết ngăn chặn chiến tranh hạt nhân, bảo vệ hòa bình và sự sống trên trái đất.

2. Bài luyện tập

2.1 Bài tập 1

Viết đoạn văn ngắn (khoảng từ 15 đến 20 dòng) đánh giá cách vào đề của nhà văn G. Mác-két qua đoạn đầu của văn bản “Đấu tranh cho một thế giới hòa bình”

Gợi ý

1. Mở đoạn

Giới thiệu khái quát về cách lập luận vào đề của nhà văn Mác – két trong đoạn đầu của văn bản.

2. Thân đoạn

– Nêu thời gian địa điểm: Chúng ta đang ở đâu? Hôm nay ngày 8/8/1986.

– Nêu thẳng nguy cơ chiến tranh hạt nhân như một sự thật hiển nhiên bằng những con số cụ thể về đầu đạn hạt nhân.

– Tác giả làm phép tính đơn giản nhưng thật rõ ràng để mọi người có thể hình dung được sức mạnh tàn phá khủng khiếp của lượng vũ khí hạt nhân

– Sử dụng điển tích trong thần thoại Hy Lạp so sánh sự lan truyền và chết người hàng loạt.

3. Kết đoạn

Cách vào đề trực tiếp, chứng cứ cụ thể rõ ràng, trí tưởng tượng khoa học mạnh mẽ thu hút người đọc, người nghe thấy rõ sự tàn phá khủng khiếp của kho vũ khí hạt nhân.

2.2. Bài tập 2

Nêu hệ thống dẫn chứng mà tác giả dùng làm sáng tỏ luận cứ “Cuộc chạy đua vũ trang chuẩn bị cho chiến tranh hạt nhân đã làm mất đi khả năng để con người được sống tốt đẹp hơn”.

Gợi ý

– Tác giả đưa ra hàng loạt các dẫn chứng với những so sánh đầy thuyết phục trong các lĩnh vực: xã hội, y tế, tiếp tế thực phẩm, giáo dục…

– UNICEF cần 100 tỉ USD để giải quyết những vấn đề cấp bách cho 500 triệu trẻ em nghèo khổ nhất thế giới gần bằng những chi phí cho 100 máy bay ném bom chiến lược Mĩ và dưới 7000 tên lửa vượt đại châu.

– Kinh phí của chương trình phòng bệnh 14 năm bảo vệ hơn 1 tỉ người khỏi bệnh sốt rét, cứu hơn 14 triệu trẻ em châu phi bằng giá 10 chiếc tàu sân bay mang vũ khí hạt nhân kiểu Ni-mít dự định đóng từ 1986 – 2000.

– Số tiền cứu 575 triệu người thiếu dinh dưỡng không bằng 149 tên lửa MX.

– Tiền trả nông cụ cho các nước nghèo để họ có thực phẩm trong 4 năm bằng tiền sản xuất 27 tên lửa MX.

– Tiền đủ xóa nạn mù chữ cho toàn thế giới bằng tiền đóng 2 tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân.

2.3. Bài tập 3

Vấn đề G.Mác – két đưa ra trong “Đấu tranh cho một thế giới hòa bình” có ý nghĩa như thế nào trong tình hình hiện nay.

Gợi ý

Học sinh viết thành đoạn văn hoàn chỉnh thể hiện vấn đề nêu trong bài viết có tính cấp thiết đối với đời sống xã hội và con người hiện nay nó cũng là vấn đề đã có ý nghĩa lâu dài chứ không phải chỉ là nhất thời, đó là nguy cơ chiến tranh hạt nhân vẫn hiện hữu và mọi người cần đấu tranh cho một thế giới hòa bình. Cụ thể đảm bảo một số ý chính sau:

– Trong những năm qua thế giới có những đáng kể để làm giảm nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Chẳng hạn:

+ Các hiệp ước cấm thử, cấm phổ biến vũ khí hạt nhân đã được nhiều nước kí kết, hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược giữa Mĩ và Liên Xô (nay là nước Nga). Nhưng hoàn toàn không có nghĩa là nguy cơ chiến tranh hạt nhân đã không còn hoặc lùi xa.

+ Kho vũ khí hạt nhân vẫn tồn tại và ngày càng được cải tiến.

– Chiến tranh và xung đột vẫn liên tục nổ ra nhiều nơi trên thế giới.Vì vậy thông điệp của G.Mác -két vẫn còn nguyên giá trị, vẫn tiếp tục thức tỉnh và kêu gọi mọi người đấu tranh cho một thế giới hòa bình.

