1. Bối cảnh quốc tế và tác động của nó đến Việt Nam.
Tháng 11/1917, cách mạng tháng Mười Nga thành công, đưa giai cấp công nông lên nắm chính quyền và xây dựng chủ nghĩa xã hội, biến học thuyết của Mác thành hiện thực.
Tháng 2/1919, Quốc tế cộng sản (Quốc tế 3) thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Quốc tế III, phong trào cách mạng vô sản thế giới phát triển nhanh chóng:
Tháng 12/1920, Đảng cộng sản Pháp thành lập.
Năm 1921, Đảng cộng sản Trung Quốc ra đời.
Từ năm 1923 trở đi, một số nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin đã được du nhập vào Việt Nam qua một số sách báo của Đảng cộng sản Pháp và Đảng cộng sản Trung Quốc và tác động trực tiếp đến một số trí thức Việt Nam yêu nước ở nước ngoài mà tiêu biểu là Nguyễn Ái Quốc.
Tham khảo: Bộ câu hỏi trắc nghiệm lịch sử lớp 12
Bài 1: Những chuyển biến mới về kinh tế – xã hội ở việt nam từ sau chiến tranh thế giới thứ nhất
2. Phong trào dân tộc dân chủ trong nước do giai cấp tư sản dân tộc và tiểu tư sản lãnh đạo giai đoạn 1919 – 1925
Những năm sau chiến tranh thế giới thứ nhất, phong trào dân tộc dân chủ do giai cấp tư sản dân tộc và tiểu tư sản lãnh đạo diễn ra khá mạnh mẽ:
2.1. Phong trào của giai cấp tư sản dân tộc
Để chống lại sự chèn ép, kìm hãm của Pháp, vươn lên giành lấy vị trí khá hơn về kinh tế – chính trị trong xã hội, giai cấp tư sản dân tộc đã phát động nhiều hoạt động đấu tranh sôi nổi:
+ Phong trào chấn hưng nội hoá, bài trừ ngoại hoá diễn ra vào năm 1919.
+ Chống độc quyền thương cảng Sài Gòn (1923).
+ Ra một số tờ báo để làm diễn đàn đấu tranh như: Diễn dàn Đông Dương, Tiếng vang An Nam…
+ Thành lập Đảng Lập Hiến để tập hợp lực lượng đấu tranh đòi tự do, dân chủ
Phong trào diễn ra khá rầm rộ, nhưng khi thực dân Pháp nhượng bộ cho họ một số ít quyền lợi thì những người lãnh đạo đã thỏa hiệp và ngừng đấu tranh.
2.2. Phong tràoTiểu tư sản tri thức
Ngày 19/6/1924, tiếng bom Sa Diện (Quảng Châu – Trung Quốc) của Phạm Hồng Thái đã nhóm lại ngọn lửa đấu tranh và đánh thức lòng yêu nước, mở màng cho một thời kỳ đấu tranh mới của cách mạng Việt Nam;
Ở trong nước, những tri thức Việt Nam yêu nước đã tập hợp các lực lượng yêu nước tiến bộ, thành lập nên nhiều tổ chức chính trị như: Hội Phục Việt, Đảng Thanh Niên, ra một số tờ báo như Chuông Rè, An Nam, Người nhà quê…để đấu tranh đòi tự do dân chủ.
Tiêu biểu nhất là cuộc đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu (1925) và đám tang cụ Phan Chu Trinh (1926).
=> Tất cả họat động đấu tranh do tầng lớp tiểu tư sản tổ chức đều thất bại vì tổ chức không chặt chẽ, thiếu một đường lối chính trị rõ ràng.
Sự thất bại của phong trào dân chủ công khai trong giai đọan 1919 – 1925 do giai cấp tư sản và tiểu tư sản lãnh đạo đã cho thấy sự bế tắc về lực lượng lãnh đạo và con đường giải phóng dân tộc của cách mạng Việt Nam.
