1.Quá trình hình thành của ASEAN
Từ sau năm 1945, nhiều quốc gia đã ra đời dưới những hình thức khác nhau ở Đông Nam Á. Năm 1945, Indonesia, Việt Nam và Lào tuyên bố độc lập. Năm 1946, Mỹ trao trả độc lập cho Philippines. Năm 1947, Anh trao trả độc lập cho Miến Điện (nay là Myanmar). Năm 1965, Singapore tách khỏi Liên bang Malaysia, tuyên bố thành nước cộng hòa độc lập. Ngày 31/12/1983, Anh trao trả độc lập cho Bruney. Thái Lan không là thuộc địa trực tiếp của một đế quốc nào nên sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II vẫn là quốc gia độc lập. Sau khi giành được độc lập, nhiều nước Đông Nam Á đã có dự định thành lập một tổ chức khu vực nhằm tạo nên sự hợp tác phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật và văn hóa; đồng thời hạn chế ảnh hưởng của các nước lớn đang tìm cách biến Đông Nam á thành “sân sau” của họ.
Trong quá trình tìm kiếm sự hợp tác giữa các nước Đông Nam Á, nhiều tổ chức khu vực đã xuất hiện và một số hiệp ước giữa các nước trong khu vực được ký kết. Tháng 1/1959, Hiệp ước Hữu nghị và Kinh tế Đông Nam Á (SEAFET), gồm Malaysia và Philippines ra đời. Ngày 31/7/1961, Hiệp hội Đông Nam Á (ASA) – gồm Thái Lan, Philippines và Malaysia – được thành lập. Tháng 8/1963, một tổ chức gồm Malaysia, Philippines và Indonesia, gọi tắt là MAPHILINDO, được thành lập. Tuy nhiên, những tổ chức và Hiệp ước trên đây đều không tồn tại được lâu do những bất đồng giữa các nước về vấn đề lãnh thổ và chủ quyền.
ASA, MAPHILINDO không thành công, nhưng nhu cầu về một tổ chức hợp tác khu vực rộng lớn hơn ở Đông Nam Á ngày càng lớn.
Trong khi đó, sau Chiến tranh Thế giới thứ II, các trào lưu hình thành “chủ nghĩa khu vực” trên thế giới đã xuất hiện và cùng với nó là sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế Châu Âu (EEC); Khu vực Thương mại Tự do Mỹ Latin (LAFTA); Thị trường chung Trung Mỹ (CACM)….Việc thành lập các tổ chức khu vực này đã tác động đến việc hình thành ASEAN. Từ kinh nghiệm của EEC, các nước Đông Nam Á đều thấy rằng việc hình thành các tổ chức khu vực sẽ giúp thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế thông qua tăng cường hợp tác kinh tế, buôn bán và phân công lao động.
Về mặt chính trị, các tổ chức khu vực giúp củng cố tình đoàn kết khu vực và giúp các nước vừa và nhỏ có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong các vấn đề quốc tế. Còn về mặt xã hội, chủ nghĩa khu vực có thể đưa ra các phương hướng hợp tác để giải quyết có hiệu quả các vấn đề đặt ra cho các nước thành viên. Sau nhiều cuộc thảo luận, ngày 8/8/1967, Bộ trưởng Ngoại giao các nước Indonesia, Thái Lan, Philippines, Singapore và Phó Thủ tướng Malaysia ký tại Bangkok bản Tuyên bố thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Từ 5 nước thành viên ban đầu, đến nay ASEAN đã có 10 quốc gia thành viên, gồm Indonesia, Thái Lan, Philippines, Singapore, Malaysia, Bruney (năm 1984), Việt Nam (năm1995), Lào (năm 1997), Myanmar (năm 1997) và Campuchia (năm1999). ASEAN có diện tích 4,5 triệu km2, dân số khoảng 575 triệu người và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 2.487 tỷ USD (ước tính năm 2009). Thực tiễn đã chứng minh rằng, một Đông Nam Á thống nhất đã thúc đẩy cho hợp tác và vị thế ASEAN ngày càng lớn mạnh, là tiền đề quan trọng để ASEAN trở thành một cộng đồng.
2.Cơ cấu tổ chức của ASEAN
I/ Cơ cấu tổ chức
Cơ cấu tổ chức hiện nay của ASEAN là kết quả của một quá trình hoàn thiện từng bước, song song với việc phát triển của tổ chức ASEAN trong gần 30 năm qua.
Khi mới thành lập vào năm 1967, bộ máy ASEAN còn rất giản đơn, bao gồm 4 đầu mối/cơ chế chủ yếu: Hội nghị hàng năm của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM), một Uỷ ban thường trực ASEAN (ASC) để điều phối các công việc thường nhật của ASEAN giữa các Hội nghị AMM. Các Uỷ ban chuyên trách và các Uỷ ban thường trực gồm các chuyên gia và quan chức trên các lĩnh vực cụ thể và Ban thư ký Quốc gia ở mỗi nước thành viên để thay mặt nước mình thực hiện các công việc cuả Hiệp hội và phục vụ các cuộc họp của ASEAN .
Sau một quá trình hoàn thiện, với mốc quan trọng nhất là các quyết định của 4 Hội nghị Cấp cao ASEAN các năm 1976, 1977, 1987 và đặc biệt là vào 1992, cơ cấu tổ chức chung của ASEAN cũng như chức năng của từng bộ phận đã từng bước được hình thành và củng cố. Cơ cấu tổ chức của ASEAN hiện nay như sau:
(Tóm tắt: Chương IV Hiến chương nêu rõ: Bộ máy chính sẽ bao gồm Hội nghị cấp cao (là cơ quan quyết định chính sách cao nhất, họp hai lần một năm thay vì mỗi năm một lần trước đây); lập bốn hội đồng cấp bộ trưởng, trong đó ba hội đồng về từng trụ cột của Cộng đồng ASEAN (gồm chính trị – an ninh; kinh tế và văn hoá-xã hội) và một hội đồng điều phối chung (gồm các bộ trưởng ngoại giao); các hội nghị bộ trưởng chuyên ngành; Uỷ ban các đại diện thường trực của các nước tại ASEAN, thường trú tại Jakarta, Indonesia; Ban Thư ký ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN; Ban Thư ký ASEAN quốc gia.)
1- Hội nghị những người đứng đầu Nhà nước/chính phủ ASEAN (ASEAN Summit)
Còn gọi là Hội nghị Cấp cao ASEAN và là cơ quan quyền lực cao nhất của ASEAN. Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 4 họp tại Xing-ga-po năm 1992 quyết định những Người đứng đầu chính phủ ASEAN họp chính thức 3 năm một lần và họp không chính thức ít nhất 1 lần trong khoảng thời gian 3 năm đó để đề ra phương hướng và chính sách chung cho hoạt động của ASEAN và đưa ra quyết định về các vấn đề lớn. Từ sau Cấp cao ASEAN lần thứ 5, giữa các cuộc họp Cấp cao chính thức 3 năm một lần, hàng năm đều họp Cấp cao không chính thức.
2- Hội nghị Bộ trưởng ASEAN (ASEAN Ministerial Meeting-AMM)
Theo Tuyên bố Băng cốc năm 1967, AMM là hội nghị hàng năm của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN có trách nhiệm đề ra và phối hợp các hoạt động của ASEAN.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 2 tại Kua-la Lăm-pơ năm 1977, những Người đứng đầu chính phủ ASEAN nhất trí rằng các Bộ trưởng liên quan có thể tham dự AMM khi cần thiết. AMM và AEM có trách nhiệm báo cáo chung lên những Người đứng đầu chính phủ ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN.
3-Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Ministers-AEM)
AEM được thể chế hoá tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 2 năm 1977 tại Kua-la Lăm -pơ (Ma-lai-xi-a). Cũng như AMM, AEM họp chính thức hàng năm. Ngoài ra AEM có thể họp không chính thức khi cần thiết nhằm chỉ đạo các mật hợp tác kinh tế trong ASEAN. AEM có trách nhiệm phải báo cáo công việc lên cho những Người đứng đầu Chính phủ ASEAN tại các Hội nghị Cấp cao.
Trong AEM có Hội đồng AFTA (Khu vực mậu dịch tự do ASEAN) được thành lập theo quyết định của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 4 năm 1992 tại Xing-ga-po để theo dõi, phối hợp và báo cáo việc thực hiện chương trình ưu đãi quan thuế có hiệu lực chung (CEPT) của AFTA.
4-Hội nghị Bộ trưởng các ngành:
Trong những thập kỷ đầu, Hội nghị Bộ trưởng của một ngành trong hợp tác kinh tế ASEAN sẽ được tổ chức khi cần thiết để thảo luận sự hợp tác trong ngành cụ thể đó. Đến nay, ASEAN đã chính thức có cơ chế Hội nghị Bộ trưởng tài chính (AFMM) và Hội nghị Bộ trưởng Giao thông vận tải (ATM) và các hội nghị Bộ trưởng năng lượng, Khoa học công nghệ và môi trường, Lao động, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Lâm nghiệp, v.v…
5-Các hội nghị cấp Bộ trưởng hoặc tương đương khác
Trên một số lĩnh vực hợp tác ASEAN khác như y tế, phúc lợi xã hội, giáo dục, luật pháp, đầu tư, du lịch…. có thể tiến hành các Hội nghị cấp Bộ trưởng hoặc người đứng đầu của các Ngành khi cần thiết để điều hành các chương trình hợp tác trong các lĩnh vực này.
6- Hội nghị liên tịch các Bộ trưởng (Join ministerial meeting-JMM)
JMM được thành lập tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 3 ở Ma-ni-la, 1987. Hội nghị liên tịch các Bộ trưởng được tổ chức khi cần thiết để thúc đẩy sự hợp tác giữa các ngành và trao đổi ý kiến về hoạt động của ASEAN. JMM bao gồm các Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng kinh tế ASEAN, dưới sự đồng chủ tịch của Chủ tịch AMM và Chủ tịch AEM. JMM có thể được triệu tập theo yêu cầu của Bộ trưởng Ngoại giao hoặc của Bộ trưởng kinh tế. JMM được triệu tập lần đầu tiên tại Ku-ching (Ma-lai-xi-a) 2/1991 để trao đổi ý kiến về vai trò của ASEAN trong APEC.
Gần đây, còn có thêm hình thức JMM giữa các Bộ trưởng Ngoại giao, kinh tế và Tài chính.
7-Tổng thư ký ASEAN
Được những Người đứng đầu Chính phủ ASEAN bổ nhiệm theo khuyến nghị của Hội nghị AMM với nhiệm kỳ là 3 năm và có thể gia hạn thêm, nhưng không quá một nhiệm kỳ nữa.
Tổng thư ký ASEAN có hàm Bộ trưởng với quyền hạn lớn hơn theo quyết định của Hội nghị Cấp cao ASEAN 1992: khởi xướng, khuyến nghị và phối hợp các hoạt động của ASEAN, nhằm giúp nâng cao hiệu quả các hoạt động và hợp tác của ASEAN .
Tổng thư ký ASEAN chịu trách nhiệm trước Hội nghị Cấp cao ASEAN; Các Hội nghị Bộ trưởng ASEAN khi đang họp và trước Chủ tịch Uỷ ban thường trực ASEAN giữa các kỳ họp. Tổng thư ký ASEAN, cũng chủ toạ các cuộc họp của ASC thay cho Chủ tịch ASC trừ phiên họp đầu tiên và cuối cùng. Tổng thư ký được tham dự các cuộc họp Tư vấn chung (Joint Consultative Meeting-JCM) với các quan chức cao cấp ASEAN và các Tổng giám đốc ASEAN; và thông báo kết quả các kỳ họp liên Hội nghị AMM và AEM.
8-Uỷ ban thường trực ASEAN (ASEAN Standing committee-ASC)
ASC bao gồm chủ tịch là Bộ trưởng ngoại giao của nước đăng cai Hội nghị AMM sắp tới, Tổng thư ký ASEAN và tổng Giám đốc của các Ban thư ký ASEAN quốc gia. ASC thực hiện công việc của AMM trong thời gian giữa 2 kỳ họp và báo cáo trực tiếp cho AMM.
9-Cuộc họp các quan chức cao cấp ( Senior Officials Meeting-SOM)
SOM được chính thức coi là một bộ phận của cơ cấu trong ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 3 tại Ma-ni-la 1987. SOM chịu trách nhiệm về hợp tác chính trị ASEAN và họp khi cần thiết; báo cáo trực tiếp cho AMM.
10- Cuộc họp các quan chức kinh tế cao cấp (Senior Economic Officials Meeting-SEOM)
SEOM cũng đã được thể chế hoá chính thức thành một bộ phận của cơ cấu ASEAN tại Hội nghị Cấp cao Ma-ni-la 1987. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 4 năm 1992, 5 uỷ ban kinh tế ASEAN đã bị giải tán và SEOM được giao nhiệm vụ theo dõi tất cả các hoạt động trong hợp tác kinh tế ASEAN . SEOM họp thường kỳ và báo cáo trực tiếp cho AEM.
11/ Cuộc họp các quan chức cao cấp khác
Ngoài ra có các cuộc họp các quan chức cao cấp về tài chính, giao thông vận tải, môi trường, ma tuý cũng như của các uỷ ban chuyên ngành ASEAN như phát triển xã hội, khoa học và công nghệ, các vấn đề công chức, văn hoá và thông tin. Các cuộc họp này báo cáo cho ASC và Hội nghị các Bộ trưởng liên quan.
12- Cuộc họp tư vấn chung (Joint Consultative Meeting-JCM)
Cơ chế họp JCM được lập ra theo quyết định của Hội nghị Cấp cao ASEAN năm 1987 tại Manila. JCM bao gồm Tổng thư ký ASEAN , SOM, SEOM, các Tổng giám đốc ASEAN . JCM được triệu tập khi cần thiết dưới sự chủ toạ của Tổng thư ký ASEAN để thúc đẩy sự phối hợp giữa các quan chức liên ngành. Tổng thư ký ASEAN sau đó thông báo kết quả trực tiếp cho AMM và AEM.
13- Các cuộc họp của ASEAN với các Bên đối thoại
ASEAN có 11 Bên đối thoại: Ô-xtrây-lia, Ca-na-đa, EU, Nhật bản, Hàn quốc, Niu-Di-lân, Mỹ và UNDP, Nga, Trung Quốc, ấn độ . ASEAN cũng có quan hệ đối thoại theo từng lĩnh vực với Pa-kis-tan. Tuỳ theo thoả thuận, trong vòng 18-24 tháng, ASEAN có cuộc họp với các Bên đối thoại. Trước đó, các nước ASEAN tổ chức cuộc họp trù bị để phối hợp lập trường chung. Cuộc họp này do quan chức cao cấp của nước điều phối (Coordinating Country) chủ trì. Nhân dịp AMM hàng năm, ASEAN có cuộc họp PMC ASEAN +10 với tất cả các bên đối thoại (do chủ tịch ASC chủ trì) và Hội nghị giữa ASEAN và từng Bên đối thoại (PMC ASEAN + 1) dưới sự đồng chủ tịch của Bộ trưởng Ngoại giao nước điều phối và nước đối thoại.
14- Ban thư ký ASEAN quốc gia
Mỗi nước thành viên ASEAN đều có Ban thư ký quốc gia đặt trong bộ máy của Bộ Ngoại giao để tổ chức, thực hiện và theo dõi các hoạt động liên quan đến ASEAN của nước mình. Ban thư ký quốc gia do một Tổng Vụ trưởng phụ trách
15- Uỷ ban ASEAN ở các nước thứ ba
Nhằm mục đích tăng cường trao đổi và thúc đẩy mối quan hệ giữa ASEAN với bên đối thoại đó và các tổ chức quốc tế ASEAN thành lập các uỷ ban tại các nước đối thoại. Uỷ ban này gồm những người đứng đầu các cơ quan ngoại giao của các nước ASEAN tại nước sở tại. Hiện có 11 Uỷ ban ASEAN tại: Bon (CHLB Đức), Bru-xen (Bỉ), Can-be-ra (Ô-xtrây-li-a), Ge-ne-vơ (Thuỵ Sĩ), Lơn-dơn (Anh), Ot-ta-oa (Ca-na-da), Pa-ri (Pháp), Xơ-un (Hàn quốc), Oa-sing-tơn (Mỹ) và Oen-ling-tơn (Niu-di-lơn). Chủ tịch các uỷ ban này báo cáo cho ASC và nhận chỉ thị từ ASC.
16- Ban thư ký ASEAN
Ban thư ký ASEAN được thành lập theo Hiệp định ký tại Hội nghị Cấp cao lần thứ hai Ba-li, 1976 để tăng cường phối hợp thực hiện các chính sách, chương trình và các hoạt động giữa các bộ phận khác nhau trong ASEAN .
Hội nghị Cấp cao a1q lần thứ tư tại Xing-ga-po năm 1992 đã thoả thuận tăng cường Ban thư ký ASEAN để nó có thể thực hiện hữu hiệu hơn các hoạt động của ASEAN. Theo thoả thuận, Ban thư ký ASEAN sẽ có một cơ cấu mới và chức năng, trách nhiệm rộng lớn hơn trong việc đề xuất, khuyến nghị, phối hợp và thực hiện các hoạt động của ASEAN .