Cuộc đời và sự nghiệp tác giả Phạm Tiến Duật

Phạm Tiến Duật (14 tháng 1 năm 1941 – 4 tháng 12 năm 2007) là một nhà thơ Việt Nam với nhiều tác phẩm thơ tiêu biểu viết trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam.

Pham Tien Duat

Phạm Tiến Duật sinh ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, Việt Nam. Cha ông là nhà giáo, dạy chữ Hán và tiếng Pháp, còn mẹ làm ruộng, không biết chữ. Ông tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964, nhưng sau đó không tiếp tục với nghề giáo mà quyết định lên đường nhập ngũ. Trong thời gian này, ông sống và chiến đấu chủ yếu trên tuyến đường Trường Sơn. Đây cũng là thời gian ông sáng tác rất nhiều tác phẩm thơ nổi tiếng. Năm 1970, sau khi đoạt giải nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ, Phạm Tiến Duật được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.

Chiến tranh kết thúc, ông về làm việc tại Ban Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt nam. Ông sống ở Hà Nội, là Phó trưởng Ban Đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam. Ông cũng là người dẫn chương trình của một chương trình dành cho người cao tuổi của kênh VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam.

Ông là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2012.

Ngày 19 tháng 11 năm 2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký lệnh tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì cho nhà thơ Phạm Tiến Duật[1].

Ngày 4 tháng 12 năm 2007, vào khoảng 8:50, ông mất tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vì căn bệnh ung thư phổi.

Ông đóng góp chủ yếu là tác phẩm thơ, phần lớn thơ được sáng tác trong thời kỳ ông tham gia quân ngũ. Thơ của ông được các nhà văn khác đánh giá cao và có nét riêng như: giọng điệu sôi nổi, trẻ trung và có cái “tinh nghịch” nhưng cũng rất sâu sắc. Nhiều bài thơ của ông đã được phổ nhạc thành bài hát trong đó tiêu biểu nhất là “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây”.

Những tập thơ chính:

Vầng trăng quầng lửa (thơ, 1970), nổi tiếng nhất với tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”

Ở hai đầu núi (thơ, 1981)

Vầng trăng và những quầng lửa (thơ, 1983)

Thơ một chặng đường (tập tuyển, 1994)

Nhóm lửa (thơ, 1996)

Tiếng bom và tiếng chuông chùa (trường ca, 1997)

Tuyển tập Phạm Tiến Duật (in xong đợt đầu ngày 17-11-2007, khi Phạm Tiến Duật đang ốm nặng)

Ông được ca tụng là “con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại”, “cây săng lẻ của rừng già”, “nhà thơ lớn nhất thời chống Mỹ”. Thơ ông thời chống Mỹ từng được đánh giá là “có sức mạnh của một sư đoàn”.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật

Phạm Tiến Duật ngồi đó, im lặng trong buổi sáng mong manh, trên chiếc ghế mây nhỏ và đặt trong lòng là chú chó phốc bé như một củ khoai, lớn tiếng đành hanh người lạ. Phía sau lưng ông là chiếc tủ tường với cơ man búp bê, thú nhồi bông.

Phạm Tiến Duật mặc áo phông màu đỏ trên nền quần đen, các gam màu trên trang phục của ông luôn luôn nổi bật. Một lần nữa tôi không tài nào nhận ra ông trong cảm giác của mình.

“Cuộc đời anh chẳng có gì đâu
Toàn những thứ có trời mà biết được”

(thơ nước ngoài)

Đã có rất nhiều lúc, thật vô lý, tôi cứ không chịu gắn hình ảnh người đàn ông gầy gò, thư sinh và có phần hơi “ẻo lả”của cái ông nhà thơ Phạm Tiến Duật hay đọc thơ, hay nói trên truyền hình với một người đàn ông khác, một người đàn ông lấm trần khói lửa, vạm vỡ, mạnh mẽ thông minh và láu lỉnh đến sắc lẻm trong những bài thơ nổi tiếng thời chống Mỹ: Gửi em cô thanh niên xung phong; Tiểu đội xe không kính; Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây. Những bài thơ mà tên của tác giả nổi tiếng đến mức cả một thời chống mỹ không ai không nhớ, không sùng bái như một dũng sĩ trong chiến trường.

Sau này có dịp đọc tạp bút Vừa làm vừa nghĩ của ông, tôi càng giật mình hơn bởi nhà thơ nổi tiếng nơi chiến trận năm xưa chính là một nhà lý luận phê bình có cái đầu của một viện sĩ thông tuệ bậc nhất. Trong những trang tự sự nhỏ nhoi Vừa làm vừa nghĩ mỗi một mẩu viết là một thông điệp có sức hàm chứa khổng lồ. Càng đọc Phạm Tiến Duật, càng thấy ông thông minh, ý tưởng sắc bén, chữ nghĩa bùng nổ, cái vốn liếng kiến thức đồ sộ ẩn chứa thấp thoáng sau những trang viết khiến cho tôi nể trọng.

Nhưng trong giới văn nghệ sĩ, có nhiều nhân vật khả kính, nhiều bạn văn chương lại nói về Phạm Tiến Duật như một người sống lạc thời, Phạm Tiến Duật sinh ra với sứ mệnh một biểu tượng anh hùng trong thời chiến. Đây không phải là lần đầu tiên tôi ngẫm nghĩ về những gì thiên hạ vẫn thường bình luận và phán xét về những người nổi tiếng. Nhưng đối với nhà thơ của những năm tháng binh lửa như Phạm Tiến Duật, tôi thấy có điều gì đó thật bất nhẫn.

READ:  Trong vai Lạc Long Quân, hãy kể lại câu chuyện Con Rồng cháu Tiên

Có lẽ tôi không biết gì về nhà thơ Phạm Tiến Duật ngoài bấy nhiêu những cảm giác. Cho đến một ngày, một số phương tiện thông tin đại chúng ồn ã lên với cái tin điếng người: “Phạm Tiến Duật bị ung thư phổi”. Sau cơn choáng váng và những bài viết chia sẻ là những câu chuyện bàn tán mặn lời. Con người đến cả khi cận kề với bi kịch, với nỗi đau, và kể cả cái chết, tôi vẫn cảm giác như họ luôn luôn hoài nghi với tất cả, kể cả những sự xúc động chân thành nhất. Họ sợ bị cảm giác đánh lừa mình.

Lại nhớ đến lần nghe tin nhà thơ Đồng Đức Bốn bị ung thư, không ít người dè bỉu: “Dào ôi, tin gì cái ông Đồng Đức Bốn bán giời không văn tự”. Giờ đây, đã qua một giỗ đầu của thi sĩ tài hoa với những câu lục bát trên trời, đã qua giỗ đầu của biết bao nhiêu nhà văn, nhà thơ bạc số với căn bệnh hiểm nghèo, Hoà Vang, mới đây là Trịnh Thanh Sơn đã xếp bút nghiên về trời… và giờ lại đến Phạm Tiến Duật bệnh trọng. Tôi nghĩ nếu mình không viết về ông, tôi sợ lại bỏ lỡ mất một khoảnh khắc hiếm hoi, tôi được tiếp cận với nhà thơ của Trường Sơn. Và cái quan trọng nhất là tôi muốn tìm kiếm câu trả lời cho một thần tượng văn học một thời.

Phạm Tiến Duật ở ngõ Văn Chương nhưng lại là ngôi nhà không có số, nằm sâu trong những nhách nhỏ ngoắt ngéo. Đây là ngôi nhà riêng của người bạn mà ông đã chọn ghé chân sau bao nhiêu những phiêu bạt của số phận. Tôi đã bắt đầu bức chân dung về ông bằng những câu hỏi lan man và vô nghĩa. Với Phạm Tiến Duật, càng nói chuyện với ông, tôi càng vu vơ, càng lạc bước, càng không đâu vào đâu. Và tôi làm mệt ông bởi những đòi hỏi của mình. Phạm Tiến Duật nói rất khó khăn. Những cơn đau nơi cổ họng làm cho ông mất tiếng, ông kiên nhẫn hàng tiếng đồng hồ để giúp tôi hoàn thành công việc.

Rồi ông cũng ngơ ngác, lúng túng không kém tôi vì chẳng biết nói gì về bản thân mình. Cuộc đời của ông ư? “Có trời mới biết được”, ông cười. Sau những hồi lại của ký ức, Phạm Tiến Duật nói rằng: “Cuộc đời mình là một cuộc phiêu bạt cùng số kiếp. Từ nhỏ, những năm tháng đi bộ tới 10 km để đến trường đã nuôi trong tôi mầm mống của một kẻ phiêu bạt đó đây”. Đến cấp ba thì đi trọ học ở Trường Hùng Vương – Phú Thọ.

Mang củi, mang gạo từ nhà đến nơi trọ học. Một năm học đổi chỗ trọ tới vài lần, làm sao để gần được thư viện tỉnh đển mượn sách đọc. Tính di chuyển, xê dịch đã có trong Phạm Tiến Duật từ ngày đó báo hiệu một tính cách, một lối sống phiêu bạt ghê gớm. Tính phiêu bạt đó càng có dịp phát triển mạnh mẽ hơn trong quân đội, đưa thày giáo tương lai vào cuộc chiến tranh binh lửa. Phạm Tiến Duật hăm hở khoác ba lô vào chiến trường sau khi tốt nghiệp đại học Sư phạm.

Nhập ngũ vào đơn vị Tiểu đoàn 24 pháo cạo xạ Tây Bắc, Phạm Tiến Duật xin chuyển về Cục vận tải quân sự – Tổng cục hậu cần chỉ vì thích được di chuyển, đi đây đi đó. Phạm Tiến Duật đã trang bị hành trang cho đời lính của mình bằng chiếc xe đạp quý giá mà gia đình mua cho ông. Trước khi vào chiến trường, chiếc xe được sơn bằng màu xanh lá cây, khung xe viết hai chữ “chống Mỹ” và cứ thế cùng với chiếc ba lô con cóc, Phạm Tiến Duật quẳng chiếc xe đạp lên thùng xe, rong ruổi theo những đoàn xe vận tải chở hàng hóa, tiếp phẩm, tiếp đạn vào chiến trường.

Từ đó, con đường nơi chiến trận cứ dài ra tiến sâu vào nơi ác liệt. Bắt đầu từ Binh trạm 10 Thanh Hóa, sau vào Binh trạm 11 Nghệ An, Binh trạm 12 ở Quảng Bình… Lúc bấy giờ trên chỉ thị thành lập Tổng cục Tiền phương gọi tắt là Bộ tư lệnh 500, sau đó sát nhập với Bộ tư lệnh 559 – BTL Trường Sơn, Phạm Tiến Duật nghiễm nhiên trở thành lính Trường Sơn và cứ thế phiêu bạt dần vào mặt trận. Phạm Tiến Duật kể rằng: “Tất cả giấy tờ, quân số của tôi để lại ở Cục Vận tải, tôi cứ thế phiêu bạt dần vào mặt trận. Tôi không hề biết lái ôtô, tôi chỉ cùng với những người lính vận tải, bám theo xe nọ, nối gót theo xe kia. Không có ai cử đi công tác mà tôi tự đi, tôi theo những người lính vào mặt trận.

Đến khi vào sâu chiến trường, tôi gửi xe đạp ở nhà dân trong làng rồi cứ thế đi tiếp. Chính vì sự công tác một cách vô kỷ luật, và sự vô kỷ luật lặp đi lặp lại nhiều lần, tái diễn liên tục nên tôi bị cắt đảng viên dự bị. Từ đó không kết nạp đảng được, mãi sau về Hội văn nghệ rồi mới bắt đầu được xét kết nạp lại. Cái sự đi bạt mạng của tôi còn ghê gớm ở lần dẫn đoàn các nhà văn đi thâm nhập chiến trường do nhà văn Nguyễn Đình Thi dẫn đầu.

READ:  Chỉ ra nét cổ điển và hiện đại trong bài thơ Chiều tối

Đoàn gồm 4 người, tôi, anh Thi, anh Tế Hanh và anh Đinh Thăng Định. Tiến sâu vào miền Nam, chia nhỏ làm hai đoàn, anh Thi và anh Định vào miền Tây Nam Bộ, còn tôi và Tế Hanh vào Củ Chi, sau đó giải phóng Buôn Mê Thuật lại trở ra và tiến vào nội thành Sài Gòn”. Theo lời Phạm Tiến Duật thì chuyến phiêu bạt đó khá dài, vào Sài Gòn sau giải phóng, Phạm Tiến Duật còn lang thang mãi tới tận hơn nửa năm sau mới quay trở về đơn vị cũ. Những tháng ngày lang thang ở đất Sài Gòn, Phạm Tiến Duật đã ở nhà Trịnh Công Sơn, nhà của nhà văn Lê Tất Điều, nhà văn Nhật Tiến. Thời gian này Phạm Tiến Duật có bài thơ gửi Khánh Ly.

Học xong 4 năm đại học, phiêu bạt vào chiến trường 14 năm, ra quân Phạm Tiến Duật mang hàm thiếu uý. Rồi chuyển về công tác ở Ban văn nghệ Hội văn nghệ Việt Nam cho đến nay, mặc dù có trải qua chút ít những thay đổi nhỏ về nhiệm vụ chức trách. Ông lại tiếp tục đi nhiều, đến lại những nơi ông từng đặt chân qua, về lại những nơi ông đã trú chân trên con đường ra trận ấy. Ông nói nhiều, bày tỏ những xúc động chân thành, lại sống hết mình với những mảnh đất ông đã sống.

Trước khi ông lâm bệnh, Phạm Tiến Duật là Chủ tịch Quỹ Mãi mãi tuổi 20. Tôi cứ nghĩ mãi sự phiêu bạt trong cuộc đời thực và đời sống văn chương của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Không có ai xô đẩy ông vào sự phiêu bạt ấy mà đó là số kiếp của ông, số kiếp văn học là vậy. Phạm Tiến Duật đã đi tìm sự cân bằng cho chính những thiếu hụt của chính mình. Đi, xê dịch, di chuyển là để tìm kiếm những sự cân bằng cho thiếu hụt ấy.

Phạm Tiến Duật ôm con chó nhỏ vào lòng và trầm ngâm. Trong một buổi sáng mong manh như thể mọi thứ đều không có thực, đều tan biến đi chỉ cần một tiếng động vỡ nào đó của cái đời sống thường nhật này, Phạm Tiến Duật chịu đựng những cơn đau như thể ông chưa từng trải qua bất kỳ cơn đau thể xác nào khác. Không cảm giác về bệnh tật, về đau đớn, về những nỗi mơ hồ nào khác với cái chết, ông nói với tôi về bản thân cuộc sống, về những chiêm nghiệm của một người từng trải.

Cuộc sống theo ông chính là mất thăng bằng và lấy lại thăng bằng. Sự chuyển động đã là sự lấy lại cân bằng. Thiếu hụt chính là sự mất thăng bằng, trong đời sống tình cảm. Ông viết Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây vì thiếu nhau, viết Lửa đèn vì thiếu lửa, thiếu ánh sáng; viết về cô gái Thạch Kim nhưng không còn ở Thạch Kim nữa mới thành ra “Thạch Nhọn”… Nhưng cho đến lúc này, sau khi đã phiêu bạt cùng số phận cùng số phận văn học của những trang sách, đến với sự phiêu bạt văn học giữa những cánh rừng, buộc phải quên đi văn học trong trang sách để tìm kiếm nhặt nhạnh văn học ở giữa cánh rừng già. Rồi từ văn học ở giữa cánh rừng già, Phạm Tiến Duật lại lội ngược trở về văn học cổ điển.

Từ văn học cổ điển Việt Nam, Phạm Tiến Duật lại làm cuộc phiêu bạt trở lại với các bạn bè thời chống Mỹ. Không biết cuộc phiêu bạt trong số phận của ông lần này có phải là cuộc phiêu bạt cuối cùng không? Phạm Tiến Duật lặng lẽ cười. Ông nói: “Sự phiêu bạt ấy có bao giờ chinh phục được cái thiện toàn bộ hay không, hình như Duật không trả lời được. Nếu lần này Duật khỏi bệnh Duật cũng không trả lời nổi. Loài người hình như chưa trả lời được câu hỏi tại sao, vì trả lời được câu hỏi này gần như là trả lời cho câu hỏi như thế nào…”

Giờ đây số kiếp lại bỗng chốc dồn đuổi nhà thơ áo lính một thời vào cuộc phiêu bạt mới của số phận. Ngày xưa, những lần ngồi kê bàn viết trong lán trại của chiến trường, những mảnh bom lia phạt đứt chân bàn không thấy sợ. Những lần thèm thuốc lào châm thuốc rít trên mép quả bom nổ chậm, thấy mạng mình lớn nên bật cười với cái sự may mắn lạ kỳ. Vậy mà nay sống giữa thời bình, tử thần lại rình rập mạng mình trong những căn bệnh tai quái. Số phận của những nhà văn mấy ai mà không bi kịch. Thôi đành ngậm ngùi an ủi và cầu mong cho ông vượt qua để trở về bình an trong cuộc phiêu bạt cuối này.