3. Phong trào công nhân từng bước trưởng thành, sẵn sàng tiếp nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin và lãnh đạo cách mạng Việt Nam
Cùng với phong trào đấu tranh của giai cấp tư sản và tiểu tư sản, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam cũng từng bước trưởng thành:
+ Năm 1919, công nhân ở nhiều nơi đã đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, nhưng vẫn còn mang tính lẻ tẻ, thiếu tổ chức và liên kết. (25 vụ đấu tranh)
+ Năm 1920, công nhân Sài Gòn – Chợ Lớn đã thành lập Công hội đỏ (bí mật) do Tôn Đức Thắng đứng đầu.
+ Năm 1922: công nhân viên chức ở các sở công thương tư nhân Bắc kỳ đòi trả lương ngày chủ nhật, thợ nhuộm ở Chợ Lớn bãi công.
+ Năm 1924: công nhân dệt, rượu ở Nam Định, Hà Nội, Hải Dương bãi công.
+ Đặc biệt, tháng 8/1925, công nhân Ba Son (Sài Gòn) đã lấy cớ đòi quyền lợi để bãi công nhằm ngăn cản tàu chiến của Pháp chở quân sang đàn áp phong trào đấu tranh của các thủy thủ Trung Quốc => Cuộc bãi công kết thúc thắng lợi với sự hưởng ứng và hỗ trợ của công nhân các ngành khác ở Sài Gòn.
Đây là cuộc bãi công có tổ chức và mục tiêu chính trị rõ ràng, không còn mang tính tự phát, vì mục đích kinh tế đơn thuần như trước đây. Sự kiện này đánh dấu bước chuyển quan trọng của giai cấp công nhân Việt Nam.
Sự lớn mạnh về quy mô và trưởng thành về tổ chức và chính trị của phong trào công nhân Việt Nam là điều kiện thuận lợi cho quá trình truyền bá và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin ở Việt Nam của Nguyễn Ái Quốc trong giai đoạn sau này.
4. Hoạt động yêu nước của Nguyễn Ái Quốc (1919 – 1924) ở nước ngoài
Ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành với tên gọi mới là Văn Ba đã rời cảng Nhà Rồng trên con tàu vận tải La-tus-trê-vin để sang các nước phương Tây.
Từ 1911 đến 1917, Người đến nhiều nước ở Châu Phi, Châu Mĩ và đến cuối năm 1917 Người trở về Pháp và gia nhập Đảng xã hội Pháp.
Ngày 18/6/1919, Nguyễn Ái Quốc cùng với các chí sĩ cách mạng Việt Nam tại Pháp đã gửi tới Hội nghị Vec-xai “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” đòi Chính phủ Pháp thừa nhận các quyền tự do, dân chủ, quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Nhưng bản yêu sách đã không được chấp nhận.
Tháng 7/1920, Người đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin, từ đó Người tin theo Lênin và đứng về phía Quốc tế cộng sản.
Tháng 12/1920, tại Đại hội Đảng xã hội Pháp ở Tua, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành việc gia nhập Quốc tế 3, và tham gia sáng lập Đảng cộng sản Pháp, Người trở thành người Cộng sản Việt Nam đầu tiên.
Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy ở chủ nghĩa Mác-Lênin một con đường mới cho phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam đó là Con đường cách mạng vô sản.
Năm 1921, Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa ở Pháp.
Năm 1922, ra báo “Người cùng khổ” để vạch trần tội ác của Chủ nghĩa đế quốc. Ngoài ra còn viết bài cho các báo “Nhân đạo”, “Đời sống”… và viết cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp”…
Năm 1923, Người đi Liên Xô dự Hội nghị Quốc tế nông dân và ở lại làm việc tại Quốc tế 3, viết bài cho báo Sự thật, Tạp chí thư tín Quốc tế…
Năm 1924, Người dự Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ V.
Tháng 11/1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc), chuẩn bị cho việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam.