Trên cái nền của cảnh chợ chiều tưởng như hoang vắng, không còn ai là hình ảnh người mẹ yếu ớt và cô đơn :
Chưa bán được một đồng
Mẹ già lại quẩy gánh hàng rong
Bước cao bước thấp bên bờ tre hun hút
Có con cò trắng bay vùn vụt
Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu
Mẹ ta lòng đói dạ sầu
Đường trơn mưa tạnh mái đầu bạc phơ
Đây là những câu thơ giàu chất tạo hình của cả đoạn, gây ấn tượng cho người đọc.
– Đầu tiên là hình ảnh bà mẹ già nua quẩy gánh hàng rong trở về khi chưa bán được một đồng. Xung quanh mẹ không có ai mà con đường như mỗi lúc một dài thêm : Bước cao bước thấp bên bờ tre hun hút.
– Bỗng nhiên xuất hiện hình ảnh con cò:
Có con cò trắng bay vùn vụt
Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu
Nhưng đây lại là hình ảnh con cò lạ lùng nhất xưa nay. Đó không là con cò trắng quen thuộc biểu tượng về người phụ nữ Việt Nam tảo tần khuya sớm:
Con cò đi đón cơn mưa
Tối tam mù mịt ai đưa cò về?
Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non
Đó càng không phải là con cò thanh thoát, nhẹ nhàng, thong thả trong cảnh yên bình :
Con cò bay lả bay la
Bay từ cửa phủ, bay ra cánh đồng
Lần đầu tiên con cò đi vào văn chương với dáng vẻ hoảng hốt, sợ hãi :
Có con cò trắng bay vùn vụt
Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu
Đến con cò nhỏ kia cũng là nạn nhân của quân giặc. Những bãi mía nương dâu có ngô khoai biêng biếc giờ không còn là đất sống của nó nữa.
– Hình ảnh con cò bay vùn vụt càng khắc sâu nỗi cô đơn, lẻ loi của người mẹ quê :
Mẹ ta lòng đói dạ sầu
Đường trơn mưa tạnh mái đầu bạc phơ
Nỗi khổ vật chất (lòng đói) đi liền với là nỗi khổ tinh thần (dạ sầu ). Nhịp thơ lục bát 2/2 gợi gánh nặng chất chồng lên vai mẹ. Buổi chiều ảm đạm đọng mãi hình ảnh mái đầu bạc phơ của người mẹ già. Câu thơ chỉ tả mà cảm xúc lại nghẹn ngào, đau đớn.
I . ĐẶT VẤN ĐỀ
Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu aikhông nhớ
Sẽ không lớn nổi thảnh người
Mỗi một con người ai cũng có một quê hương . Và nhà thơ Hoàng Cầm cũng vậy, mảnh đất ăn sâu vào máu thịt ông là miền đất Kinh Bắc bên kia sông Đuống . Nhớ về quê hương là nhớ về những gì sâu nặng nhất trong tâm hồn và trong đáy sâu của cảm xúc đó nhà thơ cho ra đời “Bên kia sông Đuống”
Bài thơ ra đời khi quê hương Kinh Bắc của ông rơi vào tay giặc Pháp . Nỗi đau xót khi nghe tin quê hương ngập chìm khói lửa chiến tranh trĩu nặng tâm hồn ông .Đứng bên này Sông Đuống, mảnh đất tự do, hướng về quê hương bên kia Sông Đuống , mảnh đất bị giặc chiếm đóng với bao nỗi niềm và xót xa trong tâm trạng . Một dòng sông mà giờ đây đôi bờ cách biệt .
II . GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
Dòng thơ đầu tiên mở ra tác phẩm là một tiếng gọi cất lên từ sâu thẳm trái tim đau đớn của nhà thơ, đồng thời cũng là một lời an ủi :
Em ơi buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì
“Em” ở đây là một nhân vật phiếm chỉ . Tuy nhiên, có phần chắc chắn đó là một cô gái cùng quê bên kia sông Đuống với nhà thơ. Trong thơ Hoàng Cầm ta thường gặp một nhân vật em như vậy, bởi đó là cái cớ để nhà thơ bộc lộ xúc cảm của mình một cách chân thành nhất.
Và lời an ủi đưa em về sông Đuống thực chất chỉ diến ra trong hoài niệm của nhà thơ . Trong niềm hoài niệm đó, hình ảnh trung tâm là con sông quê hương với bờ cát trắng phẳng lì chảy từ quá khứ xa xôi về hiện tại , hiện lên trong tâm trí nhà thơ như một dòng sáng lấp lánh và trù phú hai bên bờ những mầu xanh bạt ngàn của những bãi mía , nương dâu :
Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì
Dáng nằm nghiêng nghiêng của dòng sông Đuống là một phát hiện, một sáng tạo độc đáo của Hoàng Cầm . Cảm xúc mãnh liệt cùng trí tưởng tượng phong phú đã giúp nhà thơ sáng tạo ra một hình ảnh thơ độc đáo đầy ấn tượng, làm xáo trộn cả không gian và thời gian, ám ảnh hoài tâm trí người đọc .
Từ bên này, nhà thơ đau đáu hướng cặp mắt về bên kia sông Đuống . Đoạn thơ kết thúc bằng một hình ảnh diến tả nỗi đau “Sao xót xa như rụng bàn tay”. .Hoàng Cầm đã mượn nỗi đau của thể xác để diến tả, thể hiện một cách một cách cụ thể nỗi đau về tinh thần . Phải là người coi quê hương là máu thịt của mình mới có tình cảm mãnh liệt đến như vậy . Có thể nói, tâm trạng ở đây đã đạt đến độ điển hình .
