Trình bày nội dung của từng loại hợp đồng kinh doanh quốc tế. Lấy ví dụ

Phân loại hợp đồng kinh doanh quốc tế:

Căn cứ vào lĩnh vực kinh doanh, hợp đồng kinh doanh quốc tế gồm:

– Hợp đồng trong lĩnh vực đầu tư: liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng mua bán lixăng, BOT,BTO, BT

– Hợp đồng trong lĩnh vực thương mại quốc tế như hợp đồng xuất khẩu,hợp đồng nhập khẩu, hợp đồng gia công quốc tế…

– Hợp đồng trên lĩnh vực dịch vụ như: hợp đồng vận tải, hợp đồng bảo hiểm, vay vốn, …

Căn cứ vào chủ thể hợp đồng:

– Hợp đồng được ký kết giữa các chủ thể độc lập riêng lẻ hoặc các chủ thể kết hợp.

– Hợp đồng được ký kết giữa các chủ thể là đại diện đương nhiên hoặc các đại diện có ủy quyền, các chủ thể được ủy thác hoặc đại diện của các cơ quan nhà nước.

I, Nội dung chính của từng loại hợp đồng kinh doanh quốc tế được trình bày như sau:

1. Hợp đồng trong lĩnh vực đầu tư

Các hợp đồng trong lĩnh vực đầu tư thường là hợp đồng liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng mua bán lixang, hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT), hợp đồng xây dựng-chuyển giao-kinhdoanh (BTO), hợp đồng xây dựng-chuyển giao (BT).

Chủ thể của các hợp đồng đầu tư quốc tế là các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước có tư cách pháp nhân. Đối với bên nước ngoài, các chủ thể là các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có tư cách pháp nhân. Trong một số trường hợp, các chủ thể hợp đồng này là các đại diện có thẩm quyền nhà nước hoặc đại diện của các chính phủ (Xí nghiệp liên doanh dầu khí Việt-Xô (Viétovpetrol)) được thành lập trên cơ sở đại diện của Chính phủ Việt Nam và chính phủ Liên Xô trước đây, nay là chính phủ nước Cộng hòa Liên bang Nga.

Phạm vi của hợp đồng chỉ giới hạn trong các hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài của các nhà đầu tư nước ngoài. Những hoạt động đầu tư gián tiếp, đầu tư theo hình thức tài trợ phát triển chính thức (ODA) không phải là đối tượng điều chỉnh của loại hợp đồng này.

Thời hạn của hợp đồng theo pháp luật về đầu tư nước ngoài quy định. Thời hạn này có thể là 15 năm, 20 năm hoặc 70 năm.

Dưới đây là nội dung một số hợp đồng lĩnh vực đầu tư quốc tế được trình bày cụ thể như sau:

Thứ nhất là hợp đồng góp vốn: Trên thực tế, hợp đồng góp vốn rất ít khi được sử dụng bởi các nhà đầu tư khi chuẩn bị thành lập một doanh nghiệp, vì lý do đã có điều lệ doanh nghiệp. Việc sử dụng điều lệ có thể đáp ứng được vai trò của một hợp đồng góp vốn trên một số khía cạnh, nhưng về bản chất điều lệ và hợp đồng góp vốn có vai trò khác nhau. Điều lệ với tư cách là một “hiến pháp” của doanh nghiệp, chủ yếu để điều chỉnh các vấn đề liên quan đến quản trị và hoạt động doanh nghiệp. Trong khi đó, hợp đồng góp vốn có ý nghĩa nhiều hơn trong việc điều chỉnh mối quan hệ giữa các cổ đông/thành viên sáng lập, các điều kiện tiên quyết cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp và các điều kiện ràng buộc giữa các cổ đông/thành viên sáng lập trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Nếu kết hợp tốt, điều lệ cũng có thể quy định các điều khoản của một hợp đồng góp vốn. Tuy nhiên, trên thực tế, điều lệ mẫu theo các quy định của pháp luật hiện hành hoặc điều lệ mà các cổ đông/thành viên sáng lập sử dụng thường không có đầy đủ các quy định cần thiết của một hợp đồng góp vốn. Chính vì vậy, hợp đồng góp vốn là cần thiết, đặc biệt là đối với những dự án thành lập doanh nghiệp có quy mô vốn lớn hoặc có những giao dịch phức tạp.

