Một số đề văn mẫu và dàn bài dành cho lớp 6

MỘT SỐ ĐỀ VÀ DÀN BÀI MÔN VĂN LỚP 6

VĂN TỰ SỰ

Đề 1. Trong vai Âu Cơ (hoặc Lạc Long Quân), hãy kể lại câu chuyện Con Rồng cháu Tiên.

*Yêu cầu

  • Dạng bài: Kể chuyện tưởng tượng (dựa theo truyện): đóng vai một nhân vật kể lại.
  • Nội dung

Kể lại truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên theo lời nhân vật Âu Cơ (hoặc Lạc Long Quân). Kể đủ, chính xác các sự việc, chi tiết chính của câu chuyện. Có thể tưởng tượng thêm chi tiết để làm nổi rõ ý nghĩa đề cao nguồn gốc cao quý của dân tộc Việt và ý nguyện đoàn kết…

  • Hình thức

+ Ngôi kể thứ nhất, bộc lộ thái độ, cảm xúc của người kể.

+ Xen miêu tả, đối thoại cho lời kể sinh động.

Đề 2. Tưởng tượng và kể lại cuộc gặp gỡ với một nhân vật trong truyền thuyết mà em đã học.

*Yêu cầu

  • Kiểu bài: Kể chuyện tưởng tượng.
  • Nội dung:

+ Tưởng tượng và kể lại hoàn cảnh gặp gỡ với nhân vật (trong một giấc mơ sau khi được học, được đọc hoặc nghe kể về câu chuyện có nhân vật ấy khi đi tham quan đến một nơi có khung cảnh thiên nhiên gợi nhớ đến câu chuyện và nhân vật…).

+ Kể lại diễn biến: Căn cứ sự việc liên quan đến nhân vật (do nhân vật tạo ra

hoặc liên quan đến nhân vật).

  • Hình thức:

+ Xây dựng một số lời thoại với nhân vật để từ đó hiểu thêm về nhân vật, hiểu thêm ý nghĩa truyện…

+ Kể đan xen với tả, bộc lộ cảm xúc.

Đề 3. Trong vai Lang Liêu, kể lại chuyện Bánh chưng, bánh dày.

*Yêu cầu

  • Kiểu bài: đóng vai nhân vật kể lại truyện.
  • Nội dung: Kể lại đầy đủ các sự việc chính của câu chuyện. Thể hiện niềm vui sướng, tự hào khi thấy được giá trị của hạt gạo và thành quả từ bàn tay lao động của mình.
  • Hình thức: Dùng ngôi thứ nhất để kể lại. Lời kể cần thể hiện cảm xúc, có hình ảnh.

Đề 4. Trong vai người mẹ, hãy kể lại câu chuyện Thánh Gióng.

*Yêu cầu

  • Kiểu bài: kể chuyện tưởng tượng, đóng vai một nhân vật để kể.
  • Nội dung: kể đầy đủ các sự việc chính của truyện (Gióng ra đời kỳ lạ, Gióng trở thành tráng sĩ, Gióng giết giặc cứu nước rồi bay về trời).
  • Thể hiện được cảm xúc của nhân vật về một số chi tiết trong truyện (vui mừng khi Gióng chào đời; tâm trạng buồn khi giặc Ân chuẩn bị xâm lược trong khi Gióng đã ba tuổi vẫn chưa nói, chưa cười, đặt đâu nằm đấy; ngạc nhiên, xúc động khi Gióng cất tiếng nói đầu tiên là đòi đi giết giặc…).
  • Hình thức: kể ở ngôi thứ nhất, thêm đối thoại.

Đề 5. Kể lại một kỷ niệm đáng nhớ thời thơ ấu của mình.

*Yêu cầu

 Kiểu bài: kể chuyện đời thường.

  • Nội dung:

+ Đó phải là một kỷ niệm để lại trong tâm hồn em những ấn tượng sâu sắc, khó phai mờ (có thể là kỷ niệm với một người thân; kỷ niệm với bạn bè, thầy cô; kỷ niệm về một chuyến đi…).

+ Kể lại diễn biến kỷ niệm ấy một cách hợp lý, các sự việc liên kết chặt chẽ. Câu chuyện để lại trong tâm hồn em một bài học, một cảm xúc sâu lắng…

  • Hình thức: Dùng lời kể ngôi thứ nhất.

