Từ Đạo Hạnh hay là sự tích Thánh Láng

Truyện cố tích Việt Nam

TỪ ĐẠO HẠNH
HAY LÀ SỰ TÍCH THÁNH LÁNG

Vào thời Lý có một ông sư quê ở làng Láng gần kinh đô, tên là Từ Vinh. Từ Vinh học được phép tàng hình. Không những thế, hắn còn biết cả phép biến mình thành bất cứ con vật gì hay bất cứ một người nào khác. Khi học được phép lạ, hắn không nghĩ đến việc lợi dụng phép thuật để giúp đỡ người nguy kẻ khó mà chỉ nghĩ cách tìm khoái lạc cho bản thân. Cho nên, hắn đi khắp mọi vùng, bề ngoài làm bộ giảng đạo nhưng kỳ thực là để gần gụi những người đàn bà mà mình ưa thích. Hắn đã có phép, lại không kém khôn ngoan, nên chả một ai hay biết cả.

Từ lúc Từ Vinh thi đậu khoa thi Bạch-liên, được vua phong chức tăng quan đô sát, một chức quan lớn trong triều đình, thì hắn lại lén lút tìm gái ở vùng kinh kỳ. Bấy giờ, ở kinh có một nhà quý tộc tên là Diên Thành hầu có phủ đệ đẹp đẽ trên bờ sông Cót gần làng Từ Vinh. Diên Thành hầu có một đám vợ và nàng hầu, trong đó có một nàng trẻ tuổi, nhan sắc xinh đẹp trên đời khó ai sánh kịp. Từ Vinh chú ý đến nàng. Phủ đệ Diên Thành hầu canh gác rất nghiêm ngặt, nhưng đối với Từ Vinh thì chẳng mùi gì. Nhè những đêm Diên Thành hầu vắng mặt, Từ Vinh tàng hình lọt vào buồng của nàng, rồi biến thành chồng nàng lên giường giao hoan. Sáng dậy, y lại tàng hình đi ra khỏi cổng trước mắt bọn gác. Vì thế, chẳng những cả nhà Diên Thành hầu không một ai biết mà chính người đàn bà nọ cũng không ngờ là ngoài chồng mình ra, còn có một người đàn ông thứ hai nữa.

Một hôm, giữa lúc Từ Vinh tàng hình bước ra khỏi buồng người đàn bà, thì chính là lúc Diên Thành hầu lại vào với vợ. Người đàn bà vội kêu lên: – “Sao phu quân vừa ra đã lại trở vào?”. Nghe nói thế Diên Thành hầu hiểu ngay nông nỗi và sau khi tra gạn vợ, ông mới biết gian phụ không phải người tầm thường, nếu không có một pháp sư cao tay thì đừng hòng trị nổi. Diên Thành hầu căm tức vô cùng, sau một lúc lâu suy nghĩ, ông sực nhớ đến nhà sư Đại Điên phép thuật cao cường nhất trong nước, từng được vua ban tước quốc sư và đã trổ tài mấy phen trị tà bắt quỷ.

Khi nghe Diên Thành hầu kể lại câu chuyện, Đại Điên đưa cho ông ta một sợi chỉ ngũ sắc và dặn rằng:

– Hầu về đưa sợi chỉ này cho bà ấy, chờ lúc gian tế đến, lẳng lặng buộc vào ngang lưng. Một mặt cho rắc một lớp tro mỏng trước cửa buồng, cho người nấp chỗ kín canh gác. Đợi lúc nào thấy có dấu chân giẫm lên tro thì đóng ngay cửa lại, dán lá bùa này vào rồi cho người tức tốc đến đây báo tin cho bần đạo. Bần đạo sẽ vì hầu trừng trị con dâm quỷ.

Diên Thành hầu về, làm đúng như lời đã dặn. Quả nhiên, một đêm nọ Từ Vinh tàng hình mò tới. Hai tên nô hầu chực đêm ở cửa, bỗng nhìn thấy có những dấu chân tiến vào buồng mà không thấy có người, vội dán lá bùa lên cách cửa rồi phi báo cho chủ biết. Đêm ấy, Từ Vinh vô tình, không ngờ có cạm bẫy đang giương ra chờ mình, nên chỉ một lúc sau người vợ Diên Thành hầu đã buộc được sợi chỉ ngũ sắc quanh lưng mà hắn cũng không hay biết gì cả.

Nghe tiếng động, Từ Vinh vội niệm chú biến thành một con gián. Nhưng chỉ bay đến cửa, hắn mới biết rằng khắp mọi nơi đều có phép thần kín mít như bưng, không một khe hở nào chui lọt. Giữa lúc đó thì Đại Điên đã cầm đuốc tiến vào buồng. Gián ta hoảng hốt bò vào một khe vách nằm im tại đó. Cuộc tìm tòi của Đại Điên đã tưởng như trở nên vô hiệu. Mãi về sau, nhờ có sợi chỉ ngũ sắc buộc quanh người thò ra ngoài vách, nên Đại Điên lôi ngay được gián ra. Trong tay thần của Đại Điên, Từ Vinh hết phương trốn tránh đành chỉ kêu van xin tha mạng. Đại Điên hỏi:

– Mày là ai?

Đáp:

– Tôi là Từ Vinh. Xin hòa thượng nghĩ đến tình đồng triều, đồng đạo, tha cho tội chết.

Nghe kẻ tội phạm xưng tên, Đại Điên nghĩ bụng: – “Phép thuật của hắn có tiếng là cao cường không kém gì ta. Nếu không sa cơ vì mấy lá bùa chưa chắc hắn đã chịu kêu van như thế này đâu. Tha cho hắn sẽ nguy hiểm cho ta. Tất phải trừ đi để khỏi hậu họa”. Nghĩ vậy sư ta cười gằn bảo Từ Vinh:

– Mày là kẻ tu hành, lại được triều đình trọng dụng mà cố tình phá giới, phạm tội chồng chất như thế này ư? Tha cho mày sao được! Thôi ta hóa kiếp cho mày để lo tu tỉnh về sau.

Từ Vinh chưa kịp kêu thì đã bị bàn tay Đại Điên bóp nát vụn. Xác con gián vừa rơi xuống đất thì hiện nguyên hình thành Từ Vinh. Đại Điên đá vào cái thây nói:

Kiếp này đã vụng đường tu,

Hãy đền tội lỗi, đền bù kiếp sau.

Đoạn, ngoảnh bảo Diên Thành hầu:

– Thế là trừ được một con dâm quỷ. Hầu cứ bảo người nhà vứt thây nó xuống sông.

Diên Thành hầu hết lời cảm tạ và sai người nhà mang mười lạng vàng tống tiễn quốc sư về chùa.

Nhưng sáng hôm sau, giữa lúc Đại Điên đang tụng kinh thì một tên nô của nhà Diên Thành hầu đã hốt hoảng chạy tới báo tin:

– Bạch sư cụ, cái thây hôm qua không chịu trôi. Nó cứ đứng sừng sững giữa sông Cót trên mặt nước, tay chỉ vào nhà hầu tôi, mắt nhìn trừng trừng rất dữ tợn. Hầu tôi kính mời sư cụ đến trị ngay cho!

Nghe nói, Đại Điên theo đến, chỉ tay vào thây Từ Vinh, đọc một câu quyết:

Sống chết là giấc chiêm bao,

Dầu giận thế nào không để cách đêm.

Tự nhiên cái thây chìm xuống nước và trôi đi.

Lại nói chuyện Từ Vinh có một người con tên là Từ Đạo Hạnh. Chàng mới hai mươi lăm tuổi, rất chăm học và rất có hiếu. Cái đêm cha bị giết, Từ Đạo Hạnh được cha báo mộng cho biết sự tình và nhắc đi nhắc lại tên Đại Điên, dặn phải trả thù cho bằng được. Tỉnh dậy, chàng hốt hoảng đi tìm cha, và chàng xiết bao đau đớn khi thấy thây cha nổi trên mặt nước. Nóng lòng vì báo thù, chàng cầm côn đi tìm Đại Điên. Chờ lúc Đại Điên đi đường một mình, chàng đuổi theo kẻ thù toan chuyện phang cho một côn lên cái đầu trọc. Nhưng vừa định vung côn, chàng bỗng nghe văng vẳng bên tai có tiếng can của cha mình: – “Chớ! Chớ nóng nảy. Muốn bóc vỏ quýt dày cần có móng tay nhọn đã!”.

Vì thế Từ Đạo Hạnh lại thu côn vào nách, nuốt giận trở về. Chàng tính chỉ có cách tìm thầy học phép mới trừ được kẻ thù lợi hại kia. Nghĩ vậy, chàng bỏ nhà đi khắp nơi tìm thầy, thế quyết bao giờ “đắc đạo” mới chịu trở về.

Hồi ấy ở về ven biển phía Nam có hai người bạn tâm giao: một người là Nguyễn Minh Không và một người là Dương Không Lộ. Cả hai đều làm nghề chài lưới nhưng rồi rủ nhau cắt tóc đi tu. Sau bao nhiêu năm đọc kinh gõ mõ vẫn chưa được đắc đạo, một hôm Nguyễn Minh Không nói với bạn:

– Tôi nghe muốn nhìn được xa thì phải trèo lên núi cao, muốn uống nước ngọt thì phải tìm đến tận nguồn. Vậy muốn đắc đạo trừ phi tìm đến quê hương của Như Lai thì không còn cách nào khác.

Dương Không Lộ đáp:

– Tôi sẵn lòng đi với bạn, dù có gặp núi cao biển rộng khó khăn đến đâu cũng không quản ngại.

Thấy hai chú tiểu cùng phát thệ đi đến đất Phật, một vị sư bác trong chùa cũng hăm hở đòi đi theo. Nhưng hồi ấy đường đất từ nước nhà sang đến Thiên-trúc thật là muôn vàn nguy hiểm và vô cùng gian khổ, cho nên sau khi đi được mấy ngày, vị sư bác đã thấy chùn chân, đành cáo bệnh trở về chùa cũ. Chỉ có hai bạn trẻ vững lòng nhắm hướng Tây tiến bước.

Một hôm, họ đến một vùng núi cao, hai người chui vào một ngôi miếu cổ bên đường để ẩn mưa, bỗng gặp một người trẻ tuổi đang ngồi đốt lửa sưởi ở trong đó. Họ bắt đầu làm quen và biết rằng đấy là Từ Đạo Hạnh, cũng lặn lội đi tìm thầy học phép để trả thù cho cha. Sau một đêm chuyện trò, ba người kết bạn với nhau. Từ Đạo Hạnh nhiều tuổi hơn được tôn là anh cả. Dương Không Lộ thứ hai và Nguyễn Minh Không là em út.

Cuộc hành trình vất vả kéo dài mấy năm trời. Họ đã trèo qua bao nhiêu là núi rừng, lội qua bao nhiêu là sông suối, chung sống với bao nhiêu là người dị chủng. Mặc cho ốm đau, đói khát, rách rưới, họ vẫn không chịu nản.

READ:  Ông già làm gì cũng đúng

Một hôm, vừa qua xứ Mán Răng Vàng, họ bỗng gặp một ông cụ chở chiếc thuyền độc mộc ở giữa sông. Họ gọi lại hỏi đường. Ông cụ cho biết là theo con đường sông này sang quê hương Phật tổ thì không còn bao xa nữa. Ông cụ còn sẵn lòng chở họ đến nơi. Mừng quá, cả ba người xuống thuyền và thuyền đi nhanh vùn vụt chả mấy chốc đã đến đất Phật.

Ông cụ lái đò chình là đức Phật Như Lai. Nghe tin có người thành khẩn mộ đạo đến nỗi không quản gian lao nguy hiểm, nên đức Phật hiện xuống, dùng phép thần thông đưa họ đi. Nhưng khi nghe nói mục đích học đạo của Từ Đạo Hạnh thì đức Phật không bằng lòng. Cho nên khi đến nơi, ông cụ lái đò bảo Từ Đạo Hạnh ở lại trông thuyền cho hai anh em lên thăm dò trước đã rồi có gì sẽ báo lại sau. Thế rồi đức Phật đưa Nguyễn Minh Không và Dương Không Lộ về độ cho thành chính quả, và truyền cho tất cả các thuật biến hóa huyền diệu. Sau khi đắc đạo, Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không cúi đầu lạy tạ đức Phật rồi lên đường về nước.

