Soạn bài Tây Tiến – Quang Dũng

TÂY TIẾN

(Quang Dũng)

I. ĐỌC HIỂU VĂN BẢN

1. Tác giả (xem thêm Tác giả Quang Dũng tại đây)

a. Về nhà thơ Quang Dũng, cần chú ý những điểm sau đây:

– Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài: làm thơ, viết văn, vẽ tranh và soạn nhạc. Nhưng Quang Dũng trước hết là một nhà thơ, một hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa – đặc biệt khi ông viết về người lính Tây Tiến và xứ Đoài (Sơn Tây) của mình.

– Quang Dũng chính là lính Tây Tiến; là người trong cuộc, nên ông rất hiểu chiến trường Tây Tiến và người lính mà ông từng yêu mến, gắn bó, nên đã thể hiện họ rất thành công trong bài thơ Tây Tiến.

b. Hoàn cảnh sáng tác bài thơ

Chú ý tâm trạng và cảm xúc của Quang Dũng khi sáng tác bài thơ: rời xa đoàn quân Tây Tiến chưa bao lâu, hồi ức kỉ niệm về chiến trường xưa và đồng đội cũ vẫn đầy ắp trong tim, cứ như thế mà trào ra theo nỗi nhớ, tuôn chảy thành bài thơ. Ban đầu, bài thơ có tên là Nhớ Tây Tiến, năm 1975, khi in lại bài thơ, tác giả đặt tên là Tây Tiến.

c. Tác phẩm

Cần đọc bài thơ nhiều lần đế có cảm nhận chung về chiến trường và người lính Tây Tiến. Có thể đọc theo cách sau:

– Đầu tiên, đọc thầm bằng mắt toàn bài thơ để lĩnh hội chung về nội dung của tác phẩm.
– Sau đó, đọc to thành tiếng và cố gắng đọc diễn cảm bài thơ theo ý nhịp điệu và tình cảm của tác giả. Chú ý những câu thơ có âm điệu, nhịp điệu đặc sắc như:

– Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm
………………..
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.

– Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
………………..
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.

– Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

1. Tìm hiểu bố cục bài thơ

Theo văn bản, bài thơ tự nó chia ra làm bốn đoạn:

– Đoạn 1: Nỗi nhớ khung cảnh chiến trường Tây Tiến của nhà thơ – một chiến trường vừa dữ dội, ác liệt lại vừa thơ mộng, trữ tình.

– Đoạn 2: Cảnh đêm liên hoan ở vùng biên giới Việt Lào tưng bừng, rộn rã và cảnh sông nước Châu Mộc huyền ảo, thơ mộng hiện lên qua nỗi nhớ của tác giả.

– Đoạn 3: Chân dung người lính Tây Tiến hào hùng mà hào hoa với lí tưởng đẹp “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”, với cái chết bất tử đầy bi tráng.

– Đoạn 4: Hồn người Tây Tiến vẫn gắn bó với “Tây Tiến mùa xuân ấy” của một thời đánh giặc anh hùng rực lửa.

Mạch liên kết giữa các đoạn văn chính là nỗi nhớ rất tự nhiên của nhà thơ về một chiến trường và những đồng đội một thời đánh giặc vô cùng gian khổ mà rất đỗi hào hùng. Nỗi nhớ ấy đã “xâu chuỗi” các ý thơ trong từng đoạn với nhau để thành bài ca Tây Tiến của một thời kỳ lịch sử không thể nào quên: từ nhớ khung cảnh chiến trường rồi nhớ đến những vùng đất đã đi qua đầy kỉ niệm, cuối cùng hội tụ lại trong chân dung người lính Tây Tiến mà hồn các anh vẫn gắn bó mãi mãi với mùa xuân của chiến trường đánh giặc đã đi vào lịch sử của dân tộc.

2. Bức tranh thiên nhiên ở đoạn 1.

Khung cảnh chiến trường Tây Tiến vừa hùng vĩ, dữ dội, lại vừa thơ mộng, trữ tình. Bên cạnh núi rừng hiểm trở với độ cao rợn người là một mái nhà thấp thoáng ẩn hiện trong màn mưa mỏng nơi lưng chừng núi, bên cạnh vùng đất hoang dại chứa đầy bí ẩn ghê gớm của rừng thiêng với thác gầm thét, với cọp trêu người là một bản làng có cơm lên khói, có mùi thơm nếp xôi và những cô gái xinh đẹp như những bông hoa rừng. Đây là khung cảnh thực của chiến trường Tây Tiến đã được khúc xạ qua tâm hồn lãng mạn, hào hoa của người lính Tây Tiến, phần đông là thanh niên Hà Nội, và được Quang Dũng miêu tả rất thành công bằng thủ pháp nghệ thuật, đặc biệt là thủ pháp đối lập.

– Đối lập giữa hai câu thơ về cả hình ảnh, nhịp điệu, thanh điệu:

Ngàn thước lên cao / ngàn thước xuống (hai thanh trắc ở cuối câu)

READ:  Ôn tập tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi (toàn thanh bằng chủ yếu là thanh không dấu)

– Đối lập giữa hai cặp câu thơ:

– Thủ pháp nhân hóa, cường điệu: súng ngửi trời, cọp trêu người,…

Hình ảnh đoàn quân Tây Tiến hiện ra trên nền cảnh thiên nhiên ấy cũng rất đẹp:

– Có cái tinh nghịch, dí dỏm của các chàng trai Hà Nội – cũng là sự chiến thắng thiên nhiên ác liệt khi các anh đã “chạm” đến trời, đã lên đến đỉnh cao nhất của chiến trường miền Tây để đánh giặc:

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

– Có sự hòa hợp thật đáng yêu trong tình quân dân kháng chiến:

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.

+ Và ngay đến cái chết, sự ra đi của các anh cũng thanh thản, đẹp tuyệt vời:

Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mủ bỏ quên đời!

3. Bức tranh thiên nhiên ở đoạn 2

Bức tranh thiên nhiên và con người ở đây lại mang những vẻ đẹp mới khác với bức tranh trên, nhưng lại bổ sung cho bức tranh Tây Tiến thêm hoàn mĩ với những sắc màu đầy ấn tượng, khó quên. Đó là bức tranh mĩ lệ, duyên dáng và đặc biệt là rất thanh bình ngỡ như không còn tiếng súng, không còn chiến tranh, chết chóc của những nơi các anh đã đi qua in rõ tâm hồn người lính Tây Tiến lãng mạn, hào hoa, yêu đời. Có vẻ đẹp rực rỡ, mĩ lệ mang màu sắc của xứ lạ, phương xa trong một đêm liên hoan quân dân nơi biên giới Lào – Việt; có vẻ đẹp thơ mộng, huyền ảo của “thi trung hữu họa” trên sông nước Châu Mộc như một bức tranh thủy mặc phương Đông. Có thể xem đây là những nét bút rất tài hoa của Quang Dũng biểu hiện một hồn thơ lãng mạn, hào hoa, tinh tế:

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lèn man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xẩy hồn thơ.

Chiến tranh không còn nữa, ở đây chỉ có đuốc hoa, xiêm áo rực rỡ và tiếng khèn, điệu nhạc, hồn thơ quấn quýt với tình người, tình quân dân kháng chiến và tình nghĩa Việt – Lào gắn bó thủy chung. Cái đẹp ở đây là của xứ lạ phương xa, có nét man dại nên càng thêm đậm đà, hấp dẫn.

Vẻ đẹp của bốn câu sau là vẻ đẹp của một bức tranh có gam màu nhạt với những đường nét uyển chuyển, những hình ảnh chấm phá mà đầy sức khơi gợi:

Người đi Mộc Châu chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.

Một cảnh sông nước huyền ảo, lung linh, đầy chất thơ của Tây Bắc nổi bật lên hình ảnh cô gái Thái chèo thuyền độc mộc uyển chuyển với bông hoa “đong đưa” như làm duyên trên dòng nước lũ.

Trong một bài thơ viết về một chiến trường ác liệt nhất, về những người lính phi thường, một thời đánh giặc anh hùng rực lửa mà có cả một đoạn thơ tám câu mĩ lệ, thanh bình, êm ả như vậy – thì đó chính là niềm lạc quan, yêu đời, tâm hồn lãng mạn, hào hoa, và trên hết, đó chính là bản lĩnh của nhà thơ – chiến sĩ Quang Dũng.

4. Hình ảnh người lính Tây Tiến (đoạn 3)

Trên cái nền cảnh thiên nhiên hùng vĩ, mĩ lệ của chiến trường miền Tây, hình ảnh người lính Tây Tiến hiện lên thật đẹp và đầy ấn tượng, được tác giả cô đúc lại trong tám câu thơ hàm súc, giàu sức gợi cảm và hàm chứa ý nghĩa. Quang Dũng miêu tả rất thật những đồng đội của anh (đoàn quân Tây Tiến không mọc tóc, da xanh màu lá,…) nhưng lại đem đến cho họ một vẻ đẹp lãng mạn, hào hoa, đúng với cái chất lính của những chàng trai kinh thành “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.

Quả đúng như vậy, người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp lẫm liệt, hào hùng và sang trọng. Sang trọng ở tư thế ra đi, coi cái chết nhẹ như lông hồng (“Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”), sang trọng ở những giấc mơ lãng mạn của người thanh niên Hà Nội. Đây cũng là vẻ đẹp bi tráng của người lính, cả khi sống (những gương mặt tiều tụy vì sốt rét mà vẫn “dữ oai hùm”, vẫn “mắt trừng gửi mộng qua biên giới” và khi đã hy sinh (được bọc trong những tấm chiến bào sang trọng, thiên nhiên tấu lên khúc nhạc dữ dội và oai hùng để đưa tiễn hương hồn người chiến sĩ). Ở đây, Quang Dũng không hề né tránh sự chết chóc, sự gian khổ của người lính; nhà thơ đã nói lên sự thật cái “bi” của chiến trường ác liệt nhưng đã lấy cái “tráng” để át cái “bi” thành chất “bi tráng” của người lính Tây Tiến. Và cái vẻ đẹp bi tráng ấy đã được đẩy tới đỉnh cao trong hai câu thơ tuyệt bút miêu tả cái chết – bất tử của các anh:

READ:  [Dàn bài] Phân tích đoạn cuối bài thơ Tây Tiến

Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

Chỉ tám câu thơ mà Quang Dũng đã khắc họa được rõ nét chân dung người lính Tây Tiến như một bức tượng đài bất tử về người lính vô danh một thời đánh giặc không thể nào quên.

5. Nỗi nhớ Tây Tiến (đoạn 4)

Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi. 

Sông Mã xa rồi. Tây Tiến xa rồi. Ngồi ở Phù Lưu Chanh, Quang Dũng nhớ về chiến trường xưa và những người đồng đội cũ một thời chiến đấu vô cùng gian khổ mà rực lửa anh hùng. Giữa nhà thơ và những ngày Tây Tiến có cả một khoảng cách thời gian và không gian thăm thẳm (Đường lên thăm thẳm một chia phôi). Nhưng hồn người Tây Tiến thì vẫn gắn với “Tây Tiến mùa xuân ấy”: “Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”, có nghĩa là gắn với những ngày tháng đẹp nhất của đoàn quân Tây Tiến, một đoàn quân đã đi vào lịch sử của dân tộc như một chứng tích không thể nào quên.

6. Bút pháp của Quang Dũng trong bài thơ

Bút pháp của Quang Dũng trong bài thơ là bút pháp lãng mạn (khác với Chính Hữu dùng bút pháp tả thực trong bài Đồng chí). Bút pháp lãng mạn là vượt lên trên thực tại (thường là khắc nghiệt) để vươn tới cái đẹp của lý tưởng, tìm cảm giác ở những nơi xứ lạ, phương xa hoặc thiên nhiên hùng vĩ, mĩ lệ, thơ mộng. Nhà thơ thường dùng các thủ pháp phóng đại, cường điệu, đối lập để tô đậm cái phi thường, gây ấn tượng mạnh về cái hùng vĩ, dữ dội và cái thơ mộng, tuyệt mĩ. Có thể so sánh với bút pháp tả thực trong bài Đồng chí của Chính Hữu như sau: ĐỒNG CHÍ

ĐỒNG CHÍ                                                     TÂY TIẾN

– Áo anh rách vai –                                  Áo bào thay chiếu anh về đất
– Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh      – Tây tiến đoàn binh không mọc tóc
– Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi  – Quân xanh màu lá dữ oai hùm
– Đêm rét chung chăn, thành đôi tri kỉ  – Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Với bút pháp lãng mạn, Quang Dũng mới phát huy được sở trường, hồn thơ của mình để đạt được thành công trong Tây Tiến, để lại cho đời một bài thơ bay bổng, say người, tràn đầy cảm hứng lãng mạn về hình ảnh một người lính đẹp và một chiến trường lịch sử hồi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc. Cuối cùng, đọc kĩ phần Ghi nhớ để nắm vững bài học.

II. LUYỆN TẬP

1. Gợi ý phân tích khổ thơ:

– Bút pháp của Quang Dũng trong bài thơ Tây Tiến là bút pháp lãng mạn.

– Bút pháp của Chính Hữu trong bài thơ Đồng chí là bút pháp hiện thực (tả thực).

– Anh (chị) tham khảo mục 6 trên đây để làm bài tập này.

2. Câu này anh (chị) tự làm theo cảm nhận riêng của mình (có thể tham khảo mục 4 trên đây).