Phẩm bình nhân vật lịch sử

PHẨM BÌNH NHÂN VẬT LỊCH SỬ

I. GỢI DẪN

1. Lê Văn Hưu (1230 – 1322), người làng Phủ Lí, Đông Sơn (nay là thôn Phủ Lí Trung, xã Thiệu Trung, huyện Đông Sơn), tỉnh Thanh Hoá, đỗ Bảng nhãn năm 1247, là nhà sử học nổi tiếng đời Trần. Ông hoàn thành Đại Việt sử kí năm 1272 gồm 30 quyển. Công trình này là một trong những cơ sở để nhóm Ngô Sĩ Liên biên soạn thành Đại Việt sử kí toàn thư. Tác phẩm của Lê Văn Hưu hiện thất lạc, chỉ còn lại 31 đoạn dưới dạng bình sử do nhóm Ngô Sĩ Liên ghi lại trong Đại Việt sử kí toàn thư.

2. Đại Việt sử kí là bộ sử kí quy mô đầu tiên của nước ta, ghi chép lịch sử thời Triệu Vũ Đế đến Lí Chiêu Hoàng. Trong khi ghi chép, tác giả có những lời bình rất gãy gọn, cô đúc mà sắc sảo, đanh thép, thể hiện tinh thần dân tộc sâu sắc. Các đoạn trích bàn về Trưng Vương, bàn về Tiền Ngô Vương, bàn về Đinh Tiên Hoàng và bàn về việc ban thưởng là các đoạn bình sử thể hiện tài nghệ của người viết sử.

3. Cách đọc

Các đoạn trích được viết dưới dạng bình sử, tính nghị luận rất rõ nét, do đó cần đọc chậm, mạch lạc.

Tham khảo: Soạn bài Phẩm bình nhân vật lịch sử

II. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Về Trưng Vương

Nhân dân Việt Nam vẫn tự hào với truyền thống “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Lịch sử đã chứng minh, khi đất nước đứng trước nạn xâm lăng thì dù đàn ông hay đàn bà, dù già trẻ gái trai cũng đều biết đứng lên chống giặc. Phụ nữ Việt Nam đã ghi những dấu son chói ngời trong những trang sử hào hùng của dân tộc. Từ Bà Trưng, Bà Triệu, những nữ tướng của Bà Trưng, Đô đốc Bùi Thị Xuân của Tây Sơn rồi đến Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Thị Lí… Nhà bình sử Lê Văn Hưu đã mượn tấm gương Hai Bà Trưng để bàn về trách nhiệm của mỗi người trước vận mệnh dân tộc.

Lời bình sử thường rất ngắn gọn nhưng khúc chiết với hình thức nêu sự kiện một cách tóm tắt như : “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố và 65 thành ở Lĩnh ngoại đều hưởng ứng,…” xen vào đó một lời nhận xét : “việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay”. Nêu sự kiện lịch sử không phải là mục đích chính của bài bình sử. ở đây, sự kiện lịch sử chỉ có tính chất như “cái cớ”, như lí do để tác giả đưa ra những nhận định về thời thế và trình bày quan điểm của mình về cuộc đời. Dùng cách diễn đạt phóng đại “hô một tiếng”, “dễ như trở bàn tay”, tác giả đã thể hiện khí thế oai hùng và tầm vóc vĩ đại của sự nghiệp Hai Bà Trưng. Chỉ có chưa trọn một câu tóm lược về sự nghiệp xưng vương của Hai Bà Trưng, còn lại là lời bình : “đủ biết là hình thế đất Việt ta có thể dựng được cơ nghiệp bá vương. Tiếc rằng nối sau họ Triệu cho đến trước họ Ngô, trong khoảng hơn nghìn năm, bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay, làm tôi tớ cho người phương Bắc, há chẳng xấu hổ với hai chị em họ Trưng là đàn bà ư !… Ôi, có thể gọi đó là tự bỏ mình vậy”. Lời bình bao hàm ba nội dung, vừa đưa ra nhận định, vừa khẳng định tầm vóc của Hai Bà Trưng.

Nội dung thứ nhất, khẳng định vị thế và ưu thế của đất nước. Hai Bà Trưng là phận nữ nhi nhưng đã chiến thắng giặc xâm lược và dựng nghiệp bá vương. Chứng tỏ nước Nam có thể sánh vai ngang hàng và độc lập với các nước khác. Đây là lời khẳng định có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Nội dung thứ hai, thể hiện suy nghĩ của tác giả về thời thế, về một nghìn năm Bắc thuộc của nhân dân ta. Đứng trên quan điểm của một người đọc sách nhà Nho, tác giả bình luận về “bọn đàn ông”. Lời bình gay gắt thể hiện tinh thần trách nhiệm của tác giả đối với vận mệnh của dân tộc, “bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay, làm tôi tớ cho người phương Bắc, há chẳng xấu hổ với hai người họ Trưng là đàn bà”. Một ngàn năm Bắc thuộc là thời kì dài nhất dân tộc Việt Nam sống trong vòng nô lệ. Sau các đời vua Hùng, đời nhà Thục, An Dương Vương để mất nước bởi Triệu Đà, nỗi đau ấy còn để lại dấu ấn trong câu chuyện Mị Châu Trọng Thuỷ đậm sắc màu truyền thuyết. Giữa đêm trường nô lệ ấy, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là ngọn đuốc sáng ngời. Tuy ngọn đuốc sớm tàn (sự nghiệp bá vương của Hai Bà chỉ kéo dài ba năm) nhưng nó lại có ý nghĩa vô cùng lớn lao, nó khẳng định quyết tâm không chịu làm nô lệ của dân tộc Việt Nam, nó đánh thức lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc.

Nội dung thứ ba là lời bình luận của tác giả về những trách nhiệm của con người. Đứng trước vận mệnh của đất nước như vậy mà không dám đứng lên là “tự bỏ mình”. Đặt sự kiên cường, oai hùng của Hai Bà Trưng trong thế đối lập với hình ảnh “bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay, làm tôi tớ…” đã đánh vào lòng tự trọng của mỗi người, buộc người ta phải suy nghĩ. Đó cũng chính là mục đích của người bình sử.

Sử dụng ngôn ngữ khúc chiết, gãy gọn, giàu hình ảnh và lí lẽ đanh thép, tác giả đã thực hiện được mục đích của mình là đánh thức lòng tự hào dân tộc và tự trọng cá nhân để mỗi người có trách nhiệm hơn đối với vận mệnh dân tộc.

2. Về Tiền Ngô Vương

Ngô Quyền (899 – 944) là một anh hùng của dân tộc Việt Nam, người nổi tiếng với chiến công phá tan đội quân của Hoằng Thao trên sông Bạch Đằng, đánh tan quân xâm lược Nam Hán, lập ra nhà Ngô, kết thúc một nghìn năm Bắc thuộc.

Về chiến công của Ngô Quyền, tác giả Lê Văn Hưu cũng không bàn nhiều. Chỉ dùng ba câu, vừa nêu tóm tắt chiến công vừa đánh giá tầm vóc và vai trò của Ngô vương trong lịch sử dân tộc. Lời bình ngắn gọn và sâu sắc. Câu thứ nhất, tác giả nói về tài năng của Ngô Quyền bằng cách tạo nên một thế đối : “đem quân mới họp của đất Việt ta mà phá được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Thao”. Dù lực yếu hơn quân giặc nhưng vẫn chiến thắng chứng tỏ sức mạnh và tài trí của người chỉ huy. Uy vũ ấy còn khiến cho “người phương Bắc không dám lại sang nữa”. Người viết đã trực tiếp đưa ra lời bình luận, ngợi ca người anh hùng dân tộc : “Có thể bảo là một cơn giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy”. Tác giả đã đánh giá rất cao vai trò của Ngô Quyền bằng lối nói hình ảnh, cô đọng, thậm chí còn sử dụng nghệ thuật tu từ ngoa dụ. Cách nói rất bình dị, dân dã nhưng vẫn đầy sức thuyết phục và tác động đến tình cảm và nhận thức của người đọc. Câu thứ hai, tác giả đánh giá vai trò của Ngô Quyền đối với lịch sử : “Tuy chỉ xưng vương, chưa lên ngôi hoàng đế và đổi niên hiệu mà chính thống của nước Việt ta gần như nối lại được”. Năm 938, với chiến công đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền đã kết thúc một nghìn năm Bắc thuộc, đưa dân tộc Việt Nam khỏi đêm trường nô lệ, bước vào kỉ nguyên đầy ánh sáng – kỉ nguyên độc lập tự chủ. Sau này Trương Hán Siêu đã rất tự hào mà ca khi đứng trước Bạch Đằng giang :

READ:  Luyện tập đọc – hiểu văn bản văn học

Đây là nơi chiến địa buổi Trùng Hưng nhị thánh bắt Ô Mã,

Cũng là bãi đất xưa, thuở trước Ngô chúa phá Hoằng Thao.