Đề 6. Kể lại chuyện mình (hoặc một bạn) từng mắc lỗi.

*Yêu cầu

  • Kiểu bài: kể chuyện đời thường
  • Nội dung: kể về một lần em mắc lỗi (không nghe lời ông bà, cha mẹ, thầy cô…; một việc làm thiếu trung thực…) làm cha mẹ (hoặc thầy, cô…) phiền lòng, bản thân em rất ân hận. Các chi tiết trong truyện cần hợp lý, chân thực.
  • Hình thức: Kể ở ngôi thứ nhất, lời kể phải thể hiện được thái độ, cảm xúc của bản thân.

Đề 7. Hãy kể chuyện về gia đình em vào một chiều thứ bảy. 

*Yêu cầu

  • Kiểu bài: kể chuyện đời thường
  • Nội dung: Kể, tái hiện được không khí, quang cảnh ấm cúng, hạnh phúc… trong gia đình em vào chiều thứ bảy (ví dụ: lời hỏi han trìu mến của ông bà, cử chỉ yêu thương của cha mẹ, sự quan tâm lẫn nhau của những thành viên trong gia đình…).
  • Hình thức: Kể kết hợp với miêu tả (ánh mắt, nụ cười, cử chỉ âu yếm…), bộc lộ cảm xúc của em về quang cảnh ấy.

Đề 8. Hãy tưởng tượng và kể lại cuộc trò chuyện, tâm sự giữa các đồ dùng học tập. 

*Yêu cầu

  • Kiểu bài: kể chuyện tưởng tượng, nhân vật là đồ vật.
  • Nội dung: Tưởng tượng tình huống nghe được cuộc trò chuyện một cách hợp lý (Ví dụ: do cẩu thả làm mất một đồ dùng học tập phải đi tìm hoặc đêm khuya nghe thấy tiếng những đồ dùng than thở, tâm sự vì bất bình trước tính nghịch ngợm, cẩu thả của cô, cậu chủ…). Kể diễn biến cuộc trò chuyện để toát lên khéo léo ý nghĩa giáo dục đối với học sinh. Khi kể diễn biến cần rõ hai sự việc: lúc đầu các đồ dùng mới được mua về và sau đó các đồ dùng bị đối xử không tốt như thế nào…
  • Hình thức: Sử dụng nghệ thuật nhân hóa, viết các đoạn, câu đối thoại một cách sinh động.

Đề 9. Trong buổi lễ đăng quang, Lang Liêu đã kể cho mọi người nghe về sự ra đời của hai loại bánh chưng, bánh giầy. Hãy ghi lại lời kể ấy. 

*Yêu cầu

  • Kiểu bài: đóng vai một nhân vật kể lại chuyện.
  • Nội dung: kể lại đầy đủ các sự việc, chi tiết chính của truyện: Vua cha chọn người nối ngôi, được thần báo mộng, làm bánh, được nối ngôi, tục làm bánh ngày Tết. Các sự việc, chi tiết cần làm rõ ý nghĩa đề cao lao động sáng tạo, nghề nông trồng lúa.
  • Hình thức: Dùng ngôi kể thứ nhất. Thứ tự kể ngược bắt đầu từ sự việc cuối. Lời kể có cảm xúc, gợi không khí thời xưa, dùng từ phù hợp.
READ:  Chứng minh Nguyên Hồng là nhà văn của phụ nữ và trẻ em qua đoạn trích Trong lòng mẹ

Đề 10. Tưởng tượng cuộc thi của các loài hoa và trong vai một loài hoa, em hẫy kể lại cuộc thi đó. 

*Yêu cầu

  • Kiểu bài: Kể chuyện tưởng tượng.
  • Nội dung: Giới thiệu cuộc thi (tình huống mở cuộc thi hợp lý). Diễn biến cuộc thi kể lần lượt các sự việc, mỗi sự việc kể về phần thi của một nhân vật. Qua cuộc thi cần thể hiện rõ ý nghĩa: quan niệm về vẻ đẹp toàn diện.
  • Hình thức: Sử dụng ngôi kể thứ nhất – nghệ thuật nhân hóa, đan xen tả vẻ đẹp riêng các loài hoa. Lời kể giàu hình ảnh và cảm xúc.

Đề 11. Kể lại tâm sự của cây bàng (hoặc cây phượng) non bị lũ trẻ bẻ cành lá. 

*Yêu cầu

  • Kiểu bài: Kể chuyện tưởng tượng.
  • Nội dung: Ghi lại những lời tâm sự của một cây bàng non (hoặc cây phượng) trong một tình huống cụ thể: bị lũ trẻ bẻ gãy cành rụng lá. Nội dung lời kể cần chú ý tưởng tượng những chi tiết có ý nghĩa, biểu hiện tâm trạng đau đớn, xót xa… Qua câu chuyện, người đọc rút ra được bài học nào đó về ý thức bảo vệ môi trường.
  • Hình thức: Có thể dùng ngôi kể thứ nhất – nhân vật trung tâm là cây bàng non để kể. Nghệ thuật nhân hóa được sử dụng sáng tạo, hợp lý.

Đề 12. Tưởng tượng và kể lại câu chuyện mười năm sau khi về thăm trường cũ.

*Yêu cầu

  • Dạng kể chuyện tưởng tượng về tương lai.
  • Nội dung: Tưởng tượng chuyến về thăm ngôi trường em đang học hiện tại vào 10 năm sau, thể hiện được tình cảm gắn bó với mái trường, thầy cô, bạn bè. Nội dung kể cần có những sự việc, chi tiết hợp lý, cảm động, bất ngờ: gặp lại thầy, cô giáo cũ, gặp lại bạn bè cùng lớp, quang cảnh trường với những đổi thay…
  • Hình thức: Dùng ngôi kể thứ nhất.

Đề 13. Tưởng tượng và kể lại chuyện cổ tích Sọ Dừa theo một kết thúc mới. 

*Yêu cầu

  • Kiểu bài: Kể chuyện tưởng tượng.
  • Nội dung:

+ Nên kể theo mạch phát triển của truyện cổ dân gian. Tuy khi kể có sự sáng tạo nhưng nội dung vẫn phải bảo đảm trung thành với những ý chính của nguyên bản.

+ Thêm bớt một số chi tiết cho phù hợp với nội dung chuyện kể.

+ Bài làm phải đảm bảo màu sắc và không khí của truyện dân gian.

+ Phần kết truyện không theo nguyên bản, ở đây đưa ra một kết cục mới, kết cục này có liên kết và bám theo mạch truyện.

  • Hình thức: Vừa kể vừa có thể nêu cảm nghĩ của bản thân về câu chuyện.

Đề 14. Em đã được học rất nhiều cô giáo và có những kỷ niệm sâu sắc, hãy kể lại một trong những kỷ niệm đó. 

*Yêu cầu

  • Kiểu bài: kể chuyện về một nhân vật – Nội dung:

+ Giới thiệu cô giáo từng dạy, có ấn tượng và nhiều kỷ niệm. Chú ý là cô giáo Tiểu học (vì người kể đang học lớp 6).

+ Trong số rất nhiều kỷ niệm, nên chọn kỷ niệm đáng nhớ nhất (Đó là kỷ niệm gì? Xảy ra khi nào? Xảy ra như thế nào? Vì sao lại xảy ra việc đó? Kết thúc ấy như thế nào?

+ Em suy nghĩ gì về kỷ niệm đó (việc làm đối với cô và thấy được những gì cô đã làm cho mình).

  • Hình thức: Kể theo ngôi thứ nhất, kể xen bộc lộ tình cảm.

Đề 15. Em hãy kể về một chuyến về thăm quê nội hoặc quê ngoại. 

*Yêu cầu

  • Kiểu bài: văn kể chuyện (kết hợp miêu tả).
  • Nội dung:

+ Trình bày thời gian, không gian: quê ở đâu, đường về thế nào, về thăm khi nào?

+ Miêu tả những nét cơ bản nhất về phong cảnh làng quê (cây đa, bến nước…).

+ Những kỉ niệm thân thuộc từ thuở nhỏ, những ấn tượng sâu sắc.

+ Xúc cảm khi về quê cũng như khi chia tay.

+ Tình cảm sâu nặng đối với quê hương.

  • Hình thức: Kể theo ngôi thứ nhất, kể xen bộc lộ cảm xúc.