Nói chuyện Từ Đạo Hạnh ngồi chờ mãi không thấy hai em trở lại, trong bụng lấy làm lo lắng chưa biết nên tính cách gì. Xảy gặp một bà cụ già từ trên bờ đi xuống bến xin sang sông. Chàng vui lòng chống đò giúp bà cụ. Luôn tiện chàng hỏi thăm:

– Cụ có thấy một ông già và hai anh chàng đi về ngả ấy không?

Bà cụ đáp:

– Có. Họ đã gặp đức Phật và đã đắc đạo rồi!

Nghe nói thế, Từ Đạo Hạnh đoán chắc bà cụ này không phải là người phàm trần, vội sụp lạy kêu nài:

– Xin cụ rủ lòng thương cho, kẻ đệ tử này mối thù cha trong lòng canh cánh không lúc nào nguôi.

Bà cụ vốn là một vị Bồ tát được đức Phật sai đến đây, bèn trả lời:

– Chính vì tìm đến cõi Phật với một điều ác trong lòng nên không được độ.

Chàng mếu máo bày tỏ lời thề của mình trước linh sàng của cha cho bà cụ nghe và lạy lục van nài đến kỳ cùng. Bà cụ bảo:

– Nếu lấy oán báo oán sẽ không tránh khỏi “nghiệp báo”. Nhưng vì người có lòng thành khẩn nên ta cũng truyền cho.

Đoạn dạy cho Từ Đạo Hạnh mọi thuật biến hóa mầu nhiệm và để cho chàng có thể đối địch với kẻ thù, nên Bồ tát còn dạy cho phép hô thần tróc quỷ bằng cách tụng chú Đà-la-ni, v.v…

Thế là từ đó Từ Đạo Hạnh cũng biết một số phép thần thông. Cho nên, lúc Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không từ đất Thánh trở về thì chàng đã độn biết được trước, mới định tâm đùa một mẻ để cho hai bạn hoảng sợ chơi. Khi họ sắp sửa đến bến đò phải đi qua một khu rừng rậm, Từ đã hóa làm một con hổ lớn từ trong bụi rậm xông ra định vồ, nhưng chàng không ngờ rằng hai bạn mình đều đã học được phép Phật, nên khi nhìn thấy hổ thì đoán ngay ra đó là Từ. Họ đồng cười lên. Nguyễn Minh Không đi đầu, nói:

Thôi đừng đùa cợt chi nhau,

Muốn làm kiếp ấy rồi sau được làm.

Nghe thế Từ Đạo Hạnh giật mình tỉnh ngộ. Nhờ phép thần, chàng thấy được kết quả tội lỗi của mình ở kiếp sau. Chàng bèn niệm chú hiện lại nguyên hình rồi cười đỡ thẹn:

– Anh chỉ định tâm thử chơi, không ngờ mua cười với hai em. Phép thuật của hai em như thế đủ biết không phải tầm thường. Anh chỉ mong em ba đến lúc đó sẽ hết sức giúp anh qua khỏi “nghiệp chướng”.

Thế rồi ba anh em lên đường về nước. Lần này, họ đi vùn vụt như tên, chả mấy chốc mà trước mắt họ đã thấy sông Lô núi Tản. Ba người chia tay nhau. Nguyễn Minh Không và Dương Không Lộ về quê hương còn Từ Đạo Hạnh thì không về nhà. Chàng nghĩ bụng: – “Ta phải tìm một nơi nào yên tĩnh để tu luyện thêm cho đến chừng hơn hẳn kẻ địch, lúc bấy giờ sẽ gọi hắn đến đương trường tỷ thí chứ không thèm đánh lén lút”. Bèn tìm đến Thạch-thất, vào một hang đá ngồi xếp bằng tu luyện theo lối trường định. Theo như lời dặn, hàng ngày chàng niệm chú Đà-la-ni một vạn tám nghìn lần.

Sau ba tháng mười ngày khổ luyện, tự nhiên một hôm chàng vừa đọc câu chú, bỗng có một vị thần mặt xanh mỏ đỏ hiện ra trước mắt rồi nói: – “Từ Đạo Hạnh, anh cần sai bảo gì, tôi xin tuân lệnh”. Từ biết là đạo pháp của mình đã đến ngày thông được với thần, mừng quá vội nói: – “Ta cần trả thù cha. Lập tức đưa ngay ta về kinh thành”. Thốt nhiên chỉ trong nháy mắt, Từ Đạo Hạnh đã xuất hiện ở phía Bắc hoàng cung. Chàng bước lần đến ngã ba sông Cót ném xích trượng xuống nước. Giữa dòng nước chảy xuôi, gậy cứ lừ lừ trôi ngược. Chàng đuổi theo cây gậy bấy giờ đã lướt sóng như một con rồng cho đến cầu Tây-dương thì dừng lại. Chàng vội tàng hình bước vào nhà Đại Điên. Bấy giờ Đại Điên đang ngồi nói chuyện trước một số đông quan khách. Chàng tiến đến trước mặt, hiện lại nguyên hình và bảo Đại Điên:

– Đại Điên! Mày có biết tao là ai không? Tao là Từ Đạo Hạnh con Từ Vinh. Ác giả ác báo. Mày giết chết cha tao, tao phải giết lại mày! Thôi cho mày sửa soạn đi!

Biết là gặp phải đối thủ không vừa, Đại Điên khởi thế công ngay. Nhưng phép thuật của hắn không thể nào đương nổi chiếc gậy thần của Từ Đạo Hạnh. Vì thế, cuộc chiến diễn ra không lâu. Chỉ một gậy của Từ Đạo Hạnh giáng xuống, hắn ngã vật chết ngay, chỉ kịp nói được mấy tiếng:

– Hỡi Từ Đạo Hạnh, tao sẽ diệt mày!

Nói chuyện vua nhà Lý, hồi ấy tuổi đã già mà không có con. Bao nhiêu hoàng hậu và phi tần trong hậu cung chưa từng có một người nào chửa đẻ. Nhà vua hết cầu Trời khấn Phật đến tìm thầy chạy thuốc, nhưng chẳng ích gì. Những phép bùa thuốc men của các pháp sư, các lang y chả có thứ nào ra hồn. Người ta đều nói, vì mẹ vua ác nghiệt nên bị Trời phạt như thế, mà Trời đã phạt thì đừng hòng cưỡng lại.

Thất vọng, nhà vua dự định nuôi con nuôi. Một hôm, viên chuyển vận sứ Thanh-hoa về kinh chầu vua có báo một tin rất lạ: một nhà dân chài ở miền biển có sinh được một đứa bé thần dị. Lên ba tuổi, nó đã biết nói và tự xưng là Giác Hoàng. Nó biết tất cả các việc trên trời dưới đất và tất cả mọi việc trong triều, ngoài nội. Và điều này mới đáng để ý, là hoàng thượng làm gì nó cũng biết cả. Nó còn tự xưng là con của hoàng thượng. Nghe nói thế, vua liền cho đưa đứa bé về cung. Thấy mặt mũi nó sáng sủa, hỏi đâu biết đấy, nhà vua đem lòng yêu dấu, muốn nuôi làm con để một ngày kia trăm tuổi sẽ truyền cho ngôi báu. Có mấy vị đại thần khi nghe vua dò ý tứ thì vội can ngăn:

– Tâu bệ hạ, bệ hạ làm thế sợ lòng dân không phục. Nếu nó linh dị như thế, sao không thác sinh vào cung để mang lấy dòng máu của hoàng đế, lại đi làm kiếp con nhà bần tiện.

Nhà vua mang lời tâu ấy kể cho đứa bé nghe. Giác Hoàng xin vua dựng cho một cái đàn tràng, mời thầy làm lễ trong bảy đêm ngày, nó sẽ có cách đầu thai được. Vua mừng lắm, vội sai các quan làm y như lời nó dặn.

Tin ấy truyền đi khắp nơi và đến tai Từ Đạo Hạnh. Biết ngay đó là kẻ thù của mình, chàng bèn tìm đến nhà chị ruột đưa cho chị bốn lá bùa, nhờ về kinh tìm tới đàn tràng giắt lên mái; mỗi lá giắt về một phương. Quả nhiên sau đó ba ngày, Giác Hoàng bỗng bị bệnh nguy kịch. Găp vua, hắn tâu:

– Tâu bệ hạ, bây giờ thì khắp mọi nơi đâu đâu cũng có lưới sắt vây kín, không thể nào thác sinh được. Hạ thần chỉ còn chờ chết. Mong bệ hạ trị tội Từ Đạo Hạnh, vì chính hắn đã âm mưu giết hạ thần và phá hoại cơ nghiệp lâu dài của bệ hạ.

Nói xong thì chết.

Thấy Giác Hoàng chết, vua nổi cơn thịnh nộ, lập tức sai người đi tra xét, quả bắt được mấy lá bùa có pháp ấn Từ Đạo Hạnh. Vua vội sai mấy đội vệ sĩ đi bắt Từ về kinh trảm quyết. Bị quân lính giải đi, Từ Đạo Hạnh không dám trái mệnh. Qua phủ đệ Sùng Hiền hầu ở phía Tây kinh thành, chàng cố nài bọn họ cho mình vào yết kiến. Sùng Hiền hầu nguyên là em ruột vua. Và cũng như vua, hầu không có con trai.Từ Đạo Hạnh chợt nghĩ ra được một kế cho nên khi gặp hầu, chàng cố nài nhờ tâu giúp để vua tha tội cho mình. Đổi lại, chàng sẽ tìm cách đầu thai làm con hầu và chắc chắn thế nào cũng phải được. Sùng Hiền hầu nghe bùi tai, liền đi vào hoàng cung bênh vực cho Từ:

READ:  Người nhạc sĩ lang thang

– Tâu bệ hạ, không nên nghe lời một đứa bé để giết hại một nhà tu hành. Nếu Từ Đạo Hạnh mà diệt được Giác Hoàng thì phép thuật của Giác Hoàng sao ví được với Từ Đạo Hạnh. Bệ hạ nên lưu ý lại để dùng khi quốc gia hữu sự…

Nhân đấy, Từ Đạo Hạnh cũng tâu thêm:

– Tâu bệ hạ, nó là tà ma ngoại đạo hiện ra để hãm hại mọi người. Bần tăng không thể ngồi yên mà nhìn để cho tà ma làm loạn cả chính pháp, nên vượt phép bệ hạ trừ bỏ nó đi. Nay việc đã xong, bần tăng xin cúi đầu chịu tội.

Nghe mấy lời nói có lý, nhà vua dần dần nguôi giận, tha bổng cho Từ.

Hôm đó về đến nhà Sùng Hiền hầu, Từ Đạo Hạnh xin phép vào gặp vợ hắn. Người nhà cho biết là phu nhân đang bận tắm. Từ bảo:

– Thế thì lại càng hay. Xin cho đưa vào ngay!

Bấy giờ người vợ Sùng Hiền hầu đang giội nước trong buồng tắm, bỗng thấy có một vị hòa thượng xô cửa bước vào. Trong lúc hoảng hốt chưa kịp kêu la thì hòa thượng đã biến đi đâu mất, mà lại thoáng thấy ở trong bồn nước có bóng một đứa trẻ. Người đàn bà ấy chưa hiểu ra thế nào cả thì đứa trẻ cũng đến lượt biến đi. Từ Đạo Hạnh đã bước ra khỏi nhà tắm. Gặp lại Sùng Hiền hầu, Từ dặn: – “Bao giờ phu nhân sắp sửa ở cữ, xin cho người hỏa tốc báo tin cho biết ngay”.

Dặn đoạn, trở về Thạch-thất.

Từ hôm ấy, Sùng Hiền hầu trông trông mừng mừng khi thấy vợ có chửa, bụng ngày một lớn. Một đêm nọ thấy vợ chuyển bụng, theo đúng lời dặn, ông vội sai gia nhân phi ngựa lên Thạch-thất báo tin. Hôm đó, Từ Đạo Hạnh đang ngồi trước hang đá thuyết pháp, học trò có đến hàng ngàn người vây quanh cửa hàng. Bỗng có tin người nhà Sùng Hiền hầu xin ra mắt hòa thượng, Từ Đạo Hạnh bảo các môn đồ:

– Thời đã đến rồi vậy! Ta sắp sửa đi đây!

Nói xong đọc mấy câu kệ dặn dò, rồi xếp bằng lại mà hóa.