Cảm hứng chủ đạo trong đoạn thứ nhất là nỗi đau, sự nuối tiếc, xót xa , căm giận trước cảnh tượng quê hương thanh bình, đông vui, tươi đẹp bị giặc chiếm đóng . Từ cảm xúc về nỗi đau đó, quê hương Kinh Bắc dần dần hiện lên trong kí ức nhà thơ .
Vùng quê Kinh Bắc, trong hoài niệm, được gợi lên bởi hương lúa nếp thơm nồng – biểu tượng của cuộc sống ấm no , và tranh Đông Hồ – biểu tượng của đời sống tinh thần lành mạnh .
Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
Vẻ đẹp quê hương bừng sáng lên rồi bị ngập chìm trong khói lửa chiến tranh . Nhà thơ miêu tả thật xúc động những cảnh tan tác chia lìa của quê hương khi quân giặc tới : ngùn ngụt lửa hung tàn, ruộng khô, nhà cháy, con người chia li, cả loài vật cũng thành ra tan tác :
Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa đôi ngả
Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu
Ở đây cái ảo đã hòa nhập cùng cái thực . Mượn hình ảnh trong tranh để diễn tả cảnh tượng thật ngoài đời, nhà thơ đã lay động sâu xa tình cảm của những con người vốn gắn bó máu thịt với truyền thống văn hóa hàng ngàn đời của quê hương Kinh Bắc
Không chỉ có vậy, hình ảnh quê hương Kinh Bắc còn được gợi lên với những đền chùa cổ kính, những hội hè đình đám thể hiện khát vọng một cuộc sống hạnh phúc, bình yên của nhân dân . Vậy mà giấc mộng bình yên mấy trăm năm ấy giờ đây tan vỡ .
Những nàng môi cắn chỉ quết trầu
Những cụ già phơ phơ tóc trắng
Những em sột soạt quần nâu
Bây giờ đi đâu về đâu
Những con người mang một phần linh hồn của quê hương xứ sở ấy giờ đây trở nên bơ vơ, tan tác . Cũng không còn nữa những hội hè đông vui, nhôn nhịp . Chỉ còn tiếng chuông chùa văng vẳng từ thuở bình yên xa xưa vọng về càng làm tăng thêm sự hoang vắng của quê hương như tiếng thở than nuối tiếc một thời yên ấm .
Vùng quê Kinh Bắc còn được gợi lên bằng cảnh lao động nhộn nhịp, buôn bán đông vui, sầm uất . Trong tâm trí nhà thơ, hình ảnh những cô gái Kinh Bắc dăng tơ dệt lụa, buôn bán tảo tần hiện lên với những nét xinh tươi, dịu dàng, duyên dáng và biết bao tình tứ .
Ai về bên kia sông Đuống
Có nhớ từng khuôn mặt búp sen
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng
Nhưng giờ đây cũng tan tác chia lìa , không biết đi đâu ,về đâu .
Trong niềm tiếc thương không nguôi những người, những cảnh vật của quê hương, nhà thơ Hoàng Cầm đã dành tình cảm sau nặng nhất cho người mẹ già và em nhỏ . Người mẹ già nua, còm cõi vốn đã vất vả trong thời bình lại càng khốn khổ hơn khi quân giặc tới . Kinh Bắc vốn là đất lành giờ đây bỗng hóa thành đất dữ . Chẳng những con người không sống được yên ổn mà cả những cánh cò cũng táo tác, hốt hoảng không chốn nương thân .
Có con cò trắng bay vùn vụt
Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu
Mẹ ta lòng đói dạ sầu
Đường trơn mưa lạnh mái đầu bạc phơ
Hình ảnh cánh cò lồng vào hình ảnh người mẹ, nhưng không phải là cánh cò bay lả bay la của thời bình nữa mà là cánh cò hốt hoảng chạy trốn đạn bom, soi bóng trên lưng người mẹ run rẩy , bước thấp bước cao trên đường trơn mưa lạnh .
Số phận tội nghiệp của những đứa trẻ trong chiến tranh được Hoàng Cầm gợi lên trong cảnh đói khát cùng với sự đe dọa của đạn bom . Cả ban ngày lẫn ban đêm, cả khi thức lẫn khi ngủ, cái chết luôn rình rập, đe dọa chúng . Lòng uất hận , căm thù của nhà thơ bùng lên dữ dội . Câu thơ Hoàng Cầm đến đây thét lên phẫn nộ :
Đã có đất này chép tội
Chúng ta không biết ngươi hờn
Phần còn lại của bài thơ diễn tả cảnh bộ đội trở về và nhân dân vùng lên đấu tranh tấn công một cách chủ động vào kẻ thù . Giọng thơ chuyển từ nhớ tiếc, xót thương sang uất hận, căm thù .
Lời cảm thán, niềm hoài niệm ở đầu bài thơ đã trở thành lời hứa hẹn, niềm hi vọng ở đoạn kết . Một khung cảnh mùa xuân tràn trề niềm vui và ánh sáng lại trở về với vùng quê Kinh Bắc . Cô gái Kinh Bắc lại hiện ra với nụ cười tươi tắn giữa không khí tưng bừng của ngày hội .
Em đi trẩy hội non sông
Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh
III . KẾT THÚC VẤN ĐỀ
Bên kia sông Đuống là những dòng tình cảm mãnh liệt nhất , chân thành và trong sáng nhất mà Hoàng Cầm đã dành cho quê hươngyêu dấu của mình , và qua đó đánh thức trong mỗi chúng ta tình yêu quê hương đất nước. Đó là thứ tình cảm thiêng liêng cao cả và gắn bó như chính lời bài hát của nhạc sĩ Giáp Văn Thạch.