Thế Lữ (6/10/1907 – 3/6/1989) là nhà thơ, nhà văn, nhà hoạt động sân khấu Việt Nam. Thế Lữ nổi danh trên văn đàn vào những năm 1930, với những tác phẩm Thơ mới, đặc biệt là bài thơ Nhớ rừng, cùng những tác phẩm văn xuôi, tiêu biểu là tập truyện Vàng và máu (1934). Trở thành thành viên của nhóm Tự Lực văn đoàn kể từ khi mới thành lập (1934), ông hầu hết hoạt động sáng tác văn chương trong thời gian là thành viên của nhóm, đồng thời cũng đảm nhận vai trò một nhà báo, nhà phê bình, biên tập viên mẫn cán của các tờ báo Phong hóa và Ngày nay.
Từ năm 1937, hoạt động của Thế Lữ chủ yếu chuyển hướng sang biểu diễn kịch nói, trở thành diễn viên, đạo diễn, nhà viết kịch, trưởng các ban kịch Tinh Hoa, Thế Lữ, Anh Vũ, hoạt động cho đến sau Cách mạng tháng Tám. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp, làm kịch kháng chiến trong những năm Chiến tranh Đông Dương. Sau Hiệp định Genève, ông tiếp tục hoạt động sân khấu, trở thành Chủ tịch đầu tiên của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (1957-1977). Ông được coi là một người tiên phong, không chỉ trong phong trào Thơ mới, trong lĩnh vực văn chương trinh thám, kinh dị, đường rừng, mà còn là người có đóng góp rất lớn trong việc chuyên nghiệp hóa nghệ thuật biểu diễn kịch nói ở Việt Nam. Thế Lữ đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân năm 1984 và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt II năm 2000.
Tiểu sử
Thế Lữ, tên khai sinh Nguyễn Đình Lễ, sinh ngày 6 tháng 7 năm 1907 tại ấp Thái Hà, Hà Nội. Quê cha ông ở làng Phù Đổng, huyện Tiên Du (nay là Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội), quê mẹ ở Nam Định. Tên Nguyễn Đình Lễ sau đó được đổi thành Nguyễn Thứ Lễ vì ông là con thứ. Khi lên 10 tuổi, người anh trai (hơn ông một tuổi) mất, ông lại đổi tên lại thành Nguyễn Đình Lễ. Lớn lên ông dùng lại tên Nguyễn Thứ Lễ, khi viết văn nói lái lại là Nguyễn Thế Lữ, sau rút gọn thành Thế Lữ. Bút danh Thế Lữ, mang nghĩa “người khách đi qua trần thế” lại phù hợp với quan niệm sống của ông khi ấy. Ông còn có tên khác là Nguyễn Khắc Thảo, nhưng sau cũng bỏ đi vì trùng tên. Khi viết báo, đôi khi ông ký bút danh hài hước Lê Ta, xuất phát từ tên Lễ biến thành “Lê ngã”, “ta” cũng tức là “ngã”.
Cha ông là sếp ga xe lửa trên tuyến đường sắt Lạng Sơn – Thanh Hóa. Mẹ ông sinh ra trong gia đình Công giáo, kết hôn với cha ông trước, nhưng lại không được gia đình bên nội thừa nhận. Khi mới vài tháng tuổi, Thế Lữ bị đưa rời khỏi mẹ, đem lên Lạng Sơn sống cùng bà nội, cha và u (vợ chính thức của cha). Xa mẹ từ nhỏ, mỗi năm có được gặp một đôi lần, nên theo như Thế Lữ nhớ lại, chủ đề chính từ khi ông còn bé cho đến năm 10 tuổi là xa cách, nhớ thương người mẹ đẻ của mình. Sống ở xứ Lạng Sơn, núi rừng thiên nhiên nơi đây với những câu chuyện kinh dị ma quái mà ông được nghe từ nhỏ đã trở thành nguồn tư liệu, tạo cảm hứng cho các tác phẩm văn xuôi của ông sau này.
Cuộc đời
Thế Lữ học chữ Nho khi lên 8 tuổi, học chữ Quốc ngữ khi lên 10. Sau khi anh trai mất, ông được quay trở về Hải Phòng ở với mẹ. Ở Hải Phòng, ông học tư với cha của Vũ Đình Quý, người bạn thân đầu tiên của ông. Ít lâu sau, ông xin vào học lớp Đồng ấu của trường Pháp Việt (École communale) mới mở ở Ngõ Nghè. Năm 1924, ông thi đỗ Sơ học (cepfi), sau đó ốm một năm. Khi đó, mới 17 tuổi, Thế Lữ đã lập gia đình với Nguyễn Thị Khương, người vợ hơn ông 2 tuổi.
Năm 1925, ông vào học Cao đẳng Tiểu học Bonnal ở Hải Phòng, học được 3 năm thì bỏ. Những năm học Thành chung, ông chịu tác động từ tinh thần yêu nước của giới học sinh, qua báo Việt Nam hồn từ Pháp gửi về, cũng như từ những thầy giáo như Trịnh Đình Rư, Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Hữu Tảo. Năm 1928, ông tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, cùng hoạt động với Nguyễn Văn Linh ở Hải Phòng. Theo Nguyễn Đình Thi, thì đến năm 1930, khi Hội Thanh niên chuyển thành Đảng Cộng sản Việt Nam, Thế Lữ dù tán thành đường lối của Đảng, nhưng do gia đình theo Công giáo nên không thể gia nhập
Năm 1929, ông lên Hà Nội, thi đỗ dự thính vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, học cũng chỉ một năm rồi lại bỏ do bất mãn với một giáo sư và giám hiệu của trường. Ở trường mỹ thuật, ông chơi thân nhất với những bạn như Nguyễn Đỗ Cung, Trần Bình Lộc; cùng với Vũ Đình Liên, Ngô Bích San, Hoàng Lập Ngôn… tổ chức một salon littéraire, chuyên thảo luận về văn học.
Thời gian này, ông bắt đầu viết văn, với những truyện đầu tiên ghi lại những gì ông nghe thấy khi ở Lạng Sơn. Được sự khuyến khích của Vũ Đình Liên, Thế Lữ đã gửi các tác phẩm đầu tay của mình cho Nhà xuất bản Tân Dân, ký thêm bút danh tưởng tượng “Đào Thị Tô cùng viết với Thế Lữ” nhằm thu hút sự chú ý. Hai cuốn Một truyện báo thù ghê gớm và Tiếng hú hồn của mụ Ké sau được Vũ Đình Long khen ngợi và cho in ra, điều này cũng đã khuyến khích Thế Lữ rời bỏ trường Mỹ thuật. Một nguyên nhân khác nữa bởi ông bị lao, tuy nhiên sau đó được chữa khỏi bệnh. Từ bỏ con đường hội họa, Thế Lữ bước hẳn sang hoạt động sáng tác văn chương.
Hoạt động văn học và Tự Lực văn đoàn
Trước khi về Hải Phòng, Thế Lữ làm người sửa bản in cho báo Volonté Indochinoise (Ý muốn của Đông Dương), thường đi làm qua Vườn bách thảo Hà Nội, thời gian này ông đã viết bài thơ nổi tiếng Nhớ rừng. Sau khi trở về Hải Phòng, được mẹ cho dựng một căn nhà lá cạnh Đồ Sơn để chữa bệnh, Thế Lữ bắt đầu tập trung vào viết văn và làm thơ. Một trong những bài thơ đầu tiên của ông là Lời than thở của nàng Mỹ thuật và Lựa tiếng đàn để gửi cho các bạn trường Mỹ thuật ở Hà Nội. Ông còn viết cả truyện lãng mạn, ví dụ như Suối lệ, đã được đăng trên một vài tờ báo cũng như sách của Tân Dân.
Sau khi tờ Phong hóa (bộ mới) ra mắt (tháng 9 năm 1932), Thế Lữ đã chào đón và gửi bài. Bài thơ đầu tiên của Thế Lữ trên Phong hóa là Con người vơ vẩn đăng vào số Tết năm 1933. Sau đó, khi đến tòa soạn Phong hóa lần đầu tiên, ông đã đọc những bài thơ mình sáng tác, và được Khái Hưng ca ngợi là “Lamartine của Việt Nam”. Bên cạnh đó, Nguyễn Tường Tam còn đặc biệt chú ý đến những truyện Một đêm trăng, Vàng và máu, cũng như tác giả của hai truyện này, cho rằng đó là một “cây bút mới mẻ”, “có triển vọng”, “sẽ kết nạp cho được và chắc chắn không khó khăn”. Không lâu sau, Thế Lữ được mời vào làm việc tại Phong hóa, và Nhất Linh sau đó cũng có bài viết trân trọng, đề cao Thế Lữ và thơ văn của ông.
Tháng 3 năm 1934, Tự Lực văn đoàn chính thức ra đời với 6 thành viên ban đầu: Nhất Linh, Hoàng Đạo, Khái Hưng, Thạch Lam, Tú Mỡ và Thế Lữ, cũng là các thành viên nòng cốt của tờ Phong hóa (mới). Thế Lữ tán đồng với quan niệm của Tự Lực văn đoàn và Phong hóa: lên án tư tưởng Nho giáo phong kiến, đả kích thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội bằng sự châm biếm hài hước, đồng thời đổi mới quan niệm sáng tác, giải phóng cá nhân, và đấu tranh xây dựng nền văn chương và ngôn ngữ Việt. Cũng từ đó, gần 10 năm, hoạt động văn học và báo chí của Thế Lữ gắn bó chặt chẽ với Tự Lực văn đoàn, và cũng hầu như thu gọn trong khoảng thời gian này.
Về báo chí, ông tham gia viết báo, biên tập cho tờ Phong hóa rồi tờ Ngày nay (ra mắt sau khi Phong hóa đóng cửa năm 1936). Với các bút danh Thế Lữ, Lê Ta, Mười Ba Chàng, ông viết bài cho các chuyên mục “Cuộc điểm báo”, “Cuộc điểm sách”, “Từ cao đến thấp”…, (Phong hóa) rồi “Điểm báo”, “Tin thơ”, “Tin văn… vắn”… (Ngày nay). Ngoài các mục cố định, Thế Lữ còn có nhiều bài bình luận, phân tích về các vấn đề văn chương, nghệ thuật, các bài phê bình sách. Ông là giám khảo cho tất cả 3 cuộc thi của Tự Lực văn đoàn (1935, 1937, 1939), góp tiếng nói giúp khẳng định những tác phẩm được trao giải. Mục Tin thơ do ông phụ trách toàn bộ cũng phát hiện và khích lệ một số khả năng Thơ mới; đồng thời Thế Lữ, cùng với Lưu Trọng Lư, Huy Thông và các nhà thơ, tác giả khác, cũng góp công lớn trong việc đem lại thành công cho phong trào Thơ mới, chống lại thơ cũ, bảo vệ và đề cao thơ mới bằng các bài báo, đăng các sáng tác trong đó có sáng tác của chính mình. Bài thơ Nhớ rừng gây tác động mạnh mẽ lên công chúng, cùng các bài thơ nổi tiếng khác sau đó như Cây đàn muôn điệu, Tiếng sáo thiên thai…, được đăng trên Phong hóa, sau này được tập hợp lại trong tập thơ đầu tay Mấy vần thơ (1935), đã góp phần đem lại thắng lợi hoàn toàn cho phong trào Thơ mới, cũng như đưa ông trở thành một nhà thơ tiêu biểu của Thơ mới thuở ban đầu. Ngoài ra, ông còn có nhiều tác phẩm văn xuôi, ở các thể loại trinh thám, kinh dị và lãng mạn, cũng gây được sự chú ý của công chúng.
Thế Lữ là một trong các tác giả Tự Lực có nhiều tác phẩm nhất được Nhà xuất bản Đời nay phát hành. Từ 1934 đến 1943, ông cho ra mắt 12 cuốn sách, trung bình mỗi năm một cuốn, có những năm hai (1937, 1942), ba cuốn (1941). Đáng chú ý nhất là tập truyện đầu tay Vàng và máu (1934, được Khái Hưng viết lời giới thiệu), tập thơ thứ nhất Mấy vần thơ (1935), sau được sửa chữa và bổ sung nhiều bài mới trong Mấy vần thơ, tập mới (1941).
Kể từ 1937, ông dành nhiều thời gian và tâm huyết cho sân khấu kịch nói, dù vẫn làm việc tại báo Ngày nay cho tới khi tờ này đóng cửa (sau 1940). Sau 1945, hoạt động và tư tưởng của Thế Lữ tách rời hẳn với hoạt động của Nguyễn Tường Tam, Khái Hưng, Hoàng Đạo. Thế Lữ sau này đã phủ định mạnh mẽ hầu như toàn bộ đóng góp của Tự Lực văn đoàn vào nền văn hóa dân tộc, và Phạm Đình Ân đã coi đó là suy nghĩ cực đoạn, phiến diện, nhất thời trong bối cạnh xã hội – chính trị lúc bấy giờ. Dù vậy, những năm tháng cuối đời, Thế Lữ khi hồi tưởng về thời kỳ này đã nói: “Không có báo Phong hóa, Ngày nay, không có bạn bè Tự Lực, không có bạn thơ văn ngày ấy ăn ở với nhau như bát nước đầy, sẵn lòng yêu tài, mến đức của nhau… thì không có Thế Lữ”.
Tác phẩm và phong cách nghệ thuật
Là một nghệ sĩ đa tài, Thế Lữ hoạt động rộng rãi trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật, từ thơ, văn xuôi nghệ thuật (kinh dị, trinh thám, lãng mạn) cho đến báo chí, phê bình, dịch thuật và sân khấu. Trong tất cả các lĩnh vực, Thế Lữ đòi hỏi sự nghiêm túc, phong cách làm việc khoa học, cặn kẽ, tỷ mỷ, luôn muốn tìm ra sự hoàn mỹ. Đó là biểu hiện cho khát vọng của Thế Lữ: luôn săn đuổi và phụng thờ cái Đẹp đến suốt đời, như ông từng nêu tuyên ngôn trong bài thơ Cây đàn muôn điệu:
Tôi chỉ là một khách tình si
Ham vẻ Đẹp có muôn hình, muôn thể.
Mượn lấy bút nàng Ly Tao, tôi vẽ,
Và mượn cây đàn ngàn phím, tôi ca
Thơ
Thế Lữ đã ra mắt khoảng hơn 50 bài thơ, chủ yếu được sáng tác trước năm 1945 và in trên hai tờ Phong hóa và Ngày nay, sau tập hợp vào hai tập thơ: Mấy vần thơ (1935) và Mấy vần thơ, tập mới (1941, gồm tập thơ cũ được bổ sung thêm một số bài mới). Tập thơ đầu, Mấy vần thơ được xem là tác phẩm tiêu biểu nhất của phong trào Thơ mới thời kỳ 1932-1935, với những bài được phổ biến rộng rãi thời kỳ đó. Bảy bài trong tập thơ đã được đưa vào hợp tuyển thơ Thi nhân Việt Nam (1942) của Hoài Thanh – Hoài Chân, gồm có Nhớ rừng, Tiếng trúc tuyệt vời, Tiếng sáo Thiên Thai, Vẻ đẹp thoáng qua, Bên sông đưa khách, Cây đàn muôn điệu và Giây phút chạnh lòng.
Cách tân nghệ thuật
Thế Lữ được xem là người có đóng góp đáng kể vào việc hiện đại hóa thơ Việt Nam. Tuy chưa thoát hẳn khỏi phong cách diễn đạt ước lệ của thơ cũ, thơ ông đã có những cách tân táo bạo về hình thức nghệ thuật. Ông đã thử nghiệm nhiều thế thơ khác nhau (trừ thơ Đường luật), bao gồm cả lục bát, song thất lục bát, năm chữ, bảy chữ, tám chữ trường thiên và cả thơ phá thể. Do đặt nặng tính duy lý, nên đơn vị trong thơ Thế Lữ không phải là mỗi câu thơ đơn lẻ mà là một mảng thơ, cấu trúc theo văn phạm tiếng Pháp. Khác với thơ cũ thường hàm súc, cô đọng, thơ ông thường đề cao tính dư thừa và diễn đạt khúc chiết, logic. Vì lý do này, Thế Lữ thường sử dụng lối “bắc cầu” thông dụng trong thơ Pháp, nhằm kết dính các câu thơ và cả đoạn thơ thành một mạch với nhau. Ông cũng sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật, như phép đảo ngữ, sử dụng nhiều dấu câu, liên từ…, tuy nhiên những cách tân này không góp phần làm mới nhiều đến giọng điệu hoặc thể thơ trong thơ Thế Lữ. Những thể thơ đấy Thế Lữ chưa sử dụng thuần thục, về sau được các nhà thơ mới khác khắc phục. Ở thời kỳ đầu của Thơ mới, những cách tân của Thế Lữ đã mở đường cho bút pháp của nhiều nhà thơ sau này.
Đánh giá
Hà Minh Đức nhận xét: “Thơ Thế Lữ giàu chất lãng mạn, trữ tình. Hình ảnh thơ đẹp, giọng điệu thơ mềm mại, trau chuốt. Tuy nhiên, cảm hứng thơ ít phát triển, hình tượng thơ có ít biển hóa và trong một số trường hợp rơi vào đơn điệu”. Lê Tràng Kiểu cho rằng, thơ Thế Lữ chỉ có giá trị ở những bài “có ít nhiều vẻ tiên”, còn lại có nhiều bài lại thật dở: “vần điệu lủng củng, ý tứ ngớ ngẩn trẻ con, tình cảm giả dối hết sức, và câu kéo lôi thôi quá”.Lê Tràng Kiều đánh giá: “thơ Thế Lữ chỉ phơn phớt ngoài tâm hồn”, chứ không đi sâu vào tâm hồn người đọc như thơ Lưu Trọng Lư, Nguyễn Vỹ, Thái Can, và kết luận rằng: “Thế Lữ là một nhà thơ kém hoàn toàn hơn hết”. Uyên Thao khi bình luận, cũng cho rằng Thế Lữ chỉ hoàn toàn thành công ở một số bài như Nhớ rừng, Ý thơ, Tiếng sáo Thiên Thai, Giây phút chạnh lòng, còn lại thì chỉ thành công ở từng tiếng, từng âm, trong mỗi đoạn, mỗi câu.
Dù như thế nào, ảnh hưởng và vai trò tiên phong của Thế Lữ đối với thơ mới vẫn được công nhận. Vũ Ngọc Phan ghi nhận: “Phan Khôi, Lưu Trọng Lư chỉ là những người làm cho người ta chú ý đến thơ mới mà thôi, còn Thế Lữ mới chính là người làm cho người ta tin cậy ở tương lai của thơ mới”. Và Hoài Thanh hoa mỹ hơn: “Độ ấy thơ mới vừa ra đời, Thế Lữ như vầng sao đột hiện ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam… Thế Lữ không bàn về thơ mới, không bênh vực thơ mới, không bút chiến, không diễn thuyết, Thế Lữ chỉ lặng lẽ, chỉ điềm nhiên bước những bước vững vàng, mà trong khoảnh khắc cả hàng ngũ thơ xưa phải tan vỡ”.
