Thần thoại là gì?

[toc]

I. THẦN THOẠI VÀ THẦN THOẠI VIỆT

1. Khái niệm

Thần thoại là tập hợp những truyện kể dân gian về các vị thần, các nhân vật anh hùng, các nhân vật sáng tạo văn hóa, phản ánh quan niệm của người thời cổ về nguồn gốc thế giới và đời sống con người.

2. Bản chất của thần thoại

a. Thần thoại là một hình thức văn hóa tinh thần ra đời trong các xã hội nguyên thủy, trên cơ sở những tiền đề nhận thức luận sau :

Quan niệm vạn vật hữu linh, bái vật giáo, quan niệm tô – tem, quan niệm vạn vật tương giao.

Người nguyên thủy có khuynh hướng diễn đạt cái trừu tượng bằng cái cảm tính, cụ thể, do kém phát triển về mặt trừu tượng hóa.

Người nguyên thủy có quan niệm và thực hành ma thuật Bởi vì tư duy nguyên thuỷ chưa phát triển năng lực phân biệt, người nguyên thuỷ chưa phân biệt được cái chủ quan và khách quan, vật chất và tinh thần…

b. Những đặc điểm tư duy trên tạo thành lối tư duy thần thoại. Tư duy thần thoại được cụ thể hóa thành những quan niệm và truyện kể thần thoại.

c. Người xưa tin vào các sự kiện được kể lại trong thần thoại và thường gắn liền việc diễn xướng thần thoại với các hình thức nghi lễ (các hình thức thực hành tín ngưỡng).

3. Các nhóm chính của thần thoại Việt

a. Thần thoại về nguồn gốc vũ trụ và các hiện tượng tự nhiên: Thần trụ trời, Ông Trời, Nữ thần Mặt trăng, Mặt trời, Thần Mưa…

b. Thần thoại về nguồn gốc các loài, bao gồm cả động vật và thực vật:Cuộc tu bổ các giống vật, Thần Lúa,

c. Thần thoại về nguồn gốc con người và nguồn gốc các dân tộc ở Việt Nam: Ông Trời, Mười hai bà mụ, Nữ Oa- Tứ Tượng, Lạc Long Quân- Âu Cơ

d.Thần thoại về các anh hùng thời khuyết sử, các anh hùng văn hóa, tổ sư các nghề : Sơn Tinh-Thuỷ Tinh, Nữ thần nghề mộc

4. Quá trình hình thành và diễn biến của thần thoại Việt

Thần thoại Việt hình thành trước hết do nhu cầu nhận thức và lý giải các hiện tượng tự nhiên (Thần Trụ Trời, Thần Sét, Thần Biển …). Nó cũng hình thành do nhu cầu nhận thức và lý giải xã hội (Họ Hồng Bàng, Sơn Tinh Thủy Tinh).

Thần thoại Việt xuất hiện khá sớm cùng với nghề nông (Nữ Thần Lúa) thời đại đồ đá giữa (văn hóa Hòa Bình) hoặc đầu thời đại đồ đá mới (văn hóa Bắc Sơn).

READ:  Văn học dân gian là gì?

Thần thoại Việt phát triển rực rỡ vào thời kỳ chuyển sang thời đại đồ đồng ( từ xã hội thị tộc mẫu hệ, bộ tộc riêng lẻ tiến tới thành lập quốc gia Văn Lang ).

Về mặt lý luận, thần thoại phải được hệ thống hóa trong sử thi dân gian, nhưng ngày nay hình thức sử thi này không còn.

Thần thoại Việt bị truyền thuyết hóa : Một bộ phận thần thoạiViệt có sự xâm nhập của các yếu tố lịch sử trở thành truyền thuyết. Nổi bật trong số này là chuỗi truyền thuyết về thời các vua Hùng (vốn là những thần thoại).

Thần thoại còn biến tướng trong Phật thoại, Tiên thoại, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn và cả truyện cười. Nhóm thần thoại này rất khó nhận. Chúng là những truyện thuộc các thể loại trên nhưng chứa đựng các motif thần thoại (Cóc Kiện Trời, Chử Ðồng Tử …) hoặc mang dấu ấn của xã hội nguyên thủy (Trầu Cau, Ðá Vọng Phu, Sao Hôm Sao Mai …).

