Tìm hiểu Truyện cổ tích dân gian ấn độ

TRUYỆN CỔ TÍCH DÂN GIAN ẤN ĐỘ

1. Khái quát

Nói Ấn Độ là kho tàng cổ tích giàu nhất trên thế giới điều đó rất đúng. Kho tàng đó, từ thế hệ này đến thế hệ khác khai thác không bao giờ hết. Đó là thành quả tuyệt diệu của sự thông minh, đầy mưu trí, giàu óc tưởng tượng của nhân dân Ấn Độ.

Ngay từ trước công nguyên cho đến về sau trải qua hàng thế kỷ, truyện kể Ấn Độ đã được ghi chép, được biên soạn lại thành nhiều hợp tuyển bằng nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau rất có giá trị và được lưu hành khắp đất nước Ấn Độ và trên thế giới, đặc biệt ở Đông Nam Á và Trung – cận Đông.

Cũng vì sự giàu có và được lưu hành rộng rãi như vậy mà có nhiều nhà học giả nghiên cứu về văn học dân gian trên thế giới cho rằng một số truyện dân gian được lưu hành trên thế giới có những môtíp giống nhau đều bắt nguồn từ Ấn Độ.

Điều này đã gây ra những cuộc tranh luận sôi nổi và đầy lý thú trong lĩnh vực nghiên cứu folklore học.
Do qua tay nhiều người sao chép, biên soạn ở nhiều thời đại khác nhau mà làm cho truyện cổ Ấn Độ mang những đặc điểm sau đây:

Trong một số truyện có thay đổi ít nhiều cốt truyện, đôi khi hai ba truyện gộp lại thành một truyện, có khi một truyện được phân ra thành hai ba truyện riêng biệt.

Ngay trong một số hợp tuyển người biên soạn cũng như người phiên dịch ra các tiếng dân tộc khác nhau, nhiều lúc cũng tự ý thêm bớt đôi chỗ làm cho truyện hoàn chỉnh thêm nhưng lại mất đi tính chất nguyên thuỷ của nó.

Có những cốt truyện bị thay đổi thành nhiều dị bản, lại có truyện xen kẽ truyền thuyết, thần thoại, lại có truyện mang dáng dấp truyện ngắn hiện đại, v.v.

Mặc dù trải qua nhiều sự biến đổi về nội dung và hình thức, mặc dầu khoác tấm áo khác nhau của nhiều thời đại, nhưng truyện cổ Ấn Độ căn bản vẫn giữ được cái vẻ trẻ trung, hồn nhiên, chân thực, hóm hỉnh, đầy tính lạc quan của nó.

2. Nội dung và ý nghĩa truyện cổ tích

Nhìn vào kho tàng truyện cổ Ấn Độ chúng ta thấy nhân vật của truyện khá phong phú. Mỗi loại nhân vật đều đại biểu cho mỗi giai cấp trong xã hội Ấn Độ. Đó là các vị vương hầu công tước, các tu sĩ Ba-la-môn, các vị quan toà, các quan hành chính, thầy cò, thầy kiện, các hiền triết, các ẩn sĩ, người đi buôn, kẻ ăn mày, người thợ cày, người thợ thủ công, v.v.

Bên cạnh lại có cả một thế giới súc vật được xây dựng theo sự tưởng tượng của con người, dùng làm tượng trưng, ám chỉ, ngụ ý, ẩn dụ, v.v. Những con vật đó đều giữ đúng đặc tính của nó, ví như rắn độc ác, lừa ngu dốt, cáo ranh mãnh.

Xây dựng những nhân vật đó các tác giả dân gian muốn phê phán thói hư tật xấu  của con người và sự bất công trong xã hội.

Truyện cổ tích Ấn Độ cũng giống như các truyện cổ của các dân tộc khác đều phản ảnh hiện thực cuộc sống xã hội. Thói hư tật xấu của con người bao giờ cũng bị đả kích, bị trừng phạt, lòng tốt bao giờ cũng được phát huy và ca ngợi. Thiện bao giờ cũng thắng ác, chính nghĩa bao giờ cũng thắng hung tàn và bạo ngược. Các truyện đều ngụ ý giáo dục và khuyên răn người đời.

Kẻ mạnh bao giờ cũng chiến thắng kẻ yếu, nhưng không hẳn như vậy nếu kẻ yếu biết dùng mưu trí, biết đoàn kết tương trợ với nhau thì nhất định chiến thắng được kẻ mạnh. Chẳng hạn trong truyện “ Đoàn kết thì sống” miêu tả lũ nhái, ong vò vẽ và chim đã đoàn kết đánh chết được voi.

Qua truyện “Nhà vua biết giá mình như thế nào”, chúng ta sẽ hiểu rằng giá nhà vua không đáng một trinh, hoặc trong truyện “Nhà vua với quan đại thần” thì những người tuỳ tùng đối với vua tốt hơn là vua đối lại với họ. Trong truyện “Nhà vua với tên cướp” tên cướp đã ví mình như nhà vua, nhưng tội của y còn nhẹ hơn tội của nhà vua vì nhà vua đi cướp đất đai của thiên hạ.

Nhiều truyện đã giễu cợt bọn tu sĩ. Trong thực tế tu sĩ Ấn Độ không phải đều là những kẻ tu hành chân chính, ngược lại có một số khoác áo thầy tu để lừa phỉnh, dụ dỗ dân lành để trục lợi và làm những điều xằng bậy. Có truyện châm biếm tu sĩ lừa đảo kẻ khác để cướp vợ, có tu sĩ lòng tham vô đáy. Truyện “Tu sĩ và bốn tên lưu manh” đã giễu cợt sự cuồng tin và ngu ngốc của bọn tu sĩ. Truyện “Đôi chim sẻ với tu sĩ” có kèm theo một đoạn nhận xét, bình luận sâu sắc vạch trần sự ti tiện, nhỏ nhen của giới tu sĩ. Truyện “Con mèo ngoan đạo”, dưới hình thức loài vật đã chỉ trích ra bản chất “khẩu phật tâm xà” của giới tu sĩ.

Đối với các vị quan toà, quan hành chính, những kẻ cầm cân nảy mực, điều khiển công lý trong xã hội bị lên án, bị vạch mặt là những kẻ tham lam, bóc lột rất thậm tệ. Có tên quan toà lợi dụng quyền hành của mình lập mưu cướp đoạt người đàn bà đẹp có tên ăn hối lộ căn cứ vào lời khai dối trá của tên lái buôn để kết tội người thợ cạo như trong truyện “Gã lái buôn với người thợ cạo”.

Truyện “Lão ăn mày và đàn chuột” đã vạch trần bản chất lừa đảo, hống hách, đểu trá của những tên thủ quỹ, những tên xã trưởng ở nông thôn Ấn Độ.

Một đối tượng khác thường được tác giả những truyện cổ tích tập trung đả kích là bọn phú thương, bọn lái buôn gian xảo, lắm mánh khoé trục lợi, lừa mua rẻ bán đắt, như trong truyện “ Gã lái buôn với người bạn của y”, truyện “Nhà hiền triết, nhà vua và người bán hương trầm”.

Nhân dân lao động, những người cùng đinh thường đóng vai trò quan trọng trong truyện cổ tích Ấn Độ. Trước hết truyện thường tập trung ca ngợi, đề cao nghèo khổ nhưng không hề chịu khuất phục, không hề luồn cúi, họ căm phẫn, và phản kháng những kẻ chuyên ức hiếp và áp bức họ.

Truyện “Ngựa và trâu” đã nói lên chân lý: “Ai có lao động đều mang lại lợi ích cho loài người”. Cánh tay rám nắng vì lao động của cô gái nông dân nghèo đẹp hơn là những cánh tay nõn nà của những cô gái quý tộc như trong truyện “Ba cô gái qúy tộc và bà lão ăn mày ”.

Nhân dân lao động trong truyện bao gồm nhiều thành phần như thợ mộc, thợ nề, thợ dệt, thợ may, thợ đồ gốm, thợ cạo, người đi săn, kẻ đốn củi, v.v. Họ được miêu tả như là những người thợ lành nghề, thông minh và giàu trí tuệ, cần mẫn, chân thực, khéo tay và tháo vát như trong truyện “Tu sĩ, người thợ kim hoàn, thợ mộc và thợ may”.

Các tay thợ vàng bạc vốn là những tên khét tiếng hám tài, xảo quyệt, lừa lọc là đối tượng thường bị đả kích không thương tiếc.

Hoàn cảnh nghèo khổ của những con người lao động sống trong xã hội phong kiến thường được miêu tả một cách sâu sắc và cảm động. Truyện thường bắt đầu bằng cảnh những người nghèo đói lang thang rời bỏ quê hương làng mạc đi kiếm ăn ở nơi khác. Sâu sắc nhất là truyện người thợ Dari trong truyện “Người thợ dệt không may”. Mặc dầu có tài, Dari sống trong kinh thành của mình không tìm được cách bán những tấm vải đắt tiền vì người nghèo không có tiền mua.

READ:  Tại sao trời oi bức trước cơn mưa?

Truyện cổ Ấn Độ còn nêu lên những bài học xử thế trong quan hệ bạn bè, anh em, quan hệ giữa người với người, nhằm giáo dục những đức tính tốt chống lại những thói kiêu căng, tự cao tự đại, ích kỷ, hẹp hòi, ti tiện, lừa thầy phản bạn, v.v.

Truyện “Vua Xuhayman và con sếu” tập trung ca ngợi tình bạn, nếu không có bạn bè thì cuộc sống không có ý nghĩa. Bạn bè phải chia bùi xẻ ngọt với nhau, vui buồn có nhau như trong truyện “Hai người bạn và túi tiền”. Sự cãi cọ, mâu thuẫn lẫn nhau chia rẽ nhau sẽ không đem lại lợi ích gì cho nhau, chỉ khiến cho kẻ khác “đục nước béo cò” mà thôi, như trong truyện “Của tôi và của cô”, “Chó, mèo và khỉ.” Tình nghĩa bạn bè có sâu đậm là do tính trung thực, chung thuỷ và biết yêu thương nhau. Truyện “Người thợ kim hoàn và thợ mộc” đã lên án những kẻ phản bội lại tình bạn vì hám lợi. Truyện “Tính vênh váo” vạch trần những kẻ khi đã có địa vị danh vọng trong xã hội rồi thì lên mặt, khinh thường bạn bè, quên cả cảnh sống thuở hàn vi với nhau.

3. Nghệ thuật truyện cổ Ấn Độ

Nhìn chung kết cấu truyện cổ Ấn Độ thường chặt chẽ cô đọng, súc tích, ngắn gọn.

Có truyện vẻn vẹn 5, 6 dòng.

Thông thường có 2 cách bố cục:

Một là, bố cục thường bắt đầu cốt truyện chính, sau đó để nhân vật chính trong truyện kể, ngừng kể là kết thúc. Cuối truyện thỉnh thoảng có những câu thơ bình luận ngắn, hoặc ngụ ngôn, hoặc châm ngôn, hoặc một lời bình rút ra cho người đọc một bài học kinh nghiệm.

Cách bố cục thứ hai, thường mở đầu bằng lời giới thiệu của người kể truyện về đề tài chuyện, người kể chuyện có thể là một con vật hay người. Sau đó là cốt truyện, kết thúc truyện có thể là cảm tưởng của người nghe, hay lời bình về thái độ và tâm trạng của người nghe. Nếu người nghe yêu cầu kể tiếp thì truyện lại được nối tiếp bằng một truyện khác.

Về ngôn ngữ thì lời ít ý nhiều, lời lẽ giản dị, dễ hiểu có lúc bóng bảy, hóm hỉnh hài hước tạo ra một mỹ cảm sảng khoái, lạc quan. Văn chương thường uyển chuyển và sinh động.

Có nhiều truyện, nhân vật được khắc hoạ thành những nhân vật điển hình tạo nên ấn tượng sâu sắc cho người đọc, người nghe.

Giàu chất triết lý, dồi dào trí tuệ, nhiều ngụ ngôn là đặc điểm nổi bật trong truyện cổ Ấn Độ. Điều này cũng phản ảnh rõ đặc tính dân tộc Ấn Độ.

Tuy vậy, truyện cổ Ấn Độ cũng bộc lộ một số nhược điểm của nó, có nhiều truyện mang nặng màu sắc huyền bí, chịu ảnh hưởng nhiều tư tưởng tôn giáo đặc biệt là Phật giáo làm cho một số truyện kém phần giá trị hiện thực của nó.

4. GIỚI THIỆU MỘT SỐ TẬP TRUYỆN CỔ

Truyện Con Vẹt.

Quá trình hình thành truyện Con Vẹt: Đây là truyện cổ tích cỡ dài nổi tiếng của Ấn Độ. Nhiều nhà nghiên cứu của Ấn Độ  và thế giới cho rằng tập truyện này có từ lâu, phổ biến rộng rãi nhất vào thế kỷ XII.

Soạn giả đầu tiên là ai không rõ, nhưng trải qua nhiều thế kỷ đã có nhiều bàn tay sưu tập, chọn lọc, sao chép bổ sung nhiều lần làm mất dần nội dung của nguyên bản.