(Trương Hán Siêu, Bạch Đằng giang phú)

Ngô Quyền chỉ ở ngôi vua được sáu năm, chưa đủ thời gian để củng cố đất nước, để khẳng định vị thế của dân tộc song sự nghiệp của ông lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng với lịch sử dân tộc. Với vai trò của người bình sử, tác giả Lê Văn Hưu cũng đánh giá rất thận trọng, ông dùng từ “gần như” trong nhận định “chính thống của nước Việt ta gần như nối lại được”. Cách nói này phù hợp với loại văn bình sử, không áp đặt mà vẫn thể hiện được thái độ, đánh giá của người viết.

Giản dị trong diễn đạt, cô đọng trong lời bình, lời đánh giá, chỉ với ba câu, người viết đã cho thế hệ sau thấy được tầm vóc lớn lao của Tiền Ngô Vương đối với thời đại. Qua đó thể hiện tấm lòng, tình cảm của người viết đối với vị anh hùng dân tộc, đồng thời khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong mỗi người Việt Nam.

3. Về Đinh Tiên Hoàng

Tiền Ngô Vương là người có công dựng lại nền độc lập và chủ quyền của dân tộc ta, kết thúc một ngàn năm Bắc thuộc. Còn Đinh Tiên Hoàng là người dẹp loạn mười hai sứ quân, thống nhất và ổn định tình hình chính trị của đất nước. Đinh Tiên Hoàng đã có công củng cố và bảo vệ thành quả của Ngô vương. Tác giả bình luận về Đinh Tiên Hoàng không nhiều nhưng bài bình đã cung cấp đủ những thông tin cần thiết về con người và công lao của Đinh Bộ Lĩnh đối với lịch sử dân tộc. Bức chân dung của người anh hùng dân tộc được hiện lên rất rõ nét. Về phẩm chất, “Tiên Hoàng tài năng sáng suốt hơn người, dũng lược bậc nhất đời”, đó là con người tài, dũng song toàn. Về vai trò lịch sử, ông xuất hiện khi “nước Việt ta không chủ, các hùng trưởng cát cứ”. Tài dũng của ông được chứng minh rõ ràng “đánh một lần mà mười hai sứ quân thần phục hết”. Sau chiến thắng, ông đã lập nước, ổn định tình hình chính trị và đưa nước Nam trở thành một đất nước có chính quyền độc lập. Câu hỏi kết thúc bài bình là lời khẳng định và ngợi ca tài năng, đức độ của Đinh Tiên Hoàng, tác giả đã gọi vua Đinh là “bậc thánh triết”. Với tài năng xuất chúng và vai trò quan trọng như vậy đối với lịch sử dân tộc, Đinh Tiên Hoàng đúng là “bậc thánh triết”. Với ngôn ngữ bình luận ngắn gọn, sắc sảo, tác giả Đại Việt sử kí đã dựng nên một bức chân dung có giá trị về người anh hùng dân tộc trong giai đoạn đầu của lịch sử nước Nam.

4. Về việc ban thưởng

Vua Thần Tông có một kiểu ban thưởng và phong chức tước không hợp lòng người. “Nhân Nguyễn Lộc và Nguyễn Tử Khắc dâng hươu trắng” vua Thần Tông “cho là vật điềm lành” nên ban thưởng cho hai kẻ dâng hươu rất hậu : “cho Lộc chức Đại liêu ban, cho Tử Khắc tước Minh tự”. Trước sự kiện đó, tác giả bình “người thưởng và người nhận thưởng đều không phải cả : Thần Tông vì được dâng thú lạ mà cho quan tước, thế là thưởng lạm, Lộc và Khắc không có công mà nhận thưởng, thế là dối vua”.

Lí lẽ của người viết đưa ra để bình luận cũng rất đúng đắn. Trước khi bình luận và đánh giá hành động của vua Thần Tông, Lộc và Khắc, người viết đã đưa ra những lí lẽ rất quan trọng và đúng đắn.

“Người xưa gọi điềm lành là dùng được người hiền và được mùa thôi, ngoài ra không có cái gì đáng gọi là điềm lành cả”. Vậy, con hươu trắng không thể được coi là điềm lành. Ông đã ngay lập tức chứng minh rằng, con hươu không những không phải là điềm lành mà còn mang đến nhiều mầm hoạ cho dân tộc.

Mầm hoạ thứ nhất, con hươu trắng mang đến sự bất công, vô lí. Hai kẻ vô danh tiểu tốt, không học vấn, không tài năng như Lộc và Khắc lại được làm quan to. Thậm chí một kẻ xu nịnh, không hiểu biết như Khắc lại được tước Minh tự, một tước chỉ dành cho người có học và đỗ cao. Triều đình có thêm hai ngu thần, ấy là một mầm hoạ.

Mầm hoạ thứ hai đã trở thành hiện thực, đó là vua Thần Tông vì hươu trắng mà quên lời khuyên răn của tiên vương : “Chim quý thú lạ không nuôi ở nước”, bởi việc đó sẽ làm hao phí sức dân. Mà dân là gốc của nước.

Như vậy, tác giả đã chỉ rõ rằng, hành động của vua Thần Tông là một hành động đáng phê phán, đó không phải là hành động của một ông vua sáng suốt, luôn vì nước, vì dân.

Từ một câu chuyện ban thưởng cụ thể, với cách kể chuyện hàm súc và đầy ngụ ý, đoạn bình sử này không chỉ có giá trị lịch sử mà còn có giá trị văn học sâu sắc. Hai đoạn bình sử đã mang đến cho người đọc thêm một số thông tin quan trọng và một cái nhìn đúng đắn, chân thực về Lí Thần Tông, ông vua đã góp phần rất quan trọng dẫn đến sự sụp đổ của nhà Lí.

III. LIÊN HỆ

1. Trưng Trắc, Trưng Nhị (? – 43) là hai nữ anh hùng nổi tiếng của dân tộc. Vốn dòng dõi họ Lạc (Hùng), Trưng Trắc và Trưng Nhị là hai chị em, con của Lạc tướng huyện Mê Linh (vùng Ba Vì – Tam Đảo) vốn là đất của các vua Hùng. Quê gốc của hai chị em ở làng Hạ Lôi (huyện Mê Linh – Hà Tây), một vùng đất bãi ven sông Hồng có nghề trồng dâu chăn tằm cổ truyền, có lẽ vì vậy bà Man Thiện, mẹ của Hai Bà, đã đặt cho hai con gái tên gọi vốn dùng để chỉ độ dày mỏng của kén (Chắc và Nhì). Sinh ra và lớn lên thời Đông Hán, cha mất sớm, Hai Bà được mẹ chăm lo dạy dỗ chu đáo. Sách Tư trị thông giám thời Tống viết : “Người con gái của Lạc tướng huyện Mê Linh là Trưng Trắc rất hùng dũng”. Truyền thuyết người Việt ghi : “Trưng Trắc là người rất có tiết nghĩa, tính khí hùng dũng, quyết đoán, sáng suốt”. Trưng Nhị cũng giống chị, giỏi võ nghệ, năng nổ.

Sớm có ý thức giành lại độc lập cho dân mình, Trưng Trắc đã cùng chồng là Thi Sách, con trai của Lạc tướng huyện Chu Diên (tây Hà Nội) nổi dậy.

Bấy giờ, thái thú Giao Chỉ là Tô Định, một viên quan tham bạo, độc ác, thiết lập chế độ bóc lột nặng nề. Mùa xuân năm 40, sau khi đã tập họp được lực lượng đông đảo nhân dân, Hai Bà Trưng đã lập đàn ở bờ sông Hát. Có tài liệu cho rằng, trước đó trong một cuộc hành quân trấn áp của Tô Định, chồng bà Trưng Trắc đã tử trận. Tuy nhiên, theo truyền thuyết địa phương, Thi Sách tham gia tích cực vào cuộc khởi nghĩa cùng vợ và em. Nghĩa quân xuất phát từ Hát Môn (Hà Tây), tiến nhanh về phía quận trị :

