Phân tích hoàn cảnh lịch sử ra đời và nội dung cơ bản của “Luận cương chính trị” tháng 10-1930 của Đảng Cộng sản Đông Dương?

1. Hoàn cảnh lịch sử

Cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam do Hội nghị thành lập Đảng tháng 2-1930 thông qua mới chỉ phác ra những nét cơ bản nhất về đường lối cách mạng Việt Nam. Yêu cầu khách quan đòi hỏi Đảng phải có một cương lĩnh đầy đủ, toàn diện hơn.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, một cao trào cách mạng rộng lớn của quần chúng diễn ra ngày càng sôi nổi và đang trên đà phát triển mạnh.

Tháng 4-1930, đồng chí Trần Phú sau một thời gian học ở Liên Xô, được Quốc tế cộng sản cử về nước hoạt động và được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được giao nhiệm vụ soạn thảo “Luận cương chính trị”.

Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tháng 10-1930, Hội nghị quyết định đổi tên đảng thành Đảng Cộng sản Đông Dương, cử ra Ban chấp hành Trung ương chính thức, đồng chí Trần Phú được cử làm Tổng bí thư. Hội nghị đã thông qua “Luận cương chính trị”.

2. Nội dung cơ bản

“Luận cương chính trị” gồm 13 mục, trong đó, tập trung những vấn đề lớn:
Cách mạng Việt Nam phải trải qua hai giai đoạn, trước hết làm cách mạng tư sản dân quyền, bỏ qua thời kỳ phát triển tư bản chủ nghĩa, tiến thẳng lên con đường xã hội chủ nghĩa.

READ:  Hãy nêu và phân tích các xu thế phát triển của thế giới ngày nay? Nhiệm vụ to lớn nhất của nhân dân ta là gì?

Cách mạng tư sản dân quyền có nhiệm vụ chống đế quốc và nhiệm vụ chống phong kiến. Hai nhiệm vụ này có mối quan hệ khăng khít với nhau.

Giai cấp vô sản và nông dân là hai động lực chính của cách mạng, vô sản là giai cấp lãnh đạo cách mạng. Luận cương cũng phân tích rõ thái độ đối với cách mạng của các giai cấp, tầng lớp khác trong xã hội.

Cách mạng Việt Nam phải đi theo con đường cách mạng bạo lực, con đường khởi nghĩa vũ trang. Khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền “không phải là một việc thường”, mà là một nghệ thuật “phải theo khuôn phép nhà binh”.

Sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, đội tiên phong của giai cấp vô sản, là điều kiện cốt yếu cho sự thắng lợi của cách mạng. Đảng phải lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng tư tưởng; phải liên hệ mật thiết với quần chúng, với vô sản và các dân tộc thuộc địa, với các lực lượng cách mạng thế giới.

Nối tiếp và kế thừa những định hướng lớn được vạch rõ từ Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khởi thảo, “Luận cương chính trị” tháng 10-1930 đã xác định những vấn đề rất cơ bản trong đường lối chiến lược của Đảng ta.

READ:  Trình bày nội dung cơ bản cương lĩnh chính trị của đảng?

Tư tưởng lớn bao trùm của Cương lĩnh chính trị tháng 10-1930 vẫn là quán triệt định hướng gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Song bên cạnh đó, Cương lĩnh này vẫn còn những hạn chế như chưa chỉ ra được mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội thuộc địa, chưa xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu. Trong khi nhấn mạnh vai trò của công nông, chưa chú ý đúng mức đến vai trò, vị trí và khả năng cách mạng của các giai cấp và tầng lớp khác. Nói một cách cụ thể là đã nhấn mạnh một chiều đến đấu tranh giai cấp, chưa quan tâm thích đáng đến vấn đề dân tộc. Khơi dậy tinh thần yêu nước vốn là truyền thống lâu đời của dân tộc ta; sách lược và phương pháp cách mạng chừng nào đã còn thiếu linh hoạt, mềm dẻo.

Những hạn chế nói trên, sau đó ít lâu, đã được các hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp theo khắc phục.