Thứ hai là hợp đồng liên doanh: Hợp đồng liên doanh phải do đại diện có thẩm quyền của các bên liên doanh ký vào từng trang và ký đầy đủ vào cuối hợp đồng. Hợp đồng liên doanh có hiệu lực kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư chứ không phải kể từ ngày ký hợp đồng liên doanh.Trên thực tế, khi soạn thảo, đàm phán và ký kết hợp đồng liên doanh các nhà đầu tư và doanh nghiệp thường mắc lỗi sau:

Một là thường soạn thảo nội dung của hợp đồng liên doanh và nội dung của điều lệ liên doanh giống hệt nhau. Hậu quả của việc này là cả 2 tài liệu đều rất dài dòng và lặp lại các nội dung như sau, nhưng lại không điều chỉnh toàn diện hết các vấn đề. Các nhà đầu tư nên soạn thảo hợp đồng liên doanh theo hướng tạp trung điều chỉnh mối quan hệ của các bên trong liên doanh; và điều lệ liên doanh nên tập trung hơn vào việc điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp liên doanh;

Hai là việc dung hoà lợi ích giữa bên bỏ vốn đầu tư lớn (cổ đông lớn) và bên bỏ vốn đầu tư ít (cổ đông nhỏ) là rất khó và cần có sự đàm phán khéo léo, kiên trì. Thông thường, cổ đông lớn (thường là bên nước ngoài) muốn có nhiều quyền hơn và có thể chủ động trong việc ra quyết định hoặc phê chuẩn các vấn đề hoạt động của doanh nghiệp liên doanh. Cổ đông nhỏ (thường là bên Việt Nam) cũng cần phải bảo vệ mình và dành lấy một số quyền nhất định, nếu không có thể dẫn tới tình trạng bị cổ đông lớn “xử ép”, “ép lỗ” buộc bên đầu tư nhỏ phải rút khỏi liên doanh và giao lại liên doanh cho cổ đông lớn.

Ba là trên thực tế các doanh nghiệp trong nước rất ít khi để ý đưa điều khoản giải quyết bế tắc vào hợp đồng liên doanh. Bế tắc trong liên doanh xảy ra khi các bên không thể đi đến thống nhất biểu quyết về một vấn đề nào đó; điều này thường xảy ra đối với những hợp đồng liên doanh có quy định về các vấn đề cần biểu quyết đồng thuận, hoặc một bên có quyền phủ quyết đối với một số vấn đề. Hậu quả là có thể dẫn tới liên doanh không thể tiếp tục hoạt động hoặc không thể chuyển hướng hoạt động và phát triển được. Cách khắc phục nhược điểm này là quy định về cách thức giải quyết bế tắc một cách cụ thể và triệt để trên tinh thần vì lợi ích của liên doanh để tối thiểu là nó có thể duy trì tiếp tục hoạt động (ví dụ như một bên sẽ chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho bên kia, hoặc yêu cầu mua lại phần vốn góp của phía bên kia);

READ:  Khái niệm và đặc điểm của hợp đồng trong KT & KTQT

Bốn là bên nước ngoài thường ưu tiên lựa chọn luật pháp nước ngoài để điều chỉnh giao dịch hợp đồng liên doanh. Tuy nhiên, điều này là không phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, bắt buộc các bên phải lựa chọn pháp luật Việt Nam để điều chỉnh hợp đồng liên doanh

Năm là pháp luật Việt Nam cho phép lựa chọn cơ quan tài phán nước ngoài để phân xử trong trường hợp phát sinh tranh chấp. Bên nước ngoài thường thích lựa chọn cơ quan tài phán ở nước ngoài vì theo quan điểm của họ cơ quan tài phán nước ngoài sẽ đảm bảo tính minh bạch và công bằng tốt hơn. Bên nước ngoài thường đánh giá thấp vấn đề rằng phán quyết của cơ quan tài phán nước ngoài trên thực tế rất khó và rất ít khi được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam. Bên Việt Nam cần lưu ý về chi phí rất tốn kém khi tham gia phân xử tại cơ quan tài phán nước ngoài và nên lựa chọn cơ quan tài phán tại Việt Nam.

Thứ ba là hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC): Hợp đồng hợp tác kinh doanh phải do đại diện có thẩm quyền của các bên hợp doanh ký vào từng trang và ký đầy đủ vào cuối hợp đồng. Hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa bên Việt Nam và bên nước ngoài có hiệu lực kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư chứ không phải từ ngày ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa bên Việt Nam và bên nước ngoài.

Khi soạn thảo, đàm phán hợp đồng hợp tác kinh doanh mà các doanh nghiệp hay mắc phải là rất ít khi các bên quan tâm đúng mức đến điều khoản về cơ chế điều hành và quản lý hoạt động hợp tác, và vấn đề giải quyết, xử lý tài sản khi chấm dứt hợp đồng hợp tác kinh doanh. Cơ chế điều hành và quản lý hoạt động hợp tác thường rất quan trọng để tạo sự minh bạch và tạo hành lang cho việc hợp tác thành công và có hiệu quả. Mặt khác, vào thời điểm ký kết hợp đồng, các bên thường quan tâm nhiều hơn đến sự bắt đầu của một hoạt động hợp tác mới, mà ít quan tâm đầy đủ đến cơ chế giải quyết triệt để khi chấm dứt hoạt động hợp tác. Trên thực tế có rất nhiều tranh chấp xảy ra trong quá trình hợp tác và việc thiếu các điều khoản rõ ràng về cơ chế giải quyết tranh chấp và giải quyết việc chấm dứt có thể dẫn tới bế tắc hoặc thiệt hại cho một bên.