2.4. Bài tập 4

Phát biểu cảm nghĩ của em về bài “Đấu tranh cho một thế giới hòa bình” của nhà văn G.Mác -két.

Gợi ý

1. Mở bài

– Trong thời đại ngày nay, điều đáng lo ngại nhất của thế giới chính là cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân giữa các cường quốc.

– G. Mác-két là nhà văn nổi tiếng của Cô-lôm-bi-a. Ông đã viết bài “Đấu tranh cho một thế giới hòa bình” để kêu gọi toàn nhân loại đoàn kết ngăn chặn chiến tranh hạt nhân, bảo vệ hòa bình và sự sống trên trái đất.

2. Thân bài

a. Cảnh báo nguy cơ chiến tranh hạt nhân:

Tác giả đưa ra một con số khủng khiếp để cụ thể hóa nguy cơ đó :

+ Tính đến ngày 8/8/1986, 50.000 đầu đạn hạt nhân được bố trí khắp hành tinh.

+ Bình quân, mỗi người đang ngồi trên 4 tấn thuốc nổ.

+ Nếu tất cả nổ tung thì sẽ tan biến mọi dấu vết của sự sống trên trái đất.

b. Chi phí đến mức vô nhân đạo của cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân:

Chứng minh bằng hệ thống dẫn chứng tiêu biểu và toàn diện, có tính chất tương phản rất rõ:

– Dự định của UNICEF về chương trình giải quyết các vấn đề cấp bách cho hơn 500 triệu trẻ em nghèo khổ trên khắp thế giới không thể thực hiện được vì không có đủ số tiền 100 tỉ đô la.

– Số tiền này chỉ gần bằng chi phí bỏ ra cho 500 máy bay ném bom chiến lược của Mĩ và 7000 tên lửa vượt đại châu.

– Giá 100 chiếc tàu sân bay mang vũ khí hạt nhân đủ để thực hiện chương trình phòng bệnh trong 14 năm…

– Chỉ cần số tiền chế tạo 27 tên lửa MX là đủ cho các nước nghèo có thực phẩm dùng trong 4 năm…

– Hai chiếc tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân có giá trị tương đương với số tiền xóa nạn mù chữ cho toàn thế giới…

c. Lên án cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân là đi ngược lại lý trí của con người và quá trình tiến hóa của tự nhiên:

– Sự bức xúc cao độ của nhà văn thể hiện qua lập luận sắc bén, đầy sức thuyết phục.

– Từ lúc nhen nhóm sự sống trên trái đất cho đến nay, đã trải qua mấy trăm triệu năm.

– Chỉ cần nhấn một nút hạt nhân là cả quá trình tiến hóa vĩ đại ấy trở về điểm xuất phát đầu tiên, có nghĩa là sự sống hoàn toàn bị tiêu diệt.

d. Lời kêu gọi toàn nhân loại hãy đoàn kết chống chiến tranh hạt nhân:

Mọi người hãy đoàn kết, đồng thanh phản đối chiến tranh hạt nhân, đòi hỏi một cuộc sống hòa bình, hạnh phúc.

3. Kết bài

– Bài viết chứa đựng ý nghĩa thời sự và nhân đạo to lớn, sâu sắc.

– Mác – két xứng đáng là người chiến sĩ đấu tranh cho hòa bình của nhân loại.

III. TUYÊN BỐ THẾ GIỚI VỀ SỰ SỐNG CÒN, QUYỀN ĐƯỢC BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ EM

1. Những điều cần lưu ý về tác giả và tác phẩm

1.1. Giới thiệu về hoàn cảnh ra đời tác phẩm

– Văn bản trích phần đầu bản “Tuyên bố” của Hội nghị cấp cao thế giới về trẻ em họp tại trụ sở Liên Hợp quốc, Niu oóc ngày 30/9/1990, trong cuốn “Việt Nam và các văn kiện quốc tế về quyền trẻ em” (NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997).

– Sau phần trích này bản tuyên bố còn có phần “Cam kết”, phần “Những bước tiếp theo” khẳng định quyết tâm và nêu ra một chương trình, các bước cụ thể cần phải làm.

READ:  Nâng cao hiệu quả dạy học văn bản nhật dụng ở bậc THCS

– Hội nghị diễn ra trong bối cảnh mấy mươi năm cuối thế kỷ XX, khoa học kỹ thuật phát triển, kinh tế tăng trưởng, tính cộng đồng, hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới được củng cố, mở rộng. Đó là những điều kiện thuận lợi đối với nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Song bên cạnh đó cũng có không ít khó khăn, nhiều vấn đề cấp bách được đặt ra: sự phân hóa rõ rệt về mức sống giữa các nước về giàu nghèo, tình trạng chiến tranh và bạo lực ở nhiều nơi trên thế giới, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị tàn tật, bị bóc lột và nguy cơ thất học ngày càng nhiều.

1.2. Tác phẩm

a. Nội dung

Văn bản gồm 17 mục: chia 3 phần

– Phần “Sự thách thức”: Nêu lên những thực tế, những con số về cuộc sống khổ cực trên nhiều mặt, về tình trạng bị rơi vào hiểm hoạ của nhiều trẻ em trên thế giới hiện nay. Cụ thể :

+ Bị trở thành nạn nhân của chiến tranh, và bạo lực, của nạn phân biệt chủng tộc, chế độ A-pác-thai, của sự xâm lược, chiếm đóng và thôn tính của nước ngoài.

+ Chịu đựng những thảm hoạ của đói nghèo, khủng hoảng kinh tế, của tình trạng vô gia cư, dịch bệnh mù chữ, môi trường xuống cấp.

+ Chết do suy dinh dưỡng và bệnh tật.

– Phần “Cơ hội”: Khẳng định những điều kiện thuận lợi cơ bản để cộng đồng quốc tế có thể đẩy mạnh việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Cụ thể:

+ Sự liên kết lại giữa các quốc gia cùng ý thức cao của cộng đồng quốc tế. Đã có công ước về quyền trẻ em làm cơ sở, tạo ra cơ hội mới.

+ Sự hợp tác và đoàn kết quốc tế ngày càng có hiệu quả: phong trào giải trừ quân bị được đẩy mạnh.

+ Ở nước ta Đảng và Nhà nước quan tâm một cách cụ thể. Nhận thức của cộng đồng về vấn đề này ngày càng sâu sắc.

– Phần “Nhiệm vụ”: Xác định những nhiệm vụ cụ thể mà từng quốc gia và cả cộng đồng quốc tế cần làm vì sự sống còn, phát triển của trẻ em. Những nhiệm vụ này được nêu lên một cách hợp lý và tính cấp bách trên cơ sở tình trạng, điều kiện thực tế. Cụ thể:

+ Tăng cường sức khỏe và chế độ dinh dưỡng cho trẻ em.

+ Quan tâm chăm sóc trẻ em bị tàn tật và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

+ Tăng cường vai trò của phụ nữ nói chung và đảm bảo quyền bình đẳng giữa nam và nữ.

+ Bảo đảm cho trẻ em được học hết bậc giáo dục cơ sở, không có trẻ em nào mù chữ.

+ Thực hiện kế hoạch hóa gia đình, tạo điều kiện để trẻ em lớn khôn và phát triển trên nền móng gia đình.

+Vì tương lai của trẻ em cần cấp bách bảo đảm hoặc khôi phục lại sự tăng trưởng và phát triển đều đặn nền kinh tế ở tất cả các nước.

[ Bảo vệ quyền lợi, chăm lo đến sự phát triển của trẻ em là một trong những vấn đề quan trọng, cấp bách có ý nghĩa toàn cầu. Bản “Tuyên bố” của Hội nghị cấp cao thế giới về trẻ em ngày 30/9/1990 đã khẳng định điều đó và cam kết thực hiện những nhiệm vụ có tính toàn diện vì sự sống còn, phát triển của trẻ em, vì tương lai của toàn nhân loại.

b. Nghệ thuật

– Văn bản có bố cục chặt chẽ, hợp lí. Bản thân các tiêu đề đã nói lên điều đó.

– Sau hai mục đầu khẳng định quyền được sống, quyền được phát triển của mọi trẻ em trên thế giới, khẩn thiết kêu gọi toàn nhân loại hãy quan tâm đến vấn đề này, 15 mục còn lại được bố cục thành 3 phần. Mỗi phần được đặt tiêu đề rõ ràng, thể hiện tính chặt chẽ, hợp lí của văn bản. Phần “Sự thách thức” tuy ngắn gọn nhưng đủ và cụ thể. Phần “Nhiệm vụ”, các nhiệm vụ nêu ra vừa cụ thể, vừa toàn diện bao quát trên mọi lĩnh vực (y tế, giáo dục, xã hội), mọi đối tượng (trẻ em bị tàn tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trai, gái) và mọi cấp độ (gia đình, xã hội, quốc gia, cộng đồng quốc tế).

2. Bài luyện tập:

2.1. Bài tập 1

Tóm tắt lại các điều kiện thuận lợi cơ bản để cộng đồng quốc tế hiện nay có thể đẩy mạnh việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Gợi ý

– Sự liên kết lại giữa các quốc gia cùng ý thức cao của cộng đồng quốc tế. Đã có công ước về quyền trẻ em làm cơ sở, tạo ra cơ hội mới.

– Sự hợp tác và đoàn kết quốc tế ngày càng có hiệu quả: phong trào giải trừ quân bị được đẩy mạnh.

– Ở nước ta Đảng và Nhà nước quan tâm một cách cụ thể. Nhận thức của cộng đồng về vấn đề này ngày càng sâu sắc.

2.2. Bài tập 2

Tại sao vấn đề chăm sóc, bảo vệ trẻ em ngày càng trở nên cấp bách, được cộng đồng quốc tế quan tâm đến thế? Đọc phần “Sự thách thức của Bản tuyên bố” em hiểu như thế nào về tình trạng khổ cực của nhiều trẻ em trên thế giới hiện nay?

Gợi ý

– Vai trò của trẻ em đối với tương lai của một dân tộc, đối với toàn nhân loại.

– Thực trạng cuộc sống của trẻ em trên thế giới hiện nay :

+ Bị trở thành nạn nhân của chiến tranh, và bạo lực, của nạn phân biệt chủng tộc, chế độ A-pác-thai, của sự xâm lược, chiếm đóng và thôn tính của nước ngoài.

+ Chịu đựng những thảm hoạ của đói nghèo, khủng hoảng kinh tế, của tình trạng vô gia cư, dịch bệnh mù chữ, môi trường xuống cấp.

+ Chết do suy dinh dưỡng và bệnh tật.

2.3. Bài tập 3

Em có nhận thức như thế nào về tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ, chăm sóc trẻ em, về sự quan tâm của cộng đồng quốc tế về vấn đề này ?

Gợi ý

– Bảo vệ quyền lợi, chăm lo đến sự phát triển của trẻ em là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng hàng đầu của từng quốc gia và của cộng đồng quốc tế. Đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến tương lai của một đất nước của toàn nhân loại.

– Qua những chủ trương, chính sách, qua những hành động cụ thể đối với việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em mà ta nhận ra trình độ văn minh của một xã hội.

– Vấn đề bảo vệ, chăm sóc trẻ em đang được cộng đồng quốc tế dành sự quan tâm thích đáng với các chủ trương, nhiệm vụ đề ra có tính cụ thể toàn diện.

2.4. Bài tập 4

Phân tích tính chất cụ thể, toàn diện của những nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ trẻ em được bản tuyên bố nêu ra (từ mục 10 đến mục 17).

Gợi ý

Nêu từng nhiệm vụ cụ thể:

– Tăng cường sức khỏe và chế độ dinh dưỡng cho trẻ em.

– Quan tâm chăm sóc trẻ em bị tàn tật và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

– Tăng cường vai trò của phụ nữ nói chung và đảm bảo quyền bình đẳng giữa nam và nữ.

– Bảo đảm cho trẻ em được học hết bậc giáo dục cơ sở không có trẻ em nào mù chữ.

– Thực hiện kế hoạch hóa gia đình, tạo điều kiện để trẻ em lớn khôn và phát triển trên nền móng gia đình.

– Vì tương lai của trẻ em cần cấp bách bảo đảm hoặc khôi phục lại sự tăng trưởng và phát triển đều đặn nền kinh tế ở tất cả các nước.

[ Các nhiệm vụ nêu ra vừa cụ thể, vừa toàn diện bao quát trên mọi lĩnh vực (y tế, giáo dục, xã hội), mọi đối tượng (trẻ em bị tàn tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trai, gái) và mọi cấp độ (gia đình, xã hội, quốc gia, cộng đồng quốc tế). Mục 17 nhấn mạnh “Các nhiệm vụ đó đòi hỏi tất cả các nước cần phải có những nỗ lực liên tục và phối hợp với nhau trong hành động của từng nước cũng như trong hợp tác quốc tế”.