Đại hội VI của Đảng diễn ra trong bối cảnh sai lầm của đợt tổng cải cách giá – lương – tiền cuối năm 1985 làm cho kinh tế nước ta càng trở nên khó khăn (tháng 12-1986, giá bán lẻ hàng hoá tăng 845,3%). Chúng ta không thực hiện được mục tiêu đề ra là cơ bản ổn định tình hình kinh tế – xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Số người bị thiếu đói tăng, bội chi lớn. Nền kinh tế nước ta lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Tình hình này làm cho trong Đảng và ngoài xã hội có nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi, xoay quanh thực trạng của ba vấn đề lớn: cơ cấu sản xuất; cải tạo xã hội chủ nghĩa; cơ chế quản lý kinh tế. Thực tế tình hình đặt ra một yêu cầu khách quan có tính sống còn đối với sự nghiệp cách mạng là phải xoay chuyển được tình thế, tạo ra sự chuyển biến có ý nghĩa quyết định trên con đường đi lên và như vậy phải đổi mới tư duy.
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thực, nói rõ sự thật, Đại hội đã đánh giá đúng mức những thành tựu đạt được sau 10 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đi sâu phân tích những tồn tại và nghiêm khắc tự phê bình những sai lầm, khuyết điểm trong lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng trong 10 năm (1976-1986).
Đại hội khẳng định quyết tâm đổi mới công tác lãnh đạo của Đảng theo tinh thần cách mạng và khoa học và đánh giá cao quá trình dân chủ hóa sinh hoạt chính trị của Đảng và nhân dân ta trong thời gian chuẩn bị và tiến hành Đại hội
Đại hội đã đánh giá những thành tựu, những khó khăn của đất nước do cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội tạo ra, những sai lầm kéo dài của Đảng về chủ trương, chính sách lớn, về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện khuynh hướng tư tưởng chủ yếu của những sai lầm đó, đặc biệt là sai lầm về kinh tế là bệnh chủ quan duy ý chí, lối suy nghĩ về hành động đơn giản, nóng vội chạy theo nguyện vọng chủ quan, là khuynh hướng buông lỏng trong quản lý kinh tế, xã hội, không chấp hành nghiêm chỉnh đường lối và nguyên tắc của Đảng đó là tư tưởng vừa tả khuynh vừa hữu khuynh. Báo cáo chính trị tổng kết thành bốn bài học kinh nghiệm lớn:
Một là, trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”.
Hai là, Đảng phải luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan.
Ba là, phải biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới.
Bốn là, chăm lo xây dựng Đảng ngang tầm với một đảng cầm quyền lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Báo cáo xác định nhiệm vụ bao trùm, mục tiêu tổng quát trong những năm còn lại của chặng đường đầu tiên là ổn định mọi mặt tình hình kinh tế- xã hội, tiếp tục xây dựng những tiền đề cần thiết cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong chặng đường tiếp theo.
Mục tiêu cụ thể về kinh tế – xã hội cho những năm còn lại của chặng đường đầu tiên là:
– Sản xuất đủ tiêu dùng và có tích luỹ.
– Bước đầu tạo ra một cơ cấu kinh tế hợp lý, trong đó đặc biệt chú trọng ba ch-ương trình kinh tế lớn là lương thực – thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, coi đó là sự cụ thể hóa nội dung công nghiệp hoá trong chặng đường đầu của thời kỳ quá độ. Làm cho thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa giữ vai trò chi phối, sử dụng mọi khả năng của các thành phần kinh tế khác trong sự liên kết chặt chẽ, dưới sự chỉ đạo của thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa. Tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa theo nguyên tắc phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho người lao động.
– Xây dựng và hoàn thiện một bước quan hệ sản xuất mới phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.
– Tạo ra chuyển biến về mặt xã hội, việc làm, công bằng xã hội, chống tiêu cực, mở rộng dân chủ, giữ kỷ cương phép nước.
– Bảo đảm nhu cầu củng cố quốc phòng và an ninh.
Đại hội đã nêu ra năm phương hướng cơ bản của chính sách kinh tế – xã hội và đề ra hệ thống các giải pháp để thực hiện mục tiêu: Bố trí lại cơ cấu sản xuất, điều chỉnh lớn cơ cấu đầu tư; xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, sử dụng và cải tạo đúng đắn các thành phần kinh tế. Coi nền kinh tế có nhiều thành phần là một đặc trưng của thời kỳ quá độ; đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, dứt khoát xoá bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp, chuyển sang cơ chế kế hoạch hoá theo phương thức hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa; phát huy động lực của khoa học – kỹ thuật; mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại.