– Phép biện chứng tư duy, tư duy biện chứng
• Phép biện chứng tư duy là một hệ thống tư tưởng phản ánh những mối liên hệ cơ bản và phổ quát – các nguyên lý, quy luật biện chứng – chi phối những hình thức tư duy biện chứng. Về nguồn gốc, phép biện chứng tư duy chính là sự phản ánh của phép biện chứng khách quan vào trong bộ óc con người.
• Tư duy biện chứng là một hệ thống các nguyên tắc có quan hệ với nhau điều phối hoạt động của chủ thể tư duy trong việc nhận thức và cải tạo thực tiễn thế giới. Về nguồn gốc, tư duy biện chứng được xây dựng từ những nội dung cơ bản của phép biện chứng tư duy, trước hết là từ nội dung của các nguyên lý, quy luật cơ bản.
– Mối quan hệ giữa phép biện chứng tư duy và tư duy biện chứng
• Phép biện chứng tư duy có nhiệm vụ giải thích những gì xảy ra trong quá trình tư duy nhận thức, đồng thời vạch ra những mối liện hệ phổ biến giữa các tiến trình tư duy và diễn đạt điều đó bằng hệ thống các phạm trù của phép biện chứng duy vật. Trong khi đó, tư duy biện chứng – công cụ nhận thức hiệu quả được xây dựng từ nội dung của phép biện chứng tư duy nói riêng, phép biện chứng duy vật nói chung – được chủ thể sử dụng để nắm bắt bản chất của sự vật trong quá trình vận động, phát triển của chính nó.
• Phép biện chứng tư duy thực hiện chức năng chính là giải thích, nó chỉ ra các quy luật mà tư duy biện chứng tuân theo, các hình thức mà tư duy biện chứng phải dựa vào. Còn tư duy biện chứng thực hiện chức năng điều tiết, nó chỉ ra chủ thể tư duy phải xử sự như thế nào, phải thực hiện những thao tác nào để đạt được mục đích là hiểu thấu bản chất của sự vật trong sự vận động và phát triển của nó – khách thể biện chứng.
• Không nên đồng nhất phép biện chứng của tư duy với tư duy biện chứng mặc dù chúng cùng phản ánh một đối tượng là tư duy lý luận hiện đại. Nói đến phương thức tư duy lý luận khoa học không nên chỉ chú trọng đến các nguyên tắc chi phối tư duy mà cần phải làm rõ các quy luật, hình thức thể hiện của nó.