Đề 16. Nhân dịp cùng bố mẹ đi thăm quan em đã được làm quen với một người bạn mới. Dù cuộc gặp gỡ thật ngắn ngủi nhưng tình bạn ấy vẫn là một kỷ niệm khó phai. Em hãy kể lại.

*Yêu cầu

Kể lại cuộc gặp gỡ ngắn ngủi (trong chuyến du lịch) với một người bạn nhưng đã để lại trong em kỷ niệm khó phai.

*Nội dung:

  • Câu chuyện được kể phải sắp xếp theo một trình tự hợp lý tự nhiên. Việc làm quen diễn ra thật ấn tượng, vừa bất ngờ vừa lô gích, phù hợp với hoàn cảnh, mạch truyện, tránh gượng ép.
  • Câu chuyện kể đòi hỏi sự sáng tạo, có kịch tính, hấp dẫn lôi cuốn có độ lắng, có

dư âm của tình bạn đẹp, hồn nhiên, trong sáng, nhân ái.

  • Miêu tả sơ qua về hình dáng, chú trọng về hoàn cảnh, tính tình… của bạn. Điều quan trọng vừa là phải thể hiện được tình cảm của mình đối với bạn và tình cảm của hai người với nhau.
  • Nêu bật được ý nghĩa nhân văn trong câu chuyện kể.

*Hình thức: 

Kể theo ngôi thứ nhất.

Đề 17. Kể về một thầy (cô) giáo kính yêu nhất của em.

*Yêu cầu

Nêu được tình cảm với thầy (cô) giáo mà người viết yêu kính nhất.

*Nội dung

  • Giới thiệu người thầy (cô) giáo dạy mình.
  • Miêu tả dáng qua dáng vóc, ăn mặc… đặc biệt là những chi tiết liên quan đến tính cách, phẩm chất… của thầy (cô) giáo.
  • Dẫn dắt chuyện hợp lý, lô gích, phù hợp với tính cách nhân vật, cần có chi tiết bất ngờ, thú vị có sức lôi cuốn người đọc.
  • Thầy (cô) giáo có ý nghĩa với tuổi thơ của người viết như thế nào?
READ:  Chứng minh bảo vệ rừng bảo vệ cuộc sống của chúng ta

*Hình thức:

Kể theo ngôi thứ nhất. Giọng kể thể hiện cảm xúc trân trọng, gần gũi, thân thương đối với thầy (cô) giáo.

Đề 18. Trong vai ông Lão, cá vàng hoặc mụ vợ hãy kể lại chuyện Ông lão đánh cá và con cá vàng.

*Yêu cầu

  • Kiểu bài: đóng vai nhân vật kể lại truyện.

*Nội dung

Kể lại đầy đủ các sự việc chính của câu chuyện.

Giả sử trong vai mụ vợ, cần thể hiện tâm trạng ăn năn, hối lỗi của nhân vật mụ vợ – bài học rút ra từ thói tham lam, bội bạc.

*Hình thức

Dùng ngôi thứ nhất kể lại. Lời kể cần có cảm xúc, giàu hình ảnh.

 

VĂN MIÊU TẢ: TẢ CẢNH, TẢ NGƯỜI

  1. MỘT SỐ ĐỀ VÀ DÀN BÀI

 Đề 1. Miêu tả cô giáo đang say sưa giảng bài trên lớp.

  • Mở bài: Giới thiệu khung cảnh lớp học, tên cô giáo hoặc tên môn học.
  • Thân bài: Miêu tả những nét tiêu biểu về cử chỉ, hình dáng, điệu bộ, biểu hiện sư phạm của cô giáo… gắn với diễn biến của bài học hoặc giờ học.
  • Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em về cô giáo qua giờ học đó.

Xem bài mầu: Em hãy tả hình dáng và tính tình thầy/cô giáo đã dạy em trong những năm học trước mà em nhớ nhất.

 Đề 2. Em hãy tả dòng sông mùa lũ. 

*Yêu cầu

  • Kiểu bài: văn miêu tả.
  • Nội dung: Có thể tả từ xa đến gần, từ khái quát đến cụ thể. Dòng sông trong mùa lũ như thế nào? Nước dâng cao ra sao, có màu gì? Tả cảnh hai bên bờ sông, cảnh những con thuyền vất vả vượt lên trên dòng nước lũ…
  • Hình thức: Lời văn trong sáng, giàu cảm xúc.

