Thế nào là giá trị thặng dư? Giá trị thặng dư tuyệt đối, giá trị thặng dư tương đối và giá trị thặng dư siêu ngạch? Vì sao nói sản xuất giá trị thặng dư là quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa tư bản?
1. Giá trị thặng dư, giá trị thặng dư tuyệt đối, giá trị thặng dư tương đối và giá trị thặng dư siêu ngạch.
– Giá trị thặng dư là phần giá trị dôi ra ngoài giá trị sức lao động, do công nhân làm thuê tạo ra và bị nhà tư bản chiếm không. Giá trị thặng dư phản ánh bản chất của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa – quan hệ bóc lột của nhà tư bản đối với lao động làm thuê.
Để thu được giá trị thặng dư, có hai phương pháp chủ yếu:
phương pháp sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối và phương pháp sản xuất giá trị thặng dư tương đối.
– Giá trị thặng dư tuyệt đối là giá trị thặng dư thu được do kéo dài ngày lao động vượt khỏi giới hạn thời gian lao động cần thiết. Ngày lao động kéo dài trong khi thời gian lao động cần thiết không đổi, do đó thời gian lao động thặng dư tăng lên.
Sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối là cơ sở chung của chế độ tư bản chủ nghĩa. Phương pháp này được áp dụng phổ biến ở giai đoạn đầu của chủ nghĩa tư bản, khi lao động còn ở trình độ thủ công và năng suất lao động còn thấp.
Với lòng tham vô hạn, nhà tư bản tìm mọi thủ đoạn để kéo dài ngày lao động, nâng cao trình độ bóc lột sức lao động làm thuê.
Nhưng một mặt, do giới hạn tự nhiên của sức lực con người; mặt khác, do đấu tranh quyết liệt của công nhân đòi rút ngắn ngày lao động, cho nên ngày lao động không thể kéo dài vô hạn. Tuy nhiên, ngày lao động cũng không thể rút ngắn đến mức chỉ bằng thời gian lao động tất yếu. Một hình thức khác của sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối là tăng cường độ lao động. Vì tăng cường độ lao động cũng giống như kéo dài thời gian lao động trong ngày, trong khi thời gian lao động cần thiết không thay đổi.
– Giá trị thặng dư tương đối là giá trị thặng dư thu được do rút ngắn thời gian lao động tất yếu trên cơ sở tăng năng suất lao động xã hội. Việc tăng năng suất lao động xã hội, trước hết ở các ngành sản xuất ra vật phẩm tiêu dùng, sẽ làm cho giá trị sức lao động giảm xuống do đó, làm giảm thời gian lao động cần thiết. Khi độ dài ngày lao động không thay đổi, thời gian lao động cần thiết giảm sẽ làm tăng thời gian lao động thặng dư – thời gian để sản xuất ra giá trị thặng dư tương đối cho nhà tư bản.
– Để giành ưu thế trong cạnh tranh, để thu được nhiều giá trị thặng dư, các nhà tư bản đã áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, cải tiến tổ chức sản xuất, hoàn thiện phương pháp quản lý kinh tế, nâng cao năng suất lao động. Kết quả là, giá trị cá biệt của hàng hóa thấp hơn giá trị xã hội. Nhà tư bản nào thực hiện được điều đó thì khi bán hàng hóa của mình sẽ thu được một số giá trị thặng dư trội hơn so với các nhà tư bản khác.
Phần giá trị thặng dư thu được trội hơn giá trị thặng dư bình thường của xã hội được gọi là giá trị thặng dư siêu ngạch.
Xét từng đơn vị sản xuất tư bản chủ nghĩa, giá trị thặng dư siêu ngạch là hiện tượng tạm thời cục bộ. Nhưng xét về toàn bộ xã hội tư bản, giá trị thặng dư siêu ngạch là hiện tượng tồn tại thường xuyên. Vì vậy, giá trị thặng dư siêu ngạch là một động lực mạnh nhất thúc đẩy các nhà tư bản ra sức cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động.
Giá trị thặng dư siêu ngạch và giá trị thặng dư tương đối đều dựa trên cơ sở tăng năng suất lao động. Cái khác nhau là ở chỗ giá trị thặng dư tương đối thì dựa trên cơ sở tăng năng suất lao động xã hội; còn giá trị thặng dư siêu ngạch thì dựa trên cơ sở tăng năng suất lao động cá biệt.
2. Sản xuất giá trị thặng dư là quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa tư bản.
Quy luật kinh tế cơ bản là quy luật phản ánh bản chất và mục đích của một phương thức sản xuất. Mỗi phương thức sản xuất có một quy luật kinh tế cơ bản.
Bị tước đoạt hết tư liệu sản xuất công nhân buộc phải bán sức lao động cho nhà tư bản. Lao động không công của công nhân làm thuê là nguồn gốc của giá trị thặng dư, nguồn gốc làm giàu của nhà tư bản.
Sản xuất giá trị thặng dư là mục đích duy nhất của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa. Vì mục đích đó, các nhà tư bản sản xuất bất cứ loại hàng hóa nào, kể cả vũ khí giết người hàng loạt, miễn là thu được nhiều giá trị thặng dư. Phương tiện để đạt mục đích là tăng cường bóc lột công nhân làm thuê trên cơ sở phát triển kỹ thuật, tăng cường độ lao động, kéo dài ngày lao động, tăng năng suất lao động v.v..
Sản xuất giá trị thặng dư là quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa tư bản. Nội dung của quy luật là tạo ra ngày càng nhiều giá trị thặng dư cho nhà tư bản bằng cách tăng cường các phương tiện kỹ thuật và quản lý để bóc lột ngày càng nhiều lao động làm thuê.
Quy luật giá trị thặng dư có tác dụng mạnh mẽ trong nhiều mặt của đời sống xã hội. Một mặt, nó thúc đẩy kỹ thuật và phân công lao động xã hội phát triển, làm cho lực lượng sản xuất trong xã hội tư bản chủ nghĩa phát triển với tốc độ nhanh và nâng cao năng suất lao động. Mặt khác, nó làm cho các mâu thuẫn vốn có của chủ nghĩa tư bản, trước hết là mâu thuẫn cơ bản của nó – mâu thuẫn giữa tính chất xã hội của sản xuất với sự chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất – ngày càng gay gắt.