Phương pháp chung khi làm bài Tập làm văn

Hướng dẫn phương pháp chung khi làm bài Tập làm văn. Khi làm một bài Tập làm văn, chúng ta cần chú ý đi theo 4 bước sau:

1. Đọc kĩ đề bài:

Đọc kĩ đề bài để nắm vững ý nghĩa từng từ, từng câu và tự trả lời 4 câu hỏi sau:

  1. – Đề bài thuộc thể loại văn nào?
  2. – Đề bài đòi hỏi ta giải quyết những vấn đề gì?
  3. – Phạm vi bài làm đến đâu?
  4. – Trọng tâm đề bài ở chỗ nào?

2. Tìm ý – Lập dàn bài:

*Sau khi nắm chắc đề bài (ở bước 1), các em không được vội vàng viết ngay bài làm, vì như thế ý tưởng sẽ lộn xộn, khó sắp xếp. Cần lập một dàn bài chi tiết gồm 3 phần: MB, TB, KB.

*Để lập dàn bài cho một bài văn, các em cần đi theo các bước sau:

  1. – Bước 1: Chuẩn bị một tờ giấy nháp trắng để nhập toàn bộ nội dung của dàn ý trên cùng một mặt giấy để tiện theo dõi (không nên ghi dàn ý vào 2 mặt của tờ giấy vì như thế sẽ khó quan sát được toàn bộ các ý chính cần có của bài văn).
  2. – Bước2: Ghi sẵn 3 phần lớn của bài văn: 1.MB / 2.TB / 3.KB (Viết phần 1 xong để cách khoảng 2-3 dòng rồi mới ghi phần 2; phần 3 ghi xuống cuối tờ nháp, chỉ cần 2-3 dòng là đủ. Các khoảng trắng để ta nhập các ý cần phải có ở mỗi phần vào.
  3. – Bước 3: Nhớ lại những đặc điểm về thể loại, nhớ lại đặc điểm dàn bài chung của thể loại, dựa vào ý chính của đề để lập một dàn bài chi tiết cho bài văn mình chuẩn bị viết.

Tuỳ theo thể loại và ý chính của đề, ta tìm ý có liên quan đến đề bài. Tìm những ý chính (sẽ nói rõ ở phần chính) và những ý phụ (sẽ nói sơ qua ở phần phụ). Viết nhanh ra giấy nháp những ý đã tìm hoặc đã suy nghĩ được trong đầu óc.

READ:  Tả vườn hoa gần nhà em

Ta có thể ví dàn bài của một bài văn giống như một cái sườn nhà. Có dựng được sườn rồi mới thì mới có thể lợp mái, đóng vách, ráp cửa, tô quét,…

Trong dàn bài, ta sắp xếp các ý cho có thứ tự, điều gì đáng nói trước, điều gì nên để sau. Tránh những ý nhắc đi nhắc lại. PhầnMB có những ý gì? TB có mấy đoạn? đoạn nào trọng tâm?(Trong những ý lớn có những ý nhỏ nào?). Phần KB nên có những ý gì? Ghi nhanh xong dàn bài, đọc lại để sửa hoặc thêm những ý cần thiết, bỏ những ý thừa.

3.Viết thành một bài văn hoàn chỉnh:

Đây là bước quan trọng nhất và cũng là khâu khó nhất.Trên cơ sở dàn bài vừa lập, em viết thành một bài văn hoàn chỉnh gồm 3 phần (MB,TB, KB), 3 phần này nối tiếp nhau tạo nên một văn bản thống nhất từ đầu đến cuối để giải quyết vấn đề nêu ra ở đề bài. Khi viết, phải viết từng câu, nghĩ 2-3 câu liền rồi mới viết để các câu đứng cạnh nhau không bị khập khiễng về cách diễn đạt ý. Khi đặt lời văn để diễn đạt các ý (đã trình bày ở dàn bài chi tiết), các em lưu ý cách diễn đạt có hình ảnh, gợi cảm và sinh động bằng cách sử dụng các biện pháp tu từ, các từ ngữ gợi tả, gợi cảm, các từ tượng thanh, tượng hình,…

READ:  Tổng kết phần tập làm văn

Ý hay là nhờ ở lời văn rõ ràng, mạch lạc. Vì vậy, chúng ta cần đặt câu đúng ngữ pháp, tránh viét câu quá dài, tạo nên những câu văncó nhiều ý, ý luẩn quẩn, lộn xộn hoặc không rõ ràng. Đặc biệt, trong khi trình bày, cần đặt các dấu câu đúng chỗ, thể hiện đúng nội dung đang trình bày. Sử dụng dấu câu hợp lí, đúng chỗ cũng là một yếu tố quan trọng giúp cho bài văn của chúng ta trở nên rõ ràng, rành mạch, quyết định tới 40% thành công của một bài văn. Khi trình bày lưu ý không viết tắt, không viết chữ số, trừ những số về đo lường và ngày, tháng, năm.

4.Đọc lại bài làm:

Sau khi viết xong, cần đọc lướt lại bài văn để sửa các lỗi (nếu có thể viết thêm các nét được) về chính tả, dấu câu,…

*Lưu ý : Khi soát lại bài trên giấy kiểm tra, tuyệt đối không tẩy xoá, sửa chữa hoặc chèn thêm từ hoặc câu vào, vì như thế bài viết trở nên lem nhem, rất mất cảm tình. Do vậy, ở khâu viết bài, các em cần trình bày bài cẩn thận, tránh viết cẩu thả (viết ngoáy), tránh bỏ từ, bỏ tiếng khi viết (lỗi này hay xảy ra với những học sinh hay viết ngoáy,viết vội vàng)