Đề 3. Hãy miêu tả lại cô giáo lúc đang say sưa giảng bài. 

*Yêu cầu

  • Kiểu bài: Văn tả người.
  • Nội dung: Miêu tả qua dáng vóc, cách ăn mặc… đặc biệt là những chi tiết liên quan đến tính cách, phẩm chất… của cô.
  • Khi tả cô giáo đang giảng bài, cần chú ý các chi tiết: giọng điệu, cử chỉ, nội dung bài được cô thể hiện như thế nào? Bài giảng của cô tác động như thế nào đối với người nghe?
  • Cô có ý nghĩa với tuổi thơ của người viết như thế nào?
  • Hình thức: Lời văn giàu cảm xúc, thể hiện tình cảm trân trọng gần gũi, thân thương đối với cô giáo.

Đề 4. Hãy miêu tả ngôi nhà em ở. 

*Yêu cầu

  • Kiểu bài: tả sự vật.
  • Nội dung: tả ngôi nhà. Nhưng đó không phải là ngôi nhà bình thường mà là “ngôi nhà em đang ở”, tức là giữa chủ thể và đối tượng đã xác lập được quan hệ đặc biệt gần gũi, do đó dễ khơi gợi cảm xúc.
  • Hình thức: Khi tả phải kết hợp giữa tả sự vật và tả tâm trạng để làm nổi bật hình ảnh ngôi nhà với nghĩa “tổ ấm”.

Đề 5. Em hãy miêu tả quang cảnh tưng bừng nơi em ở vào một ngày đầu xuân mới. 

*Yêu cầu

 Kiểu bài: Tả cảnh.

  • Nội dung:

+ Kết hợp miêu tả cảnh thiên nhiên với cảnh sinh hoạt nhộn nhịp vào một ngày xuân.

+ Tái hiện được những hình ảnh đặc trưng của mùa xuân: hàng cây, hoa lá, cờ, khẩu hiệu, hương vị Tết với bánh chưng, mùi hương trầm, đào, quất…; tâm trạng, nét mặt hồ hởi, vui tươi, nhộn nhịp của mọi người.

+ Cảm nghĩ của em về quang cảnh ấy.

  • Hình thức: Tả xen bộc lộ cảm xúc.

Đề 6. Miêu tả một cảnh đẹp mà em đã gặp trong mấy tháng nghỉ hè (có thể phong cảnh nơi em nghỉ mát hoặc cánh động hay rừng núi quê em). 

*Yêu cầu

  • Kiểu bài: văn tả cảnh.
  • Nội dung: tả một cảnh đẹp trong mùa hè, có thể là cảnh đẹp của quê hương em hoặc nơi em đến tham quan, nghỉ mát như: đêm trăng, cánh đồng, dòng sông, bãi biển, rừng núi.v.v..

Người viết phải chọn lọc được các chi tiết tiêu biểu để làm nổi bật vẻ đẹp của cảnh. Cần kết hợp quan sát với tưởng tượng, so sánh, thể hiện được cảm xúc với cảnh, tình yêu với thiên nhiên đất nước.

  • Hình thức: Lời văn phải có hình ảnh, cảm xúc, sử dụng các biện pháp tu từ một cách sinh động.

Đề 7. Từ bài văn Lao xao của Duy Khán, em hãy tả lại khu vườn trong một buổi sáng đẹp trời.

*Yêu cầu

  • Kiểu bài: văn tả cảnh.
  • Nội dung cụ thể: tả khu vườn trong một buổi sáng đẹp trời.

Trong bài, người viết phải thể hiện được các chi tiết tiêu biểu để làm nổi bật được:

  • Cảnh vật bao quát của khu vườn (hình khối, màu sắc).
  • Tả một số cây tiêu biểu, tạo nên ấn tượng riêng về khu vườn.
  • Tả khung cảnh thiên nhiên để thấy khu vườn đẹp hoặc thân thiết như thế nào (nắng, gió, màu sắc của cây, của lá, của hoa,…).

Cần kết hợp quan sát với tưởng tượng, so sánh, thể hiện được cảm xúc của người viết đối với cảnh vật của khu vườn.

  • Hình thức: Lời văn phải có hình ảnh, cảm xúc, sử dụng các biện pháp tu từ một cách sinh động.