Trình bày hoàn cảnh lịch sử và những chủ trương lớn của Đảng trong Hội nghị Trung ương tháng 7/1936?

1 – Hoàn cảnh lịch sử

– Tình hình thế giới.

+ Chủ nghĩa phát xít hình thành, nguy cơ chiến tranh thế giới bùng nổ.
+ Phong trào cách mạng thế giới phát triển và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
+ Đại hội lần thứ VII của Quốc tế cộng sản họp ở Matxcơva (từ ngày 25-7 đến ngày 20-8-1935) . Đại hội vạch rõ những nhiệm vụ của nhân dân thế giới là chống phát xít , chống chiến tranh , bảo vệ hoà bình, bảo vệ Liên Xô.
+ ở Pháp: Mặt trận nhân dân Pháp chống phát xít được thành lập . Chính phủ mặt trận nhân dân do ông Bluma làm Thủ tướng lên cầm quyền.

– Tình hình trong nước:

+ Phong trào cách mạng cả nước được khôi phục, phát triển, mặc dù so với lúc cao trào (1930-1931), có tạm thời lắng xuống, nhưng vẫn giữ được khí thế cách mạng, Đảng không những tích cực khôi phục mà còn đẩy mạnh việc phát triển các tổ chức cơ sở Đảng, giữ vững tinh thần cách mạng tiến công, kiên trì lãnh đạo quần chúng đấu tranh cách mạng.

Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng họp tại Hương Cảng tháng 7-1936 dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Hồng Phong, đã vạch ra những chủ trương mới về chính trị, tổ chức và đấu tranh.

2 – Nội dung chủ trương đường lối

– Hội nghị chỉ rõ nhiệm vụ chiến lược “chống đế quốc và chống phong kiến của cách mạng dân tộc dân chủ ở Đông Dương” mà Đảng đề ra từ khi thành lập không hề thay đổi. Nhưng căn cứ vào trình độ tổ chức và khả năng đấu tranh của nhân dân Đông Dương, nhiệm vụ chiến lược đó chưa phải là nhiệm vụ trực tiếp trước mắt. Hội nghị quyết định tạm thời chưa nêu ra khẩu hiệu “đánh đổ đế quốc Pháp và giai cấp địa chủ phong kiến , giành độc lập dân tộc và ruộng đất cho dân cày” mà chỉ nêu ra mục tiêu trực tiếp trước mắt là “đấu tranh chống chế độ phản động thuộc địa, chống phát xít và chống chiến tranh , đòi tự do dân chủ , cơm áo và hoà bình”. Kẻ thù chủ yếu , trước mắt của nhân dân Đông Dương là bọn phản động thuộc địa và bè lũ tay sai của chúng. Bọn này là những tên tay sai đắc lực nhất ,trung thành nhất của 200 gia đình tư bản tài chính Pháp và của chủ nghĩa phát xít. Chúng không muốn thực hiện bất cứ cải cách nào ở thuộc địa. Chúng không chịu thi hành mệnh lệnh của Chính phủ phái tả của Pháp. Chúng bóp méo hoặc thi hành một cách nửa vời, thậm chí còn làm ngược lại những mệnh lệnh đó. Chúng vẫn ra sức đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân thuộc địa.

READ:  Vì sao phải vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc vào sự nghiệp đổi mới hiện nay ở nước ta.

– Hội nghị nêu khẩu hiệu “ủng hộ Mặt trận nhân dân Pháp, ủng hộ Chính phủ phải tả ở Pháp”.

– Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương bao gồm các giai cấp , đảng phái, dân tộc , đoàn thể chính trị , xã hội và tôn giáo khác nhau.

– Hội nghị chủ trương chuyển hình thức tổ chức bí mật , không hợp pháp sang hình thức công khai, hợp pháp và nửa hợp pháp nhằm tập hợp và hướng dẫn đông đảo quần chúng đấu tranh từ thấp đến cao, thông qua đó giáo dục, phát triển đội ngũ cách mạng.

– Sự chỉ đạo về chiến lược và sách lược của Hội nghị có những điểm phát triển mới so với các thời kỳ trước: Đảng nêu ra mục tiêu trước mắt đấu tranh đòi quyền dân chủ , dân sinh là căn cứ vào trình độ tổ chức và đấu tranh của nhân dân , căn cứ vào lực lượng so sánh giữa ta và địch. Đó không phải là chủ nghĩa cải lương vì Đảng không một phút xa rời mục tiêu chiến lược của cách mạng , không coi đấu tranh đòi cải cách là mục đích cuối cùng, mà chỉ sử dụng nó để mở rộng phong trào cách mạng tiến lên thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược của cách mạng.

– Đảng chỉ rõ chủ trương “lập mặt trận rộng rãi” không xa rời quan điểm giai cấp và đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác-Lênin. Đó chính là sự vận dụng đúng đắn những quan điểm ấy vào một nước thuộc địa, nửa phong kiến. Một dân tộc bị áp bức như xứ Đông Dương, vấn đề dân tộc giải phóng là một nhiệm vụ quan trọng của người cộng sản…

READ:  Phân tích quan niệm của Hồ Chí Minh về con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

– Những nội dung cơ bản của Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng tháng 7-1936 đã được trình bày cụ thể trong tài liệu Chung quanh vấn đề chính sách mới , ấn hành ngày 30-10-1936 và được bổ sung, phát triển thêm trong các Nghị quyết của những Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng năm 1937 và 1938.

3 – Ý nghĩa Hội nghị

– Hội nghị Trung ương Đảng tháng 7-1936 đánh dấu sự chấm dứt thời kỳ đấu tranh khôi phục phong trào , đưa cách mạng Đông Dương chuyển lên một cao trào mới. Nghị quyết Hội nghị chứng tỏ sự trưởng thành của Đảng trong việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin và Nghị quyết của Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản vào điều kiện cụ thể của Đông Dương.

– Hội nghị giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa mục tiêu chiến lược lâu dài và mục tiêu cụ thể trước mắt: giữa chủ trương mới và hình thức tổ chức đấu tranh mới: giữa củng cố khối liên minh công nông và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất; giữa phong trào cách mạng ở Đông Dương và cách mạng Pháp, cách mạng thế giới; giữa vấn đề độc lập dân tộc và vấn đề dân chủ .