Dù vậy, đến nay tác phẩm vẫn còn giữ nguyên vẹn giá trị của nó, được nhiều người ưa thích, được lưu hành rộng rãi trên thế giới. Truyện đã được dịch ra tiếng Nga, Afghanixtan, Anh, Pháp, Đức, v.v.

Truyện Con Vẹt bắt nguồn từ tập Sucaxaptati gồm 70 truyện tập này in ra không bao lâu, bị thất lạc, sau này Nahsabi biên soạn lại lấy tên là Tutinan vào năm 1330 bằng tiếng Iran. Có nhiều chỗ khác xa tập Sucaxaptati, số truyện rút lại còn 52.

Sau đó được Môhamet Cadiri, nhà văn Ấn Độ ở thế kỷ XVIII cải biến lại lấy tên là “Quyển sách của Con Vẹt” nổi tiếng từ đó. Số truyện rút lại còn 38.

Tiếp sau Cadiri lại có bản của Haidabase Haidari soạn lại năm 1801 đến năm 1803 xuất bản ở Calcuta lấy tên Tôtaxơhani (Con Vẹt). Tập truyện này tuy vẫn giữ nguyên các cốt truyện trước, nhưng soạn giả chú trọng xây dựng tính cách và lời đối thoại giữa con Vẹt và nàng Hudaxta sinh động hơn. Vẹt thì mang tính cách ranh mãnh, tinh khôn, nàng Hudaxta thì nhẹ dạ, bồng bột si tình. Truyện có nhiều chi tiết và phong phú hơn. Soạn giả còn biết vận dụng nhiều phương ngôn, tục ngữ, cách ngôn, đoạn thơ mở đầu và kết thúc.

Chuyện kể rất hấp dẫn và lý thú. Kết cấu chặt chẽ.

Nhờ tài năng của Haidari mà truyện Con Vẹt được nhiều người biết tới và ưa thích. Truyện được lưu truyền khắp trên đất nước Ấn Độ và thế giới, trở thành tác phẩm văn học dân gian có giá trị.

Tóm tắt cốt truyện

“Ngày xưa có ông vua tên là Ahơmat giàu có và quyền thế, hiềm một nổi là không có con trai nối dõi tông đường nên hoàng hậu phải đến các chùa chiền cầu tự. May sao sau đó vua sinh ra được một hoàng tử khôi ngô tuấn tú đặt tên là Maimun. Lớn lên nhà vua cưới cho hoàng tử một cô vợ nhan sắc lộng lẫy tên là Huđaxta. Đôi vợ chồng sống rất hạnh phúc, không hề rời nhau một bước.

Nhân một hôm Maimun cưỡi ngựa ra khỏi kinh thành ghé vào xem chợ, bắt gặp một người đang xách chiếc lồng có con vẹt muốn bán. Maimun hỏi mua, nhưng giá ngàn đồng quá đắt, vừa tiếc tiền, vừa muốn mua vẹt, đang đắn đo ngập ngừng thì bỗng vẹt ta lên tiếng bảo với chàng rằng sắp tới sẽ có một toán lái buôn giàu có đến kinh thành tìm mua quế. Hoàng tử nên mua tất cả quế tích trữ vào kho, khi họ đến mua các cửa hàng bán quế không có quế để bán cho họ, lúc bấy giờ buộc họ phải tìm mua quế của hoàng tử, hoàng tử muốn bán giá cao bao nhiêu họ cũng phải mua, như vậy hoàng tử sẽ có một món tiền to. Maimun nghe vậy thích chí quá bỏ ngay ngàn đồng để mua Vẹt.

Đúng như lời Vẹt nói, Maimun làm theo và quả thật thu được một món tiền lãi kếch xù làm cho hoàng tử thêm giàu có, từ đó Maimun càng tin con Vẹt. 

Được ít lâu, Maimun tạm biệt vợ đi chu du khắp các đô thành. Trước khi đi dặn vợ lại nếu ở nhà muốn điều gì, cần hỏi cái gì thì hỏi ý kiến Vẹt. Xa chồng đã lâu, Huđaxta thấy buồn phiền, nhớ nhung, cô đơn, nhân có một chàng công tử qua lại trước kinh thành thấy nàng đẹp, tìm cách rủ rê nàng. Huđaxta vốn si tình nên phải lòng chàng công tử này. Đêm nào nàng cũng trang điểm thật đẹp để đi đến với nhân tình. Vẹt biết vậy, cho nên mỗi lần nàng cất bước ra đi Vẹt ta lại gọi nàng lại kể cho nàng nghe một câu truyện thật lý thú và hấp dẫn.

READ:  Kết quả và ảnh hưởng của công cuộc phát kiến địa lý đối với sự phát triển của văn minh nhân loại

Mỗi lần Hudaxta nghe kể nàng lấy làm thích thú không muốn rời bước. Nếu muốn rời bước thì chuyện cũng đã kết thúc và trời cũng đã sáng rồi.

Cứ như vậy trong 38 đêm liền, mỗi đêm một chuyện Vẹt giữ chân nàng Huđaxta si tình này lại cho đến lúc người chủ của mình là Maimun trở về”. Jataka

(Những truyện tiền kiếp của đức Phật).

Đây không chỉ là quyển sách kinh điển viết về đạo Phật của người Ấn Độ mà còn là một tác phẩm văn học có giá trị mang nhiều yếu tố hiện thực đầy sinh động.

Nội dung gồm 547 câu truyện kể lại cuộc đời của Phật, từ khi Phật sinh ra đi t ìm đạo để cứu nhân độ thế cho đến lúc lên chốn cực lạc. Nhân vật trong truyện xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau, khi súc vật, khi con người khi thần thánh. Mỗi nhân vật đều có một cuộc đời riêng biệt. Trong câu chuyện kể bao giờ cũng có mặt của Phật, có lúc Phật là một nhân vật chính diện, có lúc là thứ yếu, có lúc là người đứng chứng kiến câu chuyện ấy.

Trong số trên 547 câu chuyện được ghi lại trong Giataca có truyện rất xưa, có thể ra đời vào thế kỷ IV trước công nguyên. Truyện khá phong phú, súc tích, uẩn khúc, bóng bảy. Hình thức thường là truyện kể, thần thoại, cổ tích, ngụ ngôn. Phần nhiều các truyện đó có giá trị về văn hoá nghệ thuật rất lớn, nhưng về sau đạo Phật đã lợi dụng nó, cải biến một số nội dung cho phù hợp với giáo lý và tư tưởng của đạo Phật để làm phương tiện truyền bá đạo Phật…

Nguyên do trong phong trào đấu tranh của nhân dân Ấn Độ thời cổ đại từ thế kỷ VI trước công nguyên, chống chế độ đẳng cấp xã hội, phê phán đạo Ba-la-môn, đả kích triết lý huyền bí của đạo ấy, người ta đã vận dụng văn học dân gian đặc biệt là truyện cổ tích và ngụ ngôn để minh hoạ lý thuyết, tránh dùng hình ảnh khô khan trừu tượng, làm cho tư tưởng dễ thâm nhập vào lòng người.

Phật giáo nguyên thủy chống đạo Ba-la-môn đã thể hiện rõ tính chất nhân dân qua các phong trào ấy. Cách truyền đạo của Phật từ những chuyện đời cụ thể qui nạp thành lời khuyên răn luân lý.

Bản thân truyện dân gian có giá trị phê phán xã hội, văn học Phật giáo đã chịu ảnh hưởng dân gian về nội dung và hình thức. Nhưng phần kết luận của các truyện Phật giáo lại thường theo quan điểm đạo đức tôn giáo, xuyên tạc ý nghĩa khách quan của các truyện dân gian như ngụ ngôn mà nó dùng để minh hoạ. Nội dung đó đã tạo nên một lối bố cục đặc biệt của các truyện trong tập Giataca.

Cách bố cục trong mỗi truyện gồm ba phần:

1. Phần mở đầu, kể về tiền kiếp của Phật: Bồ tát (bôđhisatva) xưa sống lẫn với người, cây cỏ súc vật, qua nhiều kiếp nên đã chứng kiến được muôn hình vạn trạng cuộc đời trần tục.

2. Cốt truyện dân gian hoặc được giữ nguyên hoặc được cải biên hay bổ sung thêm để minh hoạ luân lý.

3. Kết luận; Luân lý tôn giáo rút ra từ cốt truyện trên (phần nhiều là xuyên tạc ý nghĩa khách quan của truyện dân gian).

Lấy truyện “Con cò, con cua với đàn tép”, trong tập Giacata để làm ví dụ, chúng ta cũng thấy rất rõ cách bố cục đó:

1. Phần mở đầu: Bồ tát xưa kia là một vị thần cây ở bên hồ, được chứng kiến một câu chuyện xảy ra gần đó giữa con cò, con cua và đàn tép.

