Vào khoảng các thế kỉ VIII – VII TCN, ở vùng đồng bằng ven các con sông lớn thuộc Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ ngày nay, đã hình thành những bộ lạc lớn. Sản xuất phát triển, mâu thuẫn giữa người giàu và người nghèo đã nảy sinh và ngày càng tăng thêm.
Việc mở rộng nghề nông trồng lúa nước ở các vùng đồng bằng ven các con sông lớn thường xuyên phải đối mặt với hạn hán, lũ lụt. Vì vậy, cần phải có người chỉ huy đứng ra tập hợp nhân dân các làng để giải quyết vấn đề thủy lợi bảo vệ sản xuất, mùa màng và đời sống.
Ngoài mâu thuẫn, xung đột giữa kẻ giàu và người nghèo như đã nói ở trên thì các làng bản khi giao lưu với nhau cũng có xung đột. Đó là xung đột giữa người Lạc Việt với các bộ tộc người khác và cả giữa các bộ lạc Lạc Việt với nhau. Để có cuộc sống yên ổn, cần phải có một thế lực đủ sức giải quyết, chấm dứt các xung đột đó.
Như vậy là để đáp ứng yêu cầu của sự phát triển sản xuất, làm thủy lợi và giải quyết các vấn đề xung đột chính là những điều kiện dẫn tới sự ra đời của nhà nước Văn Lang – nhà nước đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam.