Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3-2-1930. Phân tích nội dung cơ bản của Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt của Đảng. Ý nghĩa của việc thành lập Đảng?

  1. Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3-2-1930

Trong những năm 1924-1929, phong trào công nhân Việt Nam phát triển mạnh với ý thức giai cấp và ý thức chính trị ngày càng rõ rệt đã tạo thành làn sóng cách mạng dân tộc, dân chủ mạnh mẽ, trong đó, giai cấp công nhân đã thật sự trở thành lực lượng chính trị độc lập, tạo ra những điều kiện chín muồi cho sự phân hoá tích cực trong “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội” và trong Đảng Tân Việt dẫn đến việc hình thành những tổ chức cộng sản ở Việt Nam. Đó là: Đông Dương cộng sản đảng, An Nam cộng sản đảng, Đông Dương cộng sản liên đoàn. Các tổ chức này hoạt động riêng rẽ, tranh giành quần chúng. Thực tiễn đó đòi hỏi cấp thiết phải có sự lãnh đạo thống nhất, chặt chẽ của một chính đảng duy nhất của giai cấp công nhân Việt Nam.

Quốc tế cộng sản đã gửi thư cho những người cộng sản ở Đông Dương, kêu gọi thành lập một Đảng Cộng sản duy nhất.

– Được sự uỷ nhiệm của Quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập Hội nghị đại biểu các tổ chức cộng sản ở Hương Cảng từ ngày 3 đến ngày 7-2-1930 để hợp nhất thành một Đảng Cộng sản duy nhất.

Tham gia hội nghị có hai đại biểu của Đông Dương cộng sản đảng, hai đại biểu của An Nam cộng sản đảng.

Hội nghị đã nghe Nguyễn Ái Quốc phân tích tình hình trong nước và ngoài nước, phê bình những hành động thiếu thống nhất giữa các tổ chức cộng sản, đề nghị các tổ chức cộng sản đoàn kết, thống nhất lại thành một đảng duy nhất.

Các đại biểu nhất trí bỏ thành kiến, thành thật hợp tác để thống nhất thành một Đảng cộng sản duy nhất, đó là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt, Chương trình tóm tắt của Đảng về cách tổ chức các đoàn thể quần chúng và điều lệ tóm tắt của công hội, nông hội, hội thanh niên, hội phụ nữ, hội phản đế đồng minh (tức là mặt trận dân tộc thống nhất chống đế quốc).

– Vạch kế hoạch tiến hành hợp nhất các tổ chức cộng sản ở trong nước và cử Ban Chấp hành Trung ương lâm thời.

Nguyễn Ái Quốc đã ra lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng.

  1. Nội dung cơ bản của Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt của Đảng

Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng 3-2-1930 tuy còn sơ lược, nhưng đã vạch ra đường lối cơ bản, đúng đắn cho cách mạng Việt Nam, là Cương lĩnh đầu tiên của Đảng.

READ:  Sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và ý nghĩa của sự kiện đó

Nội dung của Cương lĩnh tóm tắt:

– Đường lối chiến lược của cách mạng: Trên cơ sở phân tích tình hình kinh tế, giai cấp, xã hội nước ta, Cương lĩnh viết: “Chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”.

– Nhiệm vụ của cách mạng tư sản dân quyền ở nước ta là đánh đuổi đế quốc Pháp xâm lược và đánh đổ bọn phong kiến tay sai, làm cho nước Việt Nam được độc lập tự do; tịch thu ruộng đất của bọn đế quốc, phong kiến để làm của công và chia cho dân nghèo; chuẩn bị và lãnh đạo nông dân nghèo làm cách mạng ruộng đất, quốc hữu hoá toàn bộ xí nghiệp của bọn đế quốc; thành lập chính phủ công nông binh và tổ chức quân đội công nông.

Các nhiệm vụ trên bao hàm cả nội dung dân tộc và dân chủ, chống đế quốc và chống phong kiến. Song, nổi bật lên là nhiệm vụ chống đế quốc và tay sai phản động, giành độc lập, tự do cho dân tộc.

– Lực lượng để đánh đổ đế quốc và phong kiến trước hết là công nông. Đảng phải thu phục cho được công nông và làm cho giai cấp công nhân lãnh đạo được đông đảo quần chúng ; đồng thời “Phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông… để kéo họ về phía vô sản giai cấp”. Đối với phú nông, trung tiểu địa chủ và tư sản Việt Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng hoặc trung lập. Bộ phận nào đã rõ mặt phản cách mạng thì phải đánh đổ. Trong khi liên lạc tạm thời với các giai cấp, phải rất cẩn thận, không khi nào nhượng bộ một chút lợi ích gì của công nông mà đi vào đường lối thoả hiệp. Giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng.

Đánh đổ chủ nghĩa đế quốc Pháp và bọn phong kiến, “làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập”, “lập ra chính phủ công binh” và “quân đội công nông” bằng phương pháp bạo lực cách mạng, bằng sức mạnh mọi mặt của quần chúng, chứ không phải bằng con đường cải lương, thoả hiệp.

– Cách mạng Việt Nam là bộ phận của Cách mạng thế giới, phải đoàn kết với các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản quốc tế, nhất là giai cấp công nhân Pháp.

– Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng. “Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp”, cho nên Đảng có trách nhiệm thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng; “phải thu phục cho được đại đa số dân cày và phải dựa chắc vào dân cày nghèo”, phải liên lạc với các giai cấp cách mạng và các tầng lớp yêu nước để đoàn kết họ lại. Đảng là một khối thống nhất ý chí và hành động. Đảng viên phải “hăng hái tranh đấu cẩn thận và dám hy sinh, phục tùng mệnh lệnh Đảng và đóng kinh phí, chịu phấn đấu trong một bộ phận Đảng”.

  1. Ý nghĩa của việc thành lập Đảng

– Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam mang tầm vóc một Đại hội thành lập Đảng. Hội nghị đã quy tụ toàn bộ phong trào công nhân và phong trào yêu nước dưới sự lãnh đạo của một đội tiên phong duy nhất của cách mạng, với đường lối cách mạng đúng đắn, dẫn tới sự thống nhất về tư tưởng và hành động của phong trào cách mạng cả nước.

READ:  So sánh với những nội dung những văn kiện thông qua trong Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam?

– Đảng ra đời đánh dấu một bước ngoặt căn bản trong lịch sử cách mạng nước ta, chấm dứt thời kỳ cách mạng ở trong tình trạng “đen tối như không có đường ra”, chấm dứt thời kỳ bế tắc, khủng hoảng về đường lối cứu nước, là sự kiện có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam từ đó về sau.

– Đảng ra đời là biểu hiện sự xác lập vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân Việt Nam, khẳng định quá trình từ đấu tranh tự phát đến đấu tranh tự giác.

– Đảng ra đời là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh dân tộc và giai cấp ở Việt Nam trong thời đại mới. Đảng là sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam trong những năm 20 của thế kỷ này.

Hồ Chí Minh đã viết: “Việc thành lập Đảng là bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng”.