Thứ tư là hợp đồng mua bán/chuyển nhượng cổ phần/vốn góp:Vấn đề lưu ý quan trọng đối với các doanh nghiệp khi tham gia các giao dịch hợp đồng mua cổ phần/vốn góp là việc kiểm tra tình hình pháp lý và tình hình tài chính của doanh nghiệp. Việc kiểm tra tình hình pháp lý và tài chính của doanh nghiệp là hết sức cần thiết khi mua cổ phần đặc biệt là những giao dịch có giá trị lớn hoặc mua cổ phần/phần vốn góp để trở thành cổ đông chiến lược hoặc để kiểm soát công ty. Trên thực tế, nhiều trường hợp trước khi ký hợp đồng bên mua không thực hiện kiểm tra kỹ lưỡng, sau khi ký hợp đồng và vào tiếp quản quyền quản lý công ty thì bên mua mới phát hiện ra các khoản nợ xấu và các giao dịch bất hợp pháp; lúc đó bên mua sẽ phải gánh chịu những rủi ro lớn do các cổ đông/thành viên chuyển nhượng cổ phần đã rút khỏi công ty.

Khi đàm phán các giao dịch đầu tư, kinh nghiệm thực tế mà các luật sư chuyên nghiệp đã gặp phải và các nhà đầu tư và các doanh nghiệp cần lưu ý như sau:

Một là đối với các giao dịch giữa các nhà đầu tư trong nước, thông thường các nhà đầu tư thường hay dễ tính một cách thiếu chuyên nghiệp trong việc soạn thảo và ký kết hợp đồng có nội dung đơn giản nhằm nhanh chóng thực hiện giao dịch đầu tư. Điều này sẽ tạo cơ hội cho việc phát sinh những tranh chấp tiềm ẩn thiếu cơ chế giải quyết rõ ràng về sau. Lời khuyên cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư là nên lưu tâm hơn trong các quy định hết sức chi tiết và cụ thể của hợp đồng về cơ chế điều hành và quản lý đầu tư, cũng như cơ chế giải quyết tận gốc các tranh chấp và các vấn đề phát sinh trong hợp đồng. Các doanh nghiệp phải hết sức kiên trì trong quá trình soạn thảo và đàm phán, ngay cả khi việc đó có thể kéo dài hơn dự kiến để đi đến ký kết thành công giao dịch, nhưng nó lại tạo điều kiện rất thuận lợi cho quá trình thực hiện hợp đồng. Các nhà đầu tư nước ngoài rất hiếm khi ký kết một hợp đồng đầu tư quan trọng có nội dung sơ sài khoảng 10 trang như các doanh nghiệp trong nước thường hay sử dụng;

Hai là các doanh nghiệp nên lưu ý về đặc điểm khác nhau của các nhà đầu tư thuộc quốc tịch khác nhau để hoạch định chiến lược đàm phán hợp đồng phù hợp nhất và để đạt được kết quả tốt nhất cho mình. Ví dụ: Đối với các nhà đầu tư Hoa Kỳ thông thường phong cách làm việc của họ là ra quyết định rất nhanh và áp đặt theo các điều kiện của họ. Các nhà đầu tư trong nước phải phản ứng rất nhanh theo các yêu cầu của họ, không thể chậm trễ và trì hoãn lâu. Để phản ứng nhanh thì các doanh nghiệp trong nước phải chuẩn bị kỹ các phương án ứng phó và vạch ra nhiều kịch bản khác nhau trước mỗi buổi đàm phán. Còn Đối với các nhà đầu tư Nhật Bản thì ngược lại.Các đối tác Nhật Bản thường làm việc rất tỉ mỉ, chi tiết, kỹ tính và đảm bảo tính tuân thủ. Đôi khi việc tỉ mỉ và kỹ tính của họ làm cho cuộc đàm phán có thể kéo dài quá sức chịu đựng của đối tác trong nước. Các thủ tục lấy ý kiến và phê chuẩn của họ cũng rất kỹ và hầu như không thể làm trái. Khi đàm phán với các đối tác Nhật Bản, các doanh nghiệp trong nước cần phải hết sức kiên trì. Đối với nhà đầu tư Hàn Quốc: các nhà đầu tư Hàn Quốc thì theo xu hướng dung hoà hơn giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản. Họ không quá kỹ tính như Nhật Bản nhưng không quá nhanh và áp đặt như Hoà Kỳ. Văn hoá kinh doanh của người Hàn Quốc cũng tương đồng nhiều hơn với văn hoá kinh doanh của người Việt Nam. Đàm phán với đối tác Hàn Quốc, các doanh nghiệp trong nước nên lưu ý nhiều hơn đến việc thẩm định năng lực và mục tiêu thực chất của đối tác, cũng như hạn chế khả năng chuyển nhượng dự án của đối tác.

READ:  Trình bày Nội dung của các giai đoạn đàm phán trong lĩnh vực kinh tế và kinh doanh quốc tế và lấy ví dụ minh họa?

Ba là khi soạn thảo và đàm phán hợp đồng, các doanh nghiệp nên lưu tâm trong việc giữ phong cách làm việc và đàm phán chuyên nghiệp và chính xác, và giữ thói quen sử dụng ý kiến tư vấn của bộ phận pháp chế hoặc luật sư để đảm bảo tính an toàn trong giao dịch. Các đối tác nước ngoài thường thực hiện và tuân thủ rất tốt hai yếu tố này.

Thứ tư là hợp đồng chuyển giao công nghệ: Đối tượng của hợp đồng chuyển giao công nghệ là sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bí quyết kỹ thuật, nhãn hiệu, tên gọi xuất xứ hàng hóa.Phạm vi của hợp đồng chuyển giao công nghệ là các hoạt động chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam theo qui định của Bộ luật dân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.Những vấn đề cần chú trọng trong hợp đồng chuyển giao công nghệ là việc buộc bên nhận công nghệ mua nguyên liệu, vật liệu, tư liệu sản xuất, sản phẩm trung gian hoặc sử dụng nhân lực từ nguồn do bên giao chỉ định, khống chế quy mô sản xuất, giá cả phạm vi tiêu thụ sản phẩm, hạn chế thị trường xuất khẩu của bên nhận, hạn chế bên nhận nghiên cứu và phát triển công nghệ được chuyển giao, vấn đề môi trường, xử lý chất thải, an toàn lao động… Cũng có trường hợp, việc chuyển giao công nghệ cần sự can thiệp của Chính phủ

2.Hợp đồng trên lĩnh vực xuất nhập khẩu

Hợp đồng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu gồm một số loại hợp đồng như hợp đồng xuất khẩu, hợp đồng nhập khẩu, hợp đồng gia công quốc tế, hợp đồng ủy thác xuất khẩu, hợp đồng ủy thác nhập khẩu…

Đối tượng của hợp đồng xuất nhập khẩu hàng hóa là các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Những hàng hóa được phép xuất nhập khẩu là những hàng hóa nằm trong danh mục các hàng hóa được phép xuất nhập khẩu của Nhà nước.

Chủ thể của hợp đồng xuất nhập khẩu là các cá nhân hoặc tổ chức có tư cách pháp nhân được quy định trong các văn bản pháp luật về xuất nhập khẩu. Các cá nhân và tổ chức này phải có tư cách pháp nhân được thành lập theo pháp luật, có lượng vốn lưu động tối thiểu là 200.000 USD và phải có đội ngũ cán bộ có đủ trình độ nghiệp vụ để tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, đóng đủ lệ phí mỗi lần xuất nhập khẩu là 1 triệu đồng Việt Nam.

Phạm vi của hợp đồng xuất nhập khẩu là các hoạt động xuất nhập khẩu theo quy định của pháp luật về xuất nhập khẩu. Những điều khoản thường xảy ra tranh chấp của loại hợp đồng này về điều khoản giá cả, chất lượng, thanh toán.

Trong hợp đồng xuất nhập khẩu, một yếu tố quan trọng là phải lựa chọn hệ luật áp dụng. Luật được lựa chọn có thể là luật quốc gia của một trong những bên của hợp đồng với điều kiện bên kia chấp nhận. Luật được chọn này có thể là luật quốc gia của một nước trung lập như luật Thụy Sĩ, luật Úc, luật Thụy Điển. Để tìm luật áp dụng thích hợp cho hợp đồng, có thể căn cứ vào hội đồng xét xử, địa điểm xét xử, địa điểm các bên đàm phán và ký kết hợp đồng, địa điểm các bên thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng, hệ thống luật pháp sẽ áp dụng, dẫn chiếu…

3.Hợp đồng khác:

VD: Hợp đồng lao động

Đối tượng của hợp đồng lao động là các quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động với người lao động.

Chủ thể của hợp đồng lao động là các tổ chức, cá nhân sử dụng lao động và người lao động.

Phạm vi hợp đồng lao động là các quan hệ lao động liên quan đến thời gian, địa điểm lao động, tiền lương, bảo hiểm, giờ làm việc, nghỉ ngơi, tranh chấp lao động…

Ngoài ra còn có hợp đồng xây dựng và hợp đồng đấu thầu