2. Cốt truyện dân gian (kể cụ thể tình tiết câu truyện trên). 3. Kết luận theo luân lý tôn giáo (thường bằng văn vần)

“Ác giả ác báo xoay vần
Hại nhân nhân hại xưa nay lẽ thường”.

Jiataca là một truyện dân gian nổi tiếng có thể so sánh với tập Panchatantra (năm tập sách giáo huấn) hoặc bộ Hitôpađêslna (Lời khuyên tốt). Giataca trở thành sách Phật kinh điển của người Pali, đã được truyền bá khắp các nước có đạo Phật thịnh hành, đặc biệt các nước châu Á như Thái Lan, Cam pu chia, Lào, Việt Nam, Trung Quốc, Mông Cổ, Sri Lanka, Nepal, v.v. (Giataca được dịch ra nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, v.v.)

Panchatantra (Năm tập sách giáo huấn)
Panchatantra (Năm tập sách giáo huấn) là bộ truyện ngụ ngôn của người Ấn Độ, bắt nguồn từ một truyện kể cổ nhất viết bằng tiếng Xăngcơrit có tên Trantrâkhuâyika hay gọi là “truyện kể về luân lý” ra đời vào khoảng giữa thế kỷ II được cải biên dần cho đến thế kỷ thứ VI mới hoàn chỉnh.

Đó là nguồn sáng tác truyền miệng của nông dân, thợ thủ công, binh lính, nghệ nhân, có cả tu sĩ, đạo sĩ, những người hành khất ở Ấn Độ đã bất mãn với xã hội, về sau được các nhà hiền triết sưu tập và biên soạn.

Bộ Panchatantra gồm trên 70 truyện, chia 5 tập, mỗi tập mang một chủ đề riêng.

Nội dung của truyện rất phong phú và nói chung mang ý nghĩa xã hội rất tiến bộ, có tinh thần chống tôn giáo, phản đối vua quan cai trị, đả kích con buôn, bọn giàu sang phú quý, nêu cao những bài học đạo đức luân lý, nêu cao lòng nhân đạo công bằng, bác ái, đề ra những cách ăn ở, cách xử thế trong mối quan hệ xã hội, v.v.

Panchatantra có giá trị lớn về hình thức, đúc kết được nhiều câu cách ngôn, châm ngôn, ngụ ngôn. Truyện kể chủ yếu bằng văn xuôi với giọng văn hài hước dí dỏm, châm biếm đả kích sâu cay dùng ám dụ, ẩn dụ rất sâu sắc. Câu văn bao giờ cũng ngắn gọn và súc tích. Cuối truyện thường kết thúc bằng một câu văn vần đúc kết ý của toàn truyện.

Từ khi ra đời, Panchatantra đã được hiện đại hoá dần dần bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau của Ấn Độ.
Tác phẩm còn được dịch ra nhiều thứ tiếng, đầu tiên dịch ra tiếng Pêkhơlivi của Iran, từ đó dịch ra tiếng Ả rập, tiếng Xyri và các thứ tiếng khác ở thời trung cổ, được dịch ra tiếng Iran từ thế kỷ thứ VI, tiếng Ả rập thế kỷ thứ VIII, tiếng Latin vào thế kỷ VIII.

Panchatantra được phổ biến rộng rãi khắp nơi trên thế giới từ Đông sang Tây, nó trở thành một bộ truyện ngụ ngôn mẫu mực của thế giới không kém gì truyện ngụ ngôn La Phông ten và của Êdốp.

Pancharantra trở thành một hiện tượng văn học thế giới được nhiều người nghiên cứu như Têôđo Benphây (1809-1881), người Đức, chuyên nghiên cứu tác phẩm Panchatantra.

Nhiều nhà nghiên cứu văn học dân gian cho rằng nhiều truyện cổ của nhiều dân tộc trên thế giới đặc biệt các nước ở châu Á chịu ảnh hưởng sâu sắc truyện Panchatantra. Ở Lào và Cam pu chia đã dịch và phổ biến từ lâu. Các tập truyện cổ Cam pu chia và Lào phần nhiều dựa vào cốt truyện của Panchatantra rồi biến hoá thêm. Một số truyện cổ Việt Nam cũng có ảnh hưởng nhưng không phải là nhiều lắm, tiêu biểu nhất có truyện “Mèo lại hoàn mèo”.

Ngoài ra trong kho tàng truyện cổ Ấn Độ còn có một số tập truyện đáng chú ý như Tripitica (Tam tạng), Kơthasaritsaga (Biển truyện), Hitopađêsa (Lời khuyên tốt), v.v. . .