Ngàn tây nổi áng phong trần

ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên

Quân thù bỏ chạy. Nghĩa quân chiếm Cổ Loa và đánh về phía Luy Lâu. Tô Định hốt hoảng cắt râu, cạo tóc, trốn khỏi thành, chạy về Trung Quốc. Quận trị Giao Chỉ được giải phóng. Cùng lúc đó, nhân dân các quận Cửu Chân, Hợp Phố đều nổi dậy. Chính quyền đô hộ trên toàn đất nước ta bị lật đổ. Nghĩa quân suy tôn Trưng Trắc là Trưng Vương. Kinh đô được đặt ở Mê Linh. Trưng Vương thành lập chính quyền, phong tước cho em và những người có công. Cuối năm 42, mấy vạn quân Hán do Mã Viện chỉ huy tràn vào nước ta. Hai Bà tấn công ngay vào đạo quân chủ lực của Mã Viện ở vùng hồ Lãng Bạc (Tiên Sơn – Bắc Ninh). Chẳng may thất bại, Hai Bà phải rút quân về phía Mê Linh. Nhiều nữ tướng hi sinh trong kháng chiến. Giặc nhân đó, dồn hết lực lượng đánh vào Mê Linh. Quân Hai Bà rút về Cấm Khê (Ba Vì – Hà Tây). Trong một trận đánh, Hai Bà chống không nổi đã tự vẫn.

READ:  Đọc hiểu bài Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn

Cấm Khê đến lúc hiểm nghèo

Chị em thất thế đành liều với sông.

(Theo Đinh Xuân Lâm – Trương Hữu Quýnh (Chủ biên),

Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Sđd)

2. Ngô Quyền là người chỉ huy trận Bạch Đằng nổi tiếng. Ông là người Đường Lâm (nay thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây) cùng quê với Phùng Hưng, là con của Ngô Mân, châu mục địa phương thời Khúc. Thời trẻ, theo sử cũ “vẻ người khôi ngô, mắt sáng như chớp, đi thong thả như cọp, có trí dũng, sức có thể cầm vạc giơ lên”. Dương Đình Nghệ chọn làm nha tướng, yêu mến và gả con gái cho, sau đó ông được cai quản châu ái (Thanh Hoá).

Năm 937, Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn giết hại, cả nước căm giận tên phản bội. Ông quyết định đem quân từ châu ái ra trừng trị tên phản chủ cướp quyền. Kiều Công Tiễn hoảng sợ, cho người sang Nam Hán cầu cứu. Vua Nam Hán nhân đó, một lần nữa tổ chức cuộc xâm lược, giao cho con là Hoằng Tháo chỉ huy một hạm thuyền lớn đi trước, còn mình thì đem quân bộ đến biên giới chờ phối hợp. Được tin đó, Ngô Quyền nhanh chóng tiêu diệt bọn Kiều Công Tiễn, rồi hội quân chuẩn bị cuộc kháng chiến. Nhiều hào kiệt các nơi đưa quân về cùng Ngô Quyền sẵn sàng chiến đấu. Tại cuộc họp các tướng được triệu tập, Ngô Quyền đã nói : “Hoằng Tháo là một đứa trẻ dại, đem quân từ xa đến, quân lính mỏi mệt, lại nghe được tin Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta sức còn mạnh, quân địch mỏi mệt, tất phá được. Song họ có lợi ở thuyền, nếu ta không phòng bị trước thì chuyện được thua không thể biết được. Nếu ta sai người đem cọc lớn đóng ngầm ở cửa biển trước, vót nhọn đầu mà bịt sắt, thuyền của họ nhân khi triều lên, tiến vào bên trong hàng cọc, bấy giờ ta sẽ dễ bề chế ngự, không kế gì hay hơn thế cả !”. Các tướng đồng thanh ủng hộ. Lệnh ban ra, quân và dân địa phương hăng hái tham gia xây dựng trận địa. Cuối năm 938, đoàn thuyền chiến nặng nề của giặc tiến vào cửa sông Rừng. Ông cho thuyền nhẹ ra khiêu chiến, rồi vờ thua, bỏ chạy. Giặc đuổi theo, thuyền vượt qua trận địa cọc. Chờ khi nước triều xuống, lệnh phản công ban ra như kế hoạch đã định. Hàng ngàn thuyền nhỏ của ta lao vào hạm thuyền của giặc, quân sĩ chiến đấu quyết liệt. Giặc chống không nổi vội quay thuyền chạy ra biển, bất ngờ lao vào những mũi cọc đang nhô dần lên nên bị đổ vỡ tan tành. Quân ta lại xông lên tiếp chiến. Hoằng Tháo tử trận. Được tin đó, vua Nam Hán than khóc và hạ lệnh rút quân về. Trận Bạch Đằng lịch sử “vang dội đến ngàn thu” đã khẳng định nền độc lập của đất nước ta. Mùa xuân năm 939, Ngô Quyền xưng vương, xây dựng lại chính quyền, đóng đô ở Cổ Loa. Đất nước yên bình. Năm 944, Ngô Quyền mất. Khắp nơi, nhân dân lập đền thờ ông.

(Theo Đinh Xuân Lâm – Trương Hữu Quýnh (Chủ biên),

Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Sđd)

3. Đinh Tiên Hoàng (924 – 979) là người có công thống nhất lại đất nước ở thế kỉ X, đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt. Ông là người động Hoa Lư, châu Đại Hoàng (nay là huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), con của Thứ sử châu Hoan Đinh Công Trứ. Cha mất sớm, ông sống với mẹ ở Đàm Gia (cùng châu). Từ thuở nhỏ ông khoẻ mạnh, dũng cảm, nhanh nhẹn, thường cùng lũ trẻ trong làng chơi trò đánh nhau, lấy bông lau làm cờ. Ông được các bạn suy tôn làm chủ tướng, đi đâu đều được chúng khoanh tay làm kiệu để khiêng. Lũ trẻ các làng bên cũng đều suy tôn ông. Bà mẹ thấy thế rất vui mừng, có khi mổ cả lợn để khao thưởng. Người già trong làng cũng rất quý trọng ông, nên khi ông lớn lên, tôn ông làm trưởng sách. Chú ông ở làng bên, nhân tình hình trong nước không yên, đã họp quân, đánh sang làng Đàm Xá. Đinh Bộ Lĩnh chống không nổi. Theo truyền thuyết, khi chạy qua cầu Đàm Gia, chẳng may bị rơi xuống vũng bùn, người chú lấy giáo định đâm chết nhưng thấy có hai con rồng vàng che đỡ, nên sợ quá, lùi về. Sau đó, ông quay lại, tập hợp trai tráng, bạn bè cũ trong làng sang đánh làng của chú. Chú thua, phải quy phục. Cả đất Hoa Lư đều theo ông.

Năm 951, Nam Tấn vương và Thiên Sách vương (hai anh em, con của Ngô Quyền) nghe tin, đem quân tiến đánh. Biết chưa thể chống lại được quân của hai vương, Đinh Bộ Lĩnh đành phải cho con sang làm con tin để xin hoà. Hai vương không chịu rút quân, tiếp tục đánh vào chỗ đóng quân của ông. Cuộc chiến diễn ra hàng tháng, không có kết quả. Hai vị vương liền sai người treo Đinh Liễn (con trai của ông, đang làm con tin) lên cây cao và đe doạ : nếu ông không hàng sẽ bắn chết. Ông tức giận, quát to : “Đại trượng phu chỉ ở việc lập công danh, chứ sao lại chịu bắt chước đàn bà mà thương tiếc con”. Ông sai mười tay nỏ nhằm vào Liễn để bắn. Hai vị vương thấy thế, kinh ngạc, cho hạ Đinh Liễn xuống rồi rút quân về.

Nhà Ngô ngày càng suy yếu. Các hào trưởng nổi lên cắt đất, đánh lẫn nhau, sử gọi là loạn 12 sứ quân. Cuộc sống của người dân thường ngày càng khó khăn, khổ cực. Ông bèn liên kết với sứ quân Trần Lãm ở Bố Hải Khẩu (Thái Bình) tiến đánh các sứ quân khác. Hào kiệt các nơi theo về, nhân dân ủng hộ, quân của ông đánh đâu thắng đó. Ông được mọi người tôn xưng làm Vạn Thắng vương. Năm 967, nhà Ngô đổ. Một số sứ quân ngả theo ông. Mở rộng cuộc chiến ra các nơi, quân của ông dần dần đánh bại được các sứ quân, thống nhất đất nước.

Năm 968, đất nước trở lại yên bình. Ông lên ngôi Hoàng đế (Đinh Tiên Hoàng), xây dựng kinh đô ở Hoa Lư, thành lập triều đình, đặt tên nước là Đại Cồ Việt.

(Theo Đinh Xuân Lâm – Trương Hữu Quýnh (Chủ biên),

Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Sđd)