II. NỘI DUNG THẦN THOẠI VIỆT

Cho dù tác phẩm thần thoại thuộc nhóm nào, cho dù sự tích về các vị thần có hoang đường đến đâu thì thần thoại vẫn chứa đựng những hiểu biết, những kinh nghiêm của người cổ đại.

Những hiểu biết, những kinh nghiệm này thể hiện qua những câu trả lời về những hiện tượng trong tự nhiên và xã hội. Những câu trả lời nầy có thể là sai lầm so với tư duy ngày nay, nhưng những vấn đề ñ được người cổ đại đặt ra đôi khi vẫn còn nguyên ý nghĩa đối với chúng ta. Chẳng hạn, câu hỏi về nguồn gốc trái đất và nhân loại là câu hỏi lớn của triết học, tôn giáo và khoa học.

1. Nhóm thần thoại suy nguyên

Thần thoại giải thích các hiện tượng trong tự nhiên và nguồn gốc loài người , các tộc người. Nhóm thần thoại này cho thấy được trình độ hiểu biết, sức tưởng tượng, cách cảm nghĩ, những ước mơ, khát vọng của người Việt thời cổ ( Thần Trụ Trời, Mười hai bà mụ…)

Người Việt thời cổ quan niệm vũ trụ có ba cõi : Trời, Ðất, Nước với hệ thống các vị thần. Các vị thần ở cõi trời của người Việt gắn với các hiện tượng tự nhiên mà con người dễ quan sát như thần gió, thần mưa, thần mây, thiên lôi…Ba vị thần trên cõi trời được người Việt nói đến nhiều là Ông Trời, Nữ thần Mặt trời, Nữ thần Mặt trăng.Các vị thần nầy tương ứng với các hiện tượng tự nhiên có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của cư dân nông nghiệp.Ở cỡi Ðất và cõi Nước mỗi nơi đều có một vị thần đứng đầu và các thần bộ hạ.

READ:  Soạn bài: Luyện tập lập luận chứng minh

2. Thần thoại Việt phản ánh cuộc đấu tranh chinh phục tự nhiên

Ðấu tranh chinh phục hạn hán, lũ lụt, gắn với ước mơ về cuộc sống hạnh phúc hơn. Qua đó, thần thoại cũng thể hiện sự bất lực của con người nguyên thủy trước những sự vật hiện tượng chung quanh họ( Cóc kiện trời, Sơn Tinh-Thuỷ Tinh, Thần Lúa, Chú Cuội cung trăng).Với kiểu tư duy thời cổ , qua thần thoại, con người đã chinh phục tự nhiên bằng tưởng tượng.Thực chất thì người thời cổ của tất cả các dân tộc đều không hiểu được các hiện tượng tự nhiên chung quanh họ. Ðây là hiện tượng Tantal trong thần thoại phương Tây (Tantal bị thần vương Jupiter đạp xuống vực Tartare, khát cháy họng mà nước ngang miệng không uống được, trái chín trong tầm tay nhưng không hái được)

III. MẤY NÉT VỀ THI PHÁP THẦN THOẠI

1. Cốt truyện và nhân vật

Cốt truyện của thầûn thoại Việt nhìn chung còn đơn giản, ít tình tiết. Chính vì vậy mà có người cho rằng thần thoại Việt chưa mang hình thức hoàn chỉnh của câu chuyện. Một số ít tác phẩm thần thoại tương đối dài, có tính tiết thường là truyện đã bị cổ tích hóa (Chú cuội cung trăng) truyền thuyết hóa (Sơn Tinh – Thủy Tinh).

Nhân vật chính trong thần thoại là thần. Thần trong thần thoại gắn với quan niệm vạn vật có linh hồn nên nó khác với thần của tôn giáo. Thần được gọi bằng những tên khác nhau như: Ông, bà, thần, tinh, trời… các vị thần trong thần thoại khác nhau ở chức năng, việc làm.

2. Mô típ thần thoại

Có thể tìm thấy một số motif trong thần thoại Việt: Motif cột chống trời ( Thần Trụ Trời ), motif căp vợ chồng đầu tiên(Nữ Oa- Tứ Tượng), motif bọc trăm trứng (Lạc Long Quân-Âu Cơ).