Hiến chương Liên Hiệp Quốc là hiến pháp của Liên Hiệp Quốc. Nó được kí kết trong Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Tổ chức Quốc tế (United Nations Conference on International Organization) tại San Fransisco, California ngày 26 tháng 6 năm 1945 bởi 50 nước thành viên đầu tiên, có hiệu lực từ ngày 24 tháng 10 năm 1945 sau khi được phê chuẩn bởi 5 nước thành viên sáng lập – Trung Hoa, Liên Bang Xô Viết, Pháp, Anh, Hoa Kỳ – và phần đông các nước khác. Vì lý do đó, sau này Đại hội đồng Liên hợp quốc quyết định lấy ngày 24/10 hàng năm làm ngày Liên hợp quốc.
Bản Hiến chương được thảo luận bởi hội đồng lập pháp và các nước đã kí đều tuân theo các điều khoản của nó. Hiện nay, phần lớn các quốc gia trên thế giới đã thông qua Hiến chương.
Hiến chương Liên Hợp Quốc là nền tảng cho sự ra đời và các nguyên tắc hoạt động của tổ chức Liên Hợp quốc và các chủ thể tham gia Liên Hợp quốc.
1. Hiến chương Liên hợp quốc tạo cơ sở cho hoạt động của chính Liên Hợp Quốc
Trước hết, sứ mệnh cao cả của LHQ được ghi rõ trong những dòng đầu tiên của Hiến chương LHQ là sự phản ánh nguyện vọng cháy bỏng của các dân tộc mới trải qua những mất mát chưa từng có trong chiến tranh thế giới thứ hai – đó là ngăn ngừa một cuộc chiến tranh thế giới mới. Nhận thức sâu sắc về sự cần thiết của một cơ sở toàn diện cho hòa bình, các quốc gia thành viên đề ra mục đích hàng đầu của LHQ là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, đồng thời xác định những mục đích quan trọng khác cho các hoạt động của LHQ là tăng cường quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc, thúc đẩy hợp tác để giải quyết các vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hóa, nhân đạo và bảo đảm quyền con người. Các quốc gia cũng trao cho LHQ vai trò là trung tâm điều hòa các hành động của các dân tộc hướng theo những mục đích đó.
Ðể tạo điều kiện về tổ chức, thể chế cho LHQ đảm nhiệm được vai trò của mình, các quốc gia đã quy định trong Hiến chương những nguyên tắc cho quan hệ giữa các quốc gia và hoạt động của LHQ mà sau này trở thành những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Cùng với đó là bộ máy gồm sáu cơ quan chính chịu trách nhiệm về các lĩnh vực hoạt động khác nhau là Ðại hội đồng (ÐHÐ), Hội đồng Bảo an (HÐBA), Hội đồng Kinh tế và Xã hội (ECOSOC), Hội đồng Quản thác (chính thức chấm dứt hoạt động theo quyết định của Hội nghị thượng đỉnh năm 2005), Tòa án quốc tế và Ban Thư ký.
Trong số đó, Hội đồng Bảo an được trao trách nhiệm hàng đầu trong việc duy trì hòa bình, an ninh quốc tế và được các quốc gia ủy quyền đưa ra các biện pháp, kể cả các biện pháp cưỡng chế nhằm giải quyết hòa bình các tranh chấp, chống lại các đe dọa xâm lược, phá hoại hòa bình.
Hiến chương quy định bộ máy tổ chức của Liên hợp quốc gồm sáu cơ quan chính là Đại hội đồng, Hội đồng bảo an, Hội đồng kinh tế và xã hội, Hội đồng quản thác, Tòa án quốc tế và Ban thư ký.
2. Hiến chương LHQ tạo ra khung pháp lý cho các hoạt động của các chủ thể quốc tế (các quốc gia gia nhập LHQ).
Các quốc gia tham gia LHQ phải cam kết mạnh mẽ đối với các tôn chỉ, mục đích của Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế và tin tưởng vào vai trò trung tâm của LHQ trong việc duy trì hoà bình và an ninh quốc tế.
Khi tham gia LHQ các quốc gia cần phải đảm bảo tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc của LHQ được quy định đầy đủ trong Hiến Chương LHQ (5 nguyên tắc),đây có thể được coi là khung pháp lý quan trọng điều hướng cho các hoạt động của các chủ thể quốc tế,tránh vi phạm các nguyên tắc chung của LHQ.
3. Liên hệ với tình hình thực tiễn quốc tế đặc biệt là mối quan hệ giữa LHQ và Việt Nam.
Ngày 20/9/1977, nước Việt Nam chính thức trở thành viên thứ 149 của tổ chức Liên hợp quốc (LHQ). Hơn 30 năm qua chứng kiến mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên hợp quốc ngày càng được mở rộng và phát triển tốt đẹp. Nhìn lại, đó là 30 năm quan hệ hợp tác tích cực, trách nhiệm và hiệu quả cao giữa Việt Nam và tổ chức LHQ.
Ngay từ ngày đầu tham gia tổ chức, Việt Nam đã khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với các tôn chỉ, mục đích của Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế và tin tưởng vào vai trò trung tâm của LHQ trong việc duy trì hoà bình và an ninh quốc tế. Là một dân tộc đã phải trải qua bao gian khổ hy sinh để giành và giữ nền độc lập, chúng ta luôn sát cánh cùng các dân tộc khác trên thế giới đấu tranh cho độc lập, chủ quyền và quyền dân tộc tự quyết, lên án chế độ phân biệt chủng tộc và tích cực ủng hộ những nỗ lực của LHQ trong việc ngăn ngừa và giải quyết các cuộc tranh chấp, xung đột quốc tế bằng các biện pháp hoà bình, thông qua đối thoại. Chúng ta cũng đóng góp tích cực vào các bước đi hướng tới mục tiêu giải trừ quân bị toàn diện và triệt để do LHQ đề ra. Từ năm 1996, chúng ta cũng bắt đầu tham gia đóng góp vào ngân sách cho các lực lượng gìn giữ hoà bình.
Là một nước đang phát triển, Việt Nam càng coi trọng vài trò của LHQ trong lĩnh vực kinh tế, phát triển. Vì vậy, Việt Nam đã tham gia ngày một đầy đủ và thực chất vào các cơ chế hoạch định chính sách của LHQ, chủ động tham gia bàn bạc, đề xuất hướng xử lý giải quyết, chủ động đối thoại và có những đóng góp, sáng kiến cụ thể, có ý nghĩa thực tiễn vào công việc của LHQ, trong vấn đề cải tổ hệ thống LHQ và trong nhiều lĩnh vực cụ thể như xoá đói giảm nghèo, phát triển xã hội, môi trường, an ninh lương thực, tài chính cho phát triển, nhà ở, nhân quyền, dân số và phát triển, phụ nữ, trẻ em, chống phân biệt chủng tộc, phòng chống HIV/AIDS…
Việc phát triển mối quan hệ hợp tác với LHQ là một nội dung quan trọng của đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam, là: độc lập tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác; Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực.