Nguyễn Đình Thi sinh ngày 20 tháng 12 năm 1924 ở Luông Pra Băng (Lào). Tuy nhiên, nguyên quán của ông là ở làng Vũ Thạch, hiện nay là phố Bà Triệu thuộc địa phận phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cha ông là một viên chức Sở bưu điện Đông Dương, từng sang làm việc ở Lào.
Những năm 1940 ông tham gia Tổ Văn hóa Cứu quốc. Năm 1945 ông tham dự Hội nghị Quốc dân Tân Trào, sau đó được bầu làm Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 1. Sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Đình Thi làm Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc.
Nguyễn Đình Thi thuộc thế hệ các nghệ sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình. Ông được nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I năm 1996.
Sau năm 1954 ông tham gia công tác quản lý văn học nghệ thuật. Từ năm 1958 đến năm 1989 làm Tổng Thư ký Hội nhà văn Việt Nam. Từ năm 1995, ông là Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật.
Nguyễn Đình Thi mất ngày 18 tháng 4 năm 2003 tại Hà Nội.
Tác phẩm
Truyện
Xung kích (1951)
Bên bờ sông Lô (tập truyện ngắn, 1957)
Vào lửa (1966)
Mặt trận trên cao (1967)
Vỡ bờ (tập I năm 1962, tập II năm 1970)
Tiểu luận
Mấy vấn đề văn học (1956)
Công việc của người viết tiểu thuyết (1964)
Thơ
Người chiến sỹ (1958)
Bài thơ Hắc Hải (1958)
Dòng sông trong xanh (1974)
Tia nắng (1985)
Đất nước (1948 – 1955). (Đã được nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc phổ thành bản Giao Hưởng – Hợp xướng cùng tên “Đất nước” Biểu diễn lần đầu tiên tại Nhà hát lớn Hà nội ngày 1 tháng 9/2009, Do chính Đặng Hữu Phúc chỉ huy Dàn nhạc – Hợp xướng Nhà hát Nhạc vũ kịch VN[1])
Kịch
Con nai đen
Hoa và Ngần
Giấc mơ
Rừng trúc
Nguyễn Trãi ở Đông Quan
Tiếng sóng
Nhạc
Người Hà Nội (1947)
Diệt phát xít
Nguyễn Đình Thi – Những tìm tòi sáng tạo nghệ thuật
Kỷ niệm 10 năm ngày mất nhà văn Nguyễn Đình Thi (2003 – 2013)
Nguyễn Đình Thi là nhà văn đa tài, ông mất đi đã để lại một di sản về văn học nghệ thuật có giá trị bền vững với thời gian. Thời kỳ cách mạng tháng Tám với 2 bản nhạc “Diệt phát xít” và “Người Hà Nội”, những sáng tác để đời mà có người cho rằng đấy là đóng góp trội nhất của ông. Thực ra, đấy mới chỉ là khúc dạo đầu đẹp của một bản trường ca được tiếp nối với các thể loại văn học như thơ, tiểu thuyết, kịch.
Tôi kính trọng và quý mến ông, theo dõi, nghiên cứu quá trình sáng tác qua những tác phẩm từ “Xung kích”, “Vỡ bờ I” cho đến những tác phẩm kịch cuối đời. Tôi đã viết một cuốn sách: “Chim phượng bay từ núi”, lấy ý từ bài thơ “Truyền thuyết về chim phượng” của tác giả và câu văn của nhà thơ Viễn Phương viết về ông khi qua đời: “Chim phượng đã bay về trời”. Tuy đã nói được một phần những sáng tác của ông, nhưng Nguyễn Đình Thi có nhiều bình diện còn chưa khai thác hết.
Ông như một tảng băng trôi, phần nổi lên và phần còn chìm sâu dưới nước. Trước khi ông đến với văn chương, lúc còn ngồi trên ghế nhà trường Đại học, ông đã viết nhiều cuốn sách về triết học, về Kant, Descartes, siêu hình học, Niezchte. Có lần ông nói với tôi: “Mình thích hơn cả là cuốn về Descartes”. Không phải ngẫu nhiên mà ông chọn lọc những tác giả đó để nghiên cứu. Kant với thuyết Nhị nguyên luận, Descartes đề cao lý tính “Tôi tư duy là tôi tồn tại” và có thể Niezchte được viết ra trong thời kỳ chiến tranh chống phát xít, khi bọn phát xít xem Niezchte là điểm tựa về tinh thần.
Trong cuốn “Từ điển về các nhà triết học”, NXB Đại học (1984, Paris) có hai mục từ về Việt Nam là Trần Đức Thảo và Nguyễn Đình Thi. Vốn triết học ấy có những ảnh hưởng gì với sáng tác của Nguyễn Đình Thi? Vấn đề ấy chưa ai nghiên cứu và ông cũng rất ít nói ra. Nghiên cứu triết học duy tâm, giữa lúc phong trào Việt Minh sôi nổi, chủ nghĩa duy vật biện chứng thắng thế và rồi đi theo cách mạng, Nguyễn Đình Thi ít nhắc đến những tác phẩm triết của mình. Nhưng dù sao đấy cũng là một câu hỏi. Nguyễn Đình Thi có lúc xem mình là nhà văn trước cách mạng nhưng thực ra tư tưởng, nội dung, phong cách sáng tạo tác phẩm của ông thuộc về một thời kỳ mới.
Ông có ý thức tìm tòi cái mới, ít và không chấp nhận cái cũ ở trong văn chương, nhất là văn chương lãng mạn. Ông thường nói: “Tôi ít đọc, ít để ý những tác phẩm của Tự lực văn đoàn vì cuộc đời mới với một sức sống mới, con người mới đòi hỏi một cash viết khác, nhịp sống nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, con người khỏe khoắn, năng động, hướng tới tương lai”. Nhưng rồi cũng có ý kiến cho rằng tác phẩm “Vỡ bờ” của ông ảnh hưởng Tự lực văn đoàn và nhiều chương viết không hay bằng Tự lực văn đoàn. Nhận xét đó không đúng. Trong một vài chương viết về thành thị, về những người trí thức tiểu tư sản, những cô gái đẹp và những mối tình dễ tạo một không khí văn chương như một vài cuốn sách Tự lực văn đoàn, còn toàn bộ “Vỡ bờ” là bức tranh toàn cảnh khái quát rộng lớn về đời sống xã hội từ năm 1936 đến Cách mạng tháng Tám thành công. Ngoài những nhân vật ở đời sống thành thị, những trí thức văn nghệ sĩ còn có những người công nhân, nông dân, những người lao động nghèo ở thành thị với biết bao chuyện đời phong phú, gợi mở. Nguyễn Đình Thi cũng như một số nhà văn Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng,… đến với văn chương từ môi trường trí thức. Các tác giả giàu có về vốn văn hóa và thường thiếu sót hụt hẫng về vốn sống trong cuộc đời mới. Nguyễn Tuân cũng như Nguyễn Đình Thi tha thiết đi tìm một cái thực và cái đẹp trong đời. Cái thực trong tác phẩm Nguyễn Tuân một phần là cuộc đời cũ, còn với Nguyễn Đình Thi chủ yếu là tìm hiểu, phát hiện và miêu tả cái thực và cái đẹp trong con người mới, anh bộ đội, chị dân công, bà mẹ kháng chiến, em liên lạc.
Ông có ý thức tôn trọng sự thực, cái sự thực toàn vẹn, phong phú sẽ góp phần làm nên cái đẹp. Chính vì thế phải miêu tả cuộc sống mới, con người mới trên nhiều bình diện, con người với giá trị nhân văn cao đẹp, con người của một thời đại mới. Cũng vì thế trang viết của ông không thích hợp với sự gò bó, nhìn đời một cách công thức quy phạm, và cũng chính vì thế ông gặp phải nhiều sự phiền hà.
Tuy nhiên những điều đó không cản trở mà Nguyễn Đình Thi vẫn vượt qua và tạo được sự thắng thế. Về thơ, ông đề xuất ra thơ không vần vì quan niệm rằng sức sông, tình cảm bên trong của một bài thơ là chủ yếu và khi phát triển nếu gặp sự cản trở là vần điệu thì có thể vượt qua. Nhạc điệu bên trong là quan trọng. Nhiều bài thơ của ông viết theo thể tự do, có lúc hợp vần, có lúc không hợp vần nhưng vẫn thể hiện được cái hay cái đẹp của bài thơ. Cuộc họp về thơ không vần có những ý kiến khác nhau. Một số nhà thơ mới có tên tuổi như Xuân Diệu cũng không tán thưởng, Tố Hữu cũng có một quan niệm không thật rõ ràng giữa thích và không thích thơ không vần của Nguyễn Đình Thi. Không lâu sau thì thơ tự do là chủ thể, vần điệu hợp lý là cần thiết và cũng có trường hợp không phải là nhân tố quan trọng. Về nội dung của thơ, tình cảm là chủ yếu.
Nói đến tình cảm, trong thơ ca cách mạng chủ yếu là niềm vui nhưng cũng có những nỗi buồn, khi chia ly xa cách, nỗi buồn về những tổn thất do kẻ địch gây ra. Trong thơ kháng chiến của Nguyễn Đình Thi, có nhiều tình cảm, niềm vui, nỗi nhớ, nỗi buồn trong xa cách. Bài “Không nói” nói về cảnh chia tay của hai người thân yêu với nỗi buồn xa cách và hy vọng ngày gặp lại. Bài thơ cũng có ý kiến phê phán. Trong chiến tranh, văn chương cũng phải theo một quy luật, viết về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về con người mới tích cực, năng động, về niềm vui của tập thể, của cộng đồng. Tình yêu, nỗi buồn, sự đau khổ phải được cân nhắc kỹ trên trang viết. Nguyễn Đình Thi là một nhà thơ nổi tiếng với nhiều tập thơ hay từ “Người chiến sĩ”, “Bài thơ Hắc Hải”, “Tia nắng”, “Sóng reo”. Có người xem thơ ông là trội hơn cả trong các thể loại mà ông sáng tác vận dụng. Ông nói: “Tôi viết khoảng 100 bài thơ, có 2 bài hay, 10 bài khá, còn lại là bình thường”. Đó là một cách nói khiêm tốn.
Nguyễn Đình Thơ quan niệm: “Thơ nói là về bản thân mình nhiều hơn cả và nhà thơ là cây đàn tự rung lên, ngân lên nhạc điệu”. Ông cũng say mê một thể loại khác và xem tiểu thuyết là cái máy thái của văn chương. Ông viết một chuyên luận: “Về công việc người viết tiểu thuyết” với nhiều ý kiến sắc sảo, mới mẻ. Cái khó của tiểu thuyết là tư tưởng chỉ đạo, là vốn sống, là tổ chức kết cấu, tất cả góp phần phục vụ cho nhân vật. Nguyễn Đình Thi là nhà văn nhập cuộc với cuộc đời mới. Trong chiến tranh ông có mặt ở nhiều chiến dịch: Biên giới, Trung du, Điện Biên Phủ.
Trong thời kỳ chống Mỹ ông đến với cao xạ pháo, không quân và có một chuyến đi về miền Nam đến những vùng đất của cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Với tiểu thuyết, bên cạnh phần đóng góp ông cũng gặp nhiều khó khăn về vốn sống, về việc miêu tả những con người mới. Con người bên cạnh những đóng góp và hoạt động sôi nổi năng động trong công tác, phần còn lại về tình yêu về nỗi nhớ, nỗi buồn, thậm chí đau khổ nên được miêu tả như thế nào. Với tác giả chủ yếu vẫn phải dựa vào tiêu chuẩn là cái thực và cái đẹp của con người mới. Ở lĩnh vực này ông cũng gặp nhiều khó khăn. Trong tiểu thuyết đầu tay “Xung kích”, ông miêu tả hai nhân vật là Sản và Kha. Sản xuất thân từ công nhân và Kha là thanh niên ở thành thị, cả hai đều trưởng thành trong quân đội, là cán bộ chỉ huy trong đại đội. Một nhân vật thứ ba là Lý, nữ cán bộ của phong trào cũng từng trải và vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Họ đều là những người tốt, đều là những người lính trẻ chưa có gia đình. Lý cũng là một cô gái chưa có điều kiện để nghĩ đến việc lập gia đình. Ở cuối tác phẩm “Xung kích”, tác giả có miêu tả lần gặp gỡ cuối cùng giữa Sản và Lý trong khung cảnh chiến dịch đã kết thúc, hòa bình đã trở lại, niềm vui đã nhận thấy trong khung cảnh của làng quê. Có một số chi tiết có dấu hiệu nói lên tình yêu, tuy rằng hết sức kín đáo có lẽ hai người đã ngồi xuống một bờ cỏ để trò chuyện vì có chi tiết Lý nhìn Sản và nghĩ: “Chưa bao giờ thấy anh Sản lại hiền lành như thế”. Còn về phía Sản thì thấy khuôn mặt của Lý tươi vui và hồng hào. Câu chuyện xong, Sản đứng lên và phủi quần. Họ nghĩ gì, chắc chắn là niềm vui, một chút buồn khi chia tay và ngày mai…
Có lần nhà văn Nguyễn Đình Thi cho tôi biết, khi ông có mặt tại Điện Biên Phủ còn nhận được một lá thư của một đồng chí lãnh đạo văn nghệ nói phải kiểm điểm về tác phẩm “Xung kích”. Chuyện đã trên nửa thế kỷ nhưng nghe lại như một chuyện cổ tích của một thời xa xưa nào, mà con người đối xử với nhau nặng nề đến thế. Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, Nguyễn Đình Thi đến với cao xạ pháo và viết “Vào lửa”, một binh chủng mới và người viết không khỏi xa lạ nhưng ông đã viết được một cuốn tiểu thuyết kịp thời. Lúc này chiến tranh dữ dội, cái sống, cái chết từ trên giời rơi xuống không tránh khỏi ngẫu nhiên bất ngờ. Người lính nào ra trận cũng mong sau thắng lợi được trở về, và nếu hy sinh thì hy sinh trong một tư thế anh hùng. Điều đó không dễ muốn là được. Một chiến dịch như Điện Biên Phủ có hàng trăm và nhiều hơn nữa những tử sĩ, những anh hùng vô danh, từ đó nổi lên Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện. Trong “Vào lửa” nhân vật Xuân suy nghĩ và cũng mong muốn, nếu có phải hy sinh thì cũng trong tư thế đẹp, oai hùng. Và nhân vật nghĩ đến cái chết dấm dớ, tên bay đạn lạc, có thể đến khi người linh chưa có mặt ở chiến trường, trực tiếp chiến đấu. Quan niệm về cái chết ngẫu nhiên không may mắn là điều thực, nhưng cũng có ý kiến phê phán ông là không đúng đắn. Quả nói về cái thực và cái đẹp không hề dễ dàng.
Nguyễn Đình Thi viết tiếp “Mặt trận trên cao”, cái khó theo tác giả là làm sao có được một cốt truyện của người chiến sĩ lái máy bay trên không và cuộc đời ở dưới đất. Tác giả vất vả tạo ra một cốt truyện nhưng chắc chắn cũng không phải là đặc sắc. Trong “Vào lửa”, chuyến đi kiểm tra của Xuân vào vùng chiến tranh rồi trở về cũng không hẳn là một cốt truyện đầy đặn, hấp dẫn. Tác giả đều gọi hai cuốn truyện của mình là tiểu thuyết vì ông quan niệm tiểu thuyết là hư cấu. Có lần Nguyễn Đình Thi nói: “Sự thật là quan trọng, gặp được một sự thật tiêu biểu là điều may mắn nhưng không dễ dàng, phải biết tổng hợp, bồi đắp, hư cấu. Nói cho cùng, hư cấu cũng từ cuộc đời, tổng hợp, bồi đắp, tô điểm, nhấn mạnh để sự thật càng tiêu biểu hơn”. Theo ông, toàn bộ tác phẩm “Vỡ bờ” đều là hư cấu, trừ một số chi tiết về Tô Hiệu. Có lần ông nói với tôi: “Nhân vật cô Xoan ở trong Vỡ bờ mang nét hiền lành, dễ thương của cô gái quê, chính là tôi dựa vào hình ảnh nét mặt dễ thương của anh La Văn Cầu trong chuyến cùng đi liên hoan thanh niên sinh viên ở Béclin. Hư cấu theo ý nghĩa tích cực nhất vấn là phong cách sáng tạo của Nguyễn Đình Thi. Tuy nhiên, cũng có nhà văn, nhà tiểu thuyết có kinh nghiệm cho rằng hai tác phẩm trên chưa phải là tiểu thuyết mà chỉ là “già ký non truyện”.
Đến với kịch, một thể loại mà ông trăn trở, suy nghĩ nhiều và trong những năm ở cuối đời, ông viết nhiều vở kịch, có vở trực tiếp về cuộc đời hôm nay như “Hoa và Ngần”, có những vở viết về lịch sử như “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”, “Rừng trúc” và có những vở từ đề tài dân gian, về người đàn bà Nam Xương, về Trương Chi, về thằng Cuội. Với kịch, Nguyễn Đình Thi đã thể hiện sâu sắc những quan điểm triết lý về cuộc đời và tạo nên nhiều liên tưởng về đạo lý, về cuộc sống xã hội và cả về chính trị. Có vở bị cấm và chỉ được diễn trong một thời gian như “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”, “Rừng trúc”. Có thể nói đây là khu vực sáng tác rất phong phú, với nhiều những suy nghĩ và tâm huyết của tác giả. Các nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Quang Sáng đều cho rằng trội hơn cả trong văn nghiệp của Nguyễn Đình Thi chính là những tác phẩm kịch. Trước hết phải kể đến “Con nai đen”, vở kịch mà tác giả chịu nhiều phiền hà trong dư luận. Bước vào thời kỳ hòa bình sau chiến tranh, nhiều vấn đề phức tạp đã xảy ra trong cuộc sống. Trong đời sống hòa bình, con người bắt đầu nghĩ đến hạnh phúc, đến cuộc sống riêng tư. Với một lớp người khác, có vị trí xã hội, lại nghĩ đến chức quyền, sự cạnh tranh về danh vị. Chủ nghĩa cá nhân bắt đầu thâm nhập và nhiều mặt của đời sống xã hội. Nguyễn Đình Thi nhạy cảm với những vấn đề chân thật và giả dối, tốt và xấu, hiền lành và độc ác ở trong đời sống xã hội. Nhân một lần ở nước ngoài, đi xem một vở kịch rối về con nai, truyện cổ của một nhà văn Ý, ông về mô phỏng và viết kịch “Con nai đen”. Có thể chủ đề của tác giả qua “Con nai đen” là cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác không dễ dàng mà khó khăn, thậm chí quyết liệt. Cái ác nhập vào cái thiện, đánh tráo, làm cho lẫn lộn, hồn của nịnh thần gian ác nhập vào nhà vua và nhà vua lại nói những lời tội lỗi của nịnh thần, lẫn lộn và không dễ phân biệt được. Mệnh đề tiếp theo tác giả nhấn mạnh nhân dân với cặp mắt thông minh, sáng suốt sẽ là người nhận ra bản chất của sự việc và cái ác bị vạch mặt. Vở kịch bị phê phán cùng một số truyện viết về loài vật trong lúc này như “Văn ngan tướng công” của Vũ Tú Nam, “Con chó xấu xí” của Kim Lân và “Con hổ…” của Nguyên Hồng. Lúc này người ta rất ngại viết theo biểu tượng hai mặt. Thường những đề tài về lịch sử, đề tài về thiên nhiên dễ bị khai thác và hiểu lầm theo lối biểu tượng hai mặt. Tất cả những con vật trên chẳng có tội lỗi gì nhưng qua con mắt nào đó lại bị nghi ngờ là ám chỉ một nhân vật nào đó trong xã hội với dụng ý xấu. “Con nai đen” là trường hợp được chú ý nhất so với các con vật khác. Một thời gian sau không lâu, các truyện trên đều được giải tỏa, con nai vẫn là con nai, con ngan vẫn là con ngan không nhằm qua nó mà đả kích ai. Có thể nói với Nguyễn Đình Thi, nhiều vở kịch cũng gặp rắc rối nhưng sự thật vẫn là sự thật, chân lý vẫn là chân lý. “Con nai đen”
đã dự cảm và phát hiện sớm cái xấu, cái ác xuất hiện và hoành hành trong đời sống xã hội khi chủ nghĩa cá nhân phát triển và chi phối đến nhiều hoạt động xã hội. Đối với thể loại kịch, Nguyễn Đình Thi cũng có nhiều tìm tòi. Ông kết hợp giữa kịch và kể chuyện nhưng cũng không dễ thành công. Vở “Hoa và Ngần” trong một lần tôi đi xem ở một nhà hát trên sân khấu có ghi một hàng chữ to “Hoa và Ngần, kể chuyện sân khấu”. Kịch là xung đột, không phải là chuyện tản mạn đời thường. Kịch là quy tụ bắt lấy cốt lõi của cuộc sống trong một khoảnh khắc rất có giới hạn, chỉ một vài tiếng đồng hồ nên rất khó kết hợp giữa kể chuyện và kịch. Trong các vở kịch nổi tiếng như “Rừng trúc”, “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”, Nguyễn Đình Thi nhấn mạnh đến những xung đột về tư tưởng. Không chỉ là xung đột giữa cá nhân với hoàn cảnh, giữa tính cách cá nhân với cá nhân mà sâu xa hơn là xung đột giữa các hệ tư tưởng, giữa tư tưởng chi phối các quyền lực và bị các quyền lực chi phối. Nguyễn Đình Thi đã thể hiện thành công hướng sáng tạo đó. Kịch Nguyễn Đình Thi dễ tạo nên nhiều liên tưởng. Liên tưởng đến thị hiếu, lối sống và đạo lý của con người nhưng sâu xa hơn, có thể liên tưởng đến những vấn đề về chính trị, về quyền lực xã hội. Cũng vì thế dễ gây những ý kiến trái chiều, thậm chí những bất đồng trong cách đánh giá.
Có thể nói, một văn với hơn nửa thế kỷ sáng tạo với qua nhiều thể loại: nhạc, thơ, tiểu thuyết, kịch, tác giả luôn tìm tòi cái mới và dường như cái mới nào được phát hiện cũng gặp những trở ngại nhưng rồi ông đã vượt qua, đã thắng lợi. Có lần ông tự nhận xét: “Nhiều tác phẩm của mình là ở ngoài luồng, không phải là chính thống, lúc thì bị xem là tiền phong chủ nghĩa, lúc thì bị gọi là đa tình, đa cảm…”. Năm tháng trôi qua, những ý kiến hẹp hòi, soi mói đã bị bác bỏ, chỉ còn lại những tác phẩm văn chương trong sáng, tươi mới như nó vốn có. Nghệ thuật chính là sự tìm tòi và hạnh phúc của người nghệ sĩ chính là ý thức say mê tìm tòi cái mới và càng hạnh phúc hơn là những tìm tòi trong nghệ thuật đã thành công, đã đơm hoa kết trái.
Hà Nội, 20.4.2013
GS Hà Minh Đức