Trình bày những nét chính diễn biến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn?

[toc]

Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa:

Lê Lợi (1385 – 1433), là một Hào trưởng có uy tín ở Lam Sơn (Thanh Hóa). Căm giận quân cướp nước, ông đã dốc hết tài sản, chiêu tập nghĩa sĩ ở khắp nơi để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa.

Nghe tin Lê Lợi đang chuẩn bị dựng cờ khởi nghĩa, nhiều người yêu nước từ khắp nơi tìm về Lam Sơn, trong đó có Nguyễn Trãi.

Đầu năm 1418, Lê Lợi cùng 18 người trong bộ chỉ huy cuộc khởi nghĩa đã tiến hành mở Hội thề ở Lũng Nhai (Thanh Hóa). Ngày 2 tháng Giêng năm Mậu Tuất (7 – 2 – 1418), Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn và tự xưng là Bình Định Vương.

Những năm đầu hoạt động của nghĩa quân Lam Sơn:

Do lực lượng còn mỏng và yếu, quân Minh nhiều lần tấn công bao vây căn cứ Lam Sơn, nghĩa quân phải ba lần rút lên núi Chí Linh, chịu đựng rất nhiều khó khăn, gian khổ, nhiều tấm gương chiến đấu hi sinh dũng cảm xuất hiện, tiêu biểu là Lê Lai.

Mùa hè năm 1423, Lê Lợi đề nghị tạm hòa, được quân Minh chấp nhận, nghĩa quân trở về Lam Sơn và tiếp tục hoạt động.

Cuối năm 1424, quân Minh trở mặt tấn công Lam Sơn. Cuộc khởi nghĩa chuyển sang giai đoạn mới.

Giải phóng Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa và tiến quân ra Bắc (1424 – 1426):

Giải phóng Nghệ An (năm 1424): Theo kế hoạch của Nguyễn Chích, được Lê Lợi chấp thuận, ngày 12 – 10 -1424, nghĩa quân bất ngờ tấn công Đa Căng (Thọ Xuân – Thanh Hóa), sau đó hạ thành Trà Lân. Trên đà thắng lợi, tiến đánh Khả Lưu, phần lớn Nghệ An được giải phóng.

Giải phóng Tân Bình, Thuận Hóa (năm 1425): Tháng 8 – 1425, Trần Nguyên Hãn, Lê Ngân chỉ huy nghĩa quân tiến vào giải phóng Tân Bình, Thuận Hóa, vùng giải phóng của nghĩa quân đã kéo dài từ Thanh Hóa đến đèo Hải Vân. Quân Minh chỉ còn mấy thành lũy bị cô lập và bị nghĩa quân vây hãm.

READ:  Xã hội phong kiến châu Âu đã được hình thành như thế nào? Tính chất của nhà nước châu Âu và phương Đông khác nhau như thế nào?

Tiến quân ra Bắc, mở rộng phạm vi hoạt động (cuối năm 1426): tháng 9 – 1426, nghĩa quân chia làm ba đạo tiến quân ra Bắc:

– Đạo thứ nhất, tiến ra giải phóng miền Tây Bắc, ngăn chặn viện binh từ Vân Nam sang.

– Đạo thứ hai, giải phóng vùng hạ lưu sông Nhị (sông Hồng) và chặn đường rút lui của giặc từ Nghệ An về Đông Quan.

– Đạo thứ ba, tiến thẳng về Đông Quan.

Nghĩa quân đi đến đâu cũng được nhân dân ủng hộ về mọi mặt và đã chiến thắng nhiều trận lớn, quân Minh phải rút vào thành Đông Quan cố thủ. Cuộc khởi nghĩa chuyển sang giai đoạn tổng phản công.

Khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng (cuối năm 1427 – cuối năm 1428):

Trận Tốt Động – Chúc Động (cuối năm 1426):

Tháng 10 – 1426, 5 vạn viện binh giặc do Vương Thông chỉ huy kéo vào thành Đông Quan, nâng số quân Minh ở đây lên 10 vạn. Để giành thế chủ động, Vương Thông tiến đánh quân chủ lực của nghĩa quân ở Cao Bộ (Chương Mĩ – Hà Tây). Biết trước được âm mưu của giặc, quân ta phục binh ở Tốt Động – Chúc Động. Kết quả, 5 vạn tên giặc bị thương tháo chạy về Đông Quan. Nghĩa quân thừa thắng kéo về vây hãm thành Đông Quan và giải phóng thêm nhiều châu, huyện.

Trận Chi Lăng – Xương Giang (tháng 10 – 1427):

Đầu tháng 10 – 1427, 15 vạn viện binh được chia thành hai đạo từ Trung Quốc kéo sang. Một đạo do Liễu Thăng chỉ huy từ Quảng Tây kéo vào Lạng Sơn. Đạo thứ hai do Mộc Thạnh chỉ huy từ Vân Nam kéo vào theo hướng Hà Giang.

Ngày 8 – 10, Liễu Thăng bị nghĩa quân phục kích và giết ở ải Chi Lăng, Phó tướng là Lương Minh lên thay tiếp tục tiến xuống Xương Giang, bị nghĩa quân phục kích ở Cần Trạm, Phố Cát, bị tiêu diệt 3 vạn tên. Mấy vạn tên còn lại cố tiến xuống Xương Giang co cụm giữa cánh đồng nhưng bị nghĩa quân tấn công từ nhiều hướng, gần 5 vạn tên bị tiêu diệt, số còn lại bị bắt sống.

READ:  Trước âm mưu và hành động của giặc Mông - Nguyên, nhà Trần đã chuẩn bị kháng chiến như thế nào?

Cùng lúc đó, Lê Lợi sai đem các chiến lợi phẩm ở Chi Lăng đến doanh trại Mộc Thạnh. Mộc Thạnh biết Liễu Thăng đã bị giết, hoảng sợ vội rút quân về nước.

Nghe tin cả hai đạo viện binh bị tiêu diệt, Vương Thông ở Đông Quan khiếp đảm vội xin hòa và chấp nhận mở hội thề Đông Quan (10 – 12 – 1427) để được an toàn rút quân về nước. Lê lợi chấp nhận lời xin hòa.              Ngày 3 – 1 – 1428, toán quân cuối cùng của Vương Thông rút khỏi nước ta. Cuộc khởi nghĩa chống quân Minh kết thúc thắng lợi. Đất nước sạch bóng quân thù.

Nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn:

Nguyên nhân:

Nhân dân ta có lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, quyết tâm giành lại độc lập tự do cho đất nước.

Tất cả các tầng lớp nhân dân không phân biệt già trẻ, nam nữ, các thành phần dân tộc đều đoàn kết đánh giặc, hăng hái tham gia cuộc khởi nghĩa, gia nhập lực lượng nghĩa quân, tự vũ trang đánh giặc, ủng hộ, tiếp tế lương thực cho nghĩa quân.

Nhờ đường lối chiến lược, chiến thuật đúng đắn, sáng tạo của bộ tham mưu nghĩa quân, đứng đầu là Lê Lợi, Nguyễn Trãi.

Ý nghĩa lịch sử:

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi đã kết thúc 20 năm đô hộ tàn bạo của phong kiến nhà Minh.

Mở ra một thời kì mới trong lịch sử dân tộc –  thời Lê sơ.