Những cuộc cách mạng tư sản tiếp tục nổ ra ở khu vực Mĩ La-tinh và châu Âu trong tế kỉ XIX:
– Do sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế chủ nghĩa tư bản, cộng với những tác động từ cuộc Chiến tranh giành độc lập của các thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ, Cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỉ XVIII, nhân dân các nước thuộc địa ở khu vực Mĩ La-tinh đã nổi dậy đấu tranh lật đổ ách thống trị của thực dân Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, giành chính quyền về tay mình, thành lập hàng loạt quốc gia tư sản như Cô-lôm-bi-a, Ác-hen-ti-na, Chi-lê, Vê-nê-xu-lê-a,…
– Ở châu Âu, tháng 7 – 1830, phong trào cách mạng tư sản lại tiếp tục nổ ra ở Pháp, sau đó nhanh chóng lan ra các nước Bỉ, Đức, I-ta-li-a, Ba Lan,… làm rung chuyển chế độ phong kiến châu Âu và đế quốc Áo – Hung.
– Ở I-ta-li-a, từ năm 1859 đến năm 1870, dưới sự lãnh đạo của quý tộc tư sản hóa, đại diện là Ca-vua, sau đó là người anh hùng dân tộc Ga-ri-ban-đi, các vương quốc ở I-ta-li-a đã thoát khỏi sự thống trị của đế quốc Áo và thống nhất vương quốc I-ta-li-a, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển.
– Ở Đức, từ năm 1864 đến năm 1871, giai cấp tư sản và quý tộc quân phiệt Phổ – đại diện là Bi-xmác đã lãnh đạo nhân dân tiến hành công cuộc thống nhất, đưa nước Đức phát triển theo con đường chủ nghĩa tư bản.
– Ở Nga, năm 1861, Nga hoàng A-lếch-xan-đrơ II đã ban bố “Sắc lệnh giải phóng nông nô”, nhờ đó tạo thêm nguồn nhân công cho nền sản xuất tư bản, giúp Nga sớm chuyển sang chủ nghĩa tư bản.
Sự bành trướng của các nước TB ở các nước Á. Phi:
– Từ khi tiến hành cách mạng công nghiệp, nhu cầu về nguyên liệu, thị trường của các nước tư bản (nhất là Anh và Pháp) trở nên cấp thiết, khiến chính phủ tư sản các nước này đẩy mạnh việc xâm lược đối với phương Đông, đặc biệt là Ấn Độ, Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á.
– Tại châu Phi, các nước Anh, Pháp, Đức, I-ta-li-a, Bỉ,… cũng ráo riết đẩy mạnh xâu xé, biến toàn bộ châu lục này thành thuộc địa của mình.
– Kết quả, cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, hầu hết các nước ở châu Á, châu Phi đều trở thành thuộc địa hoặc phụ thuộc của chủ nghĩa thực dân phương Tây.
Kết luận:
Như vậy là, trong thế kỉ XIX, ở khu vực Mĩ La-tinh và châu Âu đã tiếp tục nổ ra các cuộc cách mạng tư sản, khiến hầu hết các nước này đều giành được độc lập và phát triển đi lên theo con đường chủ nghĩa tư bản. Cùng đó, trong giai đoạn cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX đã diễn ra quá trình bành trướng xâm lược để giải quyết vấn đề nguyên liệu, thị trường của các nước tư bản đối với các nước Á, Phi. Từ hai nội dung trên, ta có thể kết luận: “Đến cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, chủ nghĩa tư bản đã xác lập và thắng lợi trên phạm vi toàn thế giới”.