Giữa lúc Từ Đạo Hạnh chết thì ở Thăng-long người vợ Sùng Hiền hầu sinh hạ một đứa con trai đặt tên là Dương Hoán. Năm mười lăm tuổi, Dương Hoán được vua nuôi là con và sau đó lấy làm đẹp lòng vì tính nết chàng có thể giữ được ngôi báu dòng họ Lý, nhà vua phong cho làm Hoàng thái tử. Năm hai mươi tuổi, Dương Hoán lên ngai vàng kế vị cha nuôi, trị vì thiên hạ tức là Lý Thần Tông.

Nhưng sau khi lên ngôi báu được ba năm thì Lý Thần Tông bỗng bị một bệnh lạ lùng. Thoạt tiên, nhà vua thấy ngứa ngáy khắp cả mình mẩy. Càng gãi bao nhiêu thì lông càng mọc bấy nhiêu. Mãi về sau toàn thân mọc thứ lông màu vàng có vằn đen như da hổ, miệng thỉnh thoảng lại gầm lên những tiếng dễ sợ. Nhà vua suốt ngày ngồi lù lù trong một góc buồng, áo quần mặc vào bao nhiêu xé rách bấy nhiêu. Trước tin này, mọi thần dân đều ngơ ngác. Tất cả các viên ngự y đều lắc đầu bó tay, không biết bệnh gì mà chữa. Bọn nội thị kháo nhau: – “Có lẽ hoàng đế hóa làm chúa sơn lâm thì phải”.

Triều đình và nội cung vì có việc vua đau cuống quýt cả lên. Ngoài những vị lương y còn có những pháp sư phù thủy được triệu đến làm phù phép, nhưng luôn trong năm tháng, bệnh của vua chỉ ngày một tăng chứ không có giảm. Hoàng thái hậu lo sợ quá, sai yết bảng rao: nếu ai chữa được vua lành sẽ chia cho nửa nước.

Thì bỗng nhiên, một hôm có vị đại thần đi ra ngoài cửa ô, nghe đám trẻ chăn trâu hát lên mấy câu:

Tập tầm vông!

Có ông Nguyễn Minh Không,

Chữa cho vua khỏi hóa.

Tập tầm vá!

Muốn chữa vua khỏi hóa,

Phải đón Nguyễn Minh Không.

Viên đại thần vừa ngạc nhiên vừa mừng, vội về triều báo tin cho hoàng gia biết. Lập tức triều đình phái một viên võ tướng mang năm trăm quân sĩ xuống mười chiếc thuyền lớn, xuôi sông đi về biển triệu Nguyễn Minh Không.

Lại nói chuyện từ khi chia tay hai bạn, Nguyễn Minh Không vào Ninh-bình trụ trì ở một ngôi chùa nhỏ, lấy hiệu là Giác Hải. trong những cuộc đi chơi, chàng đã dùng đúng pháp thuật của mình giúp đỡ mọi người. Một lần đi qua xã An-vệ thấy người dân ở đây đang khổ vì đại hạn: lúa héo khắp cả cánh đồng, chàng bảo người làng đan gấp cho mình một cái giỏ bằng tre thật lớn, ngoài phết giấy. Đoạn, đưa ra sông cả múc nước, một mình đội về giội xuống ruộng, nước chảy lênh láng khắp cả cánh đồng; chỗ nước giội xuống nay hóa thành cừ. Nhờ thế mà lúa lại mọc khỏe, dân làng lại được mùa.

Khi quân sĩ tìm được đến chùa thì Nguyễn Minh Không đang tụng kinh buổi trưa. Viên võ tướng mang quốc thư lên trình. Chàng đọc xong, quay lại nói với bọn họ:

– Bây giờ đã quá trưa, các vị đi đường chắc là đói bụng. Nhà chùa thanh đạm chẳng có gì nhưng cũng mời tất cả các vị dùng cơm chay một bữa rồi hẵng nhổ sào cũng chưa muộn.

Mời đoạn, chàng giục một chú tiểu bắc nồi thổi cơm và làm thức ăn. Nhìn thấy chú tiểu bắc một chiếc nồi tý tẹo lên bếp, lại thấy hòa thượng giết thịt một con chim sẻ thì viên tướng không nhịn được cười:

– Bạch hòa thượng, chúng tôi đi đây có đến năm trăm quân sĩ. Nay hòa thượng cho ăn như thế chỉ sợ một người vẫn chưa thể nào thòm thèm, huống hồ là năm trăm người. Hiện nay lương thực còn ở dưới thuyền, xin để chúng tôi tự lo lấy cái ăn, khỏi phải làm phiền đến cửa Phật.

Nguyễn Minh Không đáp:

– Các vị chớ ngại, nhà chùa tuy nghèo nhưng không để các vị phải đói đâu.

Nói xong, quay ra đun nấu một tý rồi bảo quân sĩ sắp hàng theo từng đội ngũ, lần lượt vào nhận phần cơm. Quân sĩ lũ lượt từng người đến trước hai cái nồi đất tý hon xới cơm và gắp thịt chim sẻ vào bát. Không ai không ngạc nhiên vì từ hai cái nồi mầu nhiệm ấy bới hết bao nhiêu lại đầy ùn lên bấy nhiêu. Nguyễn Minh Không luôn luôn giục họ bới cho thật đầy để an cho rõ no. Và rồi chỉ trong một lúc, năm trăm quân sĩ dự xong bữa tiệc của nhà chùa thết.

Ăn xong, chàng bảo họ ai về thuyền nấy nghỉ ngơi trước khi nhổ sào tiến kinh. Cả tướng lẫn quân quay ra làm một giấc ngon làng. Nhưng khi tỉnh dậy họ đều hết sức sửng sốt vì thấy mình đã đến bến Ngự từ lúc nào rồi. Nguyễn Minh Không theo viên tướng vào hoàng cung. Bấy giờ các pháp sư ngồi đầy cả điện Thái-hòa. Họ đang tụm năm tụm ba vẽ bùa thử phép rì rầm khắp nơi. Thấy một nhà sư có vẻ quê mùa bước vào, họ liền bĩu môi:

Chuông khánh còn chả ăn ai,

Nữa là mảnh chĩnh vứt ngoài bụi tre.

Chàng không nói gì cả, cúi đầu chào mọi người rồi rút trong áo lấy ra một chiếc đinh dài đóng sâu vào cột chừng một tấc, đoạn ngoảnh lại nói to lên, bảo rằng:

– Ai tay không nhổ được cái đinh này thì người ấy sẽ chữa lành bệnh cho thiên tử.

Nghe nói thế, các pháp sư đều chạy lại thử rút cây đinh nhưng chả một ai lắc nổi. Cuối cùng, Nguyễn Minh Không bước lại dùng hai ngón tay khẽ rút ra như bỡn trước con mắt kính phục của mọi người. Thế rồi chàng đi thẳng vào nội điện, đến trước long sàng. Lý Thần Tông bấy giờ đang nằm ngửa, xung quanh có đến hàng chục nội thị đang giữ lấy tay chân. Thỉnh thoảng, bệnh nhân lại gầm lên và cố sức giãy giụa. Nguyễn Minh Không nhìn trừng trừng vào mắt bệnh nhân và nói lớn:

– Còn nhớ cố nhân nữa không? Được làm con Trời giàu có bốn biển mà cũng không thoát khỏi nghiệp báo ư?

Nghe nói, nhà vua bắt đầu có vẻ sợ, nằm im thin thít. Chàng sai đặt trước điện một cái vạc lớn đổ thuốc và dầu vào, bắt đầu nấu sôi lên sùng sục. Đoạn chàng xắn tay áo, thò tay vào vạc khuấy đều lên. Chàng ra lệnh vực vua lại gần rồi tự tay cầm gáo múc dầu trong vạc ra tắm cho vua. Dầu chảy đến đâu lông lá trôi đến đấy, da thịt nhà vua lại trắng trẻo như xưa.

Sau khi nhà vua lành bệnh, triều đình không ngớt lời khen ngợi phép thần diệu của Nguyễn Minh Không. Họ y ước cắt đất phong thưởng nhưng chàng không nhận, nói:

– Bần tăng vì một lời hứa với người bạn cũ chứ không phải vì phú quý.

Đoạn bỏ về chùa cũ.