Soạn bài Ngữ cảnh – Lớp 11

NGỮ CẢNH

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Khái niệm

– Ngữ cảnh là tất cả những gì có liên quan đến việc tạo lập và hiểu câu nói, bao gồm văn cảnh và tình huống giao tiếp
– Văn cảnh là những từm ngữ, câu đi trước hoặc đi sau một đơn vị ngôn ngữ đang xét.
– Tình huống giao tiếp: Trước hết, đó là tình huống giao tiếp cụ thể, tức hoạt động giao tiếp diễn ra ở đâu, bao giờ, các bên tham gia giao tiếp gồm những ai.

Trong tình huống giao tiếp, quan hệ giữa các nhân vật giao tiếp là yếu tố quan trọng, bao gồm: quan hệ xã hội (quan hệ thân sơ, quan hệ vị thế), trạng thái tâm lí, hiểu biết, chủ đề giao tiếp, mục đích giao tiếp, công cụ giao tiếp…
Tình huống giao tiếp còn được hiểu rộng hơn là bối cảnh văn hoá, xã hội, chính trị… của cuộc giao tiếp.

II. RÈN KĨ NĂNG

1. Những yếu tố làm nên ngữ cảnh của cuộc giao tiếp trong trích đoạn tuồng Đổng Mẫu.

– Văn cảnh là lời đối thoại giữa các nhân vật về việc ép Đổng Mẫu hàng họ Tạ.
– Tình huống giao tiếp bao gồm:

+ Dưới triều nhà Tề ở Trung Quốc, trong phủ họ Tạ.
+ Các nhân vật giao tiếp chia làm hai phe: chính nghĩa có Đổng Mẫu, Đổng Kim Lân (quan hệ thân sơ – hai mẹ con), phe phi nghĩa có Hổ Bôn, Lôi Nhược, Ôn Đình (vừa quan hệ vị thế – anh em, vừa quan hệ thân sơ – chủ tớ). Hai phe ở trong tình thế đối nghịch nhau. Ngôn ngữ, cách xưng hô của các nhân vật thay đổi theo diễn biến nội dung câu chuyện.
+ Tình huống giao tiếp: Thái sư Tạ Thiên Lăng cướp ngôi vua Tề, Đổng Kim Lân không chịu khuất phục. Anh em Tạ Thiên Lăng sai bắt mẹ Kim Lân để buộc chàng phải quy thuận. Nhưng Đổng Mẫu đã không chịu khuất phục, bà thà chịu chết chứ không chấp nhận để con trai quy hàng giặc Tạ.

READ:  Tìm hiểu đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia của Vũ Trọng Phụng

2. Cuộc giao tiếp giữa nhà văn và độc giả là một cuộc giao tiếp đặc biệt, ngoài các yếu tố chung của hoạt động giao tiếp, cuộc giao tiếp này có một số điểm khác biệt với giao tiếp hàng ngày.

– Nhân vật giao tiếp không đối diện nhau.
– Nội dung giao tiếp là vấn đề nhà văn đặt ra trong tác phẩm, sản phẩm sáng tạo của nhà văn.
– Công cụ giao tiếp là ngôn ngữ, là hình tượng nghệ thuật do nhà văn xây dựng trong tác phẩm.
– Hoàn cảnh giáo tiếp rất đa dạng.
– Quan hệ giao tiếp: người sáng tạo – người thưởng thức.

3. Khi tìm hiểu một tác phẩm cụ thể, để hiểu rõ, đúng và sâu sắc nội dung tác phẩm, cần phải tìm hiểu hoàn cảnh ra đời của tác phẩm và tiểu sử của nhà văn là vì:

– Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm chính là một yếu tố quan trọng của tình huống giao tiếp. Đó là bối cảnh văn hoá xã hội của hoạt động giao tiếp. Hoạt động giao tiếp bao gồm hai tầng: cuộc giao tiếp giữa nhà văn và bạn đọc, cuộc giao tiếp giữa các nhân vật trong tác phẩm.
– Tiểu sử tác giả cũng là một yếu tố của hoàn cảnh giao tiếp, nó ảnh hưởng và để lại dấu ấn trong sáng tác của nhà văn. Tìm hiểu tiểu sử của nhà văn là tìm hiểu về hoàn cảnh và nhân vật giao tiếp.

READ:  Soạn bài Tiến sĩ giấy - Nguyễn Khuyến

Ví dụ: Tìm hiểu Chiếu cầu hiền cần biết:

– Ngô Thì Nhậm là ai, sinh vào thời nào, là người ra sao, tại sao lại viết Chiếu cầu hiền?
– Chiếu cầu hiền được viết trong hoàn cảnh nào và với mục đích gì?
Từ đó mới thấy được việc Quang Trung giao cho Ngô Thì Nhậm viết Chiếu cầu hiền trong hoàn cảnh đó là đúng đắn và cần thiết. Những lí lẽ mà tác giả đưa ra trong bản chiếu đã thể hiện được đường lối trị nước đúng đắn của vua Quang Trung.

4. Cách xưng hô của nhân vật trong đoạn trích Cha tôi của Đặng Huy Trứ có sự thay đổi khi sang trọng khi thân mật là do ngữ cảnh đối thoại quy định. Cùng một nhân vật nhưng khi tham gia vào những cuộc giao tiếp khác nhau (khác về đối tượng giao tiếp, khác về nội dung giao tiếp, khác về mục đích giao tiếp, khác về ngữ cảnh, …) sẽ có vị thế giao tiếp khác nhau. Vì vậy, cách xưng hô của nhân vật trong từng tình huống phải thay đổi linh hoạt cho phù hợp. Ví dụ: Các sĩ tử khi nghe công bố kết quả thi thì gọi Đặng Văn Trọng là tiên sinh bởi vì quan hệ giữa các sĩ tử và Đặng Văn Trọng là quan hệ đồng môn, Đặng Văn Trọng là người lớn tuổi hơn và có tài. Cách gọi ấy thể hiện thái độ tôn trọng của các sĩ tử đối với ông.