Tú Uyên, Giáng Kiều

Truyện cổ tích Việt Nam

TÚ UYÊN, GIÁNG KIỀU

Ngày xửa ngày xưa, ở thời nhà Trần, không xa kinh thành Thăng Long có phường tên Bích Câu, là nơi trú ngụ của nhiều những tao nhân và mặc khách. Ở đó có một người thư sinh gọi tên Trần Uyên, dân thường vẫn hay gọi Tú Uyên. Vốn là trẻ mồ côi, từ lúc tuổi mười năm đã tự mình kiếm sống bằng tài văn chương của mình.

Tú Uyên vẫn hay thường cùng bạn bè đi khắp đó đây để ngắm phong cảnh, cùng ngâm thơ đối họa. Nhưng chàng chưa bao giờ tin có thần tiên tồn tại trên đời.

Vào một năm nọ, ở chùa Ngọc Hồ có tổ chức lễ hội lớn. Tú Uyên cũng theo mọi người tới chùa dự lễ. Đến lúc trời tối, lúc mọi người kéo nhau về hết, chàng vẫn thơ thẩn trước nơi cửa chùa chưa chịu rời đi. Tự nhiên từ đâu có một chiếc lá bay đến trước mặt Tú Uyên, bên trên có đề một bài thơ. Chàng nhặt nó lên xem rồi lại thở dài: “Vốn đời cho mình là tài thơ, nhưng sao mình tìm được tác giả bài thơ này để tỏ lòng mình đây?” Sau đó chàng liền khấn thầm: “Trời phật nếu đã sắp đặt duyên này thì ta ước lá kia sẽ se duyên cho đôi ta!”.

Lúc chàng Tú Uyên vẫn đang thẫn thờ mong nhớ thì một mùi hương nhè nhẹ thoáng qua, một cô gái vô cùng xinh đẹp từ trong chùa đi ra, nàng ước chừng cũng chỉ mười tám, đi cùng còn có mấy cô bạn đồng lứa.

Tú Uyên vội vã chạy tới ướm hỏi nhưng cô gái liền rời chùa, hướng về lầu Quảng Văn sau đó thì biến mất. Chàng theo dấu người đẹp nhưng bắt không kịp, tiếc rẻ trở về rồi sinh bệnh tương tư. Cả ngày chỉ nhớ thương người đẹp, chẳng màng tới ăn uống, cũng bỏ luôn chuyện học hành.

Bạn chàng họ Hà, vì thấy bạn mình như vậy nên đến khuyên chàng tới đền Bạch Mã làm lễ xin quẻ. Đêm ấy, trong lúc ngủ, Tú Uyên chiêm bao thấy ông già mang gậy trúc, râu tóc đều bạc phơ đến nói với chàng: “Muốn gặp thì sớm mai hãy đến Cầu Đông!”. Khi chàng giật mình tỉnh lại thì vô cùng vui mừng, cứ trông trông ngóng ngóng sao cho trời mau sáng.

Sáng hôm sau Tú Uyên liền đến Cầu Đông ngóng đợi bóng dáng người con gái mình thương nhớ bao ngày. Nhưng chàng đợi cả ngày mà chẳng thấy người đâu, lúc đương định về thì vô tình gặp lão bán tranh, toàn là tranh tố nữ đi ngang qua. Chàng thấy trong tranh nhìn y như người mình đã gặp nơi Ngọc Hồ, vì thế vội vàng hỏi mua, đem về treo tại phòng văn.

READ:  Con chim khách màu nhiệm

Mỗi khi đến bữa cơm thì Tú Uyên đều mang ra hai đôi đũa cùng hai cái chén, không quên ngỏ lời mời cô gái trong tranh ra cùng mình ăn cơm. Ngày kia, khi chàng trở về từ chỗ học, chàng thấy trên bàn đã dọn sẵn mâm cơm với đầy đủ các món ngon được bày biện đẹp đẽ. Khi nhìn lên bức tranh, chàng thấy chiếc trâm trên đầu người đẹp hơi khác so với bình thường. Trong lòng thầm đoán đã đến lúc việc xảy ra rồi, nhưng vẫn bình tĩnh ngồi xuống bàn ăn cơm, cũng không quên mời cô gái trong tranh.

Ngày hôm sau, theo lẽ Tú Uyên đến trường, nhưng đi nửa đường chàng bèn trở về nhà, đúng lúc thấy người đẹp trong tranh bận rộn nấu ăn dưới bếp. Chàng vội chạy tới chỗ nàng mà rằng: “Sao nàng bắt tôi chờ đợi mỏi mòn thế? Nay tôi bắt được nàng, hãy cho tôi biết tên?” Người đẹp ngại ngùng trả lời: “Thiếp tên Hà Giáng Kiều, được Ngọc Hoàng ban lệnh và theo lời của thần Bạch Mã hạ trần để kết duyên với chàng”.

Tú Uyên ngay ngày hôm ấy liền lấy nàng làm vợ. Nhưng chung sống không lâu thì chàng bỗng đổi tính, suốt ngày rượu chè, còn học lối đánh vợ. Không biết đã bao lần Giáng Kiều cam chịu khuyên răn chồng, nhưng chàng vẫn chứng nào tật ấy không chịu nghe, ngày kia vì quá đau lòng, nàng liền bỏ chồng mà trở về trời.

Khi đã tỉnh khỏi men say, Tú Uyên tìm vợ nhưng chẳng thấy nàng đâu, chàng vô cùng đau đớn, sau đó vì quá tuyệt vọng mà treo cổ định tử tử. Trên trời nhìn thấy chàng như vậy, Giáng Kiều vội xuống can ngăn, không để chàng làm điều dại dột. Nhìn thấy vợ, chàng vui mừng lắm, vội vã nắm tay vợ khóc ròng, liên tục xin lỗi và hứa từ nay sẽ thay đổi tất thảy mọi tật.

Từ ngày đó, hai người lại sống với nhau rất hạnh phúc, sau đó sinh được một đứa con trai. Và chàng Tú Uyên vẫn chăm chỉ đèn sách, mong một ngày được vang danh bảng vàng.

Nhưng vào một sáng nọ, Giáng Kiều mới bảo: “Ở đời vẫn biết danh vọng là thứ đáng kể, nơi cõi trần này là không thể coi khinh, con ngưỡi vẫn sống theo ngũ hành, kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Với người trần thì sự sống như bọt nơi đầu sóng, hạt sương vương trên cỏ, dễ dàng tiêu tan bất cứ lúc nào. Dù cho chàng có thông minh hay tài giỏi cỡ nào hơn nữa thì cũng chỉ sống được khoảng năm hay sáu mươi năm, nhiều cũng chỉ đến bảy, tám mươi tuổi mà thôi. Dù có là sống cả trăm năm trong giàu sang, phước lộc thì cũng chẳng bằng một buổi sáng nơi cõi Tiên. Những lạc thú, mọi đau khổ, hay biệt ly, xum họp vốn vẫn là lối mòn của người trần. Thử hỏi nay danh tướng, anh hùng thời xưa nay còn chi? Từ thuở thiếu thời anh đã triền miên trong đó. Vậy giờ chàng hãy xóa hết thất tình lục dục, rửa sạch bụi trần rồi nay đây mai đó, ngao du khắp nơi, sáng nơi ba dãy núi, chiều lại ở chín tầng mây, làm bạn cùng gió cùng trăng”.

READ:  Vận khứ hoài sơn năng trí tử, thời lai bạch thủy khả thôi sinh

Thấy chàng lặng im suy nghĩ, nàng lại tiếp: “Bổn phận của đàn ông vốn là chăm nom cha mẹ? Nhưng song thân chàng đã sớm khuất núi. Còn thiếp vốn chẳng ham danh lợi. Thế sao chàng lại muốn chôn thân trong bể khổ trần gian, cố níu lấy mảnh hình hài vốn là diệt vong này?”

Nghe vợ nói tới đây, Tú Uyên cho là phải liền bảo: “Nếu nàng không giúp ta vạch rõ sự đời, vén màn mộng ảo đường đời, thì có lẽ ta đã lại rơi vào nơi lối mòn của trần tục mất rồi”.

Vì vậy, từ khi nghe vợ khuyên bảo, xác định rõ mọi sự, Tú Uyên liền bỏ đi ước nguyện đeo đuổi đường công danh bấy lâu, sau đó cùng vợ chuyên tâm ngày ngày học đạo của thần tiên.

Một thời gian sau, bỗng nhiên một ngày, từ trên trời có hai con hạc màu trắng tinh bay xuống nhà của vợ chồng Giáng Kiều, vậy là Tú Uyên cùng với Giáng Kiều đem theo con trai cưỡi trên lưng hạc mà bay vút vào không trung.

Rất lâu sau, thi thoảng hai vợ chồng Tú Uyên lại xuất hiện vô cùng màu nhiệm ở khu vực Bích Câu đó. Vì tỏ lòng kính trọng và ngưỡng mộ tới hai người, dân chúng nơi đây bèn lập ra ngôi đền để thờ phụng họ. Ngôi đền ấy được xây ngay cạnh phòng học cũ của Tú Uyên khi trước. Ngôi đền được đặt tên Bích Câu đạo quán và còn dấu vết cho đến tận ngày nay.