Nêu đặc điểm hợp đồng kỳ hạn, nguyên tắc hạch toán hợp đồng kỳ hạn cho mục đích phòng ngừa rủi ro

1. Khái niệm hợp đồng kỳ hạn:

Hợp đồng kì hạn là một thoả thuận giữa hai bên về việc mua hay bán một tài sản nào đó với khối lượng xác định, tại một thời điểm xác định trong tương lai với một mức giá ấn định ngày hôm nay. Hai bên chịu sự ràng buộc pháp lý chặt chẽ phải thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, trừ khi cả hai bên thoả thuận huỷ hợp đồng.

2. Đặc điểm của hợp đồng kỳ hạn:

– Là thỏa thuận song phương giữa hai chủ thể cho nên nó không bị giới hạn về các yếu tố trên HĐ. Hai bên tự do thỏa thuận với nhau dựa vào nhu cầu của bản thân. Nghĩa là muốn mua bao nhiêu tài sản, bán bao nhiêu tài sản, giá cả như thế nào, thời gian ra sao mà không bị giám sát bởi bên thứ 3. (Đặc điểm này giúp phân biệt HĐKH với HĐ tương lai)

– Tham gia hợp đồng kỳ hạn, cả hai bên đều giới hạn được rủi ro tiềm năng cũng như hạn chế lợi nhuận tiềm năng của mình do giá hàng hóa trên thị trường giao ngay vào thời điểm giao nhận hàng hóa có thể thay đổi, tăng lên hoặc giảm xuống so với mức giá đã ký kết trong hợp đồng, khi đó một trong hai bên sẽ bị thiệt hại.

– HĐKH giao dịch trên thị trường phi chính thức

– Bất kì ai cũng có thể tham gia thị trường

– HĐKH có tính thanh khoản không cao do 2 bên chịu sự ràng buộc pháp lý chặt chẽ phải thực hiện hợp đồng, trừ khi cả hai bên thỏa thuận hủy hợp đồng.

READ:  Phân tích nội dung cơ bản của chính sách đầu tư quốc tế của Nhật Bản từ năm 1945 đến nay?

– Kết quả chỉ được xác định vào thời điểm kết thúc HĐ

3. Nguyên tắc hạch toán hợp đồng kỳ hạn cho mục đích phòng ngừa rủi ro

• Tại thời điểm hợp đồng kỳ hạn có hiệu lực, cả bên mua và bên bán hợp đồng kỳ hạn căn cứ giá trị cam kết danh nghĩa của hợp đồng kỳ hạn đã ký kết để ghi nhận vào tài khoản ngoài Bảng Cân đối kế toán.

• Khi lập báo cáo tài chính, trong thời gian hợp đồng còn hiệu lực, kế toán phải đánh giá lại hợp đồng kỳ hạn và ghi nhận giá trị hiện tại của số tiền ước tính phải thu hoặc số tiền ước tính phải trả từ thời điểm báo cáo đến thời điểm đáo hạn hợp đồng là tài sản phái sinh hoặc nợ phải trả phái sinh và ghi nhận vào chênh lệch đánh giá lại tài sản.

• Khi thanh lý hợp đồng kỳ hạn, kế toán thực hiện theo những nguyên tắc sau:

– Trường hợp thanh toán trên cơ sở thuần (thanh toán chênh lệch giữa số phải thu và phải trả, không bao gồm chuyển giao tài sản cơ sở), kế toán phải ghi nhận số tiền phải thu hoặc phải trả từ hợp đồng kỳ hạn, ghi giảm tài sản hoặc nợ phải trả phái sinh và xoá sổ toàn bộ khoản chênh lệch đánh giá lại hợp đồng kỳ hạn.

– Trường hợp có sự chuyển giao hiện vật (tài sản cơ sở) giữa bên mua và bên bán hợp đồng kỳ hạn, kế toán phải áp dụng phương pháp kế toán riêng cho bên mua và bên bán đồng thời căn cứ vào loại giao dịch phái sinh để ghi nhận cho từng trường hợp cụ thể.

READ:  Một số vấn đề Việt Nam cần quan tâm trong thương mại quốc tế

+ Đối với bên mua hợp đồng kỳ hạn:

Đối với hợp đồng kỳ hạn tiền tệ, kế toán ghi nhận số ngoại tệ mua kỳ hạn theo tỷ giá thực tế giao ngay của ngoại tệ tại thời điểm thanh lý hợp đồng;

Đối với hợp đồng kỳ hạn hàng hoá, kế toán ghi nhận số hàng mua kỳ hạn theo giá trị thị trường của hàng hóa tại thời điểm thanh lý đáo hạn hợp đồng.

+ Đối với bên bán hợp đồng kỳ hạn:

Đối với hợp đồng kỳ hạn tiền tệ, kế toán ghi nhận số tiền thu được từ việc bán ngoại tệ kỳ hạn theo tỷ giá kỳ hạn cam kết;

Đối với hợp đồng kỳ hạn hàng hoá, kế toán ghi nhận doanh thu của số hàng bán kỳ hạn theo giá trị thị trường của hàng hóa tại thời điểm đáo hạn hợp đồng kỳ hạn.

• Khi giao dịch dự kiến đã xảy ra, kế toán kết chuyển khoản đánh giá lại hợp đồng kỳ hạn đang được ghi nhận trong phần vốn chủ sở hữu vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh phù hợp với kỳ các khoản lãi vay được thanh toán hoặc hàng hoá được tiêu thụ.