Nguồn gốc Nhà nước
* Một số quan điểm về nguồn gốc Nhà nước:
Lịch sử loài người đã có thời kỳ không có Nhà nước và pháp luật. Nhưng từ khi Nhà nước và pháp luật xuất hiện thì đó là một hiện tượng phức tạp và liên quan chặt chẽ đến lợi ích của các giai cấp, các tầng lớp và các dân tộc trong xã hội. Giải thích về hiện tượng này có nhiều quan điểm học thuyết khác nhau, chẳng hạn:
– Thuyết thần học cho rằng: Nhà nước là do thượng đế tạo ra để duy trì một trật tự chung cho xã hội. Do vậy Nhà nước có một quyền lực hết sức to lớn và mang tính vĩnh cửu.
– Thuyết khế ước xã hội cho rằng: Nhà nước ra đời do bản khế ước (hợp đồng) những thành viên trong xã hội chưa có giai cấp xác lập nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
– Thuyết tâm lý cho rằng: Nhà nước do tâm lý phụ thuộc vào các thủ lĩnh của bộ lạc.
– Thuyết bạo lực cho rằng: Nhà nước ra đời do sự đấu tranh giữa các bộ lạc, bộ lạc thắng xây dựng một hệ thống các quy tắc, đó là Nhà nước.
– Thuyết gia trưởng cho rằng: Nhà nước là kết quả của sự phát triển gia đình và quyền gia trưởng, thực chất là quyền gia trưởng mở rộng.
* Quan điểm của Chủ nghĩa Mác – LêNin về nguồn gốc Nhà nước:
Nhà nước là một hiện tượng lịch sử. Nó có quá trình hình thành, phát triển và tiêu vong khi xã hội đã phát triển đạt đến một trình độ nhất định.
Khái niệm Nhà nước:
Từ việc xem xét nguồn gốc của Nhà nước có thể đi đến một định nghĩa chung về Nhà nước như sau: Nhà nước là một tổ chức quyền lực chính trị công cộng đặc biệt, có bộ máy chuyên làm nhiệm vụ cường chế và thực hiện chức năng quản lý xã hội, thể hiện và bảo vệ trước hết là lợi ích của giai cấp thống trị trong xã hội có giai cấp đối kháng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản trong xã hội XHCN.
Bản chất Nhà nước
Khi bàn về vấn đề bản chất Nhà nước, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – LêNin cho rằng đó là vấn đề mấu chốt, cơ bản trong mọi thời đại, trong toàn bộ nền chính trị, vì nó động chạm đến giai cấp thống trị. Làm rõ bản chất của Nhà nước tức là xác định Nhà nước đó là của ai? Do giai cấp nào tổ chức nên và lãnh đạo ? Phục vụ trước hết cho giai cấp nào ?
Đi từ phân tích nguồn gốc Nhà nước, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác khẳng định rằng: Nhà nước, xét về mặt bản chất, trước hết là một bộ máy trấn áp đặc biệt của giai cấp này đối với giai cấp khác, là bộ máy để duy trì sự thống trị giai cấp.
Trong xã hội có giai cấp đối kháng, sự thống trị của giai cấp này đối với giai cấp khác phải được thể hiện trên 3 mặt: Kinh tế ,chính trị, tư tưởng. Muốn đạt được hiệu quả thống trị, giai cấp thống trị không thể không sử dụng Nhà nước như một công cụ sắc bén. Chỉ thông qua Nhà nước, quyền lực kinh tế mới đủ sức mạnh để duy trì được quan hệ bóc lột. Có trong tay công cụ là Nhà nước giai cấp chiếm ưu thế về kinh tế mới bảo vệ được quyền sở hữu của mình, đàn áp được sự phản kháng của giai cấp bóc lột và trở thành giai cấp thống trị về chính trị. Cũng thông qua Nhà nước, với tư cách là một tổ chức đặc biệt của quyền lực chính trị, giai cấp thống trị tổ chức và thực hiện quyền lực chính trị của mình, hợp pháp hoá ý trí giai cấp của mình thành ý chí Nhà nước và do đó buộc các giai cấp khác phải tuân theo trật tự phù hợp lợi ích của giai cấp thống trị. Nắm quyền lực về kinh tế và chính trị, bằng con đường Nhà nước, giai cấp thống trị xây dựng hệ tư tưởng của giai cấp mình thành hệ tư tưởng thống trị xã hội , buộc các giai cấp khác phải lệ thuộc về mặt tư tưởng.
Nhà nước là công cụ sắc bén nhất thể hiện và thực hiện ý chí giai cấp cầm quyền. Nó củng cố và bảo vệ trước hết lợi ích của giai cấp thống trị xã hội. Do vậy, bao giờ Nhà nước cũng mang bản chất giai cấp sâu sắc. Trong các xã hội bóc lột (chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư sản) , Nhà nước có bản chất chung là bộ máy đặc biệt nhằm duy trì sự thống trị về chính trị, kinh tế, tư tưởng của thiểu số đối với đông đảo quần chúng lao động, thực hiện nền chuyên chính của giai cấp bóc lột. Trái lại Nhà nước XHCN là bộ máy để củng cố địa vị thống trị và bảo vệ lợi ích của giai cấp và nhân dân lao động, đảm bảo sự thống trị của đa số đối với thiểu số.
Tuy nhiên, một Nhà nước sẽ không thể tồn tại nếu chỉ phục vụ lợi ích của giai cấp thống trị mà không tính đến lợi ích, nguyện vọng và ý chí của các giai tầng khác trong xã hội. Vì vậy, ngoài tư cách là bộ máy nhằm duy trì sự thống trị của giai cấp này đối với giai cấp khác, Nhà nước còn là một tổ chức quyền lực công, là phương thức tổ chức đảm bảo lợi ích chung của xã hội. Trong thực tế Nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh nhằm bảo vệ sự ổn định, trật tự xã hội. Đây chính là tính chất xã hội của Nhà nước.Như vậy, việc xác định bản chất của Nhà nước phải được xem xét trên cơ sở đánh giá cơ cấu xã hội, quan hệ giữa các giai cấp trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể, trong mỗi hình thái kinh tế xã hội khác nhau, Nhà nước mang bản chất khác nhau.