Truyện
Bên cạnh thơ, Thế Lữ là tác giả của gần 40 truyện, gồm sáu truyện vừa, còn lại là truyện ngắn. Truyện của ông, theo cách xếp quen thuộc được chia làm 3 thể loại chính: truyện kinh dị (Vàng và máu, Bên đường Thiên Lôi), truyện trinh thám (Lê Phong và Mai Hương, Gói thuốc lá, Đòn hẹn, Tay đại bợm…) và truyện lãng mạn núi rừng (Gió trăng ngàn, Trại Bồ Tùng Linh). Ở thể loại huyền bí, huyền tưởng và trinh thám, các sáng tác của Thế Lữ chịu ảnh hưởng từ văn chương duy lý phương Tây nói chung và các tác phẩm của Edgar Allan Poe nói riêng, có truyện (Trại Bồ Tùng Linh) lại viết theo phong cách của Bồ Tùng Linh với Liêu trai chí dị. Ở nhiều tác phẩm, Thế Lữ vừa phủ lên nó sự rùng rợn, huyền bí, lại vừa lý luận để giải thích những hiện tượng trên một cách khoa học. Điều này cũng phù hợp với quan niệm của Thế Lữ và nhóm Tự Lực văn đoàn thời đấy, tức đề cao khoa học, chống sự thần bí hoang đường, “đem phương pháp khoa học Thái Tây áp dụng vào văn chương Việt Nam”. Ông cũng đưa yếu tố lãng mạn cùng chất thơ vào truyện, có nhiều trang văn khắc họa tài hoa cảnh trí thiên nhiên, đặc biệt có sự phân tích tâm lý nhân vật một cách tinh tế. Nhiều truyện được ông viết kỹ lưỡng, lối hành văn của ông có nhiều ưu điểm, như theo Phạm Thế Ngũ: “Trong tất cả các nhà văn Tự Lực văn đoàn, Thế Lữ có lẽ là người có câu văn tinh vi rèn giũa hơn cả… Câu văn của ông có tính cách phân tích, cú pháp chặt chẽ, mạch nghĩa sáng tỏ, chữ dùng chính xác, nhiều khi không ghét sự cao kỳ, sự kiểu cách, song nhất định không chấp nhận sự trùng điệp, sự nhàm thường”.
Tập truyện đầu tiên của Thế Lữ, Vàng và máu (1934) là tác phẩm tiêu biểu và thành công nhất của ông ở thể loại kinh dị, đã trở thành một hiện tượng mới lạ ngay từ khi ra đời và để lại dư âm đến nhiều năm sau. Với tác phẩm này, Phan Trọng Thưởng đánh giá Thế Lữ là “tác giả đạt đến đỉnh cao nghệ thuật” của loại truyện ly kỳ rùng rợn, Lê Huy Oanh gọi đây là “một trong những tác phẩm thuộc loại truyện rùng rợn có giá trị lớn trong kho tàng tiểu thuyết Việt Nam”. Gồm một truyện vừa (Vàng và máu) và ba truyện ngắn (Một đêm trăng, Con châu chấu tre, Ma xuống thang gác), trong đó đặc sắc nhất là Vàng và máu và Một đêm trăng, tập truyện này được đánh giá cao ở lối kể chuyện hấp dẫn, li kỳ, gây tò mò và xúc động cho độc giả, xây dựng giản dị, có kết giải, lối văn gọn gàng, thanh thoát, trí tưởng tượng và khiếu phân tích phong phú, những đoạn tả cảnh vừa tỷ mỉ lại rùng rợn mà có thi vị.
Ở thể loại trinh thám, Thế Lữ cùng Phạm Cao Củng được xem là hai tác gia mở đầu truyện trinh thám ở Việt Nam. Vũ Ngọc Phan đánh giá ở thể loại này Thế Lữ chưa thành công. Truyện của ông ít mang màu sắc Việt Nam, như theo Phạm Thế Ngũ, truyện trinh thám của Thế Lữ có nhược điểm: “Tiểu thuyết của ông cao quá, lấy làm truyện những điều lạ quá, làm nhân vật những người hiếm quá… Cao quá cả ở cách viết săn sóc chải chuốt, cách lập luận khoa học tỷ mỷ, vì vậy không phổ biến trong độc giả trung bình…”. Các tác phẩm trinh thám của ông có nhiều tình tiết phi lý, không gian và thời gian truyện ngắn và hẹp một cách khiên cưỡng. Ở thể loại lãng mạn, đáng kể là tập truyện Gió trăng ngàn (1941), gồm tám truyện ngắn, được xem như những “bài thơ bằng văn xuôi”, tất cả đều kể về những mối tình đẹp và thơ mộng giữa những chàng trai miền xuôi và những cô gái vùng cao, trong bối cảnh núi rừng thiên nhiên miền sơn cước.