Vì sao gió ban ngày mạnh hơn ban đêm?

Gió ban ngày mạnh hơn ban đêm

Ngày hè nóng nực và oi ả, bạn mong cho đêm mau xuống và chờ đợi những làn gió mát. bạn có thể cho rằng buổi tối gió mạnh hơn. Nhưng thực ra, đó chỉ là cảm giác của chúng ta mà thôi. Vì đêm tĩnh mịch hơn ngày, người ta có thể nghe thấy tiếng gió thổi rõ hơn, vang hơn vào ban ngày…

Thông thường, gió trên không trung bao giờ cũng có tốc độ lớn hơn gió dưới mặt đất. Ban ngày, khi có sự trao đổi không khí theo chiều thẳng đứng, không khí trên không trung di chuyển xuống phía dưới sẽ thúc đẩy gió dưới mặt đất thổi nhanh hơn. Vì thế tốc độ gió mặt đất vào ban ngày tương đối lớn.

Ngược lại, sau khi Mặt trời lặn, nhiệt độ mặt đất giảm đi, sự trao đổi không khí giữa trên và dưới bị yếu dần. Không khí tầng dưới mất đi sự thúc đẩy của dòng khí có tốc độ lớn ở tầng cao, vì thế gió ở đây cũng yếu đi.

READ:  Tại sao bộ đồ du hành không phát nổ trong vũ trụ?

Cơ chế trao đổi khí trên dưới

Nguyên lý di chuyển chung của các tầng khí là: khí nóng, nhẹ sẽ bốc lên cao, khí lạnh, nặng sẽ chìm xuống dưới.

Ban ngày, ánh nắng Mặt trời chiếu xuống làm các vùng trên mặt đất nóng lên. Nhưng do nhiệt lượng mà mỗi vùng nhận được không đều nhau nên nhiệt độ lớp không khí sát mặt đất cũng có sự chênh lệch. Nơi có nhiệt độ cao, không khí sẽ bốc lên trên, nơi có nhiệt độ thấp, không khí sẽ lắng xuống dưới. Điều đó dẫn tới sự trao đổi không khí theo chiều lên xuống.

Vào buổi tối, Mặt trời lặn, mặt đất nguội dần đi sinh ra hiện tượng nhiệt độ trên không cao hơn nhiệt độ dưới thấp, ngăn cản sự trao đổi lên